Bài giảng môn học Luật Tố tụng hình sự chương III: Chứng cứ và chứng minh cung cấp kiến thức nền tảng về các quy định pháp luật liên quan đến việc thu thập, đánh giá chứng cứ và quá trình chứng minh trong tố tụng hình sự. Nội dung tập trung giải thích khái niệm chứng cứ, các loại chứng cứ, phương thức thu thập, cùng vai trò của chứng minh trong việc làm sáng tỏ sự thật khách quan của vụ án. Đây là tài liệu cần thiết, giúp sinh viên và người học hiểu rõ quy trình xử lý chứng cứ và áp dụng hiệu quả trong thực tiễn pháp lý.
Bài giảng môn học Luật Tố tụng hình sự chương III
Chương 3: Chứng cứ và chứng minh
I. Chứng cứ trong tố tụng hình sự
1. Cơ sở lý luận của chứng cứ trong tố tụng hình sự
– Là lý luận nhận thức của chủ nghĩa duy vật biện chứng
– Xuất phát từ sự thừa nhận khả năng nhận thức của con người đối với thế giới khách quan
2. Khái niệm về chứng cứ
– Chứng cứ trong tố tụng hình sự là những thông tin, tài liệu có thật, có liên quan đến vụ án, được cơ quan có thẩm quyền dùng làm căn cứ để xác định có hay không có hành vi phạm tội, người thực hiện hành vi phạm tội cùng như những tình tiết khác có ý nghĩa đối với việc giải quyết vụ án
3. Các thuộc tính của chứng cứ
– Tính khách quan: những thông tin, tài liệu, đồ vật được dùng làm chứng cứ phải có thật và phản ánh trung thực những tình tiết của vụ án đã xảy ra
– Tính liên quan: những thông tin, tài liệu, đồ vật được sử dụng phải là những cơ sở để xác định sự tồn tại hay không tồn tại vấn đề nào đó của đối tượng chứng minh mà trước hết là những vấn đề cần phải chứng minh quy định tại Điều 63.
– Tính hợp pháp:
+ những thông tin, tài liệu, đồ vật này phải được thu thập, kiểm tra, đánh giá theo quy định của PL. Ví dụ: mớm cung, dụ cung, nhục hình, … thì không được công nhận
+ những thông tin, tài liệu, đồ vật này phải được xác định bằng những nguồn chứng cứ được quy định tại Khoản 2 Điều 64, cụ thể gồm 4 nguồn như sau:
- Vật chứng;
- Lời khai của người làm chứng, người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án, người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo;
- Kết luận giám định;
- Biên bản về hoạt động điều tra, xét xử và các tài liệu, đồ vật khác.
4. Đối tượng chứng minh và nghĩa vụ chứng minh
a. Đối tượng chứng minh
– Là tổng hợp tất cả những vấn đề cần được xác định và làm rõ để giải quyết đúng đắn vụ án hình sự
– Đối tượng chứng minh (Điều 63):
- Có hành vi phạm tội xảy ra hay không, thời gian, địa điểm và những tình tiết khác của hành vi phạm tội
- Ai là người thực hiện hành vi phạm tội; có lỗi hay không có lỗi, do cố ý hay vô ý; có năng lực trách nhiệm hình sự hay không; mục đích, động cơ phạm tội
- Những tình tiết tăng nặng, tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của bị can, bị cáo và những đặc điểm về nhân thân của bị can, bị cáo
- Tính chất và mức độ thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra
– Ngoài ra còn có thể có các đối tượng cần chứng minh khác tùy từng trường hợp cụ thể.
VD đối tượng chứng minh đối với vụ án người chưa thành niên thì ngoài 4 đối tượng cần chứng minh quy định trong điều 63 thì còn cần chứng minh thêm:
+ độ tuổi, trình độ (mức độ phát triển về thể chất, tinh thần, khả năng nhận thức về hành vi của người phạm tội)
+ điều kiện sinh sống và giáo dục. VD nếu bố mẹ có tiền án, tiền sự thì sẽ không thể giao cho bố mẹ giáo dục được
+ có đồng phạm, bị xúi giục hay không, …
b. Nghĩa vụ chứng minh
– Cơ quan tiến hành tố tụng có nghĩa vụ chứng minh vụ án
– Bị can, bị cáo có quyền nhưng không buộc phải chứng minh mình có tội
Câu hỏi: Tại sao tòa án lại có nghĩa vụ chứng minh trong khi luật quy định tòa án là cơ quan xét xử ?
Trả lời: Tòa án chứng minh để làm rõ sự thật khách quan của vụ việc chứ không phải để buộc tội, tòa án chứng minh để xem VKS có buộc tội đúng không chứ không phải chứng minh để buộc tội bị can, bị cáo
Câu hỏi: Tại sao luật không quy định bị can, bị cáo phải có nghĩ vụ chứng minh, trong khi về lý thuyết họ là người hiểu rõ nhất hành vi của mình ?
Trả lời: Không thể yêu cầu 1 người tự buộc tội mình vì không ai muốn phải chịu hình phạt, ngoài ra còn có lý do:
+ họ không đủ khả năng (tức là hiểu biết luật pháp) để buộc tội mình
+ theo nguyên tắc người buộc tội phải có nghĩa vụ chứng minh
III. Nguồn chứng cứ
– Là hình thức tồn tại của chứng cứ, là nơi rút ra chứng cứ, hoặc nơi chứa đựng chứng cứ
– Nguồn chứng cứ được quy định tại Khoản 2 Điều 64, cụ thể gồm 4 nguồn như sau:
- Vật chứng
- Lời khai của người làm chứng, người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án, người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo
- Kết luận giám định
- Biên bản về hoạt động điều tra, xét xử và các tài liệu, đồ vật khác.
1. Vật chứng (Điều 74)
– Vật chứng là những vật thể mà dựa vào đó cơ quan có thẩm quyền xác định những tình tiết có ý nghĩa đối với vụ án.
– Có thể chia vật chứng làm nhiều loại:
+ vật được dùng làm công cụ, phương tiện phạm tội. VD con dao để đâm người, chiếc xe máy để cướp giật trên đường
+ vật mang dấu vết của tội phạm. VD dấu vân tay trên cửa, vết máu trên tường
+ vật là đối tượng của tội phạm: là vật thể mà người phạm tội tác động vào, VD dí dao vào người để cướp xe
+ vật khác có giá trị chứng minh tội phạm và người phạm tội. VD tài sản do phạm tội mà có
– Vật chứng có giá trị bất biến theo thời gian, mang tính hoàn toàn khách quan, nên được coi là nguồn chứng cứ quan trọng nhất ==> Vật chứng cần được thu thập kịp thời, đầy đủ, được mô tả đúng thực trạng vào biên bản và đưa vào hồ sơ vụ án. Trong trường hợp vật chứng không thể đưa vào hồ sơ vụ án thì phải chụp ảnh và có thể ghi hình để đưa vào hồ sơ vụ án. Vật chứng phải được niêm phong, bảo quản.
– Thu thập và bảo quản vật chứng (Điều 75): thường được thu thập trong giai đoạn điều tra, thông qua các hoạt động như khám xét (khám người, khám chỗ ở, nơi làm việc, …), khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, hoặc thông qua hoạt động lấy lời khai bị can
– Xử lý vật chứng (Điều 76):
+ thẩm quyền quyết định xử lý:
- Cơ quan điều tra: nếu vụ án được đình chỉ ở giai đoạn điều tra
- Viện kiểm sát: nếu vụ án được đình chỉ ở giai đoạn truy tố
- Tòa án hoặc Hội đồng xét xử: ở giai đoạn xét xử
+ hướng xử lý vật chứng:
- Vật chứng là công cụ, phương tiện phạm tội, vật cấm lưu hành thì bị tịch thu, sung quỹ Nhà nước hoặc tiêu huỷ;
- Vật chứng là những vật, tiền bạc thuộc sở hữu của Nhà nước, tổ chức, cá nhân bị người phạm tội chiếm đoạt hoặc dùng làm công cụ, phương tiện phạm tội thì trả lại cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp; trong trường hợp không xác định được chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp thì sung quỹ Nhà nước;
- Vật chứng là tiền bạc hoặc tài sản do phạm tội mà có thì bị tịch thu sung quỹ Nhà nước;
- Vật chứng là hàng hóa mau hỏng hoặc khó bảo quản thì có thể được bán theo quy định của pháp luật;
- Vật chứng không có giá trị hoặc không sử dụng được thì bị tịch thu và tiêu huỷ.
2. Lời khai của người tham gia tố tụng
– Lời khai của người tham gia tố tụng phản ánh những dấu vết phi vật thể của vụ án, được thể diện dưới dạng văn bản
a. Lời khai của người làm chứng (Điều 67)
– Người làm chứng là người biết những tình tiết của vụ án được cơ quan tố tụng triệu tập đến để lấy lời khai
– Chú ý khi lấy lời khai:
+ làm rõ quan hệ của người làm chứng với những người tham gia tố tụng khác
+ tình trạng thể chất, tinh thần của người làm chứng vào thời điểm xảy ra vụ án: vì thường họ lâm vào tình trạng hoảng loạn, hoảng hốt khi chứng kiến vụ án (nhất là với những vụ án nghiêm trọng như giết người)
+ cần xem xét các yếu tố khách quan, chủ quan có thể ảnh hưởng đến nhận thức của người làm chứng: ví dụ như ánh sáng, âm thanh, màu sắc, … ảnh hưởng đến nhận thức ==> nhằm tránh tình trạng “hoang báo” của người làm chứng
– Lời khai của người làm chứng chỉ được dùng làm chứng cứ khi họ nói rõ vì sao biết được tình tiết đó
b. Lời khai của người bị hại (Điều 68)
– Người bị hại thường có tâm lý bị kích động, có xu hướng phóng đại hành vi phạm tội, phóng đại thiệt hại
– Chú ý: lời khai của người bị hại chỉ được dùng làm chứng cứ khi họ nói rõ vì sao biết được tình tiết đó
– Lời khai của người bị hại phải phù hợp với những chứng cứ khác thì mới được coi là chứng cứ
c. Lời khai của bị can, bị cáo (Điều 72)
– Lời khai của bị can là lời trình bày của người bị khởi tố hình sự; lời khai của bị cáo là lời trình bày của người đã bị tòa án quyết định đưa ra xét xử
– Lời khai của bị can được thu thập bằng hoạt động hỏi cung, lời khai của bị cáo được thu thập bằng hoạt động xét hỏi tại phiên tòa
– Đặc điểm:
+ lời khai của bị can, bị cáo là lời trình bày của người trực tiếp thực hiện tội phạm, họ là người hiểu biết nhất về hành vi của mình
+ nếu bị can, bị cáo thành khẩn khai báo sẽ giúp rất nhiều cho việc xét xử vụ án một cách chính xác, nhanh chóng
+ bị can, bị cáo dùng lời khai của mình làm phương tiện để bảo vệ quyền gỡ tội của mình
+ tâm lý chung của bị can, bị cáo thường là chối tội, đổ lỗi cho người khác hoặc cho hoàn cảnh khách quan
Chú ý: khai báo là quyền của bị can, bị cáo (bị can, bị cáo có quyền nhưng không buộc phải chứng minh mình có tội), nếu bị can, bị cáo thành khẩn khai báo thì sẽ là tình tiết giảm nhẹ, nhưng nếu ngoan cố không khai báo hoặc chối tội thì đó không phải là hình thức tăng nặng
– Nội dung:
+ Lời khai của bị can, bị cáo chỉ được dùng làm chứng cứ khi nó phù hợp với các chứng cứ khác của vụ án
+ Không được dùng lời nhận tội của bị can, bị cáo làm chứng cứ duy nhất để kết tội
– Ý nghĩa: khác với trong luật thời phong kiến coi lời khai của bị can, bị cáo là chứng cứ quan trọng nhất để buộc tội, việc quy định như trên sẽ tránh được được lạm dụng quyền lực của cơ quan tố tụng để ép bị can, bị cáo phải nhận tội (tức là sử dụng những dụng những biện pháp trái PL để có được lời khai theo quan điểm của cơ quan tố tụng, có thể sai so với thực tế) ==> dẫn đến oan sai. VD trong thời hiện nay là vụ ông Nguyễn Thanh Chấn ở Bắc Giang, vụ ông Huỳnh Văn Nén ở Bình Thuận là minh chứng rõ nhất cho việc lạm dụng quyền lực dẫn đến oan sai
3. Kết luận giám định (Điều 73)
– Là sản phẩm của hoạt động chuyên môn của người giám định thể hiện trong văn bản kết quả giám định (của cá nhân hoặc hội đồng giám định) theo quyết định trưng cầu giám định của cơ quan tiến hành tố tụng
– Người giám định chỉ được đưa ra kết luận giám định về những vấn đề thuộc về chuyên môn của họ, không được đưa ra kết luận ngoài phạm vi chuyên môn
– Đặc điểm của kết luận giám định:
+ là nguồn chứng cứ quan trọng vì nó được đưa ra dựa trên kiến thức của người có chuyên môn khoa học
+ tuy nhiên, đây là nguồn có thể thay thế được (vì đều là do con người làm), có thể yêu cầu giám định bổ sung, giám định khác nếu có căn cứ để thấy người thực hiện giám định không khách quan, hoặc thuộc người không được giám định vụ án, hoặc nghi ngờ về năng lực giám định
4. Biên bản hoạt động điều tra, xét xử và các tài liệu, đồ vật khác trong vụ án (Điều 77, 78)
– Biên bản về hoạt động điều tra:
+ biên bản bắt người, khám xét
+ biên bản khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi
+ biên bản đối chất, nhận dạng, thực nghiệm điều tra
– Biên bản về hoạt động xét xử:
+ biên bản phiên tòa
+ biên bản nghị án
– Biên bản về các hoạt động tố tụng khác tiến hành theo quy định của Luật TTHS: ví dụ Biên bản thu giữ vật chứng, Biên bản thu giữ đồ vật khi khám xét, Biên bản kê biên tài sản, …
– Tài liệu, đồ vật do cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp: ví dụ Hóa đơn, chứng từ do người tố giác cung cấp
Chú ý: Luật TTHS 2015 bổ sung thêm 2 nguồn chứng cứ mới là :
+ dữ liệu điện tử, phương tiện điện tử: như tin nhắn (SMS), thư điện tử (email), máy vi tính tính, điện thoại
+ những tài liệu được chuyển giao trong công tác phòng chống tội phạm quốc tế: VN là thành viên của Interpol, đã ký nhiều Hiệp định hỗ trợ tư pháp với nhiều quốc gia ==> những tài liệu mà nước bạn cung cấp, chia sẻ cũng là nguồn chứng cứ (nhất là với tội phạm xuyên quốc gia)
IV. Phân loại chứng cứ
– Mục đích của phân loại chứng cứ: phân loại chứng cứ không nhằm xác định giá trị chứng minh của từng loại chứng cứ, mà giúp việc nghiên cứu về chứng cứ khoa học hơn, khách quan hơn, từ đó giúp cho người thu thập chứng cứ đúng đắn ngay từ đầu
1. Chứng cứ trực tiếp và chứng cứ gián tiếp
a. Chứng cứ trực tiếp
– Khái niệm: là chứng cứ giúp xác định ngay những tình tiết này hay tình tiết khác của đối tượng chứng minh
– Đặc điểm: nếu đứng độc lập thì cũng đủ giúp ta đưa ra kết luận về vấn đề cần chứng minh mà không cần phải đặt trong mối quan hệ với những những chứng cứ khác
– Ví dụ: lời khai của người trực tiếp thực hiện tội phạm, lời khai của người làm chứng trực tiếp nhìn thấy hành vi phạm tội, lời khai của người bị hại trực tiếp chứng kiến hành vi phạm tội xảy ra đến với mình
b. Chứng cứ gián tiếp
– Khái niệm: là chứng cứ không giúp chỉ rõ ngay vấn đề cần chứng minh nhưng nếu kết hợp với các tài liệu khác có thể giúp chỉ rõ tình tiết này hay tình tiết khác của đối tượng cần chứng minh
VD: khi có vụ án mạng, thu được tại hiện trường con dao có vệt máu và dấu vân tay, khi đó con dao là vật chứng, nhưng dấu vân tay trên con dao có phải là của người phạm tội hay không thì chưa thể xác định được
– Đặc điểm: nếu đứng độc lập thì chứng cứ này không đủ để chứng minh vấn đề cần làm rõ, nó chỉ có ý nghĩa khi đặt nó trong quan hệ với những chứng cứ, tài liệu khác
2. Chứng cứ gốc và chứng cứ sao chép lại, thuật lại
a. Chứng cứ gốc
– Là chứng cứ được rút ra từ nơi xuất xứ đầu tiên của nó mà không qua bất kỳ khâu trung gian nào
VD: giấy tờ, văn bản gốc; người trực tiếp nhìn thấy hành vi phạm tội trình báo
– Đặc điểm: tính chính xác cao
b. Chứng cứ sao chép lại, thuật lại
– Là chứng cứ có liên quan đến nguồn đầu tiên của nó nhưng đã qua 1 hay nhiều khâu trung gian
VD: giấy tờ, văn bảo sao chụp lại; người được người khác kể cho biết tình tiết vụ án đến trình báo
– Đặc điểm: tính chính xác không đảm bảo ==> khi tìm được chứng cứ sao chép lại, thuật lại thì cần tìm chứng cứ gốc để xác nhận lại
3. Chứng cứ buộc tội và chứng cứ gỡ tội
a. Chứng cứ buộc tội
– Là chứng cứ xác định tội phạm, lỗi của người thực hiện tội phạm và các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự của bị can, bị cáo
– Đặc điểm: thường được rút ra từ lời khai của bị can, bị cáo, người làm chứng, người bị hại (tức là từ bản thân người trực tiếp thực hiện hành vi phạm tội hoặc từ người khác buộc tội họ)
b. Chứng cứ gỡ tội
– Là chứng cứ xác định không có tội phạm hoặc xác định tình tiết giảm nhẹ của bị can, bị cáo
VD: chứng cứ để chứng minh bị can, bị cáo lâm vào tình thế phải phòng vệ chính đáng, hoặc lâm vào tình thế bất ngờ (đang lái xe thì có người trong ngõ lao vọt ra)
Tham khảo trọn bộ bài giảng các môn học Luật Tố tụng hình sự: https://study.phapche.edu.vn/khoa-hoc-tim-hieu-mon-luat-to-tung-hinh-su?ref=lnpc
Mời bạn xem thêm: