fbpx
ICA - Học viện đào tạo pháp chế doanh nghiệp
Bài giảng môn học Luật hôn nhân và gia đình chương X

Bài giảng môn học Luật hôn nhân và gia đình chương X đi sâu vào nội dung về quan hệ pháp luật giữa cha mẹ và con phát sinh từ sự kiện nhận con nuôi. Chương này giải thích rõ các quyền và nghĩa vụ của cha mẹ nuôi đối với con nuôi, cũng như quyền lợi của con nuôi trong gia đình mới. Nội dung giúp người học hiểu được các quy định pháp lý về việc nhận con nuôi, bao gồm điều kiện, thủ tục, và những yếu tố đảm bảo lợi ích tốt nhất cho trẻ em. Đây là kiến thức cần thiết cho việc thực hiện và bảo vệ quyền trẻ em theo đúng pháp luật Việt Nam.

Bài giảng môn học Luật hôn nhân và gia đình chương X

Chương X: Quan hệ pháp luật giữa cha mẹ và con phát sinh do sự kiện nhận con nuôi

Xem Luật nuôi con nuôi 2010, nghị định 19/2011 hướng dẫn về luật nuôi con nuôi

PL VN quy định việc nuôi con nuôi từ rất sớm, ngay trong bộ luật Hồng Đức có quy định về việc “nuôi con nuôi lập tự”, hoặc sau này là “nghĩa dưỡng”

Luật HNGĐ 1959 chỉ quy định “cha mẹ đối xử với con nuôi như đối với con đẻ”

Luật HNGĐ 1986 quy định các điều kiện để nuôi con nuôi

Luật HNGĐ 2000, vấn đề nuôi con nuôi được quy định thành 1 chương

Năm 2010, vấn đề nuôi con nuôi được tách riêng thành 1 luật

a. Khái niệm

Việc nuôi con nuôi nhằm xác lập quan hệ cha, mẹ và con lâu dài, bền vững, vì lợi ích tốt nhất của người được nhận làm con nuôi, bảo đảm cho con nuôi được nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trong môi trường gia đình (Điều 2 Luật nuôi con nuôi 2010).

b. Điều kiện của việc nuôi con nuôi

Điều kiện của người được nhận làm con nuôi (Điều 8 luật Nuôi con nuôi):

Dưới 16 tuổi: để phù hợp với Luật bảo vệ trẻ em quy định trẻ em là người dưới 16 tuổi

Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

  • Được cha dượng, mẹ kế nhận làm con nuôi
  • Được cô, cậu, dì, chú, bác ruột nhận làm con nuôi.

Chỉ được làm con nuôi của một người độc thân hoặc của cả hai người là vợ chồng (phải được cả 2 vợ chồng cùng đồng ý, tức là không thể có chuyện chỉ vợ hoặc chỉ chồng nhận con nuôi, người kia không đồng ý)

Chú ý: người đã được nhận làm con nuôi của người / vợ chồng này thì sẽ không được nhận làm con nuôi của người / vợ chồng khác. Điều này phù hợp với thực tế: cha mẹ có thể có nhiều con nuôi, nhưng con chỉ có 1 cha mẹ (đẻ + nuôi).

Tuy nhiên, trường hợp vợ chồng nhận 1 đứa trẻ làm con nuôi, sau đó vợ chồng ly hôn, thì vợ chồng kia vẫn là cha nuôi và mẹ nuôi của đứa trẻ, giả sử đứa trẻ sống với người mẹ nuôi, sau đó người mẹ nuôi lấy chồng, và anh chồng mới này nhận đứa trẻ làm con nuôi ==> đứa trẻ có 2 cha nuôi, 1 mẹ nuôi (luật chưa quy định trường hợp này)

Điều kiện của người nhận con nuôi (Điều 14 luật Nuôi con nuôi):

Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ

Hơn con nuôi từ 20 tuổi trở lên, chú ý không áp dụng với trường hợp cha dượng nhận con riêng của vợ, mẹ kế nhận con riêng của chồng làm con nuôi hoặc cô, cậu, dì, chú, bác ruột nhận cháu làm con nuôi

Có điều kiện về kinh tế, sức khỏe, chỗ ở đảm bảo cho việc chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con nuôi, chú ý không áp dụng với trường hợp cha dượng nhận con riêng của vợ, mẹ kế nhận con riêng của chồng làm con nuôi hoặc cô, cậu, dì, chú, bác ruột nhận cháu làm con nuôi

Bài giảng môn học Luật hôn nhân và gia đình chương X
Bài giảng môn học Luật hôn nhân và gia đình chương X

Có tư cách đạo đức tốt

Người nhận con nuôi phải không thuộc 1 trong các trường hợp sau:

  • Đang bị hạn chế một số quyền của cha, mẹ đối với con chưa thành niên
  • Đang chấp hành hình phạt tù
  • Đang chấp hành quyết định xử lý hành chính tại cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh (VD gái mại dâm bị bắt buộc phục hồi nhân phẩm, nghiện ma túy bị bắt buộc cai nghiện)
  • Chưa được xóa án tích về một trong các tội cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của người khác; ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu, người có công nuôi dưỡng mình; dụ dỗ, ép buộc hoặc chứa chấp người chưa thanh niên vi phạm pháp luật; mua bán, đánh tráo, chiếm đoạt trẻ em.

Chú ý: trường hợp hai vợ chồng nhận con nuôi thì cả 2 vợ chồng đều phải thỏa mãn các điều kiện trên. VD người chồng đang bị đi tù thì hai vợ chồng không được nhận con nuôi

Phải được sự đồng ý của cha mẹ đẻ hoặc người giám hộ của người được nhận làm con nuôi và của chính người được nhận làm con nuôi nếu từ đủ 9 tuổi.

Chú ý: việc đứa trẻ 9 tuổi đồng ý là thể hiện sự đồng ý trước mặt cán bộ hộ tịch, được người cán bộ hộ tịch xác nhận (chứ không bắt đứa trẻ 9 tuổi phải ký hay điểm chỉ)

Nếu đứa trẻ là con bị bỏ rơi, chưa xác định được cha mẹ đẻ, được đưa và nuôi dưỡng tại cơ sở chăm sóc trẻ mồ côi thì phải có sự đồng ý của người đứng đầu cơ sở nuôi dưỡng này

Nếu trẻ trong trung tâm trẻ mồ côi lại do chính cha mẹ đẻ mang đến (vì hoàn cảnh quá khó khăn) thì phải có sự đồng ý của cha mẹ đẻ. (thông thường cha mẹ đẻ sẽ viết giấy đồng ý cho nhận cha mẹ nuôi và gửi lại Trung tâm)

Việc nuôi con nuôi phải được đăng ký tại cơ quan NN có thẩm quyền: cơ quan NN ra Quyết định đồng ý cho việc nhận con nuôi, hai bên làm Biên bản giao nhận con nuôi, quyền và nghĩa vụ của cha mẹ và con nuôi phát sinh từ thời điểm hoàn thành việc giao nhận con nuôi.

c. Hệ quả pháp lý của việc nuôi con nuôi (Điều 24 luật Nuôi con nuôi)

Kể từ ngày giao nhận con nuôi, giữa cha mẹ nuôi và con nuôi có đầy đủ các quyền, nghĩa vụ của cha mẹ và con; giữa con nuôi và các thành viên khác của gia đình cha mẹ nuôi cũng có các quyền, nghĩa vụ đối với nhau theo quy định của PL về hôn nhân và gia đình, PL dân sự và các quy định khác của PL có liên quan.

Theo yêu cầu của cha mẹ nuôi, cơ quan NN có thẩm quyền quyết định việc thay đổi họ, tên của con nuôi. Việc thay đổi họ, tên của con nuôi từ đủ 9 tuổi trở lên phải được sự đồng ý của người đó.

Dân tộc của con nuôi là trẻ em bị bỏ rơi được xác định theo dân tộc của cha nuôi, mẹ nuôi.

Trừ trường hợp giữa cha mẹ đẻ và cha mẹ nuôi có thỏa thuận khác, kể từ ngày giao nhận con nuôi, cha mẹ đẻ không còn quyền, nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng, cấp dưỡng, đại diện theo PL, bồi thường thiệt hại, quản lý, định đoạt tài sản riêng đối với con đã cho làm con nuôi.

Chú ý: cha mẹ đẻ chỉ chấm dứt một số quyền và nghĩa vụ sau khi cho con nuôi, các quyền và nghĩa vụ khác vẫn giữ nguyên, VD con được cho làm con nuôi vẫn được nhận thừa kế từ bố mẹ đẻ và bố mẹ đẻ vẫn được thừa kế từ con đã làm con nuôi gia đình khác

d. Chấm dứt việc nuôi con nuôi (Điều 25 luật Nuôi con nuôi)

Việc nuôi con nuôi có thể bị chấm dứt trong các trường hợp sau đây:

Con nuôi đã thành niên và cha mẹ nuôi tự nguyện chấm dứt việc nuôi con nuôi

Con nuôi bị kết án về một trong các tội cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của cha mẹ nuôi; ngược đãi, hành hạ cha mẹ nuôi hoặc con nuôi có hành vi phá tán tài sản của cha mẹ nuôi

Cha mẹ nuôi bị kết án về một trong các tội cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con nuôi; ngược đãi, hành hạ con nuôi

Thực hiện các hành vi bị cấm (Điều 13 luật Nuôi con nuôi):

+ Lợi dụng việc nuôi con nuôi để trục lợi, bóc lột sức lao động, xâm hại tình dục; bắt cóc, mua bán trẻ em

+ Giả mạo giấy tờ để giải quyết việc nuôi con nuôi.

+ Phân biệt đối xử giữa con đẻ và con nuôi.

+ Lợi dụng việc cho con nuôi để vi phạm pháp luật về dân số (VD gia đình đã sinh 2 con gái, muốn sinh thêm để được con trai, liền cho đi 1 đứa con làm con nuôi)

+ Lợi dụng việc làm con nuôi của thương binh, người có công với cách mạng, người thuộc dân tộc thiểu số để hưởng chế độ, chính sách ưu đãi của Nhà nước. (VD nhận làm con nuôi của thương binh để được cộng điểm thi đại học)

+ Ông, bà nhận cháu làm con nuôi hoặc anh, chị, em nhận nhau làm con nuôi. (vì những người cùng dòng máu trực hệ không thể nhận nhau làm con nuôi; Anh, chị, em là những người có cùng “đời” nên nhằm đảm bảo tôn ti trật tự thì không thể nhận nhau làm con nuôi)

+ Lợi dụng việc nuôi con nuôi để vi phạm PL, phong tục tập quán, đạo đức, truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc

– Việc chấm dứt nuôi con nuôi phải do Tòa án quyết định bằng 1 bản án

e. Hệ quả pháp lý của việc chấm dứt quan hệ nuôi con nuôi (Điều 27)

– Quyền, nghĩa vụ giữa cha mẹ nuôi và con nuôi chấm dứt kể từ ngày quyết định chấm dứt nuôi con nuôi của Tòa án có hiệu lực PL.

– Trường hợp con nuôi là người chưa thành niên hoặc đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự, không có khả năng lao động thì Tòa án quyết định giao cho cha mẹ đẻ hoặc tổ chức, cá nhân khác chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục vì lợi ích tốt nhất của người đó.

– Trường hợp con nuôi được giao cho cha mẹ đẻ thì các quyền, nghĩa vụ của cha mẹ đẻ đã chấm dứt theo quy định tại khoản 4 Điều 24 của Luật nuôi con nuôi được khôi phục (là các quyền, nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng, cấp dưỡng, đại diện theo pháp luật, bồi thường thiệt hại, quản lý, định đoạt tài sản riêng đối với con)

– Trường hợp con nuôi có tài sản riêng thì được nhận lại tài sản đó; nếu con nuôi có công lao đóng góp vào khối tài sản chung của cha mẹ nuôi thì được hưởng phần tài sản tương xứng với công lao đóng góp theo thỏa thuận với cha mẹ nuôi; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết.

– Con nuôi có quyền lấy lại họ, tên của mình như trước khi được cho làm con nuôi.

Tham khảo trọn bộ bài giảng môn học Luật hôn nhân và gia đình: https://study.phapche.edu.vn/khoa-hoc-tim-hieu-mon-luat-hon-nhan-va-gia-dinh

Mời bạn xem thêm:

Đánh giá bài viết

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài viết liên quan

.
.
.