Bài giảng môn học Luật thương mại quốc tế chương III cung cấp cái nhìn chi tiết về các hiệp định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), là những khung pháp lý thiết yếu cho hoạt động thương mại quốc tế. Nội dung chương III bao gồm các hiệp định chủ yếu như Hiệp định chung về thuế quan và thương mại (GATT), Hiệp định về thương mại dịch vụ (GATS), và Hiệp định về quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến thương mại (TRIPS). Sinh viên sẽ tìm hiểu về nội dung, mục tiêu và tác động của từng hiệp định, cũng như cách thức các hiệp định này tạo ra môi trường thương mại công bằng và ổn định giữa các quốc gia. Đây là kiến thức quan trọng giúp người học áp dụng hiệu quả trong lĩnh vực thương mại quốc tế.
Bài giảng môn học Luật thương mại quốc tế chương III
Chương 3: Các hiệp định của WTO
– WTO là tổ chức thương mại tự do lớn nhất hành tinh, nhưng mức độ tự do trong WTO không cao. Sự tự do trong WTO mới được thể hiện trong thương mại hàng hóa và thương mại dịch vụ, còn những vấn đề quan trọng khác như dịch chuyển vốn, dịch chuyển lao động, giải quyết tranh chấp giữa quốc gia sở tại với nhà đầu tư nước ngoài, … thì chưa được WTO đề cập đến.
I. Pháp luật điều chỉnh của WTO trong lĩnh vực hàng hóa
- Hàng hóa và thuế quan
a. Hàng hóa
– Khái niệm: Hàng hóa trong thương mại quốc tế là sản phẩm được liệt kê, mô tả và mã hóa trong Danh mục HS của Công ước HS.
– Công ước HS: Công ước của Tổ chức hải quan thế giới, trong đó quy định Danh mục HS liệt kê, mô tả và mã hóa tất cả các sản phẩm được coi là hàng hóa trên thế giới. (VN gia nhập Công ước HS từ năm 2000)
Mục đích: hài hòa hóa danh mục hàng hóa, thuế quan giữa các nước với nhau
b. Thuế quan
– Khái niệm: thuế quan là 1 khoản thu của NN đối với hàng hóa khi hàng hóa đó di chuyển từ lãnh thổ hải quan này sang lãnh thổ hải quan khác
– Lãnh thổ hải quan là:
- 1 vùng lãnh thổ có chính sách thuế quan riêng biệt
- Có thể nằm trong lãnh thổ quốc gia (VD khu chế xuất) hoặc có thể là quốc gia
- Có thể nằm ngoài quốc gia, VD liên minh Châu Âu
– Mục đích của thuế quan:
- Tăng ngân sách của nước nhập khẩu
- Quản lý xuất nhập khẩu
- Bảo vệ sản xuất trong nước: vì phải chia sẻ thị trường trong nước cho nước ngoài (đây là mục đích quan trọng nhất)
– Danh mục thuế quan: là danh mục HS quốc gia được xây dựng trên cơ sở Danh mục HS quốc tế, trong đó ghi rõ mức thuế đối với mỗi sản phẩm khi nhập khẩu vào quốc gia.
- danh mục thuế quan quốc gia được công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng
- đối với khu vực mậu dịch tự do (FTA) hay liên minh thuế quan (CU) cũng có danh mục thuế quan cam kết của các nước thành viên. VD trong ASEAN (là 1 FTA) có danh mục thuế quan cam kết của mỗi nước theo trình đọ phát triển kinh tế của mỗi nước.
– Mức thuế trần: là cam kết không vượt quá 1 mức thuế nhất định.
Ngoại lệ: 1 nước có thể phá vỡ mức thuế trần, tức là áp thuế cao hơn mức thuế trần đã cam kết, với điều kiện phải đàm phán với các nước liên quan và có thể bị buộc bồi thường thiệt hại thương mại cho các nước liên quan.
– Lộ trình cắt giảm thuế quan: các nước tham gia WTO đều phải ca kết lộ trình cắt giảm thuế quan phù hợp với nền kinh tế của nước mình.
– WTO:
- ủng hộ thuế quan
- nó không phải là tự do hoàn toàn
- các thành viên được phép duy trì hàng rào thuế quan, thậm chí có thể tăng mức thuế quan để đỏi lấy việc gỡ bỏ các hàng rào phi thuế quan.
c. Biểu thuế suất nhượng bộ
– Biểu cam kết nhượng bộ:
- là văn bản ghi lại kết quả đàm phán về thuế trong các thỏa thuận thương mại tự do
- 164 quốc gia thuộc WTO có 164 biểu cam kết nhượng bộ, đính kèm vào trong GATT
- nội dung:
Cam kết giảm, mức giảm, thời gian giảm
Đưa ra mức thuế trần
– Biểu thuế suất hiện hành:
- là các mức thuế tại Danh mục HS quốc gia đang được áp dụng hiện hành
- VD: sản phẩm Xe cứu thương
Mã HS: 8703.32.10
Mức thuế theo WTO 20% ; ATIGA 0% ; FTA ASEAN-China 20%
- Hiệp định nông nghiệp
(đây là hiệp định cơ bản, đầu tiên của GATT 1947)
– Nội dung của hiệp định:
- tiếp cận thị trường nông sản của các quốc gia
- quy định về trợ cấp xuất khẩu
- quy định về hỗ trợ trong nước
– Vì sao có Hiệp định nông nghiệp:
- vì nông sản là hàng hóa “nhạy cảm” trong thương mại: đây là loại hàng hóa thiết yếu nhất đối với sự sinh tồn của con người ==> các nước đều có nhu cầu đảm bảo an ninh lương thực trước tiên. Hơn nữa, thương mại nong nghiệp ảnh hưởng trực tiếp đến người sản xuất ra nông nghiệp, vốn chiếm đa số dân số thế giới, và thường có thu nhập không cao.
- vì 2/3 quốc gia trên thế giới là đang phát triển và kém phát triển, sản phẩm làm ra phần lớn là nông sản
- phục vụ nhu cầu của các nước phát triển: bảo vệ sức khỏe người dân
- nông nghiệp phải có đất để sản xuất, trong khi diện tích đất nông nghiệp ngày càng thu hẹp ==> cần quan tâm đến nông sản
– Mâu thuẫn giữa 2 bên: các nước đang phát triển tìm ưu đãi từ các nước phát triển để vào thị trường, còn các nước phát triển trợ cấp cho nông sản của họ ==> vòng đàm phán DOHA đổ vỡ, vì các nước đang phát triển không có điều kiện để phát triển ==> rơi vào bế tắc
– Nhóm các nước G20 yêu cầu xóa bỏ trợ cấp xuất khẩu nông sản hoàn toàn ==> hy vọng các thành viên WTO xóa bỏ hỗ trợ để thị trường tự do hơn, công bằng hơn
– Mục đích của Hiệp định nông nghiệp:
- giảm bớt hỗ trợ của các nước phát triển cho nông nghiệp
- khuyến khích áp dụng thuế hóa thay cho các biện pháp phi thuế quan
a. Tiếp cận thị trường
– Bằng phương pháp thuế quan hoặc phi thuế quan
– Nghĩa vụ giảm thuế: không nhiều
- giảm 36% trong 6 năm đối với các nước phát triển
- giảm 24% trong 10 năm đối với các nước đang phát triển
Ví dụ: nước phát triển: hiện tại mức thuế là 40%, sau 6 năm mức thuế mới là 30% = 36% của 40%
– Phi thuế quan: (khoản 2) xóa bỏ hoàn toàn các biện pháp phi thuế quan (như hạn ngạch, các biện pháp hành chính, …)
b. Trợ cấp xuất khẩu
– Biểu cam kết của các thành viên:
- các nước phát triển: từ 36% xuống 21%
- các nước đang phát triển: từ 24% xuống 14%
c. Hỗ trợ trong nước
– Không phải cắt hoàn toàn mà tùy từng trường hợp có sự cắt giảm hoặc không cắt giảm.
– Khoản chi ngân sách cho khu vực nông thôn được chia thành các nhóm:
- Green box (hộp màu xanh lá cây): là các biện pháp hỗ trợ của NN dành cho cơ sở hạ tầng, nghiên cứu về nông nghiệp, y tế công cộng, an ninh lương thực
- Blue box (hộp màu xanh lam): là các chính sách trợ cấp của các nước đang phát triển, khoản chi trực tiếp nhằm hạn chế sản xuất nông nghiệp không mong muốn, VD thu hẹp đất trồng cây thuốc phiện
- Amiber box (hộp màu bìa phách): các quốc gia phát triển cắt giảm 20% trong 5 năm; các quốc gia đang phát triển cắt giảm 13% trong 9 năm
Câu hỏi trắc nghiệm:
(1) Các thành viên WTO có nhiệm vụ xóa bỏ hoàn toàn trợ cấp xuất khẩu đối với hàng nông sản và hàng phi nông sản
(2) Theo Hiệp định nông nghiệp, sản phẩm nông nghiệp được hiểu là tất cả các sản phẩm được sản xuất ở khu vực nông thôn, bao gồm: ngũ cốc, thịt, gia súc và thủy sản
(3) Theo Hiệp định nông nghiệp, các khoản trợ cấp có mục đích giúp người dân có thói quen trồng cây thuốc phiện sang trồng cây nông nghiệp nằm trong các khoản hỗ trợ phải cắt giảm.
(4) Theo Hiệp định nông nghiệp, các khoản trợ cấp dành cho nghiên cứu môi trường nông thôn hoặc xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn đều là những khoản trợ cấp cần xóa bỏ
Trả lời:
(1) Sai. Không xóa bỏ hoàn toàn mà chỉ xóa bỏ theo cam kết trong Hiệp định: 36% số hàng được trợ cấp và 10% giá trị trợ cấp
(2) Sai. Vì thủy sản không được coi là hàng nông sản tron thương mại quốc tế.
(3) Sai. Các khoản hỗ trợ này nằm trong nhóm xanh lam, tức là mang tính chính sách và không bị xóa bỏ
(4) Sai. Vì các khoản trợ cấp đó nằm trong nhóm xanh lá cây, tức là không phải xóa bỏ
- Hiệp định SPS – Hiệp định kiểm dịch động thực vật
– Đây là hiệp định nhằm điều chỉnh các hoạt động kiểm dịch động thực vật của các thành viên WTO.
a. Khái niệm biện pháp SPS
– Khái niệm: là các biên pháp nhằm mục đích bảo vệ sức khỏe con người khỏi:
- động, thực vật bị bệnh hay mang mầm bệnh
- các bệnh do động thực vật hay sản phẩm từ động thực vật gây ra
- chất phụ gia thực phẩm, độc chất hoặc vật gây bệnh
- ngăn chặn hay hạn chế tác hại khác của sâu bệnh
VD: các tiêu chuẩn kỹ thuật đối với thịt bò nhập khẩu: có chứng nhận nguồn gốc xuất xứ, có chứng nhận về kiểm tra an toàn vệ sinh dịch tễ, dư lượng kháng sinh phải trong ngưỡng cho phép, …
Chú ý: Biện pháp kiểm dịch động thực vật chỉ áp dụng đối với hàng hóa nông sản
– Khác với quy định về thuế quan được quy định rất rõ ràng, thì các quy định trong SPS rất mơ hồ, không rõ ràng, mỗi quốc gia có quy định riêng, chia ra các mức độ khác nhau.
- có thể quy định ở mức bằng quy định trong SPS
- có thể quy định ở mức cao hơn quy định trong SPS: gọi là thị trường “khó tính”
- có thể quy định ở mức thấp hơn quy định trong SPS: gọi là thị trường “dễ tính”
– WTO quy định về SPS:
- mỗi quốc gia thành viên đều có thể xây dựng và áp dụng SPS riêng: không thành viên nào bị ngăn cấm thông qua hoặc thi hành các biện pháp cần thiết để bảo vệ cuộc sống và sức khỏe của con người, động vật và thực vật.
- các thành viên khi xây dựng SPS quốc gia phải cố gắng hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế và khuyến nghị sẵn có
Ví dụ: tiêu chuẩn quốc tế quy định về hàm lượng chì trong sữa trẻ em là không quá 0.02 mg/kg
- SPS của nước A quy định phải nhỏ hơn 0.0002 mg/kg ==> tiêu chuẩn cao hơn
- SPS của nước B quy định không vượt quá 0.02 mg/kg ==> bằng tiêu chuẩn quốc tế
- SPS của nước C quy định không vượt quá 0.2 mg/kg ==> tiêu chuẩn thấp hơn
Chú ý: nếu 1 quốc gia xây dựng tiêu chuẩn SPS thấp hơn so với tiêu chuẩn quốc tế, thì WTO cũng không can thiệp (vì nó không cản trở dòng chảy thương mại, mục đích của WTO làm “khơi thông” các dòng chảy thương mại hàng hóa, còn vấn đề sản phẩm an toàn thuộc lĩnh vực khác, nằm ngoài phạm vi quy định của WTO)
Nếu 1 quốc gia xây dựng tiêu chuẩn SPS cao hơn so với tiêu chuẩn quốc tế thì sẽ là đối tượng xem xét của WTO (vì nó là rào cản thương mại), và WTO sẽ đặt ra các tiêu chuẩn với nhóm này.
– Điều kiện đối với biện pháp SPS quốc gia trong trường hợp quy định cao hơn tiêu chuẩn thế giới:
- Sự cần thiết: phải chứng minh được sự cần thiết
- Phải có căn cứ khoa học: đây là điều kiện quan trọng nhất
Ngoại lệ: là trường hợp áp dụng “nguyên tắc phòng ngừa”, theo đó 1 quốc gia có thể áp dụng tiêu chuẩn cao hơn tiêu chuẩn của thế giới với mục đích phòng ngừa (theo kiểu “an toàn là trên hết”) cho dù chưa có căn cứ khoa học chắc chắn, tuy nhiên đây chỉ là biện pháp tạm thời trong thời gian hợp lý.
- Các thông tin chuyên môn
- Không phân biệt chế độ tối huệ quốc (MFN)
- Hiệp định về hàng rào kỹ thuật – TBT
– Đây là hiệp định điều chỉnh về hàng rào kỹ thuật của mỗi quốc gia áp dụng cho hàng nhập khẩu, bao gồm cả hàng nông sản và hàng phi nông sản.
Theo quan điểm như trên thì TBT sẽ bao gồm SPS
– Quy định kỹ thuật: là các văn bản quy định về các thủ tục hành chính bắt buộc nhằm xác định đặc tính của sản phẩm hoặc quy trình và các phương pháp sản xuất.
Ví dụ: đối với thịt hun khói đóng gói phải đảm bảo các tiêu chí:
- hàm lượng chất bảo quản, phẩm màu thực phẩm, chất tạo giòn ==> là biện pháp SPS (vì nhằm bảo vệ sức khỏe con người)
- quy cách đóng gói: phải được hút chân không và đặt trong túi nhựa ==> là biện pháp TBT
Nếu thêm yêu cầu túi nhựa phải thân thiện với môi trường ==> là SPS
- giấy chứng nhận chất lượng sản phẩm ==> là biện pháp TBT
– (Quy định về TBT cũng tương tự như quy định về SPS)
– WTO quy định về TBT:
- mỗi quốc gia thành viên đều có thể xây dựng và áp dụng TBT riêng: không thành viên nào bị ngăn cấm thông qua hoặc thi hành các biện pháp cần thiết để bảo vệ cuộc sống và sức khỏe của con người, động – thực vật, bảo vệ môi trường, hay các quyền lợi khác của người tiêu dùng.
- các thành viên khi xây dựng TBT quốc gia phải cố gắng hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế và khuyến nghị sẵn có.
Chú ý: nếu 1 quốc gia xây dựng tiêu chuẩn TBT thấp hơn so với tiêu chuẩn quốc tế, thì WTO cũng không can thiệp. Nhưng nếu 1 quốc gia xây dựng tiêu chuẩn SPS cao hơn so với tiêu chuẩn quốc tế thì sẽ là đối tượng xem xét của WTO (vì nó là rào cản thương mại), và WTO sẽ đặt ra các tiêu chuẩn với nhóm này.
– Điều kiện đối với biện pháp TBT quốc gia trong trường hợp quy định cao hơn tiêu chuẩn thế giới: phải tuân thủ nguyên tắc đối tử quốc gia (nguyên tắc NT), tức là quy định đối với hàng nhập khẩu như thế nào thì cũng phải quy định đối với hàng trong nước như thế.
Lý do là vì TBT là hiệp định quy định về thủ tục, không quan tâm tới “nội dung” bên trong (tức là không cần quan tâm đến căn cứ khoa học, đến sự cần thiết, … mà chỉ quan tâm đến “hình thức” là các thủ tục)
VD: trong 1 thời gian dài, Trung Quốc áp dụng biện pháp kiểm tra đối với ô tô nhập khẩu, theo đó với mỗi mẫu ô tô nhập khẩu phải thông qua 1 cơ quan của nhà nước TQ kiểm tra, thời gian kiểm ra là 1 tháng, phí kiểm tra là 10.000 USD. Hỏi quy định này có vi phạm TBT ?
Trả lời: Quy định này không vi phạm TBT nếu Trung Quốc quy định thủ tục kiểm tra này áp dụng đối với cả ô tô nhập khẩu và ô tô sản xuất trong nước.
Chú ý: SPS không quy định về nguyên tắc đối xử quốc gia, tức là 1 quốc gia có thể quy định về tiêu chuẩn đối với thịt bò nhập khẩu ví dụ là phải không có hóc môn tăng trưởng, không được biến đổi gen; tuy nhiên đối với thịt bò sản xuất trong nước thì vẫn có thể có hóc môn tăng trưởng, có biến đổi gen.
- Hiệp định dệt may (đã hết hiệu lực từ năm 2000)
- Các quy định về chống bán phá giá
a. Cơ sở pháp lý
– Điều 6 GATT 1994: Các bên ký kết nhận thấy rằng bán phá giá, tức là việc sản phẩm của một nước được đưa vào kinh doanh thương mại trên thị trường của một nước khác với giá thấp hơn giá trị thông thường của sản phẩm, phải bị xử phạt nếu việc đó gây ra hoặc đe doạ gây ra thiệt hại đáng kể cho một ngành sản xuất trên lãnh thổ của một bên ký kết hay thực sự làm chậm chễ sự thành lập một ngành sản xuất trong nước.
– Hiệp định thực thi điều 6 của GATT: hiệp định chống bán phá giá (Hiệp định AD; hay ADA)
b. Các khái niệm
– Hiệp định AD có hiệu lực với tất cả 164 thành viên của WTO, theo đó mỗi thành viên sẽ tự xây dựng PL quốc gia về chống bán phá giá sao cho phù hợp với những quy định của Hiệp định AD.
– Sản phẩm bán phá giá: là sản phẩm có giá xuất khẩu của 1 sản phẩm thấp hơn giá trị thông thường của sản phẩm tương tự tại thị trường xuất khẩu.
- giá xuất khẩu: là giá của sản phẩm bán cho nước ngoài, tức là giá nhà xuất khẩu bán tại nước nhập khẩu
Các phương pháp xác định giá xuất khẩu: Giá xuất khẩu được xác định thông qua hợp đồng xuất khẩu (tức là giá nhà xuất khẩu bán cho nhà nhập khẩu)
Trong trường hợp không có giá xuất khẩu (là trường hợp Hợp đồng không tin cậy, VD chuyển giá), thì cơ quan có thẩm quyền xác định Giá xuất khẩu là giá sản phẩm nhập khẩu được bán lại lần đầu cho 1 người mua hàng khác (không liên quan đến nhà nhập khẩu). Nếu vẫn không xác định được thì giá xuất khẩu sẽ do cơ quan có thẩm quyền xác định (dựa trên chi phí sản xuất, phí vạn chuyển, thuế, lãi kinh doanh, …)
Giá xuất khẩu thông dụng nhất hiện nay là giá FOB (Giá giao trên tàu)
- giá trị thông thường: là giá trị của sản phẩm trong điều kiện thương mại bình thường
Giá trị thông thường của sản phẩm đã xác định: là giá bán trong nước của sản phẩm tương tự, tức là giá mà nhà xuất khẩu bán tại thị trường nội địa.
Trường hợp chưa xác định được (trường hợp hàng hóa sản xuất ra chỉ để xuất khẩu, không bán trong nước, hoặc chỉ bán trong nước với số lượng rất ít, không đủ tạo thành giá trong nước. Quy định chung là số lượng bán trong nước phải chiếm ít nhất 5% lượng hàng xuất khẩu thì mới tạo thành giá bán thông thường) thì giá thông thường là giá sản xuất tại nước xuất xứ hàng hóa cộng thêm 1 khoản chi phí vận chuyển, chi phí bán hàng, các chi phí chung và lợi nhuận.
Điều kiện thương mại bình thường: do mỗi quốc gia quy định. Quan điểm chung là điều kiện thương mại bình thường phải là trong nền kinh tế thị trường. Như vậy những nước chưa được công nhận là nền kinh tế thị trường thường bị coi là có điều kiện thương mại không bình thường. Trong trường hợp nước xuất xứ của hàng hóa là nước có nền kinh tế phi thị trường, thì nước nhập khẩu có quyền lựa chọn nước thay thế để xác định giá thành sản xuất.
Ví dụ: trong vụ kiện bán phá giá cá tra – cá ba sa giữa VN và Mỹ, do VN chưa được công nhận có nền kinh tế thị trường nên Mỹ đã lựa chọn nước thứ 3 để xác định giá thông thường của cá tra – cá ba sa VN, nước được lựa chọn đó là Banglades. Một lý do nữa của VN khi nuôi cá tra – cá basa (và tất cả các loại thủy sản khác) là trong quá trình nuôi đều phải sử dụng điện và xăng, trong khi ở VN thì cả điện và xăng đều được NN trợ cấp giá ==> giá thành của cá tra – cá basa đã không còn chính xác.
Hiệp định Marrakesh (là hiệp định thành lập WTO), gồm 4 phụ lục:
– Phụ lục 1:
- Phụ lục 1a: gồm 13 hiệp định đa biên về thương mại hàng hóa:
Hiệp định chung về thuế quan và thương mại
Hiệp định Nông nghiệp
Hiệp định về Áp dụng các Biện pháp Kiểm dịch Động thực vật (SPS)
Hiệp định về Hàng dệt may (Lưu ý: Hiệp định này đã hết hiệu lực từ ngày 01/01/2005)
Hiệp định về các Hàng rào Kỹ thuật đối với Thương mại (TBT)
Hiệp định về các Biện pháp Đầu tư liên quan đến Thương mại (TRIMs)
Hiệp định về Chống bán phá giá (Điều VI của GATT 1994) (ADA)
Hiệp định về Xác định Trị giá tính thuế hải quan (Điều VII của GATT 1994)
Hiệp định về Giám định hàng hóa trước khi gửi hàng (PSI)
Hiệp định về Quy tắc Xuất xứ
Hiệp định về Thủ tục Cấp phép Nhập khẩu
Hiệp định về Trợ cấp và các Biện pháp đối kháng
Hiệp định về các Biện pháp tự vệ
- Phụ lục 1b: Hiệp định chung về thương mại dịch vụ (hiệp định GATS)
- Phụ lục 1c: Hiệp định về các khía cạnh liên quan đến thương mại của quyền sở hữu trí tuệ (hiệp định TRIPs)
– Phụ lục 2: Hiệp định về Quy tắc và Thủ tục Giải quyết Tranh chấp trong khuôn khổ WTO (hiệp định DSU)
– Phụ lục 3: Hiệp định về Cơ chế Rà soát Chính sách thương mại (Hiệp định TPRM)
– Phụ lục 4: Các Hiệp định thương mại nhiều bên
Phụ lục 4a: Hiệp định về Thương mại Máy bay Dân dụng
Phụ lục 4b: Hiệp định về Mua sắm Chính phủ
Phụ lục 4c: Hiệp định quốc tế về sữa (Lưu ý: Hiệp định này đã chấm dứt năm 1997)
Phụ lục 4d: Hiệp định quốc tế về thịt bò ( Lưu ý: Hiệp định này đã chấm dứt năm 1997)
II. Hiệp định chống bán phá giá (ADA)
- Khái quát
– ADA thực thi Điều VI của Hiệp định chung về thuế quan và thương mại 1994 (GATT 1994)
– Nằm trong nhóm Hiệp định điều chỉnh các biện pháp khắc phục thương mại
– ADA bao gồm 18 điều và 2 phụ lục
– Mục đích ra đời của ADA:
- cho phép các nước thành viên được quy định các biện pháp, thủ tục điều tra chống lại hành vi bán phá giá
- ngăn cản các thành viên lạm dụng biện pháp chống bán giá để tại ra rào cản thương mại với các quốc gia thành viên của WTO
– Các nội dung cơ bản của ADA:
- định nghĩa sản phẩm bán phá giá
- căn cứ để xác định hành vi bán phá giá
- nguyên tắc điều tra bán phá giá
- cơ sở của việc áp thuế đối kháng đối với hàng hóa nhập khẩu bán phá giá
- Khái niệm 1 sản phẩm bị coi là bán phá giá
– Khoản 1 Điều 2 Hiệp định ADA: Một sản phẩm được coi là bán phá giá nếu giá xuất khẩu (EP) của sản phẩm được xuất khẩu từ nước này sang nước khác thấp hơn giá trị thông thường (NV) của sản phẩm tương tự được tiêu dùng tại nước đó theo những điều kiện thương mại thông thường.
X = NV – EP
Nếu X > 0 thì có hiện tượng bán phá giá
- NV: giá trị thông thường
- EP: giá xuất khẩu
- X: biên độ bán phá giá
Ví dụ: mặt hàng tôm đông lạnh của nước A bán tại trường nước A với giá 15$/kg, khi xuất khẩu sang nước B và bán với giá 10$kg tại thị trường nước B. Trường hợp này đã xảy ra hiện tượng bán phá giá với sản phẩm tôm đông lạnh tại thị trường nước B vì giá xuất khẩu (10$) thấp hơn giá .
– Nguyên nhân của hiện tượng bán phá giá: muốn chiếm thị phần tại nước xuất khẩu, chèn ép các nhà sản xuất địa phương, đẩy các nhà sản xuất địa phương đến phá sản, và khi đã không còn đối thủ cạnh tranh thì sẽ nâng giá để kiếm lợi nhuận.
a. Giá xuất khẩu (EP)
– Khái niệm: là giá bán sản phẩm từ nước xuất khẩu sang nước nhập khẩu
– Cách tính giá xuất khẩu: 1 trong các cách (theo thứ tự ưu tiên)
- giá trong giao dịch mua bán giữa người xuất khẩu với nhà nhập khẩu, hoặc
- giá bán sản phẩm nhập khẩu đó cho người mua độc lập đầu tiên tại nước nhập khẩu, hoặc
- giá do cơ quan có thẩm quyền của nước nhập khẩu xác định
b. Giá trị thông thường (NV)
– Khái niệm: là giá trị của 1 sản phẩm ở điều kiện thương mại thông thường
– Cách xác định: 1 trong các cách (theo thứ tự ưu tiên)
- giá bán của sản phẩm tương tự tại thị trường nước xuất khẩu
- giá bán của sản phẩm tương tự mà nhà xuất khẩu áp dụng tại 1 nước khác
- theo chi phí sản xuất, các chi phí khác và mức mợi nhuận thông thường của nhà xuất khẩu
VD: Việt Nam nhập khẩu xe máy Dream được sản xuất tại Nhật. Vì người Nhật không sử dụng xe máy Dream nên không thể lấy giá bán xe máy Dream tại Nhật, khi đó có thể so sánh với giá bán xe máy Dream tại Thái Lan, Indonexia
VD: Iran là 1 nước theo đạo Hồi, nhập khăn choàng đầu sản xuất tại VN. Khi điều tra xem khăn choàng đầu từ VN có bán phá giá tại Iran không, thì Iran không xác định giá trị thông thường của khăn choàng đầu tại VN, vì VN có rất ít người theo đạo Hồi. Thay vào đó Iran sẽ só sánh với giá mà VN bán khăn choàng đầu tại một số nước cũng theo đạo Hồi như Indonexia, Paskistan
VD: trong vụ kiện chống bán phá giá cá tra, cá ba sa xuất xứ từ VN, vì Mỹ xem VN là nước có nền kinh tế phi thị trường (NME) nên sẽ không sử dụng chi phí sản xuất thực tế của các nhà sản xuất thủy sản VN để xác định giá trị thông thường của sản phẩm. Thay vào đó, Mỹ sẽ sử dụng các giá trị từ 1 nước thay thế để xác định giá trị của các “yếu tố sản xuất” dùng để sản xuất ra mặt hàng bị điều tra, nước được chọn là nước có điều kiện kinh tế, điều kiện tự nhiên gần với VN và đã có nền kinh tế thị trường, Mỹ đã chọn Banglades.
c. Sản phẩm tương tự (like product) (Điều 2.6 ADA)
– Sản phẩm giống hệt: là sản phẩm có tất cả các đặc tính giống với sản phẩm đang xem xét
– Nếu không có sản phẩm nào như vậy thì là sản phẩm khác có nhiều đặc điểm gần giống với sản phẩm được xem xét
– WTO không đưa ra các tiêu chí để xác định 2 sản phẩm có là sản phẩm tương tự không, mà trong quá trình giải quyết tranh chấp, sẽ dựa vào các án lệ.
Để xem xét 2 sản phẩm có phải sản phẩm tương tự, thông thường xem xét 4 yếu tố:
- đặc tính vật lý của sản phẩm
- thị hiếu của người tiêu dùng
- mục đích tiêu dùng sản phẩm
- phân loại các biểu thuế quan
d. Biên độ bán phá giá (Margin of dumping)
– Khái niệm: là khoảng chênh lệch giữa giá xuất khẩu (EP) với giá trị thông thường (NV) của sản phẩm
– Biên độ bán phá giá được tính theo tỷ lệ % giá xuất khẩu:
BĐPG = (NV – EP) / EP x 100%
nếu BĐPG >= 2% thì bị coi là bán phá giá
VD: giá trị thông thường là 140 Eur, giá bán tại thị trường EU là 100 Eur
==> BĐPG = (140 – 100) / 100 x 100% = 40%
==> bị coi là bán phá giá
– Chú ý: 1 sản phẩm chỉ được coi là bán phá giá khi có biên độ bán phá giá lơn hơn hoặc bằng 2%. Trường hợp mới chỉ xác định giá xuất khẩu thấp hơn giá trị thông thường thì chỉ được coi là có hiện tượng bán phá giá (tức là cần điều tra thêm, chưa thể kết luận).
- Quá trình 1 vụ kiện chống bán phá giá
– Một vụ kiện chống bán phá giá thực chất là tổng hợp các bước điều tra xác minh các yêu cầu trong đơn kiện để kết luận có đủ điều kiện áp dụng các biện pháp chống bán phá giá đối với hàng hoá bị kiện hay không.
– Theo quy định của ADA, các bước cơ bản của “vụ kiện chống bán phá giá” như sau:
- B1: Ngành sản xuất nội địa nước nhập khẩu nộp đơn kiện (kèm theo chứng cứ ban đầu)
- B2: Cơ quan có thẩm quyền ra quyết định khởi xướng điều tra (hoặc từ chối đơn kiện, không điều tra)
- B3: Điều tra sơ bộ về việc bán phá giá và về thiệt hại (qua bảng câu hỏi gửi cho các bên liên quan, thu thập, xác minh thông tin, thông tin do các bên tự cung cấp)
- B4: Kết luận sơ bộ (có thể kèm theo quyết định áp dụng biện pháp tạm thời như buộc đặt cọc, ký quỹ…)
- B5: Tiếp tục điều tra về việc bán phá giá và về thiệt hại (có thể bao gồm điều tra thực địa tại nước xuất khẩu)
- B6: Kết luận cuối cùng
- B7: Quyết định áp dụng biện pháp chống bán phá giá (nếu kết luận cuối cùng khẳng định có việc bán phá giá gây thiệt hại)
- B8: Rà soát lại biện pháp chống bán phá giá (hàng năm cơ quan điều tra có thể sẽ điều tra lại biên phá giá thực tế của từng nhà xuất khẩu và điều chỉnh mức thuế)
- B9: Rà soát hoàng hôn (5 năm kể từ ngày có quyết định áp thuế chống bán phá giá hoặc rà soát lại, cơ quan điều tra sẽ tiến hành điều tra lại để xem xét chấm dứt việc áp thuế hay tiếp tục áp thuế thêm 5 năm nữa).
Từ bước 1 đến bước 7 của một vụ điều tra chống bán phá giá thường kéo dài khoảng 18 tháng đến 2 năm. Tuy nhiên, bước 8 và 9 có thể kéo rất dài sau đó.
VD: trong vụ kiện cá tra, cá basa ở Hoa Kỳ chẳng hạn, đơn kiện nộp ngày 28/6/2002, quyết định áp thuế ban hành ngày 7/8/2003. Sau đó 2005 và 2006 đều đã có rà soát lần 1, 2 đối với một số công ty xuất khẩu của VN.
- Điều tra chống bán phá giá
a. Tư cách nguyên đơn
– Chủ thể có quyền khởi kiện:
- cơ quan có thẩm quyền của nước nhập khẩu. VD ở VN là Cục Quản lý cạnh tranh – Bộ Công thương
- ngành sản xuất sản phẩm tương tự của nước nhập khẩu
Hầu hết các vụ kiện chống bán phá giá trên thực tế đều được khởi xướng từ đơn kiện của ngành sản xuất nội địa nước nhập khẩu.
– Nếu chủ thể khởi kiện là cơ quan có thẩm quyền thì đơn kiện sẽ được thụ lý ngay. Nếu chủ thể là ngành sản xuất sản phẩm tương tự của nước nhập khẩu thì Đơn kiện phải đáp ứng đủ các điều kiện sau:
- các nhà sản xuất ủng hộ đơn kiện có sản lượng sản phẩm tương tự chiếm ít nhất 50% tổng sản lượng sản xuất ra bởi tất cả các nhà sản xuất đã bày tỏ ý kiến ủng hộ hoặc phản đối đơn kiện, và
- các nhà sản xuất ủng hộ đơn kiện phải có sản lượng sản phẩm tương tự chiếm ít nhất 25% tổng sản lượng sản phẩm tương tự của toàn bộ ngành sản xuất trong nước
Tình huống: có 3 nhà sản xuất thép, A chiếm 35%, B chiếm 20%, C chiếm 45% tổng sản lượng sản xuất thép tại VN. Thị trường thép VN có sự tham gia của thép nhập khẩu từ Hoa Kỳ.
- A cho rằng sản phẩm thép của Hoa Kỳ có hiện tượng bán phá giá và muốn khởi kiện
- B cho rằng sản phẩm thép của Hoa Kỳ không bán phá giá và không đồng ý khởi kiện
- C không đưa ra ý kiến
Hỏi trong trường hợp này, khi đơn khởi kiện của A gửi đến cơ quan có thẩm quyền của VN, cụ thể là Bộ Công thương thì có được chấp nhận không ?
Trả lời: Bộ Công thương chỉ chấp nhận đơn kiện khi đáp ứng đủ 2 điều kiện:
- các nhà sản xuất ủng hộ đơn kiện có sản lượng sản phẩm tương tự chiếm ít nhất 50% tổng sản lượng sản xuất ra bởi tất cả các nhà sản xuất đã bày tỏ ý kiến ủng hộ hoặc phản đối đơn kiện ==> chỉ có A và B bày tỏ ý kiến với tổng sản lượng là 35% + 20% = 55%, và A chiếm 35% lớn hơn 50% của 55% ==> đáp ứng điều kiện thứ nhất
- các nhà sản xuất ủng hộ đơn kiện phải có sản lượng sản phẩm tương tự chiếm ít nhất 25% tổng sản lượng sản phẩm tương tự của toàn bộ ngành sản xuất trong nước ==> chỉ có A ủng hộ, và A chiếm sản lượng 35% lớn hơn 25% theo yêu cầu ==> đáp ứng điều kiện thứ hai
Như vậy Bộ Công thương sẽ chấp nhận đơn khởi kiện của A.
Nếu trong trường hợp chỉ có B khởi kiện, A có ý kiến không khởi kiện, và C không đưa ra ý kiến ==> đơn khởi kiện của B sẽ không được chấp nhận vì đã không đáp ứng điều kiện đầu tiên, vì chỉ có A và B bày tỏ ý kiến với tổng sản lượng là 35% + 20% = 55%, B chiếm 20% nhỏ hơn 50% của 55%. Ngay cả với điều kiện hai thì sản lượng của A ủng hộ đơn kiện chỉ là 20% nhỏ hơn 25 % theo yêu cầu.
Nếu A yêu cầu khởi kiện, cả B và C đều không đồng ý khởi kiện, thì điều kiện thứ nhất đã không đạt, vì tổng sản lượng của tất cả các nhà sản xuất đã bày tỏ ý kiến ủng hộ hoặc phản đối là 35% + 20% + 45% = 100%, trong khi sản lượng của nhà sản xuất ủng hộ đơn kiện là A chỉ có 35%, ít hơn 50% của 100% ==> đơn khởi kiện của A sẽ bị bác bỏ.
b. Các trường hợp chấm dứt điều tra bán phá giá
– Có 3 trường hợp trong quá trình điều tra bán phá giá, nước nhập khẩu nhận thấy 1 trong các điều kiện sau:
- biên độ phá giá dưới 2%
- kim ngạch nhập khẩu hàng bán phá giá dưới 3% tổng lượng nhập khẩu sản phẩm tương tự (chỉ áp dụng đối với nước xuất khẩu là nước đang phát triển)
- biên độ bán phá giá lớn hơn 2% nhưng thiệt hại không đáng kể
– Lưu ý: điều tra vẫn có thể được tiến hành nếu tổng cộng hàng nhập khẩu của 1 số nước có hoàn cảnh tương tự (như cùng là nước đang phát triển) chiếm trên 7% tổng khối lượng nhập khẩu cho dù lượng hàng nhập khẩu từ mỗi nước chiếm dưới 3% tổng khối lượng nhập khẩu nói trên.
Ví dụ: nước A nhập khẩu gạo từ nước B, trong B có 3 doanh nghiệp xuất khẩu gạo vào A là doanh nghiệp C, D, E với sản lượng tương ứng là 0.5%, 2%, 0.4% ==> tổng lượng gạo nhập khẩu từ C, D, E là 0.5% + 2% + 0.4% = 2.9% nhỏ hơn 3% ==> A chấm dứt điều tra bán phá giá đối với các doanh nghiệp của B
Ví dụ: cũng với ví dụ trên, thêm thông tin là A còn nhập khẩu gạo từ các quốc gia khác, H, G, và K với lượng nhập khẩu của H là 1.9%, của G là 1.8%, của K là 1% ==> tổng sản lượng nhập khẩu của B, H, G, K là 2.9% + 1.9% + 1.8% + 1% = 7.6% lớn hơn 7% ==> A vẫn tiến hành điều tra
– Trường hợp đặc biệt: Cam kết giá (Điều 8 ADA) là hành vi tự nguyện của nhà xuất khẩu cam kết tăng giá hoặc ngừng xuất khẩu phá giá vào thị trường đang điều tra
VD: đang trong quá trình điều tra sơ bộ, cơ quan có thẩm quyền của quốc gia nhập khẩu đưa ra kết luận sản phẩm nhập khẩu có hiện tượng bán phá giá, thì doanh nghiệp xuất khẩu cam kết tăng giá bán lên sao cho biên độ phá giá nhỏ hơn 2% ==> chấm dứt điều tra
c. Áp dụng các biện pháp tạm thời (Điều 7 ADA)
– Căn cứ:
- khi có kết luận sơ bộ của cơ quan điều tra về việc bán phá giá dẫn đến thiệt hại nghiêm trọng cho ngành sản xuất trong nước, và
- việc áp dụng là cần thiết trong quá trình điều tra để ngăn chặn tồn tại đang xảy ra
– Các biện pháp tạm thời có thể được áp dụng:
- áp thuế tạm thời: ví dụ áp thuế bổ sung lên sản phẩm nhập khẩu bị coi là bán phá giá
- áp dụng hình thức đảm bảo: yêu cầu doanh nghiệp bị coi là bán phá giá nộp 1 khoản tiền (để đảm bảo cho việc điều tra bán phá giá)
- cho thông quan nhưng bảo lưu quyền đánh thuế và nêu rõ mức thuế nhập khẩu thông thường và mức thuế chống bán phá giá dự kiến áp dụng
- Áp thuế chống bán phá giá
a. Thuế chống bán phá giá
– Khái niệm: Là khoản thuế được áp bổ sung lên sản phẩm bị coi là bán phá giá (bên cạnh thuế nhập khẩu)
– Mục đích:
- đẩy giá của sản phẩm đó ngang bằng “giá trị thông thường” nhằm chấm dứt sự cạnh tranh không lành mạnh
- bù đắp thiệt hại cho ngành sản xuất tương tự của nước nhập khẩu
b. Điều kiện để áp thuế chống phá giá (Điều 5.2 ADA)
– Có hành vi bán phá giá đã xảy ra
– Gây ra hoặc đe dọa gây ra thiệt hại “đáng kể” đối với ngành sản xuất sản phẩm tương tự trong nước nhập khẩu
– Có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi và thiệt hại
c. Cách xác định mức thuế AD (Điều 8 ADA)
– Thuế chống bán phá giá (thuế AD) do cơ quan có thẩm quyền của nước nhập khẩu xác định
– Thuế AD được xác định cho từng nhà xuất khẩu 1 cách hợp lý (tùy theo mức độ bán phá giá)
– Biện pháp AD thường được quy định là áp thuế nhập khẩu bổ sung
– Mức thuế chống bán phá giá không được vượt quá biên độ bán phá giá. VD 1 sản phẩm bán phá giá 5% thì mức thuế chống bán phá giá không được vượt quá 5%
d. Thời hạn áp dụng và xem lại thuế AD (Điều 11 ADA)
– Thời hạn áp dụng thuế AD:
- tối đa 5 năm kể từ khi được áp dụng
- có thể áp dụng tiếp tục (sau 5 năm) nếu có cơ sở pháp lý
– Thời gian tiến hành rà soát:
- rà soát hàng năm: để tiến hành điều chỉnh mức bán phá giá cho phù hợp
- rà soát cuối kỳ (rà soát hoàng hôn): kiểm tra xem có còn hiện tượng bán phá giá không, nếu vẫn còn sẽ tiếp tục gia hạn thêm 1 chu kỳ (tối đa 5 năm)
III. Hiệp định SCM về trợ cấp và các biện pháp đối kháng
- Khái quát về hiệp định SCM
– Nằm trong nhóm Hiệp định điều chỉnh các biện pháp khắc phục thương mại
a. Mục đích
– Đưa ra khuôn khổ cho việc áp dụng trợ cấp
– Điều chỉnh các hoạt động có thể được các nước thành viên thực hiện để đối kháng lại các tác động của trợ cấp
b. Nội dung chủ yếu của SCM
– Xác định khái niệm trợ cấp, các loại trợ cấp
– Các điều kiện áp dụng biện pháp đối kháng
– Trình tự, thủ tục áp dụng các biện pháp đối kháng
– Đối xử đặc biệt với các nước đang phát triển
c. Phạm vi điều chỉnh SCM
– Chỉ áp dụng đối với các trợ cấp cá biệt cho 1 doanh nghiệp hoặc 1 ngành kinh tế hoặc 1 nhóm doanh nghiệp
– Áp dụng với hàng hóa công nghiệp và hàng hóa nông nghiệp
- Định nghĩa trợ cấp (Điều 1 SCM)
– Là 1 khoản tài chính của Chính phủ hay cơ quan công quyền cấp cho tổ chức thương mại hoặc doanh nghiệp theo 1 trong các cách mang lại lợi nhuận:
- chuyển kinh phí trực tiếp
- miễn giảm 1 khoản thu của NN
- cung cấp miễn phí 1 dịch vụ hay hàng hóa thay vì cơ sở hạ tầng chung
Ví dụ: Để phát triển ngành sản xuất lúa gạo, chính phủ VN đã cho phép các doanh nghiệp sản xuất lúa gạo được vay vốn để sản xuất với lãi suất thấp hơn so với thị trường. Trường hợp này nghĩa là NN đã thay doanh nghiệp trả 1 phần lãi suất cho ngân hàng ==> Chính phủ VN đã thực hiện hành vi trợ cấp.
Ví dụ: Cũng để hỗ trợ ngành sản xuất lúa gạo, Chính phủ VN miễn giảm thuế cho các doanh nghiệp sản xuất lúa gạo ==> đã thực hiện hành vi trợ cấp.
– Tại sao hành vi trợ cấp của NN lại bị coi là hành vi bóp méo thương mại quốc tế ?
Tại vi khi được trợ cấp, giá thành sản phẩm sẽ giảm so với sản phẩm tương tự tại quốc gia không được NN trợ cấp, sẽ gây ra sự không công bằng trong cạnh tranh.
– Sự khác biệt giữa hành vi bán phá giá và hành vi trợ cấp ?
Khi bán phá giá thì sự khác biệt về giá bán ở nước nhập khẩu, do doanh nghiệp xuất khẩu “cố tình” bán giá thấp để chiếm lĩnh thị trường. Còn khi thực hiện hành vi trợ cấp thì sự khác biệt về giá bán diễn ra ngay tại thị trường nước xuất khẩu, và do giá bán trong nước đã thấp thì giá xuất khẩu cũng sẽ rất cạnh tranh so với sản phẩm tương tự không được trợ cấp.
Bán phá giá Trợ cấp
Giống nhau: đều là hành vi bóp méo thương mại
Chủ thể thực hiện Doanh nghiệp xuất khẩu Chính phủ của nước xuất khẩu
Hành vi diễn ra Tại thị trường nước nhập khẩu Ngay tại thị trường nước xuất khẩu
- Các loại trợ cấp
– Trợ cấp bị cấm: là “trợ cấp đèn đỏ” (Điều 3 SCM)
– Trợ cấp có thể bị kiện: là trợ cấp không bị cấm nhưng có thể bị kiện (Điều 5 SCM), gọi là “trợ cấp đèn vàng”
Chú ý: không còn quy định về loại trợ cấp “đèn xanh” – trợ cấp không bị kiện (quy định này chỉ tồn tại từ 01/01/1995 đến 31/12/1999)
a. Trợ cấp bị cấm (Điều 3 SCM)
– Định nghĩa: là trợ cấp có điều kiện, theo đó:
- người được trợ cấp phải đáp ứng được những mục tiêu xuất khẩu nhất định (trợ cấp xuất khẩu): đây là loại trợ cấp gây ra bóp méo thương mại một cách hoàn toàn
VD: Chính phủ VN ra chính sách khuyến khích xuất khẩu gạo cho các doanh nghiệp VN, thưởng 10 triệu USD cho doanh nghiệp nào đạt kim ngạch xuất khẩu 10 tỷ USD
VD: Chính phủ VN cung cấp miễn phí giống lúa gạo cho các doanh nghiệp sản xuất gạo cho doanh nghiệp có thành tích xuất khẩu tốt.
- phải dùng hàng nội địa thay cho hàng nhập khẩu (trợ cấp thay thế nhập khẩu)
– Các loại trợ cấp này bị cấm theo thương mại quốc tế
b. Trợ cấp không bị cấm nhưng có thể bị kiện (Điều 5 SCM)
– Định nghĩa: là trợ cấp không bị cấm, nhưng có thể bị kiện hoặc áp dụng biện pháp đối kháng, nếu các trợ cấp này gây tác động xấu cho lợi ích của thành viên khác, như:
- gây thiệt hại cho ngành kinh tế trong nước
- gây thiệt hại nghiêm trọng
- làm vô hiệu hoặc suy yếu các lợi ích có được từ GATT 1994
- Các biện pháp xử lý khi có trợ cấp
– Gồm 2 cách:
- giải quyết theo cơ chế giải quyết tranh chấp tại WTO
- áp dụng biện pháp đối kháng (Phần 5 SCM): hầu hết các quốc gia lựa chọn hình thức này
a. Giải quyết theo cơ chế giải quyết tranh chấp tại WTO (sẽ học sau)
b. Áp dụng biện pháp đối kháng
– Cơ sở pháp luật: Phần 5 SCM
– Định nghĩa: là việc áp đặt 1 khoản thuế bổ sung (bên cạnh thuế nhập khẩu) nhằm vào hàng hóa nhập khẩu nhằm làm cân bằng, đối kháng lại các khoản trợ cấp.
– Nguyên tắc và thủ tục áp thuế đối kháng: giống với ADA
– Áp thuế đối kháng (Điều 19 SCM):
- quyết định áp thuế đối kháng do cơ quan có thẩm quyền của nước nhập khẩu quy định
- số tiền thuế đối kháng sẽ thu có thể bằng mức trợ cấp hay thấp hơn mức trợ cấp
- thuế đối kháng được xác định phù hợp với từng trường hợp, trên cơ sở không phân biệt đối xử giữa các sản phẩm nhập khẩu
– Thời hạn áp dụng các biện pháp đối kháng: tối đa 5 năm kể từ ngày áp dụng
- rà soát hàng năm: để điều chỉnh biện pháp đối kháng
- rà soát hoàng hôn: quyết định có xóa bỏ biện pháp đối kháng hay không
IV. Hiệp định tự vệ thương mại (SA)
(Hiệp định thực thi điều 19 của GATT 1994)
- Khái quát
– Nằm trong nhóm Hiệp định điều chỉnh các biện pháp khắc phục thương mại cùng với ADA và SCM.
– Khác với hiệp Hiệp định ADA và SCM, hiệp định SA điều chỉnh hành vi trong trường hợp không có hành vi gây ra sự cạnh tranh không lành mạnh, không có hành vi gây ra sự bóp méo thương mại như đã quy định trong ADA và SCM, nhưng trong trường hợp 1 quốc gia bị thiệt hại bởi quá trình tự do hóa thương mại thì quốc gia đó có quyền được áp dụng các biện pháp tự vệ thương mại.
a. Mục đích
– Cho phép áp dụng các biện pháp tự vệ để bảo hộ tạm thời
– Đưa ra khuôn khổ về điều kiện và thủ tục áp dụng để tránh lạm dụng biện pháp tự vệ để bảo hộ sản xuất trong nước.
b. Nội dung chủ yếu của SA
– Xác định khái niệm biện pháp tự vệ: thế nào là tự vệ, và trong trường hợp nào quốc gia được phép áp dụng biện pháp tự vệ
– Quy định các loại biện pháp tự vệ có thể được áp dụng
– Quy định về điều kiện, thủ tục, thời hạn áp dụng biện pháp tự vệ
c. Phạm vi điều chỉnh của SA
– Chỉ áp dụng đối với thương mại hàng hóa, không áp dụng đối với thương mại dịch vụ, đầu tư và sở hữu trí tuệ
- Nội dung của hiệp định SA
a. Định nghĩa về biện pháp tự vệ
– Là khi số lượng hàng nhập khẩu tăng đột ngột, gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại nghiêm trọng cho ngành kinh tế trong nước, nước nhập khẩu được phép tạm thời hạn chế nhập khẩu mặt hàng đó bằng cách:
- tăng thuế nhập khẩu cao hơn mức thuế quan ràng buộc, hoặc
- áp dụng các biện pháp hạn chế số lượng, trên cơ sở tuân thủ nguyên tắc MFN
– Ví dụ: nước A là nước có ngành sản xuất gạo, và cũng nhập khẩu gạo từ các nước khác. Trong 1 khoảng thời gian ngắn, lượng gạo nhập khẩu về nước A tăng đột biến, khiến cung cao hơn cầu, làm giảm giá gạo, ảnh hưởng đến ngành sản xuất gạo trong nước. Khi đó mặc dù không có bất kỳ hành vi bóp méo thương mại nào nhưng theo luật WTO thì nước A có thể áp dụng biện pháp tự vệ để bảo hộ tạm thời ngành sản xuất gạo trong nước, chẳng hạn áp thuế bổ sung, áp dụng hạn ngạch.
b. Điều kiện để áp dụng biện pháp tự vệ
– Một nước nhập khẩu chỉ có thể áp dụng biện pháp tự vệ sau khi đã tiến hành điều tra và chứng minh được sự tồn tại đồng thời của các điều kiện sau:
- số lượng hàng nhập khẩu gia tăng đột ngột
- việc gia tăng hàng nhập khẩu đột ngột đã gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại nghiêm trọng cho ngành sản xuất trong nước
- có mối quan hệ nhân quả: số lượng hàng nhập khẩu gia tăng đột ngột là nguyên nhân cơ bản gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại nghiêm trọng cho ngành sản xuất trong nước
– Nguyên tắc chung của việc áp dụng các biện pháp tự vệ:
- áp dụng ở mức độ cần thiết (Điều 5 SA): nhằm ngăn chặn thiệt hại nghiêm trọng xảy ra với ngành sản xuất trong nước
- việc áp dụng các biện pháp tự vệ phải tuân thủ nguyên tắc MFN (Điều 5 SA), tuy nhiên vẫn có ngoại lệ ưu đãi cho quốc gia đang phát triển
VD: A nhập khẩu từ B, C và D. Nếu A tuyên bố áp dụng biện pháp tự vệ bằng cách áp dụng hạn ngạch với B và C nhưng lại không áp dụng hạn ngạch với D thì khi đó A đã vi phạm nguyên tắc MFN. Tuy nhiên nếu B và C là quốc gia phát triển, còn D là quốc gia đang phát triển thì việc A làm như trên lại không vi phạm SA.
c. Bồi thường thiệt hại thương mại khi áp dụng biện pháp tự vệ (Điều 8)
– Tự vệ thương mại không phải là công cụ “miễn phí”, vì nó được sử dụng để “đối phó” với hành vi thương mại hoàn toàn bình thường (không có hành vi vi phạm pháp luật hay cạnh tranh không lành mạnh) nên về hình thức, việc áp dụng biện pháp tự vệ bị coi là đi ngược lại chính sách tự do hoá thương mại của WTO.
Do đó biện pháp tự vệ là một công cụ “phải trả tiền”. Điều này có nghĩa là các nước được phép áp dụng nó bảo vệ ngành sản xuất của nước mình nhưng phải “trả giá” cho những thiệt hại mà biện pháp này gây ra cho các nhà sản xuất nước ngoài (như một hình thức cân bằng cam kết thương mại với nước khác).
Cụ thể, nước áp dụng biện pháp tự vệ phải bồi thường thương mại cho các nước có hàng hoá bị áp dụng biện pháp tự vệ theo các điều kiện nhất định. Nếu nước này không tuân thủ, WTO cho phép các nước liên quan được áp dụng biện pháp trả đũa.
– Khái niệm:
- “bồi thường” được hiểu là sự nhượng bộ dưới dạng giảm thuế quan đối với 1 hoặc nhiều mặt hàng khác của thành viên bị tác động bất lợi vì biện pháp tự vệ thương mại
- nếu 2 bên không đạt được thỏa thuận về bồi thường thiệt hại, thì bên bị áp dụng biện pháp tự vệ thương mại có quyền khởi kiện hoặc áp dụng biện pháp “trả đũa”, bằng cách đánh thuế cao hơn, áp hạn ngạch, hoặc cấm các mặt hàng nhập khẩu từ nước đã áp dụng biện pháp tự vệ:
Trả đũa song hành: ví dụ A áp biện pháp tự vệ với sản phẩm gạo từ B, B trả đũa bằng cách áp thêm thuế vào sản phẩm gạo nhập từ A
Trả đũa chéo: ví dụ A áp biện pháp tự vệ với sản phẩm gạo từ B, trong khi B không xuất gạo sang A, mà B xuất khẩu thép sang A, thì B có thể trả đũa bằng cách áp thêm thuế với thép nhập từ A
“Trả đũa” được hiểu là sự rút nhượng bộ hoặc nghĩa vụ khác cho nước áp dụng biện pháp tự vệ. Tuy nhiên không được thực hiện quyền trả đũa trong thời hạn 3 năm kể từ biện pháp tự vệ có hiệu lực, nếu biện pháp tự vệ này được thực hiện theo đúng quy định của SA.
Quy định 3 năm sau mới được thực hiện quyền trả đũa là 1 kẻ hở để các nước lợi dụng. Ví dụ A muốn bảo hộ ngành sản xuất trong nước, A áp dụng biện pháp tự vệ theo đúng quy định của SA, sau 2 năm, A rút lại biện pháp tự vệ. Sau 3 năm B muốn trả đũa thì sẽ không có căn cứ. Hành vi của A đã giúp cho ngành sản xuất của A được 2 năm thuận lợi, nhưng lại gây thiệt hại cho B.
WTO không khuyến khích thành viên áp dụng tự vệ thương mại.
d. Các biện pháp tự vệ có thể được áp dụng
– Tăng thuế nhập khẩu
– Các biện pháp hạn chế số lượng hàng nhập khẩu
e. Thời hạn áp dụng biện pháp tự vệ
– Căn cứ pháp luật: Điều 7 SA
- thời hạn tối đa: 8 năm, với các nước đang phát triển là 10 năm
- quy định về “điều khoản hoàng hôn” tương tự ADA, SCM
Tham khảo trọn bộ bài giảng môn học Luật Thương mại quốc tế: https://study.phapche.edu.vn/khoa-hoc-tim-hieu-mon-luat-thuong-mai-quoc-te?ref=lnpc
Mời bạn xem thêm: