Bài giảng môn học Luật Lao động chương VIII: Tranh chấp lao động và giải quyết tranh chấp lao động là một phần quan trọng giúp bạn hiểu rõ các vấn đề phát sinh trong quan hệ lao động và các phương thức giải quyết tranh chấp theo quy định pháp luật. Chương này sẽ cung cấp thông tin chi tiết về các loại tranh chấp lao động, từ tranh chấp cá nhân đến tranh chấp tập thể, cùng với các cơ chế giải quyết tranh chấp như hòa giải, thương lượng và giải quyết qua tòa án hoặc trọng tài lao động.
Bài giảng môn học Luật Lao động chương VIII
Chương 8: Tranh chấp lao động và giải quyết tranh chấp lao động
I. Tranh chấp lao động
1. Khái niệm
– Là tranh chấp về quyền, nghĩa vụ và lợi ích giữa các bên trong quan hệ lao động (Khoản 7 Điều 3)
2. Dấu hiệu của tranh chấp lao động
– Chủ thể:
+ NLĐ
+ tập thể lao động: là tập hợp có tổ chức của NLĐ cùng làm việc cho 1 NSDLĐ hoặc trong 1 bộ phận thuộc cơ cấu tổ chức của NSDLĐ. (Điều 3 khoản 3)
+ đại diện tập thể lao động: là công đoàn cơ sở, hoặc công đoàn cơ sở cấp trên trong trường hợp chưa có công đoàn cơ sở
+ NSDLĐ
– Bản chất của tranh chấp lao động: là mâu thuẫn, bất đồng, xung đột về những đề mà các bên quan tâm
– Nội dung: liên quan đến quyền, nghĩa vụ và lợi ích.
Chú ý: lợi ích của các chủ thể là vô tận ==> tranh chấp luôn luôn xảy ra (chỉ là ở mức độ nào đó)
Câu hỏi: các tranh chấp sau đây có phải là tranh chấp lao động:
(1) Tranh chấp giữa NSDLĐ và NSDLĐ cho thuê lại lao động
(2) Tranh chấp giữa người bảo lãnh cho NLĐ và NSDLĐ về vấn đề bảo lãnh cho NLĐ (ví dụ như Lái xe, bảo vệ trong doanh nghiệp, thường sẽ doanh nghiệp sẽ yêu cầu hộ gia đình của NLĐ đứng ra bảo lãnh, hoặc thêm cả gia đình vợ/chồng cùng đứng ra bảo lãnh để cùng chịu trách nhiệm khi có tranh chấp xảy ra, như khi gây tai nạn, khi để mất tài sản)
(3) Tranh chấp giữa người học nghề để đủ điều kiện làm việc cho doanh nghiệp với NSDLĐ (ví dụ tranh chấp về trả thù lao trong quá trình học nghề khi người học nghề làm ra sản phẩm)
(4) Tranh chấp giữa NSDLĐ với cơ quan BHXH trong việc doanh nghiệp nợ BHXH của NLĐ
(5) Tranh chấp giữa NSDLĐ và NLĐ liên quan đến bồi thường thiệt hại về tinh thần trong quá trình làm việc (theo Điều 37 khoản 1, cưỡng bức lao động hoặc quấy rối tình dục)
(6) A và B đều là NLĐ trong 1 doanh nghiệp, trong buổi liên hoan của doanh nghiệp có uống rượu bia, sau đó gây gổ đánh nhau, A đánh B bị thương, B đòi bồi thường.
Trả lời:
(1) Không phải là tranh chấp lao động vì không tranh chấp về vấn đề sử dụng lao động hoặc liên quan đến NLĐ. Trong trường hợp cho thuê lại lao động, thì quan hệ lao động là quan hệ giữa người cho thuê lại lao động với NLĐ, chứ không phải là quan hệ giữa NLĐ với NSDLĐ mặc dù họ sử dụng trực tiếp, VD nếu có kỷ luật thì chỉ có người cho thuê lại lao động mới có quyền kỷ luật NLĐ
(2) Đây là tranh chấp lao động theo hướng dẫn của Hội đồng thẩm phán năm 2002 (mặc dù có thể hiểu đây là tranh chấp dân sự về vấn đề bảo lãnh, bảo đảm, tín chấp)
(3) Quan hệ học nghề không phải là quan hệ lao động, mà là quan hệ học nghề. Tuy nhiên vẫn được xác định là tranh chấp lao động, gọi là Tranh chấp có liên quan đến lao động (theo Bộ luật tố tụng dân sự 2015)
(4) Đây là tranh chấp lao động, quy định tại điểm d) khoản 1 Điều 201
(5) Không phải tranh chấp lao động, vì yêu cầu về bồi thường tinh thần trong lao động không được đặt ra trong quan hệ lao động.
(6) Không phải tranh chấp lao động
Như vậy, chủ thể của tranh chấp lao động không chỉ là các bên trong quan hệ lao động mà còn là các chủ thể của các quan hệ có liên quan đến quan hệ lao động (như quan hệ về BHXH, bảo lãnh cho NLĐ) cũng được coi là tranh chấp lao động trong 1 số trường hợp.
==> Khẳng định: “Tranh chấp lao động là tranh chấp giữa các bên trong quan hệ lao động” là Sai.
3. Phân loại tranh chấp lao động
– Nội dung: tranh chấp về
+ tiền lương,
+ kỷ luật sa thải, hoặc
+ đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động
Tình huống: Doanh nghiệp A đơn phương chấm dứt HĐLĐ với NLĐ B, doanh nghiệp A có lập 1 bảng kê tất cả những khoản tiền lương, thưởng mà B được nhận và đã nhận và B ký xác nhận vào đó. Sau 1 thời gian, B trở lại daonh nghiệp A đòi một số khoản tiền mà theo B còn thiếu. Hỏi đây là tranh chấp lao động về Tiền lương hay tranh chấp về Đơn phương chấm dứt HĐLD ?
Vì nếu là tranh chấp về Dơn phương chấm dứt HĐLĐ sẽ áp dụng Điều 201, khi đó A có thể khởi kiện ra Tòa mà không cần qua thủ tục hòa giải.
Còn nếu là tranh chấp về Tiền lương thì sẽ phải qua hòa giải viên lao động trước khi khởi kiện
– Đối tượng tranh chấp:
+ tranh chấp về quyền (khoản 8 Điều 3): là tranh chấp giữa tập thể lao động với NSDLĐ phát sinh từ việc giải thích và thực hiện khác nhau quy định của PL về lao động, thoả ước lao động tập thể, nội quy lao động, quy chế và thoả thuận hợp pháp khác. Ví dụ NLĐ yêu cầu NSDLĐ nâng lương theo mức tăng của lương tối thiểu theo quy định của Chính phủ thì đây là quyền của NLĐ và đồng thời là nghĩa vụ của doanh nghiệp
+ tranh chấp về lợi ích (khoản 9 Điều 3): là tranh chấp mà 1 trong các bên yêu cầu xác lập điều kiện lao động mới cao hơn so với quy định của PL lao động, thỏa ước lao động tập thể, nội quy, quy chế và thỏa thuận hợp pháp khác. VD: luật quy định tăng mức lương tối thiểu lên 7% nhưng công đoàn theo yêu cầu của NLĐ đòi tăng lên 9%
– Lưu ý:
+ đối với tranh chấp lao động cá nhân (còn gọi là tranh chấp theo HĐLĐ) thì không phân chia thành tranh chấp về quyền và tranh chấp về lợi ích
+ đối với tranh chấp lao động tập thể thì được phân chia thành tranh chấp về quyền và tranh chấp về lợi ích
Câu hỏi: 50 NLĐ trong doanh nghiệp đòi tăng mức lương tối thiểu lên 9% trong khi luật quy định mức tăng là 7%. Hỏi đây là tranh chấp lao động về quyền hay vì lợi ích ?
Trả lời: Đây là tranh chấp cá nhân ==> không phân chia thành tranh chấp về quyền và tranh chấp về lợi ích
– Phân biệt tranh chấp lao động tập thể về quyền và tranh chấp lao động tập thể về lợi ích:
+ về quyền: có sự vi phạm PL của 1 chủ thể (không tuân theo 1 quy định của PL nào đó)
+ về lợi ích: không có sự vi phạm PL nào, mà 1 bên chủ thể đòi hỏi lợi ích cao hơn quy định của PL
– Phân biệt tranh chấp lao động cá nhân và tranh chấp lao động tập thể:
Tranh chấp lao động cá nhân | Tranh chấp lao động tập thể | |
Chủ thể | NLĐ, NSDLĐ | Tập thể lao động hoặc đại diện tập thể lao động, NSDLĐ |
Nội dung | Quyền, lợi ích của NLĐ, NSDLĐ | Quyền, lợi ích của tập thể lao động, NSDLĐ |
Tính chất | Mang tính cá nhân | Quyền và lợi ích đòi hỏi hướng về tập thể lao động: cả những người không thuộc công đoàn, và cả những người sẽ vào doanh nghiệp sau đó |
Vai trò của Công đoàn | Hỗ trợ, giúp đỡ, hoặc có thể được NLĐ ủy quyền để tham gia tố tụng | Là 1 bên trong tranh chấp lao động |
II. Giải quyết tranh chấp lao động
1. Các nguyên tắc giải quyết tranh chấp lao động (Điều 194)
Câu hỏi: Việc thương lượng giải quyết tranh chấp (theo khoản 5 Điều 194) có phải bắt buộc không ?
2. Chủ thể có thẩm quyền giải quyết tranh chấp
– Hòa giải viên lao động (Nghị định 45/2013): là công dân VN, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, có hiểu biết liên quan đến quan hệ lao động từ đủ 3 năm trở lên, có kinh nghiệm liên quan đến vấn đề hòa giải lao động.
Chức năng của hòa giải viên lao động: là hòa giải những tranh chấp lao động: tranh chấp lao động cá nhân, tranh chấp lao động tập thể về quyền, tranh chấp lao động tập thể về lợi ích.
– Chủ tịch UBND cấp huyện: hòa giải tranh chấp lao động tập thể về quyền.
Tại sao Chủ tịch UBND cấp huyện lại tham gia hòa giải tranh chấp lao động tập thể về quyền ? Vì Chủ tịch UBND cấp huyện là người quản lý 1 vùng lãnh thổ, chịu trách nhiệm về mọi mặt trong phạm vi lãnh thổ đó, trong khi đó tranh chấp lao động tập thể về quyền thường có sự tham gia của rất nhiều người lao động, rất có thể sẽ ảnh hưởng đến an ninh, kinh tế, xã hội trên địa bàn; hơn nữa Chủ tịch UBND cấp huyện là người có mối quan hệ thường xuyên với các doanh nghiệp và các tổ chức khác ==> do đó Chủ tịch UBND tham gia hòa giải tranh chấp tập thể về quyền là hợp lý.
(tuy nhiên thực tế tại nhiều địa phương thì Chủ tịch UBND cấp huyện thường ủy quyền cho 1 Phó Chủ tịch, hoặc cho Trưởng phòng Lao động, thương binh, xã hội giải quyết)
– Hội đồng trọng tài lao động cấp tỉnh: có thẩm quyền giải tranh chấp lao động tập thể về lợi ích. Hội đồng không quá 7 người, có sự tham gia của đại diện cơ quan quản lý NN về lao động, NSDLĐ, NLĐ trong phạm vi cấp tỉnh.
Chức năng: hòa giải tranh chấp lao động.
Chú ý: Hội đồng trọng tài cấp tỉnh là thiết chế tuân theo cơ chế 3 bên theo khuyến cáo của ILO, đảm bảo có sự tham gia của NN, NLĐ, NSDLĐ trong đó 3 bên có vai trò ngang bằng nhau
– Tòa án (tòa lao động): giải quyết tranh chấp lao động cá nhân và tranh chấp lao động tập thể về quyền
Tòa án sẽ xác định thẩm quyền theo:
+ vụ việc: xác định có phải là tranh chấp lao động không (hay là tranh chấp dân sự thì sẽ chuyển sang tòa dân sự)
+ cấp:
- Tòa cấp huyện: giải quyết tranh chấp lao động cá nhân
- Tòa cấp tỉnh: giải quyết tranh chấp lao động tập thể về quyền, và các trường hợp khác như NLĐ là người nước ngoài, đương sự ở nước ngoài, theo ủy thác tư pháp, và các trường hợp khác
+ lãnh thổ: địa phương nơi xảy ra tranh chấp
Chú ý: thẩm quyền lựa chọn của nguyên đơn.
VD: ông A ký HĐLĐ với doanh nghiệp X có trụ sở tại Hà Nội, nội dung HĐLĐ thì ông A sẽ làm việc tại Đà Nẵng và tp HCM, khi xảy ra tranh chấp thì ông A đang làm việc tại Đà Nẵng. Hỏi tòa nào sẽ giải quyết ?
==> theo quy định thì tòa Hà Nội sẽ có thẩm quyền, nhưng nếu ông A là nguyên đơn có yêu cầu thì tòa Đà Nẵng cũng sẽ có thẩm quyền giải quyết
VD: A làm việc cho cai thầu X, và cai thầu X đang làm việc cho doanh nghiệp Y. Khi xảy ra tranh chấp về việc không nhận đủ tiền lương, A có thể kiện X, ngoài ra theo luật thì A có thể kiện cả Y, và tòa án nơi Y đặt trụ sở sẽ thụ lý
3. Trình tự và thủ tục giải quyết tranh chấp lao động
– Với tranh chấp lao động cá nhân:
+ B1: hòa giải viên lao động: sẽ hòa giải trong 5 ngày làm việc
+ B2: tòa án sẽ thụ lý nếu các bên không tiến hành hòa giải, hòa giải không thành, hoặc hòa giải thành nhưng các bên không thực hiện
Lưu ý: theo khoản 1 Điều 201 thì có thể đưa ra tòa án ngay mà không cần qua bước hòa giải viên lao động
– Với tranh chấp lao động tập thể về quyền:
+ B1: hòa giải viên lao động: sẽ hòa giải trong 5 ngày làm việc
+ B2: Chủ tịch UBND cấp huyện hòa giải nếu các bên không tiến hành hòa giải, hòa giải không thành, hoặc hòa giải thành nhưng các bên không thực hiện
+ B3: Tòa án sẽ giải quyết nếu Chủ tịch UBND cấp huyện không tiến hành hòa giải, hòa giải không thành, hoặc hòa giải thành nhưng các bên không thực hiện
– Với tranh chấp lao động tập thể về lợi ích:
+ B1: hòa giải viên lao động
+ B2: Hội đồng trọng tài lao động cấp tỉnh hòa giải nếu các bên không tiến hành hòa giải, hòa giải không thành, hoặc hòa giải thành nhưng các bên không thực hiện
– Thời hiệu giải quyết tranh chấp lao động: chỉ áp dụng với tranh chấp lao động cá nhân và tranh chấp lao động tập thể về quyền, không áp dụng với tranh chấp lao động tập thể về lợi ích.
+ 6 tháng đối với hòa giải viên
+ 12 tháng đối với tòa án
tính từ thời điểm 1 trong các bên phát hiện ra hành vi và cho rằng hành vi đó xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
Câu hỏi: Tại sao Tòa án không giải quyết tranh chấp lao động tập thể về lợi ích ?
Trả lời (tự trả lời): Vì theo nguyên tắc tòa án sẽ xét xử chỉ tuân theo PL, mà tranh chấp lao động tập thể về lợi ích lại không có vi phạm PL của bất cứ bên nào, chỉ là một bên đòi hỏi cao hơn so với quy định của PL, thỏa ước, nội quy ==> do đó Tòa án không thể giải quyết tranh chấp lao động tập thể về lợi ích, mà phải chuyển cho Hội đồng trọng tài lao động cấp tỉnh giải quyết.
Mời bạn xem thêm:
- Bộ câu hỏi trắc nghiệm môn Luật lao động
- Khoá học tìm hiểu Luật lao động online
- Dịch vụ tư vấn pháp luật về lao động
Tham khảo trọn bộ bài giảng môn học Luật lao động: https://study.phapche.edu.vn/khoa-hoc-tim-hieu-mon-luat-lao-dong?ref=lnpc