fbpx
ICA - Học viện đào tạo pháp chế doanh nghiệp
Bài giảng môn học Luật sở hữu trí tuệ chương X

Bài giảng môn học Luật sở hữu trí tuệ chương X: Xác lập quyền sở hữu công nghiệp sẽ giúp người học hiểu rõ về các nguyên tắc, quy trình và điều kiện xác lập quyền sở hữu công nghiệp đối với các đối tượng như sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu, tên thương mại, và chỉ dẫn địa lý. Chương này đặc biệt nhấn mạnh vai trò của việc đăng ký quyền sở hữu công nghiệp tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền, phân tích các bước đăng ký, thời hạn bảo hộ, quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu cũng như quy định pháp lý liên quan khi có tranh chấp hoặc vi phạm quyền sở hữu công nghiệp.

Bài giảng môn học Luật sở hữu trí tuệ chương X

Chương 10: Xác lập quyền sở hữu công nghiệp

– Xác lập quyền sở hữu công nghiệp trên cơ sở đăng ký và được cấp văn bằng bảo hộ, áp dụng với 5 đối tượng:

+ sáng chế

+ thiết kế bố trí mạch tích hợp

+ kiểu dáng công nghiệp

+ nhãn hiệu

+ chỉ dẫn địa lý

– Xác lập quyền sở hữu công nghiệp trên cơ sở thực tiễn sử dụng, được bảo hộ tự động (không phải đăng ký), áp dụng với 3 đối tượng:

+ tên thương mại: bằng chứng để được bảo hộ gồm Giấy đăng ký kinh doanh, các hợp đồng, các tài liệu quảng cáo, xúc tiến thương mại, hóa đơn … để chứng minh việc sử dụng thực tế tên thương mại

+ bí mật kinh doanh: chủ thể sở hữu tự bảo vệ bí mật của mình

+ nhãn hiệu nổi tiếng

Bài giảng môn học Luật sở hữu trí tuệ chương X
Bài giảng môn học Luật sở hữu trí tuệ chương X

Câu hỏi: Sự khác nhau giữa quyền tác giả với nhóm 3 đối tượng được bảo hộ tự động nêu trên (vì cùng được bảo hộ tự động, không cần phải đăng ký) ?

Trả lời:

+ Quyền tác giả tự động phát sinh ngay khi ra đời, còn 3 đối tượng trên phải qua thực tiễn sử dụng thì mới được bảo hộ

+ Quyền tác giả được bảo hộ vô điều kiện, không cần quan tâm đến nội dung; trong khi 3 đối tượng trên phải đáp ứng các điều kiện, các tiêu chuẩn do PL quy định (chứ không đương nhiên được bảo hộ), VD với tên thương mại phải không được trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với tên thương mại của chủ thể đã được bảo hộ trước đó (trong khi tên tác phẩm có thể trùng nhau)

I. Xác lập quyền sở hữu công nghiệp trên cơ sở đăng ký và được cấp văn bằng bảo hộ

1. Quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp (Điều 86)

– Chủ thể có quyền đăng ký:

+ tác giả

+ tổ chức, cá nhân đầu tư kinh phí, phương tiện vật chất cho tác giả dưới hình thức giao việc, thuê việc

– Trường hợp nhiều tổ chức, cá nhân cùng nhau tạo ra hoặc đầu tư để tạo ra sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí thì các tổ chức, cá nhân đó đều có quyền đăng ký và quyền đăng ký đó chỉ được thực hiện nếu được tất cả các tổ chức, cá nhân đó đồng ý.

==> đây là hình thức hợp tác rất phổ biến hiện nay giữa doanh nghiệp với các trung tâm nghiên cứu, viện nghiên cứu, trường đại học

– Người có quyền đăng ký có quyền chuyển giao quyền đăng ký cho tổ chức, cá nhân khác dưới hình thức hợp đồng bằng văn bản, để thừa kế hoặc kế thừa theo quy định của PL, kể cả trường hợp đã nộp đơn đăng ký.

==> thường gặp trong các hội chợ công nghệ, khi nhà khoa học ký hợp đồng chuyển giao quyền đăng ký cho doanh nghiệp

– Trường hợp nhà nước đầu tư kinh phí, cơ sở vật chất thì quyền đăng ký thuộc về nhà nước. Nếu nhà nước chỉ góp 1 phần kinh phí, cơ sở vật chất thì NN được hưởng 1 phần quyền đăng ký tương ứng.

– Chú ý:

+ với sáng chế: có thể đăng ký bảo hộ tại VN hoặc tại nước ngoài (hầu hết các nước đều là thành viên của Công ước Paris 1883 về quyền sở hữu công nghiệp)

+ với sáng chế mật như trong lĩnh vực quốc phòng an ninh: vẫn đăng ký như bình thường nhưng không công khai thông tin

Các sáng chế sau khi thẩm định sẽ được công bố công khai. Mục đích là để không nghiên cứu trùng lặp, nhằm tiết kiệm chi phí xã hội; và để mọi người đều có thể tiếp cận thông tin về đơn đăng ký sáng chế, có ý kiến về đơn đăng ký đó, hoặc để hợp tác sản xuất kinh doanh trên cơ sở sáng chế.

+ với thiết kế bố trí mạch tích hợp: chỉ thẩm định về hình thức, chưa thẩm định về nội dung (do hạn chế về chuyên gia trong lĩnh vực này), tuy nhiên đến nay ở VN chưa có đơn đăng ký nào

2. Quyền đăng ký nhãn hiệu (Điều 87)

– Chủ thể có quyền đăng ký nhãn hiệu:

+ Tổ chức, cá nhân tiến hành sản xuất hành hóa hoặc cung cấp dịch vụ trên thị trường.

Câu hỏi: nếu tổ chức, cá nhân chưa sản xuất hàng hóa, dịch vụ mà mới chỉ có kế hoạch sản xuất thôi thì có được đăng ký nhãn hiệu không ?

Trả lời: Việc không cho đăng ký trước nhãn hiệu hàng hóa khi chưa sản xuất là để nhằm tránh việc “giữ chỗ để bán lại” cho chủ thể thực sự của hàng hóa sau này. Tuy nhiên nó cũng gây khó khăn cho chính chủ thể thực sự sản xuất hàng hóa khi muốn sớm bảo vệ nhãn hiệu mình mong muốn (vì chờ đến khi sản xuất xong mới đăng ký thì rủi ro sẽ rất cao). Do đó luật SHTT chỉ quy định một cách “lấp lửng”, không rõ ràng về việc này, thể hiện khi thẩm định đơn đăng ký bảo hộ nhãn hiệu không xem xét đến việc đã sản xuất hay chưa, chỉ đến khi có đơn khiếu nại của chủ thể khác thì mới yêu cầu chủ thể nộp đơn nộp bổ sung.

+ Tổ chức, cá nhân tiến hành hoạt động thương mại hợp pháp có quyền đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm mà mình đưa ra thị trường nhưng do người khác sản xuất với điều kiện:

  • người sản xuất không sử dụng nhãn hiệu đó cho sản phẩm, và
  • không phản đối việc đăng ký đó

+ Tổ chức tập thể được thành lập hợp pháp có quyền đăng ký nhãn hiệu tập thể để các thành viên của mình sử dụng theo quy chế nhãn hiệu tập thể.

VD tổng công ty thuốc lá VN đăng ký nhãn hiệu tập thể là Vinataba để các công ty thành viên sử dụng

+ Tổ chức có chức năng kiểm soát, chứng nhận chất lượng, đặc tính, nguồn gốc hoặc tiêu chí khác liên quan đến hàng hóa, dịch vụ có quyền đăng ký nhãn hiệu chứng nhận với điều kiện không tiến hành sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đó.

+ Chú ý: đối với địa danh, dấu hiệu khác chỉ nguồn gốc địa lý đặc sản địa phương của Việt Nam thì việc đăng ký phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép (thường là UBND): lý do là việc cho phép 1 chủ thể đăng ký độc quyền tên địa danh hoặc các dấu hiệu chỉ nguồn gốc địa lý, đặc sản địa phương có thể ảnh hưởng đến lợi ích chung của cộng đồng (nên phải được cơ quan NN có thẩm quyền cho phép)

– Hai hoặc nhiều tổ chức, cá nhân có quyền cùng đăng ký một nhãn hiệu để trở thành đồng chủ sở hữu với những điều kiện sau đây:

+ Việc sử dụng nhãn hiệu đó phải nhân danh tất cả các đồng chủ sở hữu hoặc sử dụng cho hàng hoá, dịch vụ mà tất cả các đồng chủ sở hữu đều tham gia vào quá trình sản xuất,kinh doanh; và

+ Việc sử dụng nhãn hiệu đó không gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng về nguồn gốc của hàng hoá, dịch vụ.

3. Quyền đăng ký chỉ dẫn địa lý (Điều 88)

– Quyền đăng ký thuộc về NN, tuy nhiên thực tế NN thường ủy quyền cho các hiệp hội sản xuất sản phẩm, ví dụ Hiệp hội sản xuất thanh long Bình Thuận, Hiệp hội sản xuất nước mắm Phú Quốc, … Nơi chưa có hiệp hội thì UBND sẽ đứng ra đăng ký chỉ dẫn địa lý.

4. Nguyên tắc đăng ký

– Nguyên tắc nộp đơn đầu tiên (Điều 90):

+ đối tượng áp dụng: sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu (==> không áp dụng đối với chỉ dẫn địa lý, thiết kế bố trí mạch tích hợp)

+ điều kiện áp dụng:

  • khi có nhiều đơn đăng ký sáng chế trùng hoặc tương đương với nhau
  • khi có nhiều đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp trùng hoặc không khác biệt đáng kể với nhau
  • khi có nhiều đơn của nhiều người khác nhau đăng ký các nhãn hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhau dùng cho các sản phẩm, dịch vụ trùng hoặc tương tự với nhau hoặc trường hợp có nhiều đơn của cùng một người đăng ký các nhãn hiệu trùng dùng cho các sản phẩm, dịch vụ trùng nhau

==> nếu đăng ký nhãn hiệu trùng hoặc tương tự với nhãn hiệu đã đăng ký nhưng cho sản phẩm, dịch vụ không trùng, không tương tự thì vẫn được bảo hộ. VD Công ty dược Ích Nhân có sản phẩm viên uống Bảo Xuân đã được đăng ký nhãn hiệu, sau đó 1 công ty khác đăng ký nhãn hiệu Bảo Xuân cho sản phẩm kem dưỡng da; viên uống Bảo Xuân thuộc dược phẩm (thuộc phân nhóm 5) trong khi kem dưỡng da Bảo Xuân thuộc mỹ phẩm (thuộc phân nhóm 3) ==> nếu theo luật SHTT thì sản phẩm kem dưỡng da Bảo Xuân vẫn được đăng ký bảo hộ nhãn hiệu. Tuy nhiên nếu Công ty dược Ích Nhân chứng minh được sản phẩm viên uống Bảo Xuân của mình thuộc nhãn hiệu nổi tiếng, và việc kem dưỡng da tuy khác phân nhóm hàng hóa nhưng công dụng là giống nhau (làm đẹp theo kiểu “trong uống ngoài bôi”) và việc sử dụng tên Bảo Xuân có thể gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng thì sản phẩm kem dưỡng da Bảo Xuân có thể bị từ chối bảo hộ nhãn hiệu.

+ nội dung nguyên tắc: trong trường hợp có nhiều đơn đăng ký trùng hoặc tương tự, thì văn bằng bảo hộ sẽ được cấp cho nhãn hiệu có ngày nộp đơn hoặc ngày ưu tiên sớm nhất. Nếu có cùng ngày ưu tiên hoặc cùng ngày nộp đơn, thì văn bằng bảo hộ sẽ được cấp cho 1 đơn theo thỏa thuận giữa các chủ thể nộp đơn; nếu không thỏa thuận được thì sẽ từ chối tất cả các đơn.

+ ngoại lệ: nếu chứng minh được nhãn hiệu là nhãn hiệu nổi tiếng hoặc nhãn hiệu được sử dụng và thừa nhận rộng rãi thì cho dù có nộp đơn sau thì cũng được cấp văn bằng bảo hộ

Chú ý: 3 cấp độ của nhãn hiệu:

  • Nhãn hiệu thông thường
  • Nhãn hiệu được sử dụng và thừa nhận rộng rãi
  • Nhãn hiệu nổi tiếng

Tuy nhiên ở VN thì chưa có tiêu chí để đánh giá, thường chỉ “dám” đánh giá nhãn hiệu ở mức độ “được sử dụng và thừa nhận rộng rãi”.

– Nguyên tắc ưu tiên (Điều 91):

+ Chú ý: rất hay nhầm lẫn về việc bảo hộ quy định trong Công ước Berne 1886 và Công ước Paris 1883: theo Công ước Berne về bảo hộ quyền tác giả thì quyền tác giả được bảo hộ tự động, nên nếu đã được bảo hộ tại 1 quốc gia thì sẽ được bảo hộ tại tất cả các quốc gia còn lại là thành viên của Công ước Berne; còn với Công ước Paris về bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp thì quyền sở hữu công nghiệp phải được đăng ký mới được bảo hộ và phạm vi bảo hộ chỉ trong phạm vi lãnh thổ quốc gia thành viên, tức là muốn được bảo hộ tại nước khác thì phải đăng ký bảo hộ tại nước đó.

==> vì vậy Công ước Paris đề ra nguyên tắc ưu tiên

+ nội dung: khi 1 chủ thể nộp đơn lần đầu tại 1 quốc gia thành viên Công ước Paris, thì ngày nộp đơn đó trở thành “ngày ưu tiên” và khi nộp đơn tại nước khác thì họ có quyền yêu cầu được hưởng “ngày ưu tiên”. Thời hạn của “ngày ưu tiên” đối với sáng chế là 12 tháng, đối với nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp là 6 tháng kể từ ngày nộp đơn đầu tiên.

5. Thủ tục đăng ký quyền sở hữu công nghiệp

– Yêu cầu chung: quy định tại Điều 100 luật SHTT

– Quy định chi tiết: tại Thông tư 01 năm 2007 của Bộ Khoa học công nghệ

– Đơn đăng ký gồm các thành phần:

+ Tờ khai đăng ký theo mẫu

+ Tài liệu, mẫu vật, thông tin thể hiện đối tượng sở hữu công nghiệp đăng ký bảo hộ: đối với sáng chế là bản mô tả sáng chế, đối với kiểu dáng công nghiệp là bộ ảnh chụp, bộ bản vẽ; đối với nhãn hiệu là mẫn nhãn hiệu và danh mục hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu; đối với chỉ dẫn địa lý là bản mô tả tính chất, chất lượng đặc thù của sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý …

+ Chứng từ nộp phí, lệ phí

+ Các tài liệu có liên quan, được yêu cầu nộp bổ sung nếu cần thiết: Giấy uỷ quyền (nếu đơn nộp thông qua đại diện); Tài liệu chứng minh quyền đăng ký (nếu người nộp đơn thụ hưởng quyền đó của người khác); Tài liệu chứng minh quyền ưu tiên (nếu có yêu cầu hưởng quyền ưu tiên), Giấy chứng nhận kinh doanh (nếu chủ thể là doanh nghiệp), …

+ Với nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận, chỉ dẫn địa lý: nộp Quy chế sử dụng nhãn hiệu tập thể / chứng nhận / chỉ dẫn địa lý

– Mỗi đơn đăng ký chỉ được đăng ký bảo hộ cho 1 đối tượng sở hữu công nghiệp (Điều 101). Ngoại lệ:

+ Mỗi đơn đăng ký có thể yêu cầu cấp 1 Bằng độc quyền sáng chế hoặc 1 Bằng độc quyền giải pháp hữu ích cho 1 nhóm sáng chế có mối liên hệ chặt chẽ về kỹ thuật nhằm thực hiện một ý đồ sáng tạo chung duy nhất

+ Mỗi đơn đăng ký có thể yêu cầu cấp 1 Bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp cho nhiều kiểu dáng công nghiệp trong các trường hợp sau đây:

  • Các kiểu dáng công nghiệp của một bộ sản phẩm gồm nhiều sản phẩm thể hiện ý tưởng sáng tạo chung duy nhất, được sử dụng cùng nhau hoặc để thực hiện chung một mục đích;
  • Một kiểu dáng công nghiệp kèm theo một hoặc nhiều phương án là biến thể của kiểu dáng công nghiệp đó, theo ý tưởng sáng tạo chung duy nhất, không khác biệt đáng kể với kiểu dáng công nghiệp đó

+ Mỗi đơn đăng ký có thể yêu cầu cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu cho một nhãn hiệu dùng cho một hoặc nhiều hàng hoá, dịch vụ khác nhau.

– Trình tự 6 bước xử lý đơn đăng ký quyền sở hữu công nghiệp:

+ B1: tiếp nhận đơn đăng ký (Điều 108): Cục SHTT sẽ tiếp nhận đơn đăng ký nếu đơn đó có đầy đủ các tài liệu bắt buộc quy định tại khoản 1 Điều 100. Nếu đơn không đầy đủ thì sẽ bị trả lại để bổ sung. Ngày được tiếp nhận đơn có ý nghĩa trong việc xác định thời hạn bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp sau khi được cấp văn bằng.

+ B2: thẩm định hình thức đơn đăng ký (Điều 109): Đơn đăng ký sở hữu công nghiệp bị coi là không hợp lệ trong các trường hợp sau đây:

  • Đối tượng nêu trong đơn là đối tượng không được bảo hộ: VD nộp đơn đăng ký sáng chế cho phần mềm máy tính (sai đối tượng của sáng chế), nộp đơn đăng ký nhãn hiệu cho bài thơ (sai đối tượng của nhãn hiệu)
  • Người nộp đơn không có quyền đăng ký, kể cả trường hợp quyền đăng ký cùng thuộc nhiều tổ chức, cá nhân nhưng một hoặc một số người trong số đó không đồng ý thực hiện việc nộp đơn
  • Đơn không đáp ứng các yêu cầu về hình thức: thiếu tài liệu theo quy định
  • Người nộp đơn không nộp phí và lệ phí
  • Thời hạn để thẩm định đơn là 1 tháng kể từ ngày nộp đơn, nếu đơn có thiếu sót thì thông báo cho người nộp và người nộp có 1 tháng để chỉnh sửa, bổ sung. Nếu đơn đã đầy đủ thì Cục SHTT thông báo chấp nhận đơn.

+ B3: công bố đơn đăng ký trên Công báo SHCN: trong thời hạn 2 tháng kể từ ngày Cục SHTT nhận được đơn hợp lệ

+ B4: thẩm định nội dung đơn đăng ký:

  • Thời hạn thẩm định nội dung đối với kiểu dáng công nghiệp không quá 7 tháng, đối với nhãn hiệu không quá 9 tháng, đối với chỉ dẫn địa lý không quá 6 tháng kể từ ngày công bố đơn.
  • Đối với sáng chế, việc thẩm định nội dung chỉ được thực hiện nếu có yêu cầu (của người nộp đơn hoặc của bên thứ 3) và phải nộp phí thẩm định nội dung. Thời hạn yêu cầu thẩm định nội dung đối với sáng chế là 42 tháng, đối với giải pháp hữu ích là 36 tháng kể từ ngày nộp đơn hoặc ngày ưu tiên. Thời hạn thẩm định nội dung đối với sáng chế không quá 18 tháng kể từ ngày nhận được yêu cầu thẩm định nội dung hoặc kể từ ngày công bố đơn (nếu yêu cầu thẩm định được nộp trước ngày công bố đơn). Chú ý: nếu sáng chế không được yêu cầu thẩm định trong thời hạn 42 tháng (với giải pháp hữu ích là 36 tháng) thì bị coi như rút Đơn đăng ký sáng chế (tức là việc không xem xét cấp văn bằng nữa).
  • Đối với thiết kế bố trí mạch tích hợp: không thẩm định nội dung, chỉ cần đơn đăng ký đáp ứng yêu cầu về hình thức là có thể cấp văn bằng bảo hộ
  • Sửa đổi, bổ sung nội dung đơn: theo yêu cầu của Cục sở hữu trí tuệ (như bổ sung thêm tài liệu, ảnh chụp, …); hoặc do chính bản thân chủ đơn tự sửa đổi, bổ sung đơn. Chú ý nguyên tắc: không được sửa đổi theo hướng mở rộng phạm vi bảo hộ. VD đã nội Đơn đăng ký nhãn hiệu Hương Lan cho sản phẩm thực phẩm, bánh kẹo, sau đó người nộp đơn lại yêu cầu đăng ký thêm nhãn hiệu Hương Lan cho dịch vụ bán bánh kẹo, tức là đã mở rộng phạm vi bảo hộ ==> sẽ bị từ chối
  • Tách đơn đăng ký: trường hợp Đơn đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu có thể được tách theo yêu cầu của chủ đơn hoặc theo yêu cầu của Cục SHTT thành các Đơn độc lập
  • Chuyển đơn đăng ký:hiện nay ở VN chỉ có chuyển đối Đơn đăng ký sáng chế sang Đơn đăng ký giải pháp hữu ích
  • Chuyển giao đơn đăng ký: là trường hợp thay đổi người nộp đơn. Là trường hợp người nộp đơn đã chuyển giao cho người khác

+ B5: cấp văn bằng bảo hộ

+ B6: đăng bạ và công bố trên Công báo THCN

Câu hỏi: Tại sao văn bằng bảo hộ có hiệu lực từ ngày cấp, trong khi thời hạn bảo hộ lại có hiệu lực kể từ ngày nộp đơn ?

Trả lời: Vì kể từ ngày nộp đơn thì chủ thể nộp đơn đã được ưu tiên hơn những chủ thể nộp đơn sau, ví dụ nếu chủ thể nộp đơn sau có sáng chế trùng hoặc tương đương thì sẽ bị từ chối bảo hộ. Ngoài ra với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp và thiết kế bố trí mạch tích hợp thì kể từ ngày nộp đơn, chủ thể có 1 quyền gọi là “quyền tạm thời” (Điều 131), theo đó mặc dù chưa được bảo hộ nhưng vẫn có quyền yêu cầu chủ thể khác không được sử dụng sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp trong hoạt động thương mại, và nếu chủ thể kia không chấm dứt hành vi đó thì có thể bị kiện ra tòa và yêu cầu bồi thường thiệt hại như đối với việc bị vi phạm quyền SHTT.

Tình huống: Một doanh nghiệp sáng chế và sản xuất ra 1 loại máy hút bụi mới và đã bán ra trên thị trường được 1 năm. Khi bị các doanh nghiệp khác bắt chước, sản xuất hàng “nhái” thì doanh nghiệp đó mới đi đăng ký sáng chế. Hỏi khi Cục sở hữu tra cứu thì sẽ tra cứu ở đâu, có tra cứu trên thị trường không ?

Trả lời: Cục sở hữu trí tuệ sẽ không tra cứu trên thị trường, họ sẽ tra cứu trong những Đơn đăng ký sáng chế có cùng chỉ số phân loại mà đã nộp trước trong vòng 25 năm. Như vậy quy định của luật có bị “thừa” ? Câu trả lời là không hề thừa. Bởi vì tra cứu trên thị trường chỉ là 1 nguồn thông tin mở rộng chứ không phải là nguồn thông tin bắt buộc khi tra cứu, trường hợp cần thiết sẽ tra cứu nguồn thông tin mở rộng.

Câu hỏi: Tại sao phải công bố đơn trên Công báo SHTT ?

Trả lời: Công bố đơn đăng ký quyền sở hữu trí tuệ là nhằm:

+ để công chúng có thể tiếp cận với đơn đăng ký

+ để tránh lãng phí nếu nghiên cứu trùng lặp

+ là nguồn thông tin quan trọng khi xử lý đơn đăng ký: bất kỳ bên thứ 3 nào cũng có thể gửi ý kiến phản hồi (Điều 112)

II. Xác lập quyền sở hữu công nghiệp trên cơ sở thực tiễn sử dụng

Một số đối tượng sở hữu công nghiệp mà quyền sở hữu công nghiệp được xã lập 1 cách tự động, không cần phải trải qua các trình tự thủ tục xin xác lập quyền:

– Tên thương mại: được xác lập trên cơ sở thực tiễn sử dụng hợp pháp tên thương mại

– Bí mật kinh doanh: được xác lập dựa trên cơ sở đầu tư tài chính, trí tuệ hay bất cứ cách thức hợp pháp nào để tìm ra, tạo ra hoặc đạt được thông tin bí mật kinh doanh đó

– Nhãn hiệu nổi tiếng: chủ sở hữu nhãn hiệu phải chứng minh nhãn hiệu là nổi tiếng theo quy định tại Điều 75 luật SHTT

III. Chấm dứt hiệu lực và hủy bỏ văn bằng bảo hộ

1. Chấm dứt hiệu lực của văn bằng bảo hộ (Điều 95)

– Văn bằng bảo hộ bị chấm dứt hiệu lực trong các trường hợp sau đây:

a) Chủ văn bằng bảo hộ không nộp lệ phí duy trì hiệu lực hoặc gia hạn hiệu lực theo quy định;

b) Chủ văn bằng bảo hộ tuyên bố từ bỏ quyền sở hữu công nghiệp;

c) Chủ văn bằng bảo hộ không còn tồn tại hoặc chủ Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu không còn hoạt động kinh doanh mà không có người kế thừa hợp pháp;

d) Nhãn hiệu không được chủ sở hữu hoặc người được chủ sở hữu cho phép sử dụng trong thời hạn năm năm liên tục trước ngày có yêu cầu chấm dứt hiệu lực mà không có lý do chính đáng,trừ trường hợp việc sử dụng được bắt đầu hoặc bắt đầu lại trước ít nhất ba tháng tính đến ngày có yêu cầu chấm dứt hiệu lực;

đ) Chủ Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu đối với nhãn hiệu tập thể không kiểm soát hoặc kiểm soát không có hiệu quả việc thực hiện quy chế sử dụng nhãn hiệu tập thể;

e) Chủ Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu đối với nhãn hiệu chứng nhận vi phạm quy chế sử dụng nhãn hiệu chứng nhận hoặc không kiểm soát,kiểm soát không có hiệu quả việc thực hiện quy chế sử dụng nhãn hiệu chứng nhận;

g) Các điều kiện địa lý tạo nên danh tiếng,chất lượng,đặc tính của sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý bị thay đổi làm mất danh tiếng,chất lượng,đặc tính của sản phẩm đó.

2. Hủy bỏ văn bằng bảo hộ (Điều 96)

– Văn bằng bảo hộ bị hủy bỏ toàn bộ hiệu lực trong các trường hợp sau đây:

a) Người nộp đơn đăng ký không có quyền đăng ký và không được chuyển nhượng quyền đăng ký đối với sáng chế,kiểu dáng công nghiệp,thiết kế bố trí,nhãn hiệu;

b) Đối tượng sở hữu công nghiệp không đáp ứng các điều kiện bảo hộ tại thời điểm cấp văn bằng bảo hộ

– Thời hiệu thực hiện quyền yêu cầu hủy bỏ văn bằng bảo hộ: thường là trước thời hạn bảo hộ, riêng đối với nhãn hiệu thì thời hiệu này là 5 năm

Tham khảo trọn bộ bài giảng môn học Luật sở hữu trí tuệ: https://study.phapche.edu.vn/khoa-hoc-tim-hieu-mon-luat-so-huu-tri-tue?ref=lnpc

Mời bạn xem thêm:

Đánh giá bài viết

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài viết liên quan

.
.
.