Bài giảng môn học Luật hình sự 2 chương II mang đến cái nhìn sâu sắc về Các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, con người, một chủ đề quan trọng trong lĩnh vực pháp luật. Chương này tập trung vào việc phân tích các quy định pháp lý liên quan đến các hành vi phạm tội như giết người, cố ý gây thương tích, hay các tội phạm xâm hại sức khỏe khác. Thông qua bài giảng, người học sẽ hiểu rõ hơn về bản chất pháp lý của các hành vi vi phạm, mức độ xử phạt và những tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trong từng trường hợp cụ thể.
Bài giảng môn học Luật hình sự 2 chương II
Chướng 2: Các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, con người
I. Khái niệm chung
1. Khái niệm
– Nhóm tội này được chia làm 3 nhóm:
+ nhóm các tội xâm phạm tính mạng con người: giết người, vô ý làm chết người, bức tử, …
+ nhóm các tội xâm phạm sức khỏe con người: gây thương tích, gây tổn hại đến sức khỏe người khác
+ nhóm các tội xâm phạm nhân phẩm, danh dự con người: hiếp dâm, làm nhục người khác
a. Các tội xâm phạm tính mạng con người
– Là những hành vi (hành động hoặc không hành động) có lỗi (cố ý hoặc vô ý) xâm hại quyền được tôn trọng và bảo vệ về tính mạng của người khác
– Khách thể: quyền sống, quyền được tôn trọng và bảo vệ tính mạng
Đối tượng của tội phạm: người đang sống
– Mặt khách quan:
+ hành vi khách quan: hành động hoặc không hành động, trực tiếp hoặc gián tiếp gây ra thiệt hại về tính mạng hoặc đe dọa gây ra thiệt hại về tính mạng
+ hậu quả: chết người, hoặc hành vi tự sát (có thể chết hoặc không chết)
– Chủ thể: bình thường (đủ tuổi và có năng lực TNHS)
– Mặt chủ quan: lỗi cố ý hoặc vô ý
b. Các tội xâm phạm sức khỏe con người
– Là hành vi (hành động hoặc không hành động) có lỗi (cố ý hoặc vô ý) xâm phạm quyền được tôn trọng và bảo vệ sức khỏe của người khác
– Chủ thể: thông thường , hoặc đặc biệt (trong điều 110, 107)
1. Tội giết người (Điều 93) (tiếp)
– Mặt khách quan: cấu thành vật chất, tức là phải có hậu quả chết người (nếu thực hiện hành vi giết người mà không chết thì là trường hợp phạm tội chưa đạt)
– Mặt chủ quan: lỗi cố ý (trực tiếp hoặc gián tiếp)
b. Trách nhiệm hình sự (Hình phạt)
Cấu thành cơ bản (khoản 2): phạt tù 7 đến 15 năm
Các trường hợp cấu thành tăng nặng (khoản 1), phạt tù 12-20 năm, chung thân hoặc tử hình:
– Giết nhiều người: là giết từ 2 người trở lên, có thể cùng 1 lần hoặc nhiều lần
– Giết phụ nữ mà biết là có thai:
+ đối tượng tác động: nữ, đang mang thai
+ người phạm tội biết rõ nạn nhân đang mang thai (nếu không biết thì không áp dụng tình tiết này)
– Giết trẻ em:
+ đối tượng tác động: người dưới 16 tuổi
– Giết người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân:
Công vụ: nhiệm vụ công, vì lợi ích chung của XH, khi thực hiện công vụ thì có những quyền hành nhất định. Do đó việc giết người trong trường hợp này không chỉ xâm phạm tính mạng con người mà còn xâm phạm đến trật tự công cộng, trật tự XH.
+ giết người đang thi hành công vụ: đối tượng tác động là người đang thi hành công vụ, VD lâm tặc giết kiểm lâm, buôn lậu giết hải quan, giết bảo vệ đang làm nhiệm vụ
+ giết người vì lý do công vụ của nạn nhân: là trường hợp giết người mà động cơ gắn liền với việc thi hành công vụ của nạn nhân, VD chủ kinh doanh bị cán bộ thuế phát hiện sai phạm và phải nộp rất nhiều thuế, sau đó vì trả thù mà giết cán bộ thuế
– Giết ông bà, cha mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình
+ đối tượng tác động: là người có quan hệ đặc biệt với người phạm tội ==> xâm phạm tính mạng con người và còn vi phạm nghiêm trọng đạo lý
– Giết người mà liền trước hoặc ngay sau đó lại phạm tội rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng
VD: phạm tội cướp theo khoản 1 điều 133 (tội rất nghiêm trọng), ngay sau đó phạm tội giết người
Chú ý: thời gian để được coi là “liền trước” hoặc “liền sau” không được quy định
– Giết người để thực hiện hoặc che dấu 1 tội phạm khác
VD: giết người trộm cắp tài sản; hiếp dâm rồi giết nạn nhân để bịt đầu mối
– Giết người để lấy bộ phận cơ thể nạn nhân: để bán mô tạng
– Giết người một cách man rợ: cách thức thực hiện hành vi giết người gây tinh hoàng trong XH
– Giết người bằng cách lợi dụng nghề nghiệp:
+ lợi dụng công cụ nghề nghiệp
+ lợi dụng kinh nghiệm nghề nghiệp: VD bác sỹ, dược sỹ lợi dụng kinh nghiệm nghề nghiệp để giết người
– Giết người bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người: chỉ cần có hành vi, không cần phải có hậu quả có người chết đã bị quy tội.
VD: ném lựu đạn vào chỗ đông người, thì cho dù lựu đạn không nổ vẫn bị quy tội này
– Thuê giết người hoặc giết người thuê: là 1 dạng của động cơ đê hèn
– Giết người có tổ chức: đồng phạm có tổ chức, tức là có sự cấu kết chặt chẽ
– Giết người có tính chất côn đồ: giết người vì những lý do đơn giản
VD: giết người vì tranh nhau một thứ rất nhỏ nhặt (VD tranh nhau cái cây mọc giữa bờ rào, tranh cái xẻng xúc cát, tranh nhau dòng nước)
– Tái phạm nguy hiểm: điều 49
– Giết người vì động cơ đê hèn: là động cơ phạm tội có tính chất xấu và ở mức độ cao
VD: giết chồng người ta để lấy vợ người ta; giết người thân thích để sớm được hưởng thừa kế
2. Tội giết con mới đẻ (Điều 94)
– Là trường hợp người mẹ (người đẻ) giết đứa con tính từ ngày sinh ra chưa tròn 7 ngày tuổi do bị ảnh hưởng nặng nề của tư tưởng lạc hậu hoặc trong trường hợp đặc biệt, hoặc vứt bỏ đứa trẻ dẫn đến hậu quả đứa trẻ chết
a. Dấu hiệu pháp lý
– Tội có cấu thành vật chất, tức là có hành vi, hậu quả và quan hệ nhân quả giữa hành vi và hậu quả
– Chủ thể: là người mẹ đẻ ra đứa trẻ
Chú ý: nếu bố, cô, bác, … giết cháu thì sẽ bị truy tố về tội giết người (Điều 93 khoản 2)
– Đối tượng tác động: trẻ mới đẻ trong vồng 7 ngày tuổi
– Mặt khách quan của tội phạm: hành vi gồm 2 dạng:
+ giết con mới đẻ:
- phải do ảnh hưởng nặng nề của tư tưởng lạc hậu. VD sinh con một bề, đứa trẻ sinh ra đúng vào ngày xấu (theo quan niệm lạc hậu),…
- hoặc trong hoàn cảnh khách quan đặc biệt: VD người mẹ gặp hoàn cảnh khó khăn đặc biệt như chồng bỏ và bản thân quá nghèo không đủ khả năng nuôi con, hoặc sinh con quái thai, bệnh tật bẩm sinh
+ vứt con: để mặc đứa con không cho bú, ăn dẫn đến chết
– Mặt chủ quan của tội phạm: lỗi cố ý
b. Hình phạt
– Cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.
3. Tội bức tử (Điều 100)
– Có hành vi đối xử tàn ác, thường xuyên ức hiếp, ngược đãi hoặc làm nhục người lệ thuộc mình, làm cho người đó tự sát
a. Dấu hiệu pháp lý
– Khách thể: đe dọa xâm phạm tính mạng của con người
– Mặt khách quan: tội có cấu thành vật chất, tức là có hành vi, hậu quả và quan hệ nhân quả giữa hành vi và hậu quả
+ hành vi:
- Đối xử tàn ác: VD đánh đập, bỏ đói, bỏ rét, …
- Thường xuyên ức hiếp
- Thường xuyên ngược đãi
Chú ý: đối tượng của các hành vi trên phải là người lệ thuộc
+ hậu quả: nạn nhân tự sát, không cần có chết hay không
– Chủ thể của tội phạm: người phạm tội và nạn nhân có quan hệ phụ thuộc về vật chất hoặc tinh thần
– Mặt chủ quan của tội phạm:
b. Hình phạt
– phạt tù từ 2 – 7 năm: khoản 1
– phạt tù từ 3 – 10 năm: làm nhiều người tự sát
4. Tội xúi giục hoặc giúp người khác tự sát (Điều 101)
– Xúi giục người khác tự sát là hành vi cố ý thúc đẩy người khác tự tước đoạt tính mạng của họ
– Giúp người khác tự sát là hành vi cố ý tạo ra các điều kiện cho người tự tước đoạt tính mạng của họ
a. Dấu hiệu pháp lý
– Khách thể: đe dọa tước đoạt tính mạng con người
– Mặt khách quan: tội có cấu thành vật chất, tức là có hành vi, hậu quả và quan hệ nhân quả giữa hành vi và hậu quả
+ hành vi:
- Xúi giục trực tiếp: (không xúi giục thông qua người khác) kích động, dụ dỗ, lừa dối, … người khác tự sát
- Giúp tự sát: tạo điều kiện về vật chất hoặc tinh thần cho người tự sát, VD cung cấp thuốc độc, vũ khí, hoặc chỉ cho nạn nhân cách thức tự sát
+ hậu quả: nạn nhân có hành vi tự sát, không đòi hỏi phải chết do tự sát
– Chủ thể: thông thường
– Mặt chủ quan: lỗi cố ý
b. Hình phạt
– phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm
– phạt tù từ 2 năm đến 7 năm: giúp nhiều người tự sát
5. Tội không cứu giúp người khác đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng (Điều 102)
– Là hành vi không cứu giúp người khác khi người đó lâm vào tình trạng nguy hiểm đến tính mạng mà người cứu giúp có điều kiện cứu giúp, dẫn đến hậu quả người đó chết
a. Dấu hiệu pháp lý
– Khách thể: xâm phạm tính mạng con người
– Mặt khách quan: tội có cấu thành vật chất, tức là có hành vi, hậu quả và quan hệ nhân quả giữa hành vi và hậu quả
+ nạn nhân phải đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng: có thể do tai nạn, hoặc do người đó tự sát
+ hành vi phạm tội: hành vi không thực hiện nghĩa vụ cứu giúp khi thấy người khác ở trong tình trạng nguy hiểm. Chú ý: người phạm tội phải ở trong hoàn cảnh có điều kiện cứu giúp, và việc cứu giúp không nguy hiểm cho bản thân cũng như cho người khác
+ hậu quả: người không được cứu giúp chết. Nếu không chết thì người không có hành vi cứu giúp sẽ không bị truy cứu TNHS
– Mặt chủ quan: lỗi cố ý gián tiếp (do đó chỉ quy TNHS khi có hậu quả xảy ra)
+ người phạm tội nhận thức được người khác đang trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, đòi hỏi cần được giúp đỡ
+ người phạm tội nhận thức được mình có điều kiện cứu giúp, có đủ điều kiện để cứu giúp
– Chủ thể: thông thường
b. Hình phạt
– Phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ từ 3 tháng đến 2 năm, hoặc phạt từ từ 3 tháng đến 2 năm
– Phạt tù từ 1 – 5 năm nếu:
+ người không cứu giúp đã vô ý gây ra tình trạng nguy hiểm cho nạn nhân: VD rủ người khác đi bơi ở sông, không may người đó bị chết đuối mà không cứu; hoặc đốt rác thải, không may gây cháy làm nguy hiểm đến tính mạng người khác
+ người không cứu giúp là người mà theo PL hay theo nghề nghiệp có nghĩa vụ cứu giúp. VD bác sỹ, nhân viên cứu hộ
6. Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác (Điều 104)
(đây là tội có số lượng vụ án được xét xử nhiều nhất tại VN, chiếm đến 1/4 tổng số vụ án trên toàn quốc)
– Là hành vi cố ý gây tổn hại cho sức khỏe của người khác bằng cách gây ra các thương tích hoặc tổn thương khác
+ thương tích: tổn hại cho sức khỏe thể hiện qua dấu vết để lại trên cơ thể
+ tổn thương khác: tổn hại cho sức khỏe mà không thể hiện thành dấu vết trên cơ thể
VD: vợ chồng cãi nhau, ông hàng xóm bênh người vợ, ném đá ông chồng, nhưng lại trúng bà vợ, gây thương tích 4%. Tuy nhiên vì dùng đá làm phương tiện thực hiện hành vi (là hung khí theo quy định của PL) nên dù bị thương dưới 11% vẫn bị truy cứu TNHS
VD: cố ý gây thương tích nhưng vô ý làm chết người (là trường hợp nặng nhất của tội này)
a. Dấu hiệu pháp lý
– Khách thể: xâm phạm sức khỏe con người, một số trường hợp xâm phạm tính mạng con người
– Đối tượng tác động: con người
– Mặt khách quan của tội phạm: cấu thành vật chất, tức là có hành vi, hậu quả và quan hệ nhân quả giữa hành vi và hậu quả
+ hành vi: dùng chân, tay, công cụ, phương tiện, hoặc có thể thông qua súc vật, … tác động đến thân thể người khác
+ hậu quả: gây ra các thương tích cụ thể
– Nếu gây thương tích từ 11% trở lên: truy cứu TNHS
– Nếu gây thương tích dưới 11% vẫn bị truy cứu TNHS khi:
+ Dùng hung khí nguy hiểm hoặc dùng thủ đoạn gây nguy hại cho nhiều người: VD dùng dao, kiếm, bom, mìn, bỏ chất độc vào đồ ăn hoặc nước uống,…
+ Gây cố tật nhẹ cho nạn nhân: cố tật là những tật trên cơ thể do hành vi phạm tội gây ra mà không thể khắc phục được, VD làm mắt bị lác, đứt dây thần kinh dẫn đến liệt một phần cơ thể, gây ù tai dẫn đến điếc
+ Phạm tội nhiều lần đối với cùng một người hoặc đối với nhiều người
+ Đối với trẻ em, phụ nữ đang có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ
+ Đối với ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình
+ Phạm tội có tổ chức
+ Phạm tội trong thời gian đang bị tạm giữ, tạm giam hoặc đang bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục
+ Thuê người khác hoặc thực hiện hành vi do người khác thuê
+ Có tính chất côn đồ hoặc tái phạm nguy hiểm
+ Để cản trở người thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân.
– Chủ thể: thông thường
– Mặt khách quan: lỗi cố ý
b. Hình phạt
Có 4 khung hình phạt
– Khung 1: Cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm:
+ gây thương tích từ 11% đến 30%
+ gây thương tích dưới 11% nhưng có 1 trong các tình tiết kể trên
– Khung 2: Phạt tù từ 2 đến 7 năm:
+ gây thương tích từ 31% đến 60%
+ gây thương tích dưới 30% những có 1 trong các tình tiết kể trên
VD thương tích 30%: đá vào bụng làm vỡ lá lách; đá vào bụng chị em mang thai làm sảy thai
– Khung 3: Phạt tù từ 5 năm đến 15 năm:
+ gây thương tích từ 61% trở lên (đến 100%)
VD thương tích 100%: dùng gậy đánh vào gáy dẫn tới bị liệt toàn thân
+ gây thương tích dưới 61% nhưng nhưng có 1 trong các tình tiết kể trên
+ gây chết người
Chú ý: trường hợp gây hậu quả chết người, phân biệt với phạm tội giết người
+ gây thương tích là lỗi cố ý, hậu quả chết người là lỗi vô ý (khác với tội giết người là lỗi cố ý)
+ việc gây thương tích và hậu quả chết người phải có mối quan hệ nhân quả. VD đâm nạn nhân, do bị mất quá nhiều máu, hoặc vết thương quá nặng nên sau đó một thời gian (chẳng hạn sau 1-2 tuần) thì nạn nhân chết; VD gây thương tích cho nạn nhân là người già yếu, có bệnh nặng làm nạn nhân chết sơm hơn (nếu không bị gây thương tích thì nạn nhân chưa chết)
– Khung 4: Phạt tù từ 15 năm đến 20 năm hoặc chung thân:
+ gây chết nhiều người: phải thực hiện với lỗi vô ý (nếu lỗi cố ý sẽ sang tội Giết người)
+ đặc biệt nghiêm trọng: gây thương tích nặng (từ 61%) cho nhiều người, phạm tội vì động cơ đê hèn, …
Tham khảo trọn bộ bài giảng môn học Luật hình sự 2: https://study.phapche.edu.vn/khoa-hoc-tim-hieu-mon-luat-hinh-su-2?ref=lnpc
Mời bạn xem thêm: