Bài giảng môn học Công pháp quốc tế chương IX: Trách nhiệm pháp lý quốc tế tập trung phân tích các nguyên tắc và quy định về trách nhiệm của quốc gia khi vi phạm luật pháp quốc tế. Nội dung bài giảng giải thích về khái niệm, điều kiện phát sinh trách nhiệm, và các hình thức bồi thường thiệt hại khi quốc gia gây ra hành vi vi phạm. Ngoài ra, bài giảng cũng làm rõ vai trò của các cơ quan quốc tế trong việc xử lý các vi phạm và đảm bảo sự công bằng trong quan hệ quốc tế.
Bài giảng môn học Công pháp quốc tế chương X
Chương 10: Trách nhiệm pháp lý quốc tế
I. Khái niệm trách nhiệm pháp lý quốc tế
1. Định nghĩa
– Trách nhiệm pháp lý quốc tế là hậu quả pháp lý bất lợi mà chủ thể luật quốc tế phải gánh chịu do thực hiện hành vi vi phạm PL quốc tế, hoặc do thực hiện hành vi mà luật quốc tế không cấm nhưng gây thiệt hại cho chủ thể khác hay cộng đồng quốc tế.
2. Phân loại
– Căn cứ vào hành vi vi phạm:
+ trách nhiệm pháp lý quốc tế khách quan: là trách nhiệm bồi thường thiệt hại gây ra từ việc thực hiện các hành vi mà luật quốc tế không cấm. VD: việc các quốc gia phóng vệ tinh vào vũ trụ là việc luật quốc tế không cấm, nhưng nếu không may vệ tinh rơi xuống lãnh thổ 1 quốc gia khác và gây thiệt hại thì quốc gia phóng vệ tinh sẽ có tránh nhiệm bồi thường
+ trách nhiệm pháp lý quốc tế chủ quan: là trách nhiệm pháp lý phát sinh từ vi phạm PL quốc tế. VD quốc gia xây dựng nhà máy điện hạt nhân sát biên giới 1 quốc gia khác, không tuân thủ các tiêu chuẩn về an toàn điện hạt nhân của Tổ chức năng lượng thế giới (IAEA) gây ra thiệt hại (nhiễm phóng xạ) cho lãnh thổ quốc gia láng giềng thì sẽ phải chịu trách nhiệm
– Căn cứ vào hình thức thực hiện trách nhiệm pháp lý:
+ trách nhiệm vật chất: ví dụ như hình thức:
- khôi phục nguyên trạng (như lúc chưa xảy ra vi phạm), hình thức này thường chỉ áp dụng khi 1 quốc gia bắt giữ trái phép tàu bay, tàu biển của 1 quốc gia khác, sau đó khôi phục nguyên trạng bằng cách thả ra
- bồi thường vật chất (bằng tiền, tài sản khác)
+ trách nhiệm phi vật chất: xin lỗi, cử phái đoàn ngoại giao sang thăm hỏi (nạn nhân), cam kết không vi phạm về sau, …
Chú ý: trách nhiệm pháp lý quốc tế cho đến nay vẫn được coi là chế định hạn chế nhất của luật quốc tế, về cơ sở pháp lý thì đến nay vẫn chưa có văn bản có giá trị pháp lý nào được ban hành, mà mới đang tồn tại ở dạng dự thảo của Ủy ban pháp luật quốc tế của Liên hợp quốc về trách nhiệm pháp lý quốc tế (gồm dự thảo Trách nhiệm pháp lý khách quan, và dự thảo Trách nhiệm pháp lý chủ quan). Các tranh chấp quốc tế đều phải giải quyết thông qua một số cơ quan quốc tế có cơ chế thực thi như Tòa án công lý quốc tế (IJC), tòa án hình sự quốc tế (ICC), …
Thực tế trong đời sống pháp luật quốc tế, thì trách nhiệm pháp lý quốc tế khách quan (tức là không may vi phạm) được các chủ thể luật quốc tế thực hiện rất đầy đủ và chủ động; còn trách nhiệm pháp lý chủ quan (tức là chủ động vi phạm) thì các quốc gia rất miễn cưỡng trong việc thực hiện trách nhiệm.
II. Trách nhiệm pháp lý quốc tế chủ quan
1. Định nghĩa
– Trách nhiệm pháp lý quốc tế chủ quan là hậu quả pháp lý bất lợi mà chủ thể luật quốc tế phải gánh chịu do thực hiện hành vi vi phạm PL quốc tế gây thiệt hại cho chủ thể khác
2. Cơ sở xác định
a. Cơ sở pháp lý
– Là những căn cứ pháp lý mà dựa vào đó có thể xác định 1 hành vi của chủ thể luật quốc tế là vi phạm PL quốc tế. Gồm:
+ các điều ước và tập quán quốc tế ghi nhận quyền và nghĩa vụ tương ứng của các chủ thể luật quốc tế
+ các phán quyết của cơ quan tài phán quốc tế
+ các nghị quyết mang tính bắt buộc của các tổ chức quốc tế liên chính phủ
+ các hành vi pháp lý đơn phương của quốc gia
b. Cơ sở thực tiễn
– Chú ý: trong luật quốc tế không có yếu tố “lỗi”. Vì yếu tố lỗi là “trạng thái tâm lý, tinh thần của người thực hiện hành vi tại thời điểm thực hiện hành vi”, tức là chỉ áp dụng được đối với con người cụ thể, còn trong luật quốc tế thì trách nhiệm là của quốc gia, của tổ chức quốc tế, nên không thể xem xét được yếu tố “lỗi”
– Có hành vi vi phạm PL quốc tế: hành vi vi phạm PL quốc tế là những hành vi dưới dạng hành động hoặc không hành động trái với các cam kết quốc tế của các chủ thể luật quốc tế.
+ Đối với quốc gia, hành vi được coi là hành vi của quốc gia nếu nó được thực hiện bởi các chủ thể sau:
- Là hành vi của bất kỳ cơ quan NN nào
- Là hành vi của cá nhân, tập thể được giao thực hiện thẩm quyền của Chính phủ theo đúng quy định của PL quốc gia
- Là hành vi của cá nhân, tập thể nếu cá nhân, tập thể đó thực hiện theo chỉ thị hoặc dưới sự kiểm soát của quốc gia khi đang thực hiện hành vi
Ngoài ra, quốc gia cũng phải chịu trách nhiệm đối với các hành vi vi phạm do các cá nhân thực hiện nếu có căn cứ xác đáng khẳng định quốc gia đó đã không thực hiện đầy đủ các biện pháp để trừng trị cá nhân vi phạm theo quy định chung của PL. Ví dụ 1 công dân ám sát 1 viên chức ngoại giao của nước khác mà không bị trừng trị xứng đáng.
+ Đối với tổ chức quốc tế, hành vi vi phạm của tổ chức quốc tế là hành vi vi phạm của các viên chức của cơ quan tổ chức quốc tế đó
– Có thiệt hại thực tế phát sinh
– Có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi vi phạm PL và thiệt hại phát sinh
3. Hình thức thực hiện trách nhiệm pháp lý quốc tế chủ quan
– Trách nhiệm pháp lý chủ quan được thực hiện bởi cả trách nhiệm vật chất và trách nhiệm phi vật chất
Chú ý: còn có thể thực hiện bằng biện pháp trả đũa (vật chất hoặc phi vật chất), trừng phạt (vũ trang, phi vũ trang như trừng phạt kinh tế, cấm vận ngoại giao, …)
4. Các trường hợp miễn trách nhiệm pháp lý quốc tế chủ quan
– Thực hiện hành vi vi phạm trong trường hợp bất khả kháng
– Khi quốc gia thực hiện các biện pháp trả đũa
– Khi quốc gia thực hiện hành vi tự vệ chính đáng
– Khi quốc gia thực hiện hành vi mà được sự đồng ý của các quốc gia hữu quan
III. Trách nhiệm pháp lý quốc tế khách quan
1. Định nghĩa
– Là hậu quả pháp lý bất lợi mà chủ thể luật quốc tế phải gánh chịu do thực hiện hành vi mà luật quốc tế không cấm nhưng gây thiệt hại cho chủ thể khác.
(tương tự với trách nhiệm bồi thường thiệt hại khi vận hành nguồn nguy hiểm cao độ trong dân sự)
2. Cơ sở xác định
a. Cơ sở pháp lý
– Là các quy phạm PL ghi nhận các quyền và nghĩa vụ tương ứng của các chủ thể luật quốc tế được ghi nhận trong các điều ước quốc tế chuyên biệt
VD: Công ước 1972 về trách nhiệm quốc tế đối với thiệt hại do phương tiện bay vũ trụ gây ra
Công ước 1963 về trách nhiệm của người tác nghiệp trên các tàu hạt nhân
b. Cơ sở thực tiễn
– Có hành vi mà luật quốc tế không cấm nhưng lại làm phát sinh hiệu lực áp dụng của các quy phạm PL trong các điều ước quốc tế chuyên biệt kể trên
– Có thiệt hại thực tế xảy ra
– Có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi vi phạm PL và thiệt hại thực tế xảy ra
3. Hình thức thực hiện
– Chỉ áp dụng hình thức vật chất, không áp dụng hình thức phi vật chất
– Hình thức vật chất được áp dụng:
+ bồi thường bằng tiền hoặc hiện vật có giá trị tương đương
+ chuyển giao, thay thế cho chủ thể bị thiệt hại những đối tượng tương ứng về ý nghĩa và giá trị
4. Các trường hợp miễn trách nhiệm pháp lý quốc tế khách quan
– Không có bất kỳ trường hợp nào được miễn
Câu hỏi:
+ So sánh trách nhiệm pháp lý quốc tế khách quan và trách nhiệm pháp lý quốc tế chủ quan
+ Vì sao trong trách nhiệm pháp lý quốc tế khách quan lại không áp dụng hình thức phi vật chất ?
(tự trả lời) Vì chủ thể trong trường hợp này không có hành vi vi phạm luật quốc tế mà chỉ “vô tình” gây thiệt hại, tức là nằm ngoài ý muốn của chủ thể, do đó chỉ có thể bồi thường thiệt hại vật chất mà không thể chỉ “xin lỗi” (phi vật chất)
+ Tại sao không đặt ra vấn đề miễn trách nhiệm pháp lý quốc tế khách quan (như đối với các trường hợp miễn trách nhiệm pháp lý quốc tế chủ quan) ?
(tự trả lời) Vì chủ thể trong trường hợp này không có hành vi vi phạm luật quốc tế, hoàn toàn không mong muốn thiệt hại xảy ra, nên không đặt ra vấn đề miễn trách nhiệm pháp lý khách quan; hơn nữa khi có thiệt hại xảy ra thì chủ thể đó chỉ phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại mà không bị coi là vi phạm luật quốc tế.
Tham khảo trọn bộ bài giảng môn học Công pháp quốc tế: https://study.phapche.edu.vn/khoa-hoc-tim-hieu-mon-cong-phap-quoc-te?ref=lnpc
Mời bạn xem thêm: