Bài giảng môn học Luật dân sự 1 chương IV về nội dung Giao dịch dân sự cung cấp kiến thức sâu rộng về khái niệm, hình thức và hiệu lực của giao dịch dân sự. Nội dung này giúp sinh viên hiểu rõ cách thức xác lập, thay đổi và chấm dứt giao dịch theo quy định của pháp luật. Đồng thời, bài giảng còn phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến tính hợp pháp của giao dịch, bao gồm điều kiện chủ thể, mục đích, nội dung và ý chí. Đây là kiến thức nền tảng để nắm vững các quy định pháp luật về giao dịch dân sự trong đời sống pháp lý.
Bài giảng môn học Luật dân sự 1 chương IV
Chương 4: Giao dịch dân sự
I. Giao dịch dân sự
1. Khái niệm
ĐN: là hợp đồng hoặc hành vi pháp lý đơn phương nhằm làm phát sinh, thay đổi, hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự (Điều 121)
- Hợp đồng: là bất kỳ sự thỏa thuận nào, có thể bằng văn bản, bằng miệng
- Hành vi pháp lý đơn phương: VD thừa kế, tặng cho tài sản, thưởng cho cầu thủ ghi bàn thắng, …
Đặc điểm:
- Tính ý chí trong giao dịch dân sự: nguyện vọng, mong muốn chủ quan của chủ thể
- Sự bày tỏ ý chí: là hình thức thể hiện ra bên ngoài ==> ý chí bên trong và sự bày tỏ ra bên ngoài phải thống nhất (nếu thiếu sự thống nhất này thì giao dịch có thể bị tuyên vô hiệu
- Mục đích: là lợi ích hợp pháp mà các chủ thể hướng đến khi xác lập giao dịch (Điều 123), mục đích trong giao dịch dân sự mang tính pháp lý (tức là được PL điều chỉnh). VD trong hợp đồng mua bán, mục đích của bên mua là trở thành chủ sở hữu tài sản, mục đích của bên bán là nhận tiền và chuyển quyền sở hữu tài sản cho bên mua.
Giao dịch dân sự không đạt được mục đích khi:
- Giao dịch được xác định là bất hợp pháp. VD: mua bán đồ trộm cắp
- Các chủ thể không tuân thủ nghĩa vụ. VD: sau khi ký hợp đồng, bên bán không thực hiện nghĩa vụ bàn giao tài sản; hoặc bên mua không thể trả tiền
Động cơ: là nguyên nhân thúc đẩy các bên tham gia giao dịch, động cơ trong giao dịch dân sự không mang tính pháp lý, do đó động cơ trong giao dịch dân sự không mang tính bắt buộc. VD mua bán nhà ở thì mục đích là chuyển quyền sở hữu nhà, còn động cơ có thể là để ở, cho thuê, để đầu tư bán lại, …
Động cơ của giao dịch dân sự có thể được các bên thỏa thuận và mang ý nghĩa pháp lý, khi đó động cơ trở thành điều khoản của giao dịch dân sự. VD trường hợp ngân hàng chính sách cho người nghèo vay để phát triển sản xuất, người được vay chỉ sẽ không được dùng số tiền vay được để mua sắm hay đi du lịch.
Giao dịch dân sự là căn cứ phổ biến, thông dụng nhất trong các căn cứ làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền và nghĩa vụ dân sự.
2. Các loại giao dịch dân sự
Gồm 3 loại:
Hợp đồng dân sự: là giao dịch dân sự trong đó thể hiện ý chí của hai hay nhiều bên nhằm làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền và nghĩa vụ dân sự
Hợp đồng dân sự là sự thỏa thuận ý chí của hai hay nhiều bên về việc xác lập, thay đổi, hoặc chấm dứt quyền và nghĩa vụ dân sự.
“Thỏa thuận” là nguyên tắc, là đặc trưng của hợp đồng dân sự, và được thể hiện trong tất cả các giai đoạn của quan hệ hợp đồng.
Hành vi pháp lý đơn phương: là giao dịch trong đó thể hiện ý chí của 1 bên nhằm làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền và nghĩa vụ dân sự. VD lập di chúc, tuyên bố hứa thưởng (cho đội tuyển bóng đá, cho học sinh đạt giải cao, …).
Hành vi pháp lý đơn phương chỉ phát sinh hậu quả pháp lý khi có người đáp ứng yêu cầu do người xác lập giao dịch đưa ra. VD: với hành vi hứa thưởng khi đoạt giải nhất thì chỉ khi có người đạt giải nhất thì giao dịch mới xảy ra.
Giao dịch dân sự có điều kiện (điều 125): là giao dịch dân sự mà hiệu lực sẽ phát sinh hoặc bị hủy bỏ phụ thuộc vào một điều kiện nào đó do các bên thỏa thuận. VD tuyên bố “sẽ mua con ngựa đua nếu nó về đích đầu tiên trong cuộc đua ngày hôm nay”, tức là chỉ khi con ngựa đó về đích đầu tiên thì mới có giao dịch mua con ngựa, nếu con ngựa không về đích đầu tiên thì sẽ không phát sinh giao dịch mua con ngựa đó.
Các yêu cầu của “điều kiện”:
- Phải phải được nêu cụ thể
- Phải chưa xảy ra khi xác lập giao dịch (tức là sẽ xảy ra ở tương lai)
- Điều kiện đó có xảy ra hay không xảy ra không phụ thuộc vào ý chí chủ quan của các chủ thể trong giao dịch. Trường hợp 1 bên cố ý thúc đẩy cho điều kiện đó xảy ra thì giao dịch vô hiệu.
- Điều kiện đó phải hợp pháp. VD: không thể lập giao dịch kiểu “sẽ trả một khoản tiền nếu giết chết 1 người nào đó
Chú ý: cần phân biệt điều kiện trong giao dịch dân sự có điều kiện với điều khoản trong hợp đồng. VD việc mua bảo hiểm ô tô trong trường hợp bị đâm, va, đụng không phải là giao dịch dân sự có điều kiện mà là hợp đồng, vì giao dịch đã xảy ra rồi (người mua đã mua bảo hiểm rồi)
3. Các điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự (điều 122)
Là các điều kiện do PL quy định:
Chủ thể tham gia xác lập giao dịch dân sự phải có năng lực hành vi dân sự: gồm cá nhân (từ đủ 06 tuổi trở lên và không bị mất năng lực hành vi (bị bệnh tâm thần) hoặc bị hạn chế năng lực hành vi (bị nghiện ma túy dẫn đến phá tán tài sản gia đình)), hộ gia đình, tổ hợp tác, pháp nhân
Mục đích và nội dung giao dịch dân sự không vi phạm điều cấm của PL và trái đạo đức XH
- Mục đích là lợi ích hợp pháp mà các chủ thể hướng đến khi xác lập giao dịch
- Nội dung của giao dịch dân sự là tổng hợp các điều khoản mà các bên chủ thể thỏa thuận hoặc là ý chí của 1 bên đưa ra.
- Điều cấm của PL: theo PL quy định không được thực hiện, VD cấm buôn bán ma túy, cấm mua bán vũ khí, không được thanh toán bằng ngoại tệ khi mua bán trên lãnh thổ VN
- Đạo đức XH: là các chuẩn mực XH đã tồn tại trong cộng đồng từ lâu
Người tham gia giao dịch dân sự hoàn toàn tự nguyện: Tự nguyện = ý chí + sự bảy tỏ ý chí (thống nhất với nhau). Vi phạm sự tự nguyện khi: giả tạo, nhầm lẫn, bị lừa dối, bị đe dọa, do mất / hạn chế hành vi năng lực
Hình thức của giao dịch phải phù hợp với quy định của PL: có thể bằng lời nói, văn bản, hành vi cụ thể
Chỉ trong một số trường hợp đặc biệt PL mới yêu cầu về hình thức bắt buộc của giao dịch buộc các chủ thể phải tuân theo (Điều 124): Trong trường hợp pháp luật quy định giao dịch dân sự phải được thể hiện bằng văn bản, phải có công chứng hoặc chứng thực, phải đăng ký hoặc xin phép thì phải tuân theo các quy định đó. VD giao dịch mua bán nhà, chuyển quyền sử dụng đất thì các bên bắt buộc phải lập văn bản có công chứng chứng nhận và được UBND cấp có thẩm quyền chứng thực.
4. Giao dịch dân sự vô hiệu và hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự vô hiệu
Giao dịch dân sự vô hiệu là giao dịch dân sự có 1 trong các điều kiện không thỏa mãn (điều kiện về hình thức chỉ áp dụng với một số trường hợp).
Có 2 loại vô hiệu là vô hiệu tuyệt đối và Vô hiệu tương đối:
Vô hiệu tuyệt đối | Vô hiệu tương đối | |
Khái niệm | Là giao dịch dân sự mà tòa án được quyền tuyên vô hiệu ngay cả khi không có yêu cầu của các bên chủ thể | Là giao dịch dân sự mà tòa án chỉ có thể tuyên vô hiệu khi có yêu cầu của 1 chủ thể nhất định |
Trình tự vô hiệu | Là đương nhiên vô hiệu | Có đơn yêu cầu của người có quyền và lợi ích liên quan, và bị tòa án tuyên vô hiệu |
Thời hạn yêu cầu tòa án tuyên bố giao dịch vô hiệu | Không bị hạn chế về thời hạn yêu cầu tòa án tuyên bố giao dịch vô hiệu.Trường hợp vô hiệu do vi phạm quy định bắt buộc về hình thức thì thời hạn yêu cầu tòa án tuyên bố giao dịch vô hiệu là 2 năm | Thời hiệu khởi kiện yêu cầu tòa án tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu là 2 năm kể từ ngày xác lập giao dịch |
Mục đích của việc tuyên giao dịch vô hiệu | Bảo vệ lợi ích công: lợi ích của NN, của XH | Bảo vệ lợi ích cho 1 trong các chủ thể tham gia vào giao dịch đó |
Các trường hợp vô hiệu | Gồm 3 loại:+ giả tạo (Điều 129)+ vi phạm điều cấm của XH, trái đạo đức (Điều 128)+ hình thức không phù hợp với quy định của PL (Điều 134) | Gồm 5 loại:+ nhầm lẫn (Điều 131)+ lừa dối (Điều 132)+ cưỡng ép, đe dọa (Điều 132)+ người chưa thành niên, người bị mất / hạn chế năng lực hành vi (Điều 130)+ người không có khả năng nhận thức và làm chủ hành vi tại thời điểm giao dịch (Điều 133) |
Giao dịch dân sự từng phần và một phần:
- Giao dịch vô hiệu từng phần: là giao dịch dân sự có 1 phần vô hiệu nhưng phần vô hiệu đó không làm ảnh hưởng đến hiệu lực của phần còn lại của giao dịch. Giao dịch dân sự vô hiệu từng phần thường là các giao dịch có 1 phần nội dung phạm vào điều cấm của PL hoặc trái đạo đức XH. VD: 1 hợp đồng mua bán tài sản mà đối tượng mua bán gồm nhiều tài sản khác nhau, trong đó có 1 tài sản là tang vật của 1 vụ trộm cắp thì phần giao dịch liên quan đến tài sản này bị vô hiệu, còn phần giao dịch đối với các tài sản khác vẫn có hiệu lực.
- Giao dịch vô hiệu toàn bộ: là giao dịch dân sự có toàn bộ nội dung vi phạm điều cấm của PL, trái đạo đức XH hoặc giao dịch thiếu 1 trong các điều kiện có hiệu lực PL. VD: giao dịch do bị lừa dối, nhầm lẫn
Hậu quả của giao dịch vô hiệu (Điều 137):
- Không làm phát sinh quyền và nghĩa vụ của các bên ngay từ thời điểm xác lập giao dịch
- Các bên khôi phục tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận, nếu không hoàn trả được bằng hiện vật thì phải hoàn trả bằng tiền
- Bên nào có lỗi thì sẽ phải bồi thường thiệt hại cho bên kia
- Những giao dịch dân sự bị cấm hoặc trái đạo đức thì hoa lợi phát sinh từ giao dịch đó bị thu hồi vào ngân sách NN (VD hoa lợi từ buôn bán ma túy, vũ khí,…)
Tham khảo trọn bộ bài giảng môn học Luật Dân sự: https://study.phapche.edu.vn/khoa-hoc-tim-hieu-mon-luat-dan-su-1?ref=lnpc
Mời bạn xem thêm: