fbpx
ICA - Học viện đào tạo pháp chế doanh nghiệp
Trang phục ngành Toà án

Trang phục ngành Toà án nói riêng và của cán bộ cơ quan Tư pháp nhà nước Việt Nam nói chung được pháp luật quy định rất cụ thể và chi tiết, qua các giai đoạn lịch sử thì quy định về trang phục của ngành Toà án nói riêng đã có nhiều sự thay đổi. Vậy, hiện nay pháp luật quy định về trang phục của cán bộ Toà án nước ta ra sao? Học viện đào tạo pháp chế ICA kính mời bạn đọc cùng tìm hiểu vấn đề này thông qua nội dung bài viết dưới đây:

Trang phục hàng ngày của cán bộ toà án được quy định thế nào?

Sử dụng trang phục làm việc hàng ngày của Thẩm phán, Hội thẩm, công chức, viên chức, người lao động trong giờ làm việc hoặc khi thực hiện nhiệm vụ phải chấp hành quy định về sử dụng trang phục theo quy định tại Điều 10 Quyết định 1738/QĐ-TANDTC, theo đó việc sử dụng trang phục được quy định theo mùa.

  • Mùa hè sẽ sử dụng trang phục xuân-hè: Quần âu màu tím than, áo sơ mi trắng để trong quần, đeo phù hiệu Thẩm phán (đối với Thẩm phán), biển tên ở ngực áo bên trái;
  • Mùa đông sử dụng trang phục thu – đông: Bộ comple tím than, áo sơ mi trắng dài tay để trong quần, đeo phù hiệu Thẩm phán (đối với Thẩm phán), biển tên ở ngực áo bên trái.
  • Thẩm phán, công chức, viên chức, người lao động, Hội thẩm thuộc Tòa án nhân dân các tỉnh phía Bắc, từ Thừa Thiên Huế trở ra, sử dụng trang phục theo mùa: Trang phục xuân hè từ ngày 01 tháng 4 đến hết ngày 31 tháng 10 hằng năm; trang phục thu đông từ ngày 01 tháng 11 năm trước đến hết ngày 31 tháng 3 năm sau. Thẩm phán, công chức, viên chức, người lao động thuộc Tòa án nhân dân các tỉnh phía Nam, từ thành phố Đà Nẵng trở vào (trừ tỉnh Lâm Đồng) sử dụng trang phục xuân – hè.
  • Trong thời gian giao mùa giữa mùa hè và mùa đông hoặc những địa phương có thời tiết trong ngày khác nhau, thường xuyên thay đổi, việc sử dụng trang phục do Chánh án Tòa án quyết định phù hợp với điều kiện thời tiết, khí hậu ở địa phương.

Lễ phục của cán bộ toà án được quy định thế nào?

Lễ phục là loại trang phục được mặc trong những dịp đặc biệt (nghi lễ). Ở nước ta, lễ phục được coi là mức độ mặc trang trọng nhất và có những quy tắc kèm theo. Khi mang lễ phục trên người thì người đó sẽ làm hoặc hành xử cho công việc, chứ không mang tính chất cá nhân.

Trong ngành toà án, Thẩm phán, Công chức, viên chức sử dụng lễ phục trong các trường hợp sau:

 a) Lễ mít tinh kỷ niệm do Đảng, Nhà nước, Tòa án nhân dân tối cao tổ chức;

b) Lễ công bố và trao các quyết định bổ nhiệm;

c) Lễ vinh danh Thẩm phán tiêu biểu, Thẩm phán mẫu mực;

d) Hội nghị tổng kết và triển khai công tác năm;

đ) Đại hội Đảng toàn quốc;

e) Họp Quốc hội;

g) Lễ đón nhận huân chương, huy chương, danh hiệu vinh dự Nhà nước.

Việc Thẩm phán, Công chức, viên chức sử dụng lễ phục trong các trường hợp khác thì sẽ do Trưởng ban tổ chức Hội nghị hoặc Thủ trưởng cơ quan, đơn vị quyết định.

Khi sử dụng lễ phục, Thẩm phán, công chức, viên chức được đeo huân chương, huy chương, kỷ niệm chương, huy hiệu của Đảng, Nhà nước, của Tòa án nhân dân ở ngực áo bên trái theo thứ tự hạng bậc từ cao đến thấp, từ trên xuống dưới, từ trái qua phải.

Trang phục ngành Toà án

Những trường hợp không bắt buộc sử dụng đúng trang phục

Bên cạnh quy định sử dụng trang phục bắt buộc khi làm việc thì pháp luật quy định một vài trường hợp cán bộ toà án được sử dụng trang phục bình thường, không bắt buộc sử dụng đúng trang phục của ngành như:

  • Do yêu cầu công tác, tiếp khách quốc tế, hội thảo quốc tế;
  • Tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, hoạt động xã hội.
  • Đối với nữ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong thời gian mang thai từ tháng thứ 3 đến khi sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi, trừ trường hợp khi thực hiện nhiệm vụ theo quy định phải sử dụng trang phục.

Trang phục xét xử của Thẩm phán

Toà án Việt Nam lựa chọn áo choàng đen là trang phục xét xử bắt buộc cho mỗi Thẩm phán khi xét xử. Trong lịch sử tố tụng Việt Nam, chiếc áo của Thẩm phán cũng đã có nhiều sự thay đổi.

Năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ban hành sắc lệnh quy định y phục của Thẩm phán Tòa Thượng thẩm và Tòa Đệ nhị là áo choàng dài đen tay rộng. Tuy nhiên sau đó, đến năm 1950 thì quy định Thẩm phán mặc áo choàng đen tay rộng khi xét xử đã không còn được thực hiện nữa.

Màu đen được sử dụng rộng rãi làm màu sắc áo thụng của các vị Thẩm phán cũng bởi lý do màu này tượng trưng cho sự chuẩn mực, trung lập, quyền uy, sự trang nghiêm và tính khiêm nhường, những đức tính cần có cho vị trí trọng tài của người nắm giữ cán cân công lý. Màu đen cũng là màu không thể pha trộn với màu gì khác, đó chính là sự liêm chính và màu đen còn là biểu tượng cho một sự thật duy nhất, đó là điều mà pháp luật phải tôn trọng. Nhìn vào bộ trang phục này ta thấy có cảm giác uy nghiêm, chỉn chu và quyền lực như điều người ta hay nghĩ về công lý và công bằng. Bản thân người Thẩm phán khi mặc cũng sẽ có ý thức hơn về trọng trách to lớn mà mình đang mang để xứng đáng với chiếc áo choàng quyền lực đang khoác trên người.

Toà án nhân dân tối cao đã ban hành Quyết định số 210/QĐ-TANDTC quy định về kiểu dáng, chất liệu, hoạ tiết trang phục xét xử của Thẩm phán Toà án nhân dân, theo đó:

Trang phục xét xử của Thẩm phán Tòa án nhân dân là áo choàng dài tay màu đen có kiểu dáng, chất liệu, họa tiết cụ thể như sau:

1. Kiểu dáng: Chiều dài áo tương ứng tỷ lệ 75% dài gáy gót. Áo được thiết kế hai thân trước một thân sau. Thân trước áo mỗi bên có xếp hai ly lật về phía sườn. Thân sau áo có xếp ba ly, một ly ở giữa áo, hai ly còn lại chia đều sang hai bên, lật về phía nách. Trên vai lót có thêm đáp đô ở phần cổ sau, bên trong bằng vải chính, chiều cao 9 cm, chiều rộng theo vòng cổ. Áo đóng mở bằng dây kéo khóa nhựa có màu như màu nẹp áo.

Bác tay hình cong, chiều cao 15 cm, bên trong có lót đến cửa tay. Cầu vai hình cánh dơi, chiều cao 16 cm.

Nẹp áo hai bên hình cong có độ rộng 8 cm, nẹp áo ngoài rộng 8 cm, nẹp lót trong rộng 5 cm. Đầu tay hai bên có xếp 8 ly nhỏ, 4 ly lật về phía trước, 4 ly lật về phía sau.

Áo có ken vai làm bằng ken bông ép.

2. Chất liệu: Chất liệu là loại vải tốt, sử dụng phù hợp với thời tiết, khí hậu các vùng miền khác nhau.

3. Họa tiết: Áo màu đen phối nẹp, bác tay và cầu vai tương ứng với từng ngạch Thẩm phán, cụ thể như sau:

a. Áo choàng xét xử của Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao: Nẹp áo, bác tay và cầu vai màu đỏ có họa tiết hình kỷ hà, viền lé màu vàng.

b. Áo choàng xét xử của Thẩm phán cao cấp, Thẩm phán trung cấp và Thẩm phán sơ cấp: Nẹp áo, bác tay và cầu vai màu đỏ boóc đô, có họa tiết hình kỷ hà, viền lé màu vàng đồng.

Trên đây là nội dung tư vấn về vấn đề: “Trang phục ngành Toà án”. Hy vọng bài viết hữu ích với bạn đọc

Câu hỏi thường gặp:

Thư ký Toà án hiện nay có các ngành gì?

Thư ký Tòa án là người có trình độ cử nhân luật trở lên được Tòa án tuyển dụng, được đào tạo nghiệp vụ Thư ký Tòa án và bổ nhiệm vào ngạch Thư ký Tòa án.
Thư ký Tòa án có các ngạch:
a) Thư ký viên;
b) Thư ký viên chính;
c) Thư ký viên cao cấp.
Tiêu chuẩn, điều kiện và việc thi nâng ngạch Thư ký Tòa án do Chánh án Tòa án nhân dân tối cao quy định.

Thư ký Toà án được sử dụng lễ phục trong trường hợp nào?

Thư ký tòa án được sử dụng lễ phục trong những trường hợp sau:
– Lễ mít tinh kỷ niệm do Đảng, Nhà nước, Tòa án nhân dân tối cao tổ chức;
– Lễ công bố và trao các quyết định bổ nhiệm;
– Lễ vinh danh Thẩm phán tiêu biểu, Thẩm phán mẫu mực;
– Hội nghị tổng kết và triển khai công tác năm;
– Đại hội Đảng toàn quốc;
– Họp Quốc hội;
– Lễ đón nhận huân chương, huy chương, danh hiệu vinh dự Nhà nước.
Việc sử dụng lễ phục trong các trường hợp khác sẽ do Trưởng ban tổ chức Hội nghị hoặc Thủ trưởng cơ quan, đơn vị quyết định.

5/5 - (2 bình chọn)

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài viết liên quan

.
.
.
Sơ đồ bài viết