fbpx
ICA - Học viện đào tạo pháp chế doanh nghiệp
Bài giảng môn học Luật dân sự 2 chương III

Bài giảng môn học Luật dân sự 2 chương III với nội dung bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự giúp người học nắm vững các quy định pháp luật liên quan đến các biện pháp bảo đảm nghĩa vụ, bao gồm cầm cố, thế chấp, bảo lãnh, ký quỹ và các hình thức khác. Chương này không chỉ cung cấp kiến thức lý thuyết mà còn hướng dẫn cách áp dụng các biện pháp bảo đảm trong thực tiễn pháp lý, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên tham gia giao dịch dân sự.

Bài giảng môn học Luật dân sự 2 chương III

Vấn đề 3: Bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự

– Quan hệ nghĩa vụ dân sự là quan hệ trái quyền, tức là trong quan hệ nghĩa vụ luôn tồn tại sự đối lập giữa quyền và nghĩa vụ của các bên chủ thể với nhau, và quyền của bên mang quyền không thể tự thỏa mãn mà phụ thuộc vào sự thực hiện nghĩa vụ của bên đối lập ==> nếu bên có nghĩa vụ không thực hiện, thực hiện không đúng, thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ thì sẽ ảnh hưởng đến lợi ích của bên có quyền

==> phải có biện pháp bảo đảm để ngăn chặn sự vi phạm

I. Những quy định chung

1. Khái niệm các biện pháp bảo đảm

– Là các biện pháp mang tính dự phòng nhằm để ngăn chặn, khắc phục những tổn thất khi có sự vi phạm

– Đặc điểm:

+ được hình thành trên cơ sở có sự thỏa thuận, VD thế chấp khi vay vốn ngân hàng, đặt cọc khi mua bán.

Chú ý: trong một số trường hợp PL bắt buộc phải có bảo đảm, VD việc bắt buộc phải ký quỹ khi người lao động ra nước ngoài (để bảo đảm không ở lại nước ngoài sau khi hết thời hạn)

+ là biện pháp mang tính dự phòng

Chú ý:  dự phòng >< dự phạt

  • Dự phạt: dự trù 1 khoản phạt khi nghĩa vụ không được thực hiện đúng hạn, tuy nhiên nếu bên có nghĩa vụ cố tình không thực hiện thì cũng không có cách nào bắt buộc được
  • Dự phòng: nếu bên có nghĩa vụ không thực hiện nghĩa vụ thì sẽ có biện pháp khác thay thế

+ chỉ được áp dụng / thực hiện khi vi phạm nghĩa vụ chính

– Mục đích:

+ nhằm hạn chế sự vi phạm

+ bảo vệ cho bên có quyền khi có sự vi phạm xảy ra

+ là hợp đồng phụ, có thể được xác lập 1 cách độc lập hoặc được ghi vào hợp đồng chính

2. Đối tượng của biện pháp bảo đảm

– Đối tượng của biện pháp bảo đảm là cái gì được dùng để bảo đảm, gồm 3 loại: tài sản, công việc, uy tín

– Đối tượng của biện pháp bảo đảm là những lợi ích vật chất, vì theo quy luật ngang giá chung thì chỉ có lợi ích vật chất mới bù đắp được các lợi ích vật chất, và do đó không thể dùng quyền nhân thân làm đối tượng cho biện pháp bảo đảm

a. Tài sản

– Là đối tượng của 5 biện pháp bảo đảm: cầm cố, thế chấp, đặt cọc, ký cược, ký quỹ

– Điều kiện để tài sản được mang ra bảo đảm:

+ tài sản bảo đảm phải được phép giao dịch

Chú ý: tài sản được phép giao dịch  ><  tài sản được phép kinh doanh

  • Giao dịch là chuyển chuyền sở hữu từ chủ thể này sang chủ thể khác
  • Kinh doanh là hoạt động mua đi bán lại để kiếm lợi nhuận

Câu hỏi: Tài sản được phép giao dịch có đương nhiên là tài sản được phép kinh doanh ?

Trả lời: Sai, VD ma túy có thể được giao dịch nhưng không được phép kinh doanh

+ tài sản bảo đảm phải được xác định 1 cách cụ thể

+ tài sản bảo đảm phải thuộc sở hữu của bên bảo đảm, trừ 2 trường hợp:

  • Tài sản bảo đảm là tài sản phải đăng ký quyền sở hữu mà tại thời điểm mang đi bảo đảm đang làm thủ tục chuyển quyền sở hữu (theo Nghị định 11/2012 về 3 loại tài sản hình thành trong tương lai: loại đang được tạo lập, loại đang làm thủ tục đăng ký quyền sở hữu, tài sản hình thành từ vốn vay)
  • Tài sản thuê nhưng thỏa mãn 3 điều kiện (Nghị định 163)
  • Hợp đồng thuê từ 1 năm trở lên
  • Tàu sản thuê không thuộc nhóm phải đăng ký quyền sở hữu
  • Bên cho thuê là tổ chức, cá nhân có đăng ký kinh doanh

– Một tài sản có thể bảo đảm cho nhiều nghĩa vụ, và ngược lại có thể dùng nhiều tài sản để bảo đảm cho 1 nghĩa vụ.

b. Công việc

– Là đối tượng của 1 biện pháp bảo đảm là bảo lãnh

– Phải có các điều kiện sau:

+ phải được xác định cụ thể

+ phải có tính khả thi

+ không vi phạm điều cấm của PL và trái đạo đức XH

c. Uy tín

– Là đối tượng của 1 biện pháp bảo đảm là tín chấp.

– Chỉ có duy nhất tổ chức chính trị XH mới có thể dùng uy tín của mình để bảo đảm. (Điều 372)

Có 6 tổ chức chính trị XH: mặt trận tổ quốc, hội phụ nữ, đoàn TNCS, liên đoàn lao động, hội nông dân, hội cựu chiến binh.

VD: Hội phụ nữ đứng ra bảo đảm để thành viên của hội là những phụ nữ ở nông thôn, miền núi gặp khó khăn vay vốn ngân hàng chính sách XH để thực hiện xóa đói giảm nghèo.

Câu hỏi: có bao nhiêu biện pháp bảo đảm có đối tượng là tài sản ?

Trả lời: có tất cả 7 biện pháp bảo đảm là cầm cố, thế chấp, đặt cọc, ký quỹ, ký cược, bảo lãnh, tín chấp .Trong đó có 5 biện pháp bảo đảm có đối tượng là tài sản, gồm cầm cố, thế chấp, đặt cọc, ký quỹ, ký cược.

Đối tượng của bảo lãnh không phải tài sản. VD: A vay ngân hàng, B bảo lãnh cho A bằng tài sản của B, khi đó B sẽ ký với ngân hàng hợp đồng thế chấp bằng tài sản, thế chấp này bảo đảm cho nghĩa vụ bảo lãnh, tức là tài sản của B là để bảo đảm cho nghĩa vụ bảo lãnh của B với ngân hàng chứ không phải bảo đảm cho nghĩa vụ trả nợ của A với ngân hàng. ==> đối tượng của bảo lãnh không phải tài sản, mà là cam kết trả nợ thay cho bên có nghĩa vụ.

3. Thời hạn và phạm vi bảo đảm

– Thời hạn: do các bên thỏa thuận. Nếu không thỏa thuận thì sẽ chấm dứt khi nghĩa vụ bảo đảm chấm dứt.

Chú ý: chấm dứt  ><  hoàn thành

Vì có trường hợp nghĩa vụ dù chưa hoàn thành nhưng đã chấm dứt.

VD: A cho B vay 500 triệu trong 1 năm, B ký hợp đồng bảo đảm với A thế chấp bằng căn nhà của B cũng với thời gian 1 năm trùng với thời gian vay 500 triệu. Sắp hết 1 năm B xin gia hạn hợp đồng vay 3 tháng và A đồng ý, nhưng 2 bên không gia hạn hợp đồng bảo đảm. Khi hết 3 tháng gia hạn, B vẫn không trả được nợ, hỏi A có xử lý tài sản bảo đảm của B được không ?

Trả lời: A không thể xử lý tài sản bảo đảm của B vì B không hề vi phạm để A có thể xử lý tài sản bảo đảm: do khi hết 1 năm thì hợp đồng vay của B không bị vi phạm (vì đã được gia hạn) và hợp đồng bảo đảm chấm dứt khi thời hạn đã hoàn thành (là 1 năm)

==> (kinh nghiệm) khi yêu cầu bảo đảm, chỉ cần nêu là bảo đảm cho nghĩa vụ nào, không cần nêu thời hạn của bảo đảm.

– Phạm vi bảo đảm: do các bên thỏa thuận, nếu không thỏa thuận thì được hiểu là bảo đảm cho toàn bộ nghĩa vụ.

Chú ý: Biện pháp bảo đảm có thể được bảo đảm cho nghĩa vụ hiện có hoặc nghĩa vụ trong trương lai. VD đặt cọc là biện pháp bảo đảm cho hợp đồng mua / thuê tài sản sẽ ký kết sau đó (vì tại thời điểm đặt cọc, nghĩa vụ chưa tồn tại)

4. Về giao dịch bảo đảm

– Chủ thể:

+ bên bảo đảm: là bên có nghĩa vụ, hoặc là người thứ 3

+ bên nhận bảo đảm: bên có quyền

– Hiệu lực: giao dịch bảo đảm được giao kết hợp pháp có hiệu lực kể từ thời điểm giao kết, trừ 2 trường hợp:

+ các bên có thỏa thuận khác về thời điểm biện pháp bảo đảm có hiệu lực

+ PL có quy định, có 2 trường hợp:

  • Với cầm cố: thời điểm có hiệu lực là thời điểm giao nhận tài sản cầm cố
  • Với giao dịch phải đăng ký: thời điểm có hiệu lực là thời điểm hoàn thành thủ tục đăng ký

– Đăng ký giao dịch bảo đảm: các trường hợp bắt buộc phải đăng ký giao dịch bảo đảm với cơ quan có thẩm quyền (theo Nghị định 11/2012):

+ thế chấp bằng quyền sử dụng đất hoặc rừng sản xuất là rừng trồng

+ cầm cố, thế chấp tàu bay

+ thế chấp tàu biển

Chú ý: ngoài các trường hợp PL quy định bắt buộc phải đăng ký giao dịch bảo đảm, nếu các bên có yêu cầu thì vẫn có thể đến cơ quan NN có thẩm quyền đăng ký giao dịch bảo đảm.

Nơi đăng ký giao dịch bảo đảm:

  • Quyền sử dụng đất, rừng: phòng đăng ký quyền sử dụng đất thuộc Sở tài nguyên môi trường
  • Tàu bay: Cục hàng không dân dụng VN
  • Tàu biển: Cục hàng hải VN
  • Các trường hợp khác: Cục đăng ký quốc gia về giao dịch bảo đảm, thuộc bộ Tư pháp

– Ý nghĩa pháp lý của việc đăng ký giao dịch bảo đảm:

+ xác định hiệu lực của giao dịch bảo đảm trong trường hợp PL quy định

+ nhằm xác định thứ tự ưu tiên thanh toán khi bị xử lý tài sản bảo đảm

+ có giá trị đối kháng đối với người thứ 3: là trường hợp tài sản bảo đảm không thuộc sở hữu của bên đăng ký bảo đảm, VD trường hợp tài sản của người cho thuê, hoặc bán theo hình thức trả góp

+ là căn cứ để NN quản lý sự biến động của các loại bất động sản và tài sản trên thị trường

5. Xử lý tài sản bảo đảm và vấn đề ưu tiên thanh toán

a. Các trường hợp xử lý tài sản đảm bảo

– Khi bên có nghĩa vụ vi phạm nghĩa vụ: không thực hiện nghĩa vụ, thực hiện không đúng hoặc không đầy đủ nghĩa vụ

– Chưa đến thời hạn xử lý tài sản đảm bảo (tức là chưa có vi phạm nghĩa vụ) nhưng phải xử lý tài sản đảm bảo để đảm bảo cho 1 nghĩa vụ khác đã đến hạn: VD A thế chấp tài sản để vay B (thế chấp không cần giao tài sản, chỉ cần giao giấy tờ), sau đó A lại dùng chính tài sản đó để cầm cố vay của C (cầm cố phải giao tài sản), thời hạn trả nợ cho B là 1/1/2016, thời hạn trả nợ cho C là 1/2/2016, khi đến ngày 1/1/2016 A không trả được thì tài sản thế chấp được mang đi xử lý, khi đó mặc dù nghĩa vụ với C chưa đến hạn nhưng trong trường hợp này được coi như đã đến hạn, B và C sẽ cùng xử lý tài sản bảo đảm để thực hiện nghĩa vụ với B, khi xử lý xong nghĩa vụ với B, nếu nghĩa vụ của A với C vẫn còn tiếp tục thì A và C sẽ thỏa thuận biện pháp bảo đảm mới.

– Chưa đến thời hạn thực hiện nghĩa vụ nhưng bên có nghĩa vụ vi phạm. VD sử dụng tài sản bảo đảm sai mục đích (chẳng hạn vay tiền để phục vụ sản xuất nhưng lại sử dụng tiêu dùng), khi đó bên cho vay có quyền thu hồi khoản vay trước thời hạn và nếu không trả được thì sẽ bị xử lý tài sản bảo đảm.

– Các bên có thỏa thuận dù chưa đến hạn: VD A vay của B với thế chấp bằng tài sản, mặc dù chưa đến hạn nhưng A thấy không có khả năng trả nợ cho B nên A và B cùng thỏa thuận xử lý tài sản bảo đảm trước thời hạn.

b. Ai có quyền xử lý tài sản bảo đảm

– Bên nhận bảo đảm có quyền xử lý tài sản bảo đảm, nếu tài sản được bảo đảm cho nhiều bên thì các bên nhận bảo đảm sẽ cùng xử lý tài sản bảo đảm đó.

– Cách xử lý tài sản bảo đảm thông thường là bán đấu giá.

Câu hỏi: Ai sẽ là người có quyền định giá khởi điểm cho tài sản đấu giá ?

Trả lời: Hai bên (bên nhận bảo đảm và chủ sở hữu) cùng tham gia định giá khởi điểm cho tài sản đảm bảo khi đấu giá bán thanh lý (quy định trong Nghị định 163/2006)

c. Phương thức xử lý tài sản bảo đảm

– Do các bên thỏa thuận: VD hai bên thỏa thuận nếu bên vay không trả được nợ thì tài sản bảo đảm sẽ thuộc về bên cho vay; hoặc bên cho vay có quyền mang tài sản đi bán thanh lý

– Nếu không thỏa thuận, tài sản bảo đảm được bán đấu giá, trừ trường hợp cầm cố tài sản là động sản không phải đăng ký quyền sở hữu mà giá của tài sản đó được xác định cụ thể trên thị trường thì sẽ được bán trực tiếp với giá đó chứ không được bán đấu giá. VD: vàng, ngoại tệ

d. Thứ tự ưu tiên thanh toán khi xử lý tài sản bảo đảm

– Khi 1 tài sản bảo đảm cho nhiều nghĩa vụ: (Điều 325)

+ nếu tất cả đều được đăng ký: bên nào đăng ký trước sẽ được thanh toán trước

+ nếu có bên đăng ký và bên không đăng ký: ưu tiên cho bên có đăng ký giao dịch bảo đảm

+ nếu tất cả các bên đều không đăng ký: bên nào xác lập giao dịch bảo đảm trước sẽ được ưu tiên

– Thứ tự ưu tiên khi tài sản bảo đảm đang bị cầm giữ: theo Nghị định 163 thì bên cầm giữ được ưu tiên thanh toán trước.

VD: A thế chấp chiếc ô tô vay tiền ngân hàng, A vẫn sử dụng ô tô bình thường, xe hỏng, A mang ra cửa hàng sửa chữa của C, sửa xong A không có tiền trả, C liền cầm giữ (theo Điều 416 thì C được cầm giữ ô tô của A cho đến khi A thanh toán hết tiền sửa chữa), đến hạn trả nợ ngân hàng (lúc này xe vẫn do C cầm giữ), ngân hàng yêu cầu C giao xe ô tô của A để ngân hàng xử lý, sau khi bán thanh lý, C sẽ được ưu tiên thanh toán trước ngân hàng (mặc dù ngân hàng có đăng ký giao dịch bảo đảm, trong khi C không đăng ký giao dịch bảo đảm).

==> lý do: vì bên cầm giữ đã bỏ ra chi phí để sửa chữa tài sản, tức là để giữ gìn giá trị của tài sản, và vì thế nên tài sản bảo đảm đó mới bán đấu giá được giá trị đó, do đó bên cầm giữ phải được ưu tiên thanh toán trước

– Thứ tự ưu tiên trong trường hợp tài sản bảo đảm không thuộc sở hữu của bên bảo đảm, đó là trường hợp tài sản bảo đảm là tài sản thuê hoặc tài sản bán trả chậm, trả dần:

+ nếu hợp đồng thuê / hợp đồng trả chậm, trả dần được đăng ký trong 15 ngày: ưu tiên thanh toán cho chủ sở hữu (tức là bên thứ 3)

+ nếu ngoài 15 ngày: ưu tiên thanh toán cho bên đăng ký trước

II. Các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự

1. Cầm cố và thế chấp

Cầm cốThế chấp
Khái niệmĐiều 326: Cầm cố tài sản là việc một bên giao tài sản thuộc quyền sở hữu của mình cho bên kia để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự.==> chuyển giao bản thân tài sảnĐiều 342: Thế chấp tài sản là việc một bên  dùng tài sản thuộc sở hữu của mình để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự đối với bên kia  và không chuyển giao tài sản đó cho bên nhận thế chấp.==> chuyển giao giấy tờ của tài sản
Đặc điểm– Mọi tài sản dù có đăng ký hay không đăng ký đều có thể cầm cố được, gồm:+ vật+ giấy tờ có giá– Tài sản thế chấp phải có giấy tờ đi kèm: giấy đăng ký quyền sở hữu (sổ đỏ, giấy đăng ký xe, …), giấy tờ khác như Giấy chứng nhận nguồn gốc (kim cương, đá quý), gồm:+ vật+ giấy tờ có giá+ quyền tài sản
– Chuyển giao tài tài sản: bên cầm cố chỉ chuyển giao quyền chiếm hữu tài sản (không chuyển giao quyền sử dụng và quyền định đoạt)– Không chuyển giao tài sản
– Tài sản cầm cố phải là tài sản đang hiện hữu– Tài sản thế chấp là tài sản hiện hữu hoặc tài sản đang hình thành
– Trong suốt thời gian cầm cố, tài sản không phát huy được giá trị (vì không bên nào được sử dụng)– Trong thời gian thế chấp, tài sản vẫn được sử dụng theo công dụng bình thường
Hình thứcĐược xác lập bằng văn bản
Thời điểm có hiệu lựcThời điểm giao tài sảnThời điểm các bên giao kết, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác, hoặc PL có quy định thế chấp phải đăng ký thì sẽ có hiệu lực từ thời điểm đăng ký
Xử lý tài sản và ưu tiên thanh toánXem phần chung bảo đảm

Tình huống: A mang xe máy cầm cố ở cửa hàng B để vay tiền, sau đó A phát hiện ra B sử dụng chiếc xe máy của mình. Khi đó B đã sử dụng tài sản không có căn cứ PL, và theo quy định của PL thì đây không phải là căn cứ để chấm dứt biện pháp cầm cố, nhưng lại là căn cứ làm phát sinh nghĩa vụ hoàn trả tài sản cho chủ sở hữu. Tuy nhiên do tài sản đang được cầm cố nên không thể lấy lại được. Làm thế nào để bên nhận cầm cố không sử dụng được tài sản của mình ?

Bài giảng môn học Luật dân sự 2 chương III
Bài giảng môn học Luật dân sự 2 chương III

==> mang tài sản cho bên thứ 3 quản lý, chi phí sẽ do B trả (vì B vi phạm quy định về cầm cố)

Tình huống: A cầm cố tài sản để vay tiền của B, ngày giao tài sản là 1/1 nhưng không ký giấy tờ, đến ngày 4/1 hai bên mới làm văn bản cầm cố. Hỏi thời điểm có hiệu lực của cầm cố là ngày 1/1 hay ngày 5/1 ?

==> (mặc dù luật quy định không rõ ràng, xem điều 122, 134, 127, 401), tuy nhiên ở tình huống này thì thời điểm có hiệu lực là ngày 1/1, thời điểm ngày 5/1 được coi là ngày hoàn thiện về hình thức đối với cầm cố. (tức là ở đây ngày 5/1 là hoàn thiện một cái đã tồn tại (từ 1/1) chứ không phải xác lập 1 cái mới)

2. Đặt cọc

– Khái niệm (Điều 358): là việc một bên giao cho bên kia một khoản tiền hoặc kim khí quí, đá quý hoặc vật có giá trị khác (gọi là tài sản đặt cọc) trong một thời hạn để bảo đảm giao kết hoặc thực hiện hợp đồng dân sự.

   Trong trường hợp hợp đồng dân sự được giao kết, thực hiện thì tài sản đặt cọc được trả lại cho bên đặt cọc hoặc được trừ để thực hiện nghĩa vụ trả tiền; nếu bên đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng dân sự thì tài sản đặt cọc thuộc về bên nhận đặt cọc; nếu bên nhận đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng dân sự thì phải trả cho bên đặt cọc tài sản đặt cọc và một khoản tiền tương đương giá trị tài sản đặt cọc, trừ trường hợp có thoả thuận khác

– Đối tượng:

+ tiền

+ vật (phải là vật có giá trị thanh khoản cao như vàng, bạc, đá quý)

– Hình thức: phải bằng văn bản (không bắt buộc công chứng hay chứng thực), trong văn bản phải xác định khoản tài sản mà các bên giao nhận là tài sản đặt cọc, nếu không có sự xác định là khoản đặt cọc thì được coi là tiền trả trước.

Nghị định 163/2006, điều 29: Trường hợp một bên trong hợp đồng giao cho bên kia một khoản tiền mà các bên không xác định rõ là tiền đặt cọc hoặc tiền trả trước thì số tiền này được coi là tiền trả trước.

– Chủ thể:

+ bên đặt cọc:

  • Là bên đã giao cho bên kia 1 khoản tiền hoặc vật để đảm bảo cho việc giao kết hoặc thực hiện hợp đồng dân sự
  • Bên đặt cọc có quyền yêu cầu bên nhận đặt cọc ngừng việc sử dụng tài sản nếu tài sản đặt cọc là vật mà việc sử dụng đó có nguy cơ làm mất hay giảm sút giá trị

+ bên nhận đặt cọc:

  • Là bên nhận tài sản do bên đặt cọc giao để đảm bảo việc giao kết hợp đồng hoặc thực hiện hợp đồng
  • Bên nhận đặt cọc có nghĩa vụ bảo quản, giữ gìn tài sản đặt cọc
  • Bên nhận đặt cọc không được khai thác, sử dụng tài sản đặt cọc, không được xác lập giao dịch đối với tài sản đặt cọc, trừ trường hợp bên đặt cọc đồng ý
  • Bên nhận đặt cọc có quyền sở hữu tài sản đặt cọc, nếu bên đặt cọc không thực hiện giao kết hoặc thực hiện hợp đồng đã thỏa thuận

– Mục đích:

+ bảo đảm giao kết hợp đồng: nếu đặt cọc được lập trước khi giao kết hợp đồng

+ bảo đảm thực hiện hợp đồng: nếu đặt cọc được lập sau khi giao kết hợp đồng

– Tính chất: đặt cọc có tính 2 chiều:

+ một chiều có tính dự phòng: đối với bên nhận đặt cọc, để đảm bảo bên đặt cọc phải giao kết hoặc thực hiện hợp đồng

+ một chiều có tính dự phạt: đối với bên đặt cọc, để đảm bảo bên nhận đặt cọc phải giao kết hoặc thực hiện hợp đồng (tuy nhiên thực tế thường không áp dụng dự phạt được)

– Thời điểm có hiệu lực của đặt cọc:

+ theo thỏa thuận của các bên trong văn bản đặt cọc

+ nếu các bên không có thỏa thuận thì đặt cọc có hiệu lực từ kể từ khi bên sau cùng ký vào văn bản đặt cọc (nếu việc đặt cọc không cần công chứng hay chứng thực)

+ với trường hợp văn bản đặt cọc cần công chứng, chứng thực thì đặt cọc có hiệu lực kể từ khi văn bản đặt cọc được công chứng, chứng thực

– Xử lý vi phạm:

+ bên đặt cọc vi phạm: bị mất khoản đặt cọc về bên nhận đặt cọc

+ bên nhận cọc vi phạm: phải hoàn trả lại khoản đặt cọc và phải chịu 1 khoản phạt theo thỏa thuận, nếu không thỏa thuận thì chịu 1 khoản bằng số đặt cọc đã nhận

3. Ký cược và ký quỹ

a. Ký cược

– Khái niệm (Điều 359): là việc bên thuê tài sản là động sản giao cho bên cho thuê một khoản tiền hoặc kim khí quí, đá quí hoặc vật có giá trị khác (gọi là tài sản ký cược) trong một thời hạn để bảo đảm việc trả lại tài sản thuê.

– Chỉ áp dụng với hợp đồng thuê động sản. VD thuê xe máy

Câu hỏi: tại sao ký cược không áp dụng với hợp đồng thuê bất động sản ?

Trả lời: ký cược là nhằm tránh cho bên thuê “tẩu tán” tài sản, bất động sản không thể “tẩu tán” được, nên không cần ký cược

– Chủ thể:

+ bên ký cược: là bên thuê tài sản

+ bên nhận ký cược: là bên cho thuê tài sản

– Hình thức: có thể bằng

+ lời nói

+ văn bản: thường áp dụng với tài sản ký cược có giá trị lớn

+ là 1 điều khoản trong hợp đồng thuê tài sản được lập thành văn bản

– Nội dung:

+ nếu tài sản thuê được trả lại thì bên thuê nhận lại được tài sản ký cược sau khi tiền thuê được thanh toán

+ nếu tài sản thuê không còn để trả lại thì tài sản ký cược thuộc về bên cho thuê:

  • Nếu tài sản ký cược là vật thì các bên thực hiện nghĩa vụ với nhau như hợp đồng trao đổi tài sản sau khi tiền thuê được thanh toán
  • Nếu tài sản ký cược là tiền thì các bên thực hiện nghĩa vụ với nhau như hợp đồng mua bán tài sản sau khi tiền thuê được thanh toán

– Đặc điểm:

+ ký cược được hình thành để làm đảm bảo cho hợp đồng cho thuê tài sản là động sản

+ đối tượng của tài sản phải là tài sản hữu hình: vì phải chuyển giao tài sản ký cược cho bên cho thuê

+ giá trị của tài sản ký cược phải lớn hơn hoặc ngang bằng với giá trị tài sản thuê

+ nếu tài sản thuê không còn để trả lại thì tài sản ký cược thuộc về bên cho thuê, tức là coi như bên thuê đã mua tài sản đó (nếu ký cược bằng tiền) hoặc trao đổi tài sản đó (nếu ký cược bằng vật)

b. Ký quỹ

– Khái niệm (Điều 360): là việc bên có nghĩa vụ gửi một khoản tiền hoặc kim khí quí, đá quí hoặc giấy tờ có giá khác vào tài khoản phong toả tại một ngân hàng để bảo đảm việc thực hiện nghĩa vụ dân sự.

– Ký quỹ thường được sử dụng trong thương mại khi mua bán hàng hóa nhiều lần và thanh toán theo kiểu “gối đầu”, hoặc kinh doanh xuất nhập khẩu (mở L/C)

– Đặc điểm:

+ ngân hàng có được sử dụng tài sản mà bên ký quỹ gửi vào không ?

Trả lời: ngân hàng được sử dụng, trừ khi tài sản gửi vào là vật đặc định

+ người mở tài khoản ký kỹ có được nhận tiền lãi không ?

Trả lời: Có, với lãi suất là lãi tiền gửi không kỳ hạn

+ bên ký quỹ sẽ phải trả cho ngân hàng 1 khoản gọi là phí ký quỹ

+ A ký quỹ để thực hiện nghĩa vụ với B, nếu khoản phí ký quỹ + số tiền phải trả cho B lớn hơn khoản ký quỹ, thì ai sẽ được ưu tiên thanh toán trước, B hay ngân hàng ?

Trả lời: ngân hàng sẽ được ưu tiên thanh toán trước

+ số tiền bên ký quỹ phải trả cho ngân hàng là số tiền phải trả cho hoạt động gì của ngân hàng, có phải là tiền phí gửi giữ tài sản ?

Trả lời: không phải hợp đồng giữ, mà là hợp đồng dịch vụ thanh toán, tức là nếu bên ký quỹ không hoàn thành nghĩa vụ thì ngân hàng sẽ thanh toán số tiền ký quỹ cho bên có quyền.

4. Bảo lãnh và tín chấp

Bảo lãnhTín chấp
Khái niệmLà việc người thứ ba (gọi là bên bảo lãnh) cam kết với bên có quyền (gọi là bên nhận bảo lãnh) sẽ thực hiện nghĩa vụ thay cho bên có nghĩa vụ (gọi là bên được bảo lãnh), nếu khi đến thời hạn mà bên được bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ. Các bên cũng có thể thoả thuận về việc bên bảo lãnh chỉ phải thực hiện nghĩa vụ khi bên được bảo lãnh không có khả năng thực hiện nghĩa vụ của mìnhTổ chức chính trị – xã hội tại cơ sở có thể bảo đảm bằng tín chấp cho thành viên của mình là cá nhân, hộ gia đình nghèo vay một khoản tiền tại ngân hàng hoặc tổ chức tín dụng khác để sản xuất, kinh doanh, làm dịch vụ theo quy định của Chính phủ.
Đặc điểmNếu bên được bảo lãnh không trả được nợ thì bên bảo lãnh sẽ trả thayCó thể nhiều người cùng bảo lãnh cho 1 nghĩa vụ:+ nếu có thỏa thuận về phần nghĩa vụ thì từng người sẽ thực hiện nghĩa vụ thay cho bên được bảo lãnh+ nếu không có thỏa thuận phần nghĩa vụ thì phải chịu trách nhiệm liên đới: bên nhận bảo lãnh có thể yêu cầu bất kỳ người nào trong số những người cùng bảo lãnh thực hiện nghĩa vụ thay cho bên được bảo lãnhNếu bên vay không trả được thì tổ chức chính trị – xã hội đó sẽ không trả thay.Vì sao ?Trả lời: vì tổ chức chính trị – xã hội là 1 pháp nhân, mà pháp nhân có tài sản độc lập với các thành viên của pháp nhân ==> trách nhiệm của pháp nhân chỉ trong phạm vi tài sản của mình, không chịu trách nhiệm cho thành viên của pháp nhân ==> không phải trả nợ thay cho thành viên
Tính chất bảo đảm của tín chấp thể hiện ở chỗ: tổ chức chính trị – xã hội đứng ra bảo đảm có nghĩa vụ phải theo sát việc sử dụng tài sản vay, đảm bảo việc sử dụng tài sản vay đúng mục đích và có hiệu quả, nếu phát hiện việc sử dụng tài sản không đúng mục đích hoặc không hiệu quả thì phải thông báo ngay cho ngân hàng để ngân hàng có biện pháp thu hồi vốn sớm ==> tức là nghĩa vụ của bên tín chấp là thực hiện trước khi có vi phạm (chứ không phải đợi đến khi vi phạm thì mới thực hiện như các biện pháp bảo đảm khác)

Tham khảo trọn bộ bài giảng ôn tập môn học Luật dân sự 2: https://study.phapche.edu.vn/khoa-hoc-tim-hieu-mon-luat-dan-su-2

Mời bạn xem thêm:

Đánh giá bài viết

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài viết liên quan

.
.
.