fbpx
ICA - Học viện đào tạo pháp chế doanh nghiệp
Bài giảng môn học Luật hình sự 2 chương XIV

Bài giảng môn học Luật hình sự 2 chương XIV với chủ đề Các tội phạm về tham nhũng cung cấp kiến thức sâu sắc về các hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn để trục lợi cá nhân. Nội dung bài giảng sẽ giúp người học hiểu rõ cấu thành tội phạm tham nhũng, các hình thức và mức độ xử phạt, cũng như những biện pháp phòng chống tham nhũng theo quy định của pháp luật. Qua đó, sinh viên nắm vững cách nhận diện và xử lý các tội phạm tham nhũng trong thực tiễn, góp phần bảo vệ sự minh bạch và liêm chính trong bộ máy nhà nước.

Bài giảng môn học Luật hình sự 2 chương XIV

Vấn đề 14: Các tội phạm về tham nhũng

I. Các vấn đề chung về tội tham nhũng

1. Khái niệm chung về tham nhũng

Theo Điều 1 Luật phòng chống tham nhũng 2005: Tham nhũng là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn đó vì vụ lợi.

Tham nhũng không phải là tội danh mà là 1 khái niệm dùng để các tội phạm có chung dấu hiệu sau:

  • Là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn ==> người không có chức vụ, quyền hạn thì không thể tham nhũng, chỉ có thể là đồng phạm
  • Người có chức vụ quyền hạn lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để làm trái PL khi thực hiện công vụ.

Chú ý: người có chức vụ, quyền hạn thực hiện hành vi vi phạm PL nhưng không dựa vào chức vụ, quyền hạn thì hành vi đó không phải là tham nhũng.

Có động cơ vụ lợi

Vụ lợi là lợi ích vật chất, tinh thần mà người có chức vụ, quyền hạn đạt được hoặc có thể đạt được thông qua hành vi tham nhũng.

(tuy nhiên hiện nay Luật mới chỉ quy định tội tham nhũng vật chất, chưa có tội nào tham nhũng về tinh thần)

Tham nhũng về tinh thần: biểu dương, ca ngợi, khen thưởng, đề bạt, hối lộ tình dục (Hối lộ tình dục được hiểu là tự mình hoặc thuê người khác phục vụ tình dục cho cán bộ, công chức NN nhằm đổi lấy lợi ích không chính đáng nào đó)

Không phải tất cả các hành vi tham nhũng đều bị xử lý hình sự (bị xử lý hành chính), chỉ có những hành vi tham nhũng thỏa mãn các yếu tố cấu thành tội phạm tham nhũng được quy định trong Bộ luật Hình sự thì mới bị xử lý hình sự (7 tội từ Điều 278 – 284).

Các tội phạm về tham nhũng là những hành vi nguy hiểm cho XH được quy định trong bộ Luật Hình sự, do người có chức vụ, quyền hạn thực hiện trong khi thực hiện công vụ.

Tình huống: A là phó phòng nghiệp vụ của cơ quan H, được anh em trong cơ quan cử đi nhận lương cho toàn bộ cơ quan. Sau khi nhận được tiền lương, 50 triệu, A không trả cho anh em trong đơn vị mà dùng số tiền này đánh bạc và thua hết. Vậy A có mắc tội tham ô tài sản ?

Trả lời: Mặc dù A là người có chức vụ, nhưng việc A đi nhận thay lương cho anh em trong cơ quan lại không phải là việc công mà chỉ là việc cá nhân nhờ nhau, như vậy việc A chiếm đoạt 50 triệu đồng của anh em trong cơ quan để đánh bạc không phải là tham ô tài sản, không phải tham nhũng.

Bài giảng môn học Luật hình sự 2 chương XIV
Bài giảng môn học Luật hình sự 2 chương XIV

2. Dấu hiệu pháp lý

Khách thể chung: 3 loại

  • Các quan hệ XH đảm bảo cho sự hoạt động đúng đắn của các cơ quan, tổ chức ;
  • Quan hệ sở hữu tài sản của cơ quan NN, công dân
  • Quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân

Chủ thể: là người có chức vụ, quyền hạn thực hiện trong khi thực hiện công vụ.

Người có chức vụ là người do bổ nhiệm, do bầu cử, do hợp đồng hoặc do một hình thức khác, có hưởng lương hoặc không hưởng lương, được giao thực hiện một công vụ nhất định và có quyền hạn nhất định trong khi thực hiện công vụ (Điều 277).

Như vậy, người có chức vụ, quyền hạn nhưng không phải trong khu vực công lập thì không thể là chủ thể của các tội tham nhũng.

Người có chức vụ, quyền hạn trong khu vực tư nhân chiếm đoạt tài sản của cơ quan, tổ chức thì chỉ có thể kết tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, hoặc Lợi dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

II. Một số tội phạm cụ thể

1. Tội tham ô tài sản (Điều 278)

Là hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản mà mình có trách nhiệm quản lý có giá trị từ 2 triệu

Hành vi tham ô tài sản cấu thành tội phạm khi thỏa mãn các dấu hiệu:

  • Khách thể: hoạt động đúng đắn của cơ quan, tổ chức, và quan hệ sở hữu về tài sản của nhà nước hoặc cơ quan, tổ chức (công lập)
  • Đối tượng: tài sản của NN hoặc của cơ quan tổ chức như tổ chức chính trị, tổ chức chính trị XH, tài sannr đó phải do người phạm tội có trách nhiệm quản lý

Chú ý: nếu người có chức vụ, quyền hạn mà chiếm đoạt tài sản không phải do mình quản lý thì không phải tội tham ô tài sản. VD: nhân viên kế toán ngồi cùng phòng với thủ quỹ, lợi dụng thủ quỹ sơ hở, người kế toán lấy trộm tiền trong két của người thủ quỹ ==> không phải tội tham ô mà là Tội trộm cắp tài sản.

Chủ thể: đặc biệt, là người có chức vụ, quyền hạn quản lý tài sản.

Những người không có chức vụ, quyền hạn thì chỉ có thể là đồng phạm của tội này với vai trò tổ chức, xúi giục, giúp sức.

Trách nhiệm quản lý tài sản của chủ thể tội này có thể là trách nhiệm chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản, thường có ở người đứng đầu (thủ trưởng) cơ quan tổ chức ; hoặc trách nhiệm trông, giữ, bảo quản, quản lý tài sản (thủ kho, thủ quỹ, bảo vệ, …)

Chú ý:

  • người bảo vệ cơ quan tổ chức nói chung không có trách nhiệm quản lý tài sản mà có trách nhiệm bảo vệ an toàn cho cơ quan, tổ chức, trong đó có bảo vệ tài sản, nhưng không có trách nhiệm quản lý tài sản ==> không phải là chủ thể của tội tham ô tài sản. Nếu có hành vi chiếm đoạt tài sản thì sẽ bị xử tội Trộm cắp tài sản, Lén lút chiếm đoạt tài sản
  • Tuy nhiên nếu vừa có trách nhiệm bảo vệ tài sản, vừa có trách nhiệm quản lý tài sản trong thời gian nhất định (như bảo vệ bãi than, xưởng gỗ, nông trường, kho thóc, …) trong khi người quản lý chính vắng mặt, mà lợi dụng chiếm đoạt tài sản thì bị quy tội Tham ô tài sản
  • Đối với người lái xe chiếm đoạt tài sản của cơ quan, tổ chức (công lập) mà mình có trách nhiệm vận chuyển thì phân biệt như sau:
    • Nếu vừa có trách nhiệm vận chuyển, vừa có trách nhiệm quản lý tài sản trong suốt quá trình vận chuyển mà lợi dụng trách nhiệm đó để chiếm đoạt ==> là tội tham ô tài sản
    • Nếu như chỉ có trách nhiệm vận chuyển, còn trách nhiệm trông coi, quản lý tài sản lại thuộc về người khác, lợi dụng sơ hở của họ để chiếm đoạt ==> là tội trộm cắp tài sản, hoặc lừa đảo chiếm đoạt tài sản

Mặt khách quan: có các dấu hiệu:

  • Người phạm tội có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn để phạm tội
  • Chiếm đoạt tài sản mà mình có trách nhiệm quản lý bằng thủ đoạn khác nhau như lén lút, hoặc công khai, hoặc gian dối và trong mọi trường hợp đều có sử dụng hoặc lợi dụng chức vụ, quyền hạn
  • Tài sản bị chiếm đoạt có giá trị từ 2 triệu trở lên, hoặc tài sản có giá trị dưới 2 triệu nhưng thuộc 1 trong các trường hợp :
  • Gây hậu quả nghiêm trọng
  • Đã bị xử lý kỷ luật về hành vi tham ô mà còn vi phạm
  • Đã bị kết án về một trong các tội phạm về tham nhũng (tức là bị kết án về 1 trong 7 tội tham nhũng quy định từ Điều 278 – 284), chưa được xoá án tích mà còn vi phạm

Tình huống: anh A có trách nhiệm quản lý kho hàng của cơ quan, bị kỷ luật 3 tháng vì vi phạm kỷ luật làm việc (đi làm muộn thường xuyên), 1 tháng sau A lấy trộm cái máy bơm nước trong kho trị giá 1.5 triệu để bán lấy tiền đánh bạc. Hỏi A có bị xử tội tham ô tài sản không ?

Trả lời: ở đây A là người có trách nhiệm quản lý tài sản, chiếm đoạt tài sản mà A có trách nhiệm quản lý, tài sản A chiếm đoạt trị giá 1.5 triệu là không đủ để cấu thành tội Tham ô tài sản, mặc dù trước đó A đang phải chịu kỷ luật 3 tháng nhưng đó không phải là kỷ luật về hành vi tham ô ==> A sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính

Mặt chủ quan: lỗi cố ý trực tiếp

Mục đích: là tư lợi, vụ lợi

Chú ý các tình tiết tăng nặng:

  • Gây hậu quả nghiêm trọng : ví dụ: thủ kho bệnh viện tham ô vật tư trị giá dưới 2 triệu, tuy nhiên đó lại là vật tư rất quan trọng trong cấp cứu bệnh nhân, bệnh viện có bệnh nhân cấp cứu và do không có loại vật tư đó dẫn đến bệnh nhân tử vong
  • Dùng thủ đoạn xảo quyệt: dùng những thủ đoạn có tính chất tinh vi, gian dối cao để dễ dàng thực hiện và che dấu tội tham ô, tránh sự phát hiện của cơ quan PL. Ví dụ như thông đồng, móc ngoặc … để nâng giá cao nhiều lần khi mua sắm hàng hóa
  • Dùng thủ đoạn nguy hiểm: là trường hợp dùng thủ đoạn phạm tội như che dấu tội phạm có khả năng gây ra thiệt hại, hậu quả nghiêm trọng khác, hoặc rất nghiêm trọng, VD thủ kho tham ô rồi tạo ra hỏa hoạn đốt kho để che dấu, thủy thủ tham ô rồi đánh chìm tàu, tham ô thuốc chữa bệnh rồi dùng thuốc giả hoặc hết hạn sử dụng thế vào đó, …

2. Tội nhận hối lộ (Điều 279)

Là hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn, trực tiếp hoặc qua trung gian đã nhận hoặc sẽ nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác dưới bất kỳ hình thức nào có giá trị từ 2 triệu

Mặt khách quan: là hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn trực tiếp hoặc qua trung gian đã nhận hoặc sẽ nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác do đã làm hoặc không làm 1 việc vì lợi ích của bên đưa hối lộ, hoặc để sẽ làm hoặc không làm 1 việc vì lợi ích của bên đưa hối lộ

Hành vi nhận hối lộ có các dấu hiệu:

  • Người phạm tội có hành vi nhận hối lộ: có thể nhận trực tiếp hoặc qua trung gian
  • Của hối lộ là lợi ích vật chất
  • Chủ thể nhận hối lộ đã làm / không làm 1 việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của chủ thể đưa hối lộ
  • Đối tượng: lợi ích vật chất có giá trị từ 2 triệu

Tội nhận hối lộ được coi là hoàn thành về mặt pháp lý khi xảy ra 1 trong 3 trường hợp sau:

  • Người đưa hối lộ đã đưa lợi ích vật chất người có chức vụ, quyền hạn để làm 1 việc
  • Chủ thể đưa hối lộ và chủ thể nhận hối lộ đạt được thỏa thuận về việc hối lộ để làm / không làm 1 việc
  • Người phạm tội chủ động đòi hỏi, sách nhiễu, đe dọa để được nhận hối lộ và người đưa hối lộ đã chấp nhận đòi hỏi đó

Chú ý:

  • Hành vi làm hay không làm của người phạm tội nhận hối lộ vì lợi ích hay theo yêu cầu của bên đưa hối lộ nếu cấu thành tội phạm của tội khác thì chủ thể còn bị xử lý về tội này, và người đưa hối lộ cũng bị xử lý về tội này với vai trò là đồng phạm. VD thẩm phán nhận hối lộ để cho bị cáo hưởng án treo trái với quy định của PL thì sẽ bị xử tội Ra bản án trái PL (Điều 295) ; nhận hối lộ để tạo điều kiện cho người khác xuất cảnh trái phép, hoặc buôn lậu, buônn bán hàng cấm trái phép
  • Hành vi làm hay không làm của người nhận hối lộ có thể thỏa mãn hoặc không thỏa mãn hoặc chỉ thỏa mãn 1 phần yêu cầu của bên đưa hối lộ (không phải là dấu hiệu bắt buộc của tội phạm hoàn thành). VD thẩm phán nhận hối lộ và hứa sẽ cho bị cáo hưởng án treo nhưng hội đồng xét xử lại biểu quyết xử tù.
  • Trường hợp người nhận tiền, tài sản và hứa sẽ làm 1 việc theo yêu cầu của người đưa hối lộ, nhưng công việc đó không thuộc thẩm quyền giải quyết của người nhận tiền thì hành vi đó không cấu thành tội nhận hối lộ mà có thể cấu thành tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, hay tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi, …

Lỗi : cố ý trực tiếp

3. Tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản (Điều 280)

– Là hành vi lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ 2 triệu

– Mặt khách quan: người phạm tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn để chiếm đoạt tài sản của người khác (tức là đã vượt quá phạm vi chức vụ quyền hạn được giao). VD cán bộ thuế tự ý tăng mức thuế của doanh nghiệp để chiếm đoạt khoản chênh lệch tăng thêm.

Hành vi chiếm đoạt tài sản của người phạm tội này có thể là :

+ lạm dụng chức vụ quyền hạn uy hiếp tinh thần người khác để chiếm đoạt tài sản của họ. VD cán bộ quản lý thị trường đe dọa đưa thông tin bất lợi cho doanh nghiệp lên báo ==> đòi đưa tiền để đổi lấy sự im lặng

+ lạm dụng chức vụ quyền hạn để lừa dối người khác để chiếm đoạt tài sản của họ. VD công an xuất nhập cảnh lợi dụng người dân mong muốn xuất cảnh ra nước ngoài có việc gấp, liền gợi ý đưa tiền để giúp, nhưng nhận tiền xong thì không giúp được

+ lạm dụng sự tín nhiệm của người khác đối với chức vụ quyền hạn của mình để chiếm đoạt tài sản của người khác. VD công nhân nghỉ hưu nhờ cán bộ bảo hiểm xã hội lấy tiền bảo hiểm 1 lần, người cán bộ này thực hiện các thủ thuật để lấy tiền bảo hiểm từ NN là 100 triệu, nhưng chỉ đưa lại cho người công nhân 50 triệu

– Mặt chủ quan: lỗi cố ý trực tiếp, mục đích là vì tư lợi

4. Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ (Điều 281)

– Là hành vi vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái công vụ gây thiệt hại cho lợi ích của Nhà nước, của xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân.

– Mặt khách quan:

+ hành vi khách quan: người lợi dụng chức vụ, quyền hạn để làm trái công vụ được giao. VD cán bộ quy hoạch đường cố tình thiết thế đường cong để tránh nhà của người thân làm tăng chi phí xây dựng, làm xấu con đường ; hiệu trưởng quyết định thu học phí vượt trần quy định của NN

+ cấu thành vật chất: phải có thiệt hại cho lợi ích của Nhà nước, của xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân. Chú ý : thiệt hại có thể là vật chất hoặc không phải vật chất.

Ví dụ : vụ án cán bộ xét nghiệm tại bênh viện Hoài Đức nhân bản kết quả xét nghiệm để chiếm đoạt tiền bản hiểm ý tế của người bệnh, tuy không gây thiệt hại vật chất cho người bệnh nhưng có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe của người bệnh khi tin vào kết quả xét nghiệm.

– Chú ý : đây là tội chung, tức là chỉ khi lợi dụng chức vụ quyền hạn khi thi hành công vụ, không cấu thành tội khác (như các tội 178 – 180), thỏa mãn các dấu hiệu của tội này thì mới xử theo tội này.

– Lỗi : cố ý trực tiếp

– Động cơ : vụ lợi hoặc vì động cơ cá nhân

5. Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi (Điều 283)

– Chú ý : tội này rất dễ nhầm lẫn với Tội nhận hối lộ

Ví dụ : A là người có công việc cần B là người có chức vụ giải quyết, nhưng A không quen biết B, A nhờ C là cấp trên (hoặc người có ảnh hưởng tới B) để nhờ C gây ảnh hưởng lên B giải quyết công việc cho A, C nhận tiền của A và gây ảnh hưởng lên B giải quyết công việc cho A, B không được hưởng gì từ tiền của A đưa cho B.

– Mặt khách quan: bao gồm các dấu hiệu:

+ chủ thể lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để phạm tội, VD công an, chủ tịch, bí thư, trưởng ban tổ chức

+ chủ thể nhận tiền, tài sản, hay lợi ích vật chất khác dưới bất kỳ hình thức nào

+ chủ thể dùng ảnh hưởng của mình thúc đẩy người có chức vụ, quyền hạn khác để người này làm / không làm 1 công việc của họ, hoặc có liên quan đến công việc của họ, hoặc làm 1 việc mà họ không được phép làm

+ chủ thể phạm tội và người có chức vụ, quyền hạn khác phải có quan hệ công tác, ảnh hưởng lẫn nhau, thường là cấp trên gây ảnh hưởng lên cấp dưới (giám đốc với trưởng phòng, chủ tịch UBND với giám đốc sở), quan hệ cùng ngành, quan hệ phối hợp (như công án, tòa án, viện kiểm soát)

Chú ý: nếu giữa họ không có quan hệ ảnh hưởng đến nhau thì hành vi không cấu thành tội phạm này mà thường xử lý theo Điều 291

– Cấu thành tội phạm: tương tự với Tội nhận hối lộ

– Lỗi : cố ý trực tiếp

Tham khảo trọn bộ bài giảng ôn tập môn học Luật hình sự 2 : https://study.phapche.edu.vn/khoa-hoc-tim-hieu-mon-luat-hinh-su-2

Mời bạn xem thêm:

5/5 - (1 bình chọn)

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài viết liên quan

.
.
.