Bài giảng môn học Luật thương mại quốc tế chương IV đi sâu vào cơ chế giải quyết tranh chấp trong khuôn khổ Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), một phần không thể thiếu trong hệ thống thương mại toàn cầu. Chương IV sẽ trình bày các quy trình, bước đi và phương thức giải quyết tranh chấp giữa các quốc gia thành viên, bao gồm từ giai đoạn tham vấn đến việc thành lập các ban hội thẩm và thực hiện phán quyết. Ngoài ra, sinh viên sẽ tìm hiểu về vai trò của cơ quan giải quyết tranh chấp và những thách thức mà nó đối mặt trong thực tiễn.
Bài giảng môn học Luật thương mại quốc tế chương IV
Chương 4: Cơ chế giải quyết tranh chấp trong khuôn khổ WTO
– Tranh chấp trong TMQT xảy ra khi:
- thành viên vi phạm nghĩa vụ
- thành viên không vi phạm nghĩa vụ nhưng gây thiệt hại cho thành viên khác
– Có 4 nhóm giải quyết tranh chấp:
- tham vấn
- môi giới / trung gian / hòa giải
- giải quyết tranh chấp trước DSB
- giải quyết tranh chấp bằng trọng tài
– Giải quyết tranh chấp TMQT trong khuôn khổ WTO là cách thức hóa giải mâu thuẫn một cách “hòa bình”, nhằm đưa mọi thứ trở về đúng quy định đã thỏa thuận trong WTO chứ không nhằm “trừng phạt” thành viên vi phạm. WTO cũng không có chế tài để cưỡng chế thành viên vi phạm, mà WTO trao quyền thực thi phán quyết cho chính các thành viên của mình. (khác với quy định về trừng phạt rất nghiêm khắc của Tòa án công lý của Liên minh châu Âu như buộc phải nộp tiền phạt)
– Trước 1995, cách thức giải quyết tranh chấp của WTO còn mang nặng tính “ngoại giao”, phụ thuộc vào kết quả đàm phán giữa các bên, vai trò của WTO khá mờ nhạt. Tuy nhiên, kể từ 1/1/1995, khi WTO chính thức ra dời dựa trên GATT 1947, thì WTO đã đặt ra 1 hệ thống giải quyết công bằng và tăng tính tư pháp.
Tuy nhiên về bản chất thì cơ quan giải quyết tranh chấp của WTO vẫn là cơ quan “bán tư pháp” chứ chưa hoàn toàn là tư pháp, và tính hiệu quả của cơ quan này không được đánh giá cao khi tham gia giải quyết những tranh chấp phức tạp.
Mặc dù vậy, cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO vẫn được coi là hiệu quả trong giai đoạn hiện nay, và là hình mẫu của các tổ chức quốc tế khác (như ASEAN hầu như áp dụng nguyên cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO)
I. Thẩm quyền, nguyên tắc và thủ tục giải quyết tranh chấp tại cơ quan giải quyết tranh chấp của WTO
- Giới thiệu DSB
a. Khái niệm
– DSB (Dispute Settlement Body) là cơ quan giải quyết tranh chấp được thành lập theo thỏa thuận DSU (Điều 1 DSU)
– DSB là Đại hội đồng WTO (Khoản 3 Điều 4 Hiệp định Marrakesh): WTO không thành lập cơ quan giải quyết tranh chấp hoàn toàn độc lập và tách rời khỏi cơ cấu tổ chức chung của WTO (như với Tòa công lý trong EU), mà Đại hội đồng WTO vừa là cơ quan thường trực, vừa là cơ quan giải quyết tranh chấp của WTO. Nghĩa là các thành viên của DSB cũng chính là đại diện của các nước thành viên trong Đại hội đồng. DSB có 1 Chủ tịch riêng độc lập hoàn toàn với Giám đốc WTO và được hỗ trợ bởi Ban thư ký của WTO trong quá trình tiến hành các thủ tục giải quyết tranh chấp.
– Tuy nhiên DSB chỉ tham gia một số bước trong quá trình của thủ tục giải quyết tranh chấp, phần lớn các bước do 2 cơ quan giúp việc của DSB thực hiện: là Panel và Cơ quan phúc thẩm.
b. Cơ quan giúp việc cho DSB
– Panel: Ban hội thẩm / Nhóm chuyên gia
- khái niệm: là cơ quan do DSB thành lập theo yêu cầu của ít nhất 1 bên trong từng vụ kiện, giúp DSB làm tròn chức năng giải quyết tranh chấp. Panel là cấp xét xử đầu tiên của hệ thống giải quyết tranh chấp.
Chú ý: Panel có đặc điểm giống với Tòa ad-hoc khi đều được thành lập theo từng vụ việc tranh chấp. Tuy nhiên với khác với tòa ad-hoc, panel không có thẩm quyền đưa ra phán quyết để giải quyết tranh chấp mà chỉ đưa ra tư vấn, khuyến nghị giúp DSB giải quyết tranh chấp.
- tính chất: là cơ quan vụ việc, tự giải tán sau khi hoàn thành nhiệm vụ
- Panel hoạt động theo đúng trình tự quy định trong DSU – Thỏa thuận các quy tắc và thủ tục điều chỉnh việc giải quyết tranh chấp (Dispute Settlement Understanding).
- thành viên Panel: với mỗi tranh chấp, có thể lựa chọn 3-5 chuyên gia tham gia vào Panel, theo nguyên tắc các chuyên gia này không được mang quốc tịch của các bên tranh chấp và các bên liên quan
– Cơ quan phúc thẩm (AB – Appelate Body)
- khái niệm: là cơ quan thường trực do DSB thành lập để xem xét kháng cáo về các vụ việc của Panel. AB là cấp xét xử thứ 2 của hệ thống giải quyết tranh chấp.
- tính chất: là cơ quan thường trực
- thành viên AB: gồm 7 chuyên gia có nhiệm kỳ 4 năm và mỗi người có thể được tái bổ nhiệm 1 lần, mỗi vụ việc sẽ do 3 chuyên gia xét xử
- Thẩm quyền
a. Thẩm quyền của DBS
– Giải quyết các tranh chấp xảy ra khi 1 thành viên nhận thấy 1 lợi ích thu được 1 cách trực tiếp hay gián tiếp bị vô hiệu hay vi phạm do:
- 1 thành viên không hoàn thành các nghĩa vụ đã cam kết (gọi là Tranh chấp do vi phạm)
- 1 thành viên áp dụng 1 biện pháp nào đó, dù biện pháp này có thể trái với quy định của WTO hay không, nhưng gây thiệt hại cho thành viên khác (gọi là Tranh chấp không do vi phạm)
- sự tồn tại 1 tình huống bất kỳ nào khác (thực tế đến nay chưa xảy ra)
– Phạm vi tranh chấp: giải quyết các tranh chấp liên quan đến các “hiệp định liên quan”, gồm:
- hiệp định thành lập WTO
- các hiệp định thương mại đa phương
- các hiệp định thương mại tùy nghi của 1 số thành viên
Ngoại trừ cơ chế rà soát thương mại (Điều 1 DSU)
Chú ý: các thành viên của WTO cũng có thể tham gia 1 hiệp định đa phương khác, khi đó thành viên đó chịu 2 sự ràng buộc: WTO và hiệp định khác đó. Khi xảy ra tranh chấp thì quốc gia thành viên có thể lựa chọn hoặc giải quyết theo Hiệp định đa phương, hoặc giải quyết tranh chấp theo WTO. Và khi đã lựa chọn giải quyết giải quyết theo Hiệp định rồi, nếu thấy không thỏa mãn thì cũng sẽ không được phép yêu cầu giải quyết lại tại WTO nữa (theo nguyên tắc tôn trong phán quyết của tổ chức ngang cấp). Mặt khác các quy định của WTO được cho là có sự “ưu tiên” các nước đang phát triển, do đó hầu hết các vụ kiện, bên yếu thế đều lựa chọn giải quyết theo luật WTO.
b. Thẩm quyền của Panel (Điều 11 DSU)
– Tiếp xúc với các bên tranh chấp: tiếp nhận đơn kiện và bản bào chữa của các bên, tổ chức họp giữa các bên, …
– Đánh giá khách quan các tình tiết, khả năng áp dụng các hiệp định liên quan, đưa ra kết luận giúp DSB đưa ra phán quyết:
- đánh giá các tình tiết là đúng / không đúng
- lựa chọn điều khoản áp dụng trong các hiệp định liên quan (VD Hiệp định chống bán phá giá, Hiệp định về tự vệ, …)
- kết quả làm việc của Panel là 1 bản Báo cáo được nộp lên cho DBS, nếu được DSB thông qua thì bản Báo cáo đó được coi như phán quyết của DSB và có giá trị pháp lý rằng buộc các bên tranh chấp, buộc các bên tranh chấp phải thi hành.
– Như vậy với mỗi vụ kiện, DSB chỉ tham gia vào 2 khâu: khâu đầu tiên, là khi thành lập Panel, và khâu cuối cùng, thông qua hoặc không thông qua báo cáo đó.
c. Thẩm quyền của cơ quan phúc thẩm (Khoản 6 Điều 17 DSU)
– Xem xét kháng cáo: chỉ được giới hạn về những vấn đề pháp lý được đề cập đến trong báo cáo của ban hội thẩm và những giải thích pháp luật của Panel. (tức là chỉ được xem xét việc áp dụng luật có đúng hay không)
- Nguyên tắc giải quyết tranh chấp
– Nguyên tắc bình đẳng:
- các thành viên WTO trong tranh chấp, không phân biệt vị thế chính trị, sức mạnh tài chính, đều có quyền và nghĩa vụ như nhau, đều có quyền trình bày ý kiến ở các phiên họp, đều có quyền kháng cáo
- sự bình đẳng thể hiện ngay trong chính các thành viên của các cơ quan tham gia giải quyết tranh chấp: các thành viên của Panel hay AB đều có sự bình đẳng khi đưa ra ý kiến của mình trong giải quyết tranh chấp
- trong các cuộc họp của DSB, mỗi thành viên có 1 lá phiếu bình đẳng như nhau
– Nguyên tắc bí mật:
- quá trình tham vấn được giữ bí mật: các bên tranh chấp được quyền quyết định có cho phép bên thứ 3 tham gia hay không (mặc dù bên thứ 3 có quyền đề nghị được tham gia)
- giai đoạn hội thẩm: có thể từ chối bên thứ 3 tham gia
- nội dung họp của ban hội thẩm, ban phúc thẩm được giữ bí mật đối với các bên tranh chấp và các bên thứ ba
Vụ tranh chấp chỉ được công khai khi DSB đã đưa ra phán quyết cuối cùng.
– Nguyên tắc đồng thuận: 1 vấn đề chỉ được thông qua khi không có ý kiến phản đối (có thể có phiếu trắng): tất cả các vấn đề trong WTO đều được thông qua theo nguyên tắc đồng thuận, ngoại trừ một số trường hợp sẽ áp dụng nguyên tắc đồng thuận phủ quyết.
– Nguyên tắc đồng thuận phủ quyết: (còn gọi là cơ chế thông qua tự động) vấn đề được thông qua khi có ít nhất 1 thành viên đồng ý thông qua. Được áp dụng trong việc ra quyết định thành lập Panel, thông qua báo cáo của Panel và AB.
Câu hỏi: VN gửi đơn kiện Mỹ áp thuế chống bán phá giá sai nguyên tắc của WTO. DSB sẽ họp để xem xét thành lập Panel giải quyết vụ việc theo nguyên tắc đồng thuận phủ quyết. Hỏi có bao nhiêu % khả năng Panel sẽ được thành lập theo yêu cầu của VN ?
Trả lời: gần như 100% Panel sẽ được thành lập, vì chỉ cần VN ủng hộ việc thành lập Panel thì DSB bắt buộc phải thành lập panel. (nếu muốn DSB phủ quyết việc thành lập Panel thì đòi hỏi 100% thành viên WTO phải phủ quyết, mà VN là 1 thành viên của WTO, không có việc VN tự phản đối chính mình)
Nhận xét: Panel và AB bề ngoài là các cơ quan tham vấn, giúp việc cho DBS, nhưng quyền lực của họ là rất lớn vì với cơ chế đồng thuận phủ quyết thì ý kiến của họ hầu như sẽ là ý kiến của DSB.
- Thủ tục trước DSB
a. Giai đoạn tham vấn
– Khái niệm: tham vấn là phương thức giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế giữa các thành viên WTO chỉ có sự tham dự của 2 bên tranh chấp.
Các bên thứ 3 có quyền nộp đơn xin tham dự tham vấn, nhưng các bên tranh chấp có quyền từ chối.
– Tham vấn là thủ tục bắt buộc, đầu tiên trong quy trình giải quyết tranh chấp của WTO ==> gọi là thủ tục mở tố tụng. Tuy nhiên tham vấn cũng là 1 phương thức giải quyết tranh chấp độc lập, tức là nếu trong khi thực hiện tham vấn, các bên tranh chấp đã hóa giải được mâu thuẫn thì tranh chấp coi như đã được giải quyết và không cần phải thực hiện các bước tiếp theo.
Như vậy tham vấn có thể tồn tại dưới 2 hình thức:
- là thủ tục đầu tiên trong quy trình giải quyết tranh chấp (thủ tục mở tố tụng)
- là 1 phương thức giải quyết tranh chấp độc lập
– Đặc điểm của giai đoạn tham vấn:
- tuân thủ nguyên tắc bí mật, tự do ý chí của 2 bên tranh chấp
- chỉ có 2 bên tranh chấp, bên thứ 3 muốn tham dự phải được2 beên tranh chấp đồng ý
- cơ hội tham vấn luôn mở ra cho các bên tranh chấp trong mọi thời điểm của quy trình giải quyết tranh chấp (ngay cả khi DSB đã ra phán quyết thì các bên vẫn có thể tiếp tục tham vấn; hoặc khi đang trong quá trình giải quyết tranh chấp mà các bên thông báo đã tham vấn thành công thì quá trình giải quyết tranh chấp sẽ bị đình chỉ). Chú ý: đây là đặc điểm quan trọng nhất của tham vấn, thể hiện nguyên tắc giải quyết tranh chấp của WTO là đề cao phương pháp “hòa bình”, đồng thời cũng thể hiện tính “bán tư pháp” trong quy trình giải quyết tranh chấp của WTO.
– Thời gian tham vấn:
- không xác định thời gian tham vấn: các bên không bị giới hạn thời gian tham vấn
- Quy định 60 ngày: trong trường hợp bị đơn vẫn muốn tham vấn, thì trong vòng 60 ngày kể từ ngày bắt đầu tham vấn, bên nguyên đơn không thể đề nghị thành lập Panel. Tức là bên nguyên đơn sẽ phải đợi ít nhất 60 ngày thì mới được yêu cầu thành lập Panel.
Ngoại lệ: trong vòng 60 ngày, nguyên đơn có thể đề nghị thành lập Panel nếu 2 bên cùng cho rằng tham vấn không thành công
– Thủ tục tham vấn:
- Một bên gửi yêu cầu tham vấn cho DSB
- Bên được yêu cầu tham vấn – nhận được tham tham vấn:
Trả lời tham vấn trong 10 ngày.
Tham gia tham vấn tích cực trong vòng 30 ngày
Nếu bên nhận yêu cầu tham vấn không trả lời trong 10 ngày, hoặc không tiến hành tham vấn trong 30 ngày thì nguyên đơn có thể trưc tiếp yêu cầu DSB thành lập Panel.
- Các bên có thể đề nghị thành lập Panel khi:
Sau 60 ngày đã tham vấn mà không thành công
Trước 60 ngày nếu cả 2 bên cho rằng tham vấn không thành công
Chú ý: quy định 10 ngày, 30 ngày, 60 ngày như trên là quy định chung của WTO, các bên có thể thỏa thuận để thay đổi các mốc thời gian này.
Trường hợp khẩn cấp, hoặc với hàng hóa dễ hư hỏng, các bên phải tiến hành tham vấn trong thời gian không quá 10 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu tham vấn, nếu việc tham vấn không giải quyết được tranh chấp trong thời hạn 20 ngày kể từ khi nhận được yêu cầu tham vấn, thì nguyên đơn có thể yêu cầu thành lập Panel.
Câu hỏi: Các khẳng định sau là Đúng / Sai
(1) Theo quy định của WTO, các bên tranh chấp bắt buộc phải tiến hành tham vấn trước khi nguyên đơn yêu cầu thành lập ban hội thẩm
(2) Theo quy định của WTO, hai bên tranh chấp chỉ được tham vấn trong 60 ngày
(3) Theo quy định của WTO, khi các bên đã kết thúc tham vấn và kết quả là tham vấn không thành công thì sau này các bên không còn có cơ hội tham vấn
Trả lời:
(1) Sai. Vì các bên chỉ bắt buộc phải tiến hành thủ tục tham vấn, chứ không bắt buộc tham vấn. Tức là chỉ cần nguyên đơn thực hiện thủ tục Gửi yêu cầu tham vấn là đã hoàn thành thủ tục tham vấn, bên bị đơn có thể đồng ý tham vấn hay không đồng ý tham vấn, hoặc tham vấn thành công hay không thành công, đều là quyền của các bên, không bắt buộc.
(2) Sai. Vì tham vấn là hoạt động không giới hạn thời gian. Quy định 60 ngày chỉ được áp dụng khi tham vấn không thành công, nguyên đơn có quyền đề nghị thành lập Panel
(3) Sai. Vì cơ hội tham vấn luôn mở ra cho các bên trong mọi giai đoạn của quá trình giải quyết tranh chấp, các bên hoàn toàn có thể khởi động lại tham vấn cho dù đã kết thúc giai đoạn tham vấn và kết quả là tham vấn không thành công.
b. Giai đoạn hội thẩm
– Khái niệm:
- là giai đoạn sau tham vấn
- giai đoạn làm việc giữa Panel và các bên tranh chấp / các bên liên quan
- bắt đầu khi có Đơn yêu cầu thành lập Panel
- kết thúc bằng Báo cáo cuối cùng của Panel trình lên DSB
– Thời gian:
- thông thường: 06 tháng
- khẩn cấp: 3 tháng
- đặc biệt: 9 tháng
Chú ý: quy định về thời hạn trên là quy định chung, các bên có thể thỏa thuận để kéo dài hay rút gọn các mốc thời gian này.
c. Giai đoạn phúc thẩm
– Khái niệm:
- giai đoạn xét xử sau giai đoạn hội thẩm – khi có kháng cáo đối với báo cáo cuối cùng của Panel, các bên sẽ có 1 khoảng thời gian để kháng cáo
- do cơ quan phúc thẩm thực hiện
- kết thúc bằng Báo cáo của cơ quan phúc thẩm lên DSB
Chú ý: cơ quan phúc thẩm không có thẩm quyền đối với toàn bộ nội dung vụ tranh chấp, mà chỉ xem xét lại trong nội dung kháng cáo, và các bên cũng chỉ kháng cáo đối với những nội dung áp dụng luật của Panel
– Thời gian:
- thông thường: 60 ngày
- đặc biệt: 90 ngày
– Thủ tục:
- AB làm việc độc lập – không tham vấn cùng các bên
- các báo cáo của AB soạn thảo theo nguyên tắc bí mật
- Thẩm quyền, nguyên tắc và thủ tục giải quyết tranh chấp theo thủ tục trọng tài
a. Khái niệm
– Giải quyết tranh chấp bằng trọng tài là việc các bên tranh chấp nhờ đến trọng tài viên để hóa giải mâu thuẫn, bất đồng giữa các bên.
Chú ý: khác với tòa án hay DSB, các bên tranh chấp có toàn quyền lựa chọn trung tâm trọng tài, lựa chọn trọng tài viên để giải quyết tranh chấp. Và trọng tài chỉ phát sinh thẩm quyền giải quyết tranh chấp khi cả 2 bên công nhận thẩm quyền của trọng tài.
– Các trường hợp sử dụng trọng tài trong WTO:
- giải quyết “toàn bộ” tranh chấp thay cho thủ tục trước DSB (Điều 25 DSU): các bên tranh chấp tự nguyện thỏa thuận áp dụng thủ tục trọng tài thay cho thủ tục tố tụng của DSU
- giải quyết tranh chấp về “khoảng thời gian hợp lý” (Điều 21 DSU): sau khi DSB đưa ra phán quyết, các bên sẽ có 1 “khoảng thời gian hợp lý” để thực thi phán quyết, nếu các bên không tự thỏa thuận được “khoảng thời gian hợp lý” là bao lâu thì sẽ nhờ đến trọng tài
- giải quyết tranh chấp về “mức độ tạm hoãn thi hành nhượng bộ” (Điều 22 DSU): (còn gọi là biện pháp trả đũa) khi 1 thành viên bị kết luận vi phạm luật WTO và phải thực thi phán quyết của DSB nhưng lại không thực thi phán quyết đó, thì thành viên bị vi phạm có thể sử dụng các biện pháp trả đũa. Khi trả đũa có thể “quá” so với thiệt hại do thành viên kia vi phạm gây ra ==> cần có trọng tài để thỏa thuận biện pháp trả đũa phù hợp
b. Thẩm quyền của trọng tài
– Tùy theo vụ việc:
- nếu áp dụng trọng tài theo Điều 21 và Điều 22 của DSU: thẩm quyền của trọng tài sẽ do WTO quy định
- nếu áp dụng trọng tài theo Điều 25 DSU: thẩm quyền của trọng tài sẽ do các bên tranh chấp thỏa thuận
– Thủ tục trọng tài:
- nếu theo Điều 25: do 2 bên thỏa thuận
- nếu theo Điều 21, Điều 22: do WTO quy định
c. Thực thi phán quyết
– Các bên tranh chấp thỏa thuận tuân thủ phán quyết
– Phán quyết của trọng tài được DSB bảo đảm thực thi theo Điều 21, Điều 22 DSU
- Thực thi phán quyết của DSB
– Phán quyết của DSB: báo cáo cuối cùng của Panel hoặc báo cáo của AB
– Giai đoạn thực thi phán quyết của DSB là giai đoạn mà các bên tranh chấp phải thực hiện những khuyến nghị của DSB, bắt đầu từ khi DSB đưa ra phán quyết và kết thúc khi các bên đã hoàn thành những khuyến nghị trong phán quyết đó.
– Nội dung phán quyết:
- DSB kết luận rằng 1 biện pháp nào đó là không phù hợp với hiệp định có liên quan
- DSB khuyến nghị rằng: thành viên đã sử dụng biện pháp đó cần điều chỉnh cho phù hợp với Hiệp định có liên quan
- DSB có thể đề xuất các cách mà theo đó thành viên có liên quan có thể thực hiện các khuyến nghị
II. Chế tài trong tranh chấp thương mại quốc tế công
- Buộc chấm dứt biện pháp vi phạm
– Là việc cơ quan giải quyết tranh chấp yêu cầu bên vi phạm dừng thực hiện biện pháp vi phạm Điều ước thương mại quốc tế đã được thỏa thuận giữa các bên
Chú ý: mặc dù biện pháp buộc chấm dứt biện pháp vi phạm này không mang tính chế tài rõ rệt, tuy nhiên WTO lại rất chú trọng đến biện pháp này, coi đây là biện pháp ưu tiên để giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế, thể hiện qua toàn bộ quy trình khiếu kiện đều hướng tới mục đích này (mục đích cuối cùng của WTO là duy trì trật tự thương mại thế giới)
- Bồi thường thương mại (đền bù)
– Là việc 1 bên thực hiện các biện pháp có lợi cho bên kia
– Bồi thường thương mại không có nghĩa là thanh toán tiền tệ, chính xác hơn là bên vi phạm có nghĩa vụ phải cung cấp 1 lợi ích, ví dụ như giảm thuế, tương đương với lợi ích mà bên kia đã bị mất đi hoặc suy yếu do biện pháp vi phạm được áp dụng.
Tuy nhiên nếu áp dụng biện pháp này thì sẽ vi phạm nguyên tắc tối huệ quốc (các nước thành viên khác không quan tâm đến việc các nước tranh chấp bồi thường cho nhau, mà họ quan tâm tới việc nước này giảm thuế cho sản phẩm nhập khẩu từ nước kia thì tại sao lại không giảm thuế tương ứng cho nước mình) ==> đây là chế tài hầu như chỉ có trên lý thuyết.
– Bồi thường thương mại chỉ được áp dụng tạm thời. Và sẽ chấm dứt khi bên vi phạm chấm dứt biện pháp vi phạm.
- Tạm hoãn thi hành nhượng bộ (trả đũa thương mại)
– Là việc bên có quyền lợi bị xâm phạm tạm dừng việc áp dụng các nhượng bộ hoặc các nghĩa vụ của mình cho bên vi phạm
– Điều kiện áp dụng:
- bên vi phạm không thực hiện chấm dứt biện pháp vi phạm
- bên vi phạm không thực hiện phán quyết trong thời gian quy định
- các trường hợp khác do DSB cho phép
– Tạm hoãn thi hành nhượng bộ cũng chỉ được áp dụng tạm thời. Và sẽ chấm dứt khi bên vi phạm chấm dứt biện pháp vi phạm.
Câu hỏi:
(1) Trong cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO, chỉ có các bên tranh chấp mới có quyền kháng cáo đối với báo cáo của ban hội thẩm
(2) Các bên tranh chấp là thành viên của WTO có thể lựa chọn thủ tục trọng tài để áp dụng thay thế cho thủ tục tố tụng của DSU
(3) Theo quy định của WTO, cơ quan điều tra của nước nhập khẩu vẫn có thể tiến hành điều tra đối với hàng nhập khẩu bán phá giá ngay cả khi không có đơn đề nghị điều tra bằng văn bản của ngành sản xuất trong nước hoặc đại diện cho ngành sản xuất trong nước
(4) Thuế suất nhượng bộ theo cam kết của 1 thành viên trong khuôn khổ WTO sẽ được thay đổi hoặc hủy bỏ khi nước này gia nhập khu vực mậu dịch tự do
(5) Thuế suất nhượng bộ theo cam kết của 1 thành viên trong khuôn khổ WTO sẽ được thay đổi hoặc hủy bỏ khi nước này gia nhập khu vực đồng minh thuế quan
Trả lời:
(1) Đúng. Chỉ có các bên tranh chấp mới có quyền kháng cáo đối với báo cáo của ban hội thẩm, các bên thứ 3 không có quyền kháng cáo
(2) Đúng. Theo Điều 25 DSU
(3) Đúng. Vì cơ quan điều tra có thể tự tiến hành điều tra khi thấy có hiện tượng bán phá giá mà không cần phải có đơn đề nghị điều tra của ngành sản xuất trong nước.
(4) Sai. Vì khi gia nhập khu vực mậu dịch tự do, vẫn cho phép mỗi quốc gia thành viên duy trì danh mục thuế quan của mình.
(5) Đúng.Vì khi gia nhập khu vực đồng minh thuế quan thì sẽ phải chấp nhận danh mục thuế quan chung của toàn bộ đồng minh thuế quan đó
Tham khảo trọn bộ bài giảng môn học Luật Thương mại quốc tế: https://study.phapche.edu.vn/khoa-hoc-tim-hieu-mon-luat-thuong-mai-quoc-te?ref=lnpc
Mời bạn xem thêm: