Sơ đồ bài viết
Học viện đào tạo pháp chế ICA tổng hợp các tình huống thường xảy ra trong luật hình sự dành cho các sinh viên học ngành luật. Bạn đọc có thể tham khảo để củng cố kiến thức và có tư duy tốt hơn trong việc xử lý các tình huống về sau.
Tình huống 1: Tình huống về tội hiếp dâm
M (nữ) cùng hai tên H và Q rủ L là một cô gái 17 tuổi cùng đi dự sinh nhật M tại một nhà nghỉ có phòng hát karaoke. Cả bốn cùng uống rượu, nhảy múa, H và Q còn pha thuốc kích dục vào đồ uống của mình. Một lát sau M rủ H là bạn trai của mình lên phòng nghỉ và đề nghị L cũng vào phòng nghỉ thành một cặp với Q. Tuy nhiên L từ chối và đòi về. M, H và Q dùng vũ lực kéo L lên phòng nghỉ. Thấy L vẫn tiếp tục nằng nặc từ chối M đã rút con dao đặt lên bàn và bảo “Mày thích gì? Có chiều Q không thì bảo?” L sợ quá đành đồng ý ở lại cùng Q. Sau đó Q đã thực hiện hành vi giao cấu trái ý muốn của L.
Hỏi:
1. Tội hiếp dâm có cấu thành tội phạm vật chất hay cấu thành tội phạm hình thức? Trong trường hợp trên tội hiếp dâm đã hoàn thành chưa? Tại sao?
2. Trong trường hợp này M có phải chịu TNHS về tội hiếp dâm không? Tại sao?
4. Nếu sau khi M và H bỏ đi, L khóc lóc van xin Q tha cho mình và Q đã mủi lòng nên không thực hiện hành vi giao cấu với L thì Q có phải chịu TNHS về tội hiếp dâm không? Tại sao?
Đáp án:
1. Tội hiếp dâm có cấu thành tội phạm vật chất hay cấu thành tội phạm hình thức? Trong trường hợp trên tội hiếp dâm đã hoàn thành chưa? Tại sao?
Tội hiếp dâm là tội có cấu thành tội phạm (CTTP) hình thức;
Điều 141 BLHS quy định về tội hiếp dâm: “1. Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân hoặc thủ đoạn khác giao cấu với nạn nhân trái ý muốn của họ, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm”
Hành vi nguy hiểm cho xã hội ở đây là dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân hoặc thủ đoạn khác giao cấu với nạn nhân trái với ý muốn của họ; nhưng Điều luật lại không chỉ rõ hậu quả của hành vi gây ra cũng như không nêu rõ mối quan hệ nhân quả giữa hành vi và hậu quả. Vì vậy tội hiếp dâm được quy định tại Điều 141 là tội có CTTP hình thức.
Đối với tội hiếp dâm, chỉ cần có hành vi dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực hoặc lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân hoặc thủ đoạn khác để giao cấu với nạn nhân, cho dù đã giao cấu được hay chưa thì vẫn bị coi là đã phạm tội hiếp dâm và ở giai đoạn phạm tội hoàn thành nhưng chưa đạt. Vì vậy đối tượng phạm tội thường là nam giới. Nói như vậy không có nghĩa là nữ giới không bị xét xử về tội này nhưng thường nữ giới chỉ bị xét xử với tư cách là đồng phạm.
Do đó tội hiếp dâm là tội có cấu thành tội phạm hình thức vì chỉ cần thực hiện một trong những hành vi khách quan được quy định trong Điều 141 BLHS là tội phạm đã hoàn thành cho dù đã giao cấu được hay chưa. Nếu chưa giao cấu được do những yếu tố bên ngoài tác động vào thì tội phạm cũng đã hoàn thành nhưng ở giai đoạn phạm tội chưa đạt. Vì lỗi của người phạm tội luôn luôn là lỗi cố ý vì người phạm tội biết hành vi giao cấu của mình là trái ý muốn của người phụ nữ nhưng vẫn mong muốn thực hiện hành vi đó bằng một trong những thủ đoạn nói trên.
Trong trường hợp trên thì tội hiếp dâm đã hoàn thành rồi. Vì M, H và Q đã dùng vũ lực kéo L lên phòng ngủ nhưng L vẫn tiếp tục từ chối sau đó M rút dao đe dọa L sợ quá nên L đồng ý ở lại cùng Q và sau đó Q đã thực hiện được hành vi giao cấu trái ý muốn với L. Người phạm tội trong trường hợp này đã dùng vũ lực và sau đó là đe dọa dùng vũ lực buộc L phải đồng ý giao cấu trái ý muốn và Q đã thực hiện hành vi giao cấu với L. Như vậy, trong trường hợp này tội phạm đã hoàn thành.
2. Trong trường hợp này M có phải chịu TNHS về tội hiếp dâm không? Tại sao?
Trong trường hợp phạm tội này M phải chịu trách nhiệm hình sự về tội hiếp dâm.
Trường hợp phạm tội này đã thỏa mãn đầy đủ các dấu hiệu về mặt chủ thể, mặt khách quan và mặt chủ quan của tội phạm. Nhưng về mặt chủ thể của tội phạm hiếp dâm ngoài những yêu cầu nói chung về năng lực trách nhiệm hình sự và đạt độ tuổi thì còn có dấu hiệu đặc biệt đó phải là nam giới, nếu là nữ giới thì nữ giới đóng vai trò là đồng phạm. Trong vụ án này M là nữ giữ vai trò là người đồng phạm của tội phạm hiếp dâm nên M phải trịu trách nhiệm hình sự về tội hiếp dâm.
Trường hợp phạm tội của M, H và Q đã thỏa mãn các dấu hiệu pháp lý của đồng phạm bao gồm mặt khách quan và mặt chủ quan:
Dấu hiệu về mặt khách quan: đó là phải có từ hai người trở lên tham gia vào việc thực hiện một tội phạm. Trong trường phạm tội trên thì M, H và Q cùng nhau thực hiện một tội phạm đó là tội hiếp dâm. M, H và Q đã dùng vũ lực kéo L lên phòng nghỉ (thể hiện sự liên kết với nhau) để ép buộc L thực hiện hành vi giao cấu với Q. Hành vi này của M, H và Q đã cấu thành tội phạm cụ thể đó là tội hiếp dâm theo quy định tại khoản 1 Điều 111 BLHS. Tội phạm hiếp dâm là tội phạm cấu thành hình thức nên khi M, H và Q dùng hành vi vũ lực với L nhằm mục đích để Q giao cấu với L thì tội phạm hiếp dâm đã được cấu thành.
Dấu hiệu về mặt chủ quan: M, H và Q đã cố ý thực hiện hành vi tội phạm. Về mặt lý trí M, H và Q có đủ khả năng nhận thức để thấy được hành vi dùng vũ lực nhằm thực hiện hành vi hiếp dâm của mình là nguy hiểm và trái với quy định của pháp luật và về mặt ý chí M, H mong muốn Q thực hiện hành vi giao cấu với L và Q cũng muốn thực hiện hành vi này. Như vậy, là họ mong muốn hậu quả xảy ra.
Căn cứ vào dấu hiệu khách quan và chủ quan đã phân tích ta có thể khẳng định M là đồng phạm của tội hiếp dâm. Nhưng trong trường hợp này M là nữ không có những đặc điểm cấu tạo sinh học như nam giới nên không thể thực hiện hành vi giao cấu nên ta phải xác định M giữ vai trò đồng phạm là người tổ chức, người xúi giục hay người giúp sức. Trong trường hợp này M giữ vai trò đồng phạm là người giúp sức. M cùng H và Q dùng vũ lực kéo L lên phòng để tạo điều kiện cho Q giao cấu với L, sau đó M dùng dao và lời nói mang tính chất đe dọa, nhằm cưỡng bức về tinh thần làm L sợ và không giám chống cự. Việc M cưỡng bức về tinh thần đối với L cũng nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho Q thực hiện hành vi giao cấu trái ý muốn với L. Như vậy, cả hai hành vi dùng vũ lực và dùng dao cùng lời nói đe dọa nhằm tạo điều kiện để Q thực hiện hành vi giao cấu trái ý muốn với L thì M chính là người giúp sức.
3. Nếu sau khi M và H bỏ đi, L khóc lóc van xin Q tha cho mình và Q đã mủi lòng nên không thực hiện hành vi giao cấu với L thì Q có phải chịu TNHS về tội hiếp dâm không? Tại sao?
Nếu sau khi M và H bỏ đi , L khóc lóc van xin Q tha cho mình và Q đã mủi lòng nên không thực hiện hành vi giao cấu của mình với L. Trong trường hợp này thì Q được miễn trách nhiệm hình sự về tội hiếp dâm. Vì hành vi của Q thuộc trường hợp tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội.
Theo Điều 16 BLHS : “Tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội là tự mình không thực hiện tội phạm đến cùng, tuy không có gì ngăn cản. Người tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự về tội định phạm; nếu hành vi thực tế đã thực hiện có đủ yếu tố cấu thành của một tội khác thì người đó phải chịu trách nhiệm hình sự về tội này”.
Tội hiếp dâm tại điều 141 BLHS có 2 loại hành vi khác nhau. Thứ nhất là loại hành vi “dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân hoặc thủ đoạn khác” và loại hành vi thứ 2 là “giao cấu với nạn nhân trái ý muốn của họ”.
Khi mà M, H và Q dùng vũ lực kéo L lên phòng nghỉ và M đã rút con dao đặt lên bàn và bảo “Mày thích gì? Có chiều Q không thì bảo thì Q và M, H những người đồng phạm của Q đã dùng vũ lực và đã đe dọa dùng vũ lực làm tê liệt ý chí kháng cự của L (L sợ quá đành đồng ý ở lại cùng).Tuy nhiên, việc Q không thực hiện hành vi giao cấu với L tức là Q chưa thực hiện hết những hành vi được điều 141 BLHS mô tả cho nên thời điểm dừng lại việc phạm tội của Q là ở giai đoạn chưa đạt chưa hoàn thành.
Khi Q dừng lại không thực hiện tiếp tội phạm hoàn toàn do động lực bên trong chứ không phải do trở ngại khách quan chi phối. Khi dừng lại, Q vẫn tin rằng, hiện tại không có gì ngăn cản và vẫn có thể thực hiện hành vi tiếp theo là giao cấu với L Nhưng Q đã không thực hiện việc đó nữa. Sau đó, Q chấm dứt một cách triệt để, từ bỏ hẳn ý định phạm tội chứ không phải tạm thời ngừng lại để tìm những thủ đoạn, phương tiện khác có hiệu quả hơn, thuận lợi hơn để tiếp tục thực hiện tội phạm mà nguyên nhân dẫn đến việc từ bỏ ý định phạm tội, không tiến hành tội phạm đến cùng của Q là do L khóc lóc van xin và Q đã mủi lòng thương hại nạn nhân. Hơn nữa L chưa bị tổn thương về mặt thể chất cũng như L chưa bị xâm phạm tới quyền bất khả xâm phạm về tình dục. Do đó Q được miễn chị trách nhiệm hình sựvề tội hiếp dâm.
Tình huống 2: Tình huống về hành vi hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản
Do có mâu thuẫn trong kinh doanh, P đã nhờ Q đến đốt xưởng của N vào ban đêm. Hậu quả là toàn bộ nhà xưởng và máy móc của N đã bị thiêu rụi, thiệt hại 350 triệu đồng.
Hỏi:
Định tội danh và khung hình phạt áp dụng đối với hành vi của P, Q.
Đáp án:
Định tội danh và khung hình phạt áp dụng đối với hành vi của P, Q.
1.1 Tội danh và khung hình phạt áp dụng đối với hành vi của Q
* Hành vi của Q đã cấu thành Tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản theo Điều 143 BLHS.
Mặt khách quan :
Hành vi khách quan: Q đã có hành vi đốt xưởng của N, muốn là hư hại tài sản đó. Hành vi của Q là hành vi cố ý huỷ hoại tài sản của người khác.
– Hậu quả của tội phạm: CTTP tội này đòi hỏi có hậu quả là tài sản bị hủy hoại hoặc bị làm hư hỏng. Tội phạm được coi là hoàn thành khi hậu quả này đã xảy ra. Hậu quả là toàn bộ nhà xưởng và máy móc của N đã bị thiêu rụi, thiệt hại 350 triệu đồng.
– QHNQ là dấu hiệu thuộc mặt khách quan tội này. Người có hành vi chỉ phải chịu TNHS về thiệt hại tài sản bị hủy hoại hoặc bị hư hỏng nếu giữa thiệt hại này và hành vi của họ có QHNQ với nhau. Cụ thể ở đây hành vi đốt phân xưởng của Q đã trực tiếp gây ra thiệt hại về tài sản cho N.
Mặt chủ quan của tội phạm:
Lỗi của người phạm tội là lỗi cố ý trực tiếp: Q nhận thức được rằng hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả là toàn bộ nhà xưởng và máy móc của N có thể bị cháy trụi và Q mong muốn hậu quả đó xảy ra.
+ Về lý trí: Q nhận thức rõ được tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi mình gây ra và thấy trước hậu quả của hành vi đó là gây thiệt hại về tài sản cho N.
+Về ý chí: Q muốn hậu quả xảy ra
Khách thể là quan hệ sở hữu tài sản được pháp luật hình sự bảo vệ
=> Hành vi của Q đã thỏa mãn đầy đủ dấu hiệu của CTTP về Tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản.
* Định tội danh của Q
Theo điểm a Khoản 3 Điều 143 BLHS: “Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm:
a) Gây thiệt hại cho tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng”
Giá trị tài sản mà Q hủy hoại là 350 triệu đồng.
=> Vì vậy mà khung hình phạt áp dụng cho Q là từ 7 năm đến 15 năm
1.2 Tội danh và khung hình phạt áp dụng đối với hành vi của P
* P cũng bị truy cứu TNHS về tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản theo điểm a Khoản 3 Điều 143 BLHS với vai trò là đồng phạm của Q. Đồng phạm đòi hỏi có những dấu hiệu sau:
Mặt khách quan:
– Có từ 2 người trở lên và những người này có đủ điều kiện của chủ thể của tội phạm. Cụ thể trong trường hợp này P và Q là 2 người có đủ điều kiện về năng lực TNHS và đạt độ tuổi chịu TNHS.
– Cùng thực hiện tội phạm (cố ý): P đã có hành vi nhờ Q đến đốt xưởng của N. Như vậy P đã có hành vi xúi giục người khác thực hiện tội phạm. P là người xúi giục.
Về mặt chủ quan:
– Dấu hiệu lỗi :
+ Về lí trí: P nhận thức được rất rõ hành vi của mình( xúi giục người khác thực hiện hành vi phạm tội) cũng như của Q là nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm đến khách thể được pháp luật hình sự bảo vệ và P cũng nhận thức được rõ sự nguy hiểm cho xã hội của hành vi của mình và Q gây ra.
* Về ý chí:
Cả P và Q cùng mong muốn phân xưởng của N bị cháy để trả thù mâu thuẫn trong kinh doanh.
b. Dấu hiệu mục đích:
P muốn hủy hoại phân xưởng của N để trả thù mâu thuẫn trong kinh doanh, khiến công việc làm ăn của N gặp trở ngại. Q đã tiếp nhận mục đích đó của P và là người trực tiếp đốt phân xưởng của N
=> Hành vi của P và Q đã thỏa mãn đầu đủ các dấu hiệu của trường hợp Đồng phạm theo Điều 20 BLHS trong đó P là người chủ mưu Q là người trực tiếp thực hiện tội phạm.
* Khung hình phạt áp dụng cho P cũng tương tự như Q là từ 7 năm đến 15 năm theo điểm a khoản 3 Điều 143 BLHS. Do hậu quả phát sinh vì hành vi đồng phạm của Q và P là như nhau.
Tình huống 3:
C mua đc 2kg ma tuý. C thuê K chuyển số ma tuý này đến thị xã X cho một người tên
là H với tiền công là 20 triệu đồng. Biết là hàng cấm nhưng đang cần tiền nên K đồng ý. Trên đường vận chuyển, vì lo sợ nên K có thái độ lấm lét khi cảnh sát kiểm tra giấy tờ xe và K đã bị đội đặc nhiệm bắt giữ cùng tang vật là gói hàng 2 kg ma tuý. K thành khẩn khai báo sự việc. Số hàng do K vận chuyển được đưa đi giám định.
Kết quả giám định cho biết đó là chất ma tuý giả. Cơ quan điều tra cũng xác định được C mua lầm số hàng nói trên của một người tên là P. Mở rộng điều tra, cơ quan điều tra cũng xác định được rằng P biết số ma tuý bán cho C là giả nhưng P vẫn bán cho C
Anh (chị) hãy:
Xác định tội danh cho hành vi của C, K và P.
Giải đáp:
a) Xác định tội danh cho hành vi của C.
Để xác định tội danh cho hành vi của C, ta xem xét các dấu hiệu cơ bản sau:
* Khách thể:
Hành vi của C đã xâm phạm tới chế độ quản lý của nhà nước về việc cất giữ vận chuyển trao đổi chất ma túy. Cho dù số ma tuý C mua là giả thì C vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Thông tư liên tịch số 17 ngày 24 tháng 12 năm 2007 của Bộ công an – Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao – Toà án nhân dân Tối cao – Bộ tư pháp: “Nếu chất được giám định không phải là chất ma túy hoặc không phải là tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy, nhưng người thực hiện hành vi ý thức rằng chất đó là chất ma túy hoặc chất đó là tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy, thì tùy hành vi phạm tội cụ thể mà truy cứu trách nhiệm hình sự người đó theo tội danh quy định tại khoản 1 của điều luật tương ứng đối với các tội phạm về ma túy”. Số ma tuý mà C mua là giả nhưng khi mua nó trong ý thức chủ quan của mình C vẫn tin rằng số ma tuý đó là thật. Trường hợp này là sai lầm về khách thể.
*Mặt khách quan:
C mua được 2 kg ma tuý của P và C đã thuê K chuyển số ma tuý này đến thị xã X cho H là 20 triệu đồng. Như vậy, trong vụ án này, trước hết ta xác định được chắc chắn rằng là C có hành vi mua ma tuý trái phép.
* Mặt chủ quan:
C có lỗi cố ý trực tiếp. Thể hiện ở việc C nhận thức được ma tuý là ma túy bị nhà nước cấm lưu thông nhưng C vẫn có hành vi mua 2kg ma tuý này và thuê K vận chuyển đến thị xã X cho H với tiền công rất lớn 20 triệu đồng. Tóm lại, C nhận thức được hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội nhưng vẫn mong muốn thực hiện đến cùng tội phạm.
* Chủ thể:
Chỉ cần C có năng lực trách nhiệm hình sự và đạt độ tuổi luật định.
Số lượng 2kg ma tuý mà C mua là rất lớn (>100gram) nên theo khoản 4 điều 194, C phạm tội trong trường hợp trong trường hợp này là tội đặc biệt nghiêm trọng nên chỉ cần C đủ 14 tuổi trở nên là C phải chịu truy cứu trách nhiệm hình sự (theo quy định tại điều 12 BLHS).
Tuy nhiên, như đã trình bày, ta chỉ mới xác định được C có hành vi mua ma tuý, chứ chưa biết C có mục đích bán hay không. Phải làm rõ được mục đích của C thì mới có thể định tội chính xác được.
Việc xác minh C có mục đích bán hay không, là trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng.Tuy nhiên, việc xác định mục đích của người mua trái phép chất ma túy có nhằm mục đích bán trái phép cho người khác hay không chỉ phức tạp trong trường hợp chất ma túy có số lượng nhỏ.Còn trong trường hợp của C, C đã mua 2kg
ma tuý số lượng ma tuý rất lớn thì mục đích của C mua về để bán là dễ dàng chứng minh được. Bởi thường thì không ai mua 2kg ma tuý về sử dụng dần cả.
Tuy vậy ta vẫn phải chia thành hai trường hợp tương ứng với mục đích của C có phải là nhằm mua bán trái phép chất ma tuý hay không:
– Trường hợp 1:
Chứng minh được mục đích mua bán trái phép chất ma tuý của C.
Ở trường hợp này thì hành vi của C là hành vi mua bán trái phép chất ma túy. Hành vi mua bán trái phép chất ma túy là hành vi trao đổi trái phép chất ma túy dưới bất kỳ hình thức nào.
– Trường hợp 2:
Không chứng minh được mục đích bán trái phép chất ma túy của C.
Trong trường hợp này, C có thể có nhiều mục đích khác. Tùy từng mục đích cụ thể mà có thể khẳng định hành vi của C là hành vi tàng trữ trái phép chất ma túy hoặc thậm chí là sản xuất trái phép chất ma tuý.
Hành vi tàng trữ trái phép chất ma túy là hành vi cất giữ trái phép chất ma túy trong người, trong nhà hoặc ở nơi nào nào đó, không kể thời gian bao lâu.
Hành vi sản xuất trái phép chất ma tuý là hành vi tham gia vào quá trình tạo ra chất ma tuý dưới bất kì hình thức nào. Quá trình này có thể gồm nhiều công đoạn khác nhau và được tiến hành với các phương pháp, quy trình cũng như với các phương tiện, thiết bị khác nhau. Người phạm tội có thể có hành vi tham gia vào một giai đoạn hoặc toàn bộ quá trình.
b) Xác định tội danh cho hành vi của K.
Để xác định tội danh cho hành vi của K, ta cũng cần xem xét các dấu hiệu cơ bản.
Các dấu hiệu về khách thể, chủ thể và thái độ lỗi của tội phạm mà K thực hiện cũng tương tự như C.
– Về hành vi khách quan:
Có thể thấy ngay: Hành vi của K là hành vi vận chuyển trái phép chất ma tuý. Hành vi vận chuyển trái phép chất ma tuý là hành vi chuyển dịch bất hợp pháp chất ma tuý từ nơi này đến nơi khác, từ vị trí này sang vị trí khác, từ người này sang người khác, từ quốc gia này sang quốc gia khác.. bằng bất kì phương thức nào (trừ hình thức chiếm đoạt) nhưng đều không nhằm mục đích mua bán.
Như vậy, khái niệm vận chuyển trái phép chất ma tuý được dùng ở đây có nội hàm rộng hơn khái niệm vận chuyển hàng hoá thông thường. Vận chuyển trái phép chất ma tuý có thể giống với vận chuyển hàng hoá từ nơi này đến nơi khác trong một cự ly nhất định với phương tiện là ôtô, xe đạp, xe máy, tàu thuỷ, máy bay.., nhưng cũng có thể chỉ là hành vi chuyển dịch từ vị trí này sang vị trí khác trong một không gian chật hẹp như từ gầm giường sang giá sách, từ túi người này sang túi người khác trong một phòng, thậm chí từ túi này sang túi khác của cùng một người.
Xét hành vi của K: K dùng xe (không rõ là xe máy hay ôtô) để vận chuyển 2kg ma tuý đến thị xã X cho một người tên H theo thoả thuận với C. Như vậy hành vi của K đúng là hành vi vận chuyển trái phép ma tuý.
– Về mặt chủ quan:
Cùng là hành vi vận chuyển trái phép chất ma tuý, nhưng với những thái độ lỗi khá nhau của người phạm tội thì có thể cấu thành những tội phạm khác nhau. Đặc biệt ở đây, K đóng vai trò vận chuyển thuê cho C, bởi vậy không thể không xét tới mối liên hệ về ý chí giữa hành vi của C và hành vi của K.
Cụ thể ở trường hợp này như sau:
Nếu vận chuyển ma tuý với mục đích mua bán chất ma tuý này thì người có hành vi vận chuyển bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội mua bán trái phép chất ma tuý. Nếu vận chuyển ma tuý cho người khác mà biết rõ mục đích mua bán ma tuý của người mà mình nhận vận chuyển hộ thì người có hành vi vận chuyển bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội mua bán trái phép chất ma tuý với vai trò giúp sức.
Nếu vận chuyển ma tuý hộ người khác, không nhằm mục đích mua bán, cũng không biết rõ mục đích của người mà mình nhận vận chuyển hộ thì người có hành vi vận chuyển bị truy cứu trách nhiệm hình sự tội vận chuyển trái phép chất ma tuý.
Dựa vào tình tiết của vụ án, ta có thể loại ngay trường hợp 1. Bởi lẽ: C là người đã giao cho K 2kg ma tuý đó và thuê K vận chuyển đến cho H với tiền công thoả thuận là 20 triệu đồng. Như vậy, rõ ràng K chỉ vận chuyển thuê chứ không phải mua bán với C hay H.
Tuy nhiên, do các tình tiết không nêu rõ K có biết được mục đích nhờ vận chuyển của C là mua bán chất ma tuý hay không, nên ta phải chia làm hai trường hợp ứng với hai trường hợp 2. và 3. nói trên cùng những tội danh tương ứng.
Kết luận: K có thể phạm tội vận chuyển trái phép chất ma tuý, hoặc đồng phạm tội mua bán trái phép chất ma tuý với vai trò giúp sức.
c) Xác định tội danh cho hành vi của P.
Theo Thông tư liên tịch số 17 ngày 24 tháng 12 năm 2007 Bộ công an – Viện Kiểm
sát nhân dân Tối cao – Toà án nhân dân Tối cao – Bộ tư pháp: “Trường hợp một người biết là chất ma túy giả nhưng làm cho người khác tưởng là chất ma túy thật nên mua bán, trao đổi… thì người đó không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội phạm về ma túy mà bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo Điều 174 BLHS, nếu thỏa mãn các dấu hiệu khác nữa trong cấu thành tội phạm của tội này”.
Như vậy, ta cần xét xem hành vi của P có thoả mãn các dấu hiệu pháp lý cấu thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo điều 174 BLHS hay không.
– Khách thể:
Khách thể của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản là quan hệ sở hữu. Hành vi lừa đảo của P là nhằm thiết lập quan hệ sở hữu đối với tài sản chiếm đoạt.
Đối tượng của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản là tài sản. Đối tượng tác động của hành vi của P cũng là tài sản số tiền tương ứng với giá trị 2kg ma tuý mà C trả cho P.
– Mặt khách quan:
Hành vi tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản bao gồm hành vi lừa dối và hành vi chiếm đoạt:
Hành vi lừa dối là điều kiện để hành vi chiếm đoạt có thể xảy ra, còn hành vi chiếm đoạt là mục đích và là kết quả của hành vi lừa dối;
Hành vi lừa dối là hành vi cố ý đưa ra thông tin không đúng sự thật nhằm để người khác tin đó là sự thật.
Trong trường hợp này ta thấy mặc dù biết là ma tuý là giả nhưng P vẫn bán cho C. Như vậy, rõ ràng P đã lừa dối C.
Hành vi chiếm đoạt trong tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản có hai hình thức thể hiện cụ thể:
Nếu tài sản bị chiếm đoạt đang trong sự chiếm hữu của chủ tài sản thì hình thức thể hiện cụ thể của hành vi chiếm đoạt là hành vi nhận tài sản của người bị lừa dối. Vì đã tin vào thông tin của người phạm tội nên người bị lừa dối đã giao nhầm tài sản. Nếu tài sản bị chiếm đoạt đang ở trong sự chiếm hữu của người phạm tội thì hình thức thể hiện cụ thể của hành vi chiếm đoạt là hành vi giữ lại tài sản đáng lẽ phải giao cho người bị lừa dối. Vì đã tin vào thông tin của người phạm tội nên người bị lừa dối đã nhận nhầm tài sản hoặc không nhận.
Trong trường hợp này, tài sản bị chiếm đoạt là số tiền tương ứng với giá trị của 2kg
ma tuý mà C đã trả cho P. P đã giao hàng cho C chứng tỏ P đã nhận tiền của C. Từ đó cho thấy P đã thực hiện hành vi chiếm đoạt.
– Chủ thể:
Theo Điều 12 BLHS, P sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội lừa đảo, chiếm đoạt tài sản nếu P từ đủ 14 tuổi trở lên và có đầy đủ năng lực trách nhiệm hình sự.
– Mặt chủ quan:
Người phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản có lỗi cố ý trực tiếp. Người phạm tội biết mình có hành vi lừa dối và mong muốn hành vi lừa dối đó có kết quả để có thể chiếm đoạt được tài sản.
Xét lỗi của P, ta thấy P biết mình có hành vi lừa dối C và mong muốn hành vi lừa dối đó có kết quả để chiếm đoạt được tài sản do đó P có lỗi cố ý trực tiếp.
Từ những phân tích trên, ta khẳng định hành vi của P cấu thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Trên đây là nội dung tư vấn về chủ đề: “Bài tập xác định tội phạm“. Hi vọng bài viết hữu ích cho bạn đọc
Câu hỏi thường gặp:
Tạm giam là biện pháp ngăn chặn được quy định trong luật tố tụng hình sự. Tạm giam bị can để nhằm ngăn chặn hành vi trốn tránh pháp luật, cản trở việc điều tra, truy tố, xét xử hoặc có thể tiếp tục phạm tội, bảo đảm cho việc điều tra, truy tố, xét xử được thuận lợi.
Thời hạn tạm giam bị can để điều tra không quá 02 tháng đối với tội phạm ít nghiệm trọng, không quá 03 tháng đối với tội phạm nghiêm trọng, không quá 04 tháng đối với tội phạm rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng.