Sơ đồ bài viết
Bài giảng môn học Tâm lý học tội phạm Chương IV: Tâm lý nhóm tội phạm giúp người học hiểu rõ về các đặc điểm tâm lý, cơ chế hình thành và tác động của nhóm trong hành vi phạm tội. Chương này phân tích cách thức các cá nhân bị ảnh hưởng bởi tâm lý đám đông, vai trò của thủ lĩnh nhóm tội phạm và sự lan truyền hành vi trong tập thể. Đây là kiến thức quan trọng giúp áp dụng vào công tác điều tra, phòng ngừa và xử lý tội phạm có tổ chức. Cùng khám phá nội dung chi tiết trong bài giảng dưới đây!
Tham khảo trọn bộ bài giảng ôn tập môn học Tâm lý học tội phạm: https://study.phapche.edu.vn/khoa-hoc-tim-hieu-mon-tam-ly-hoc-toi-pham?ref=lnpc
Bài giảng môn học Tâm lý học tội phạm chương IV
Chương 4: Tâm lý nhóm tội phạm
1. Khái niệm và đặc điểm tâm lý của nhóm tội phạm
1.1. Khái niệm
– Khái niệm: Nhóm tội phạm là tập hợp người có sự liên kết, phân công, phối hợp hoạt động với nhau do 1 hoặc 1 số cá nhân thành lập, điều khiển 1 cách có kế hoạch, thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội
– Nhóm tội phạm có cấu trúc thứ bậc và có sự cấu kết chặt chẽ. Trong nhóm có sự phân công rõ ràng, mỗi thành viên có vai trò, nhiệm vụ cụ thể. Nhóm tội phạm là tiền đề hình thành hành vi phạm tội có tổ chức
– So với cá nhân thì hành vi của nhóm tội phạm nguy hiểm hơn.
1.2. Đặc điểm tâm lý của nhóm tội phạm
– Nhóm tội phạm bao gồm các thành viên có tâm thế chống đối các chuẩn mực XH, thường có các đặc điểm tâm lý tiêu cực trong nhân cách
– Trong nhóm tội phạm có tinh thần đoàn kết, sự tiếp xúc cá nhân khá ổn định, có định hướng giá trị chung
– Trong nhóm tội phạm, sự lan nhiễm tâm lý chống đối, tính tích cực và quyết liệt hành động được tăng cường
– Nhóm tội phạm là tổ chức bí mật, khép kín, bất hợp pháp (kể cả núp dưới danh nghĩa 1 tổ chức hợp pháp). Tổ chức hoạt động rõ ràng, chặt chẽ, có người cầm đầu, chỉ huy, có kỷ luật riêng được quy ước bằng miệng hay bằng văn bản
– Hoạt động mang tính hệ thống, có sự chỉ huy thống nhất, mục đích cuối cùng là thu được lợi ích bất chính
– Những tên cầm đầu luôn tìm mọi cách tạo vỏ bọc kín để chỉ huy các thành viên hoạt động phạm tội
– Đa số các nhóm tội phạm có cấu trúc thứ bậc rõ ràng với vai trò, vị trí cụ thể đối với mỗi thành viên, gồm:
+ đối tượng cầm đầu chỉ huy
+ đối tượng tay chân, cốt cán
+ những đối tượng tham gia khác
2. Các loại nhóm tội phạm
Chia làm 3 loại:
+ nhóm tội phạm tạm thời
+ nhóm tội phạm đơn giản
+ nhóm tội phạm có tổ chức
2.1. Nhóm tội phạm tạm thời
– Là nhóm được hình thành theo tình huống và bắt nguồn từ nhóm mang tính chất chơi bời, bạn bè bình thường
– Đặc trưng của nhóm là sự lệch lạc trong chuẩn mực sinh hoạt của nhóm và trong hành vi của các thành viên
– Nhóm này có mức độ cố kết thấp, thực hiện tội phạm không có sự thỏa thuận trước, xuất hiện ngẫu nhiên, thường trong hoàn cảnh bất ngờ
– Không có cấu trúc tâm lý, vai trò của người đứng đầu chưa thể hiện rõ. Việc ra quyết định của các đối tượng chịu ảnh hưởng của tình huống ngẫu nhiên, do tác động của cảm xúc
2.2. Nhóm tội phạm đơn giản
– Là nhóm mà quan hệ giữa các thành viên là nhất thời, tổ chức thiếu chặt chẽ, với số lượng không nhiều.
– Không có cấu trúc phức tạp giữa những người phạm tội, nhưng có sự bí mật cấu kết và có sự thỏa thuận sơ bộ từ trước để cùng nhau thực hiện tội phạm.
– Thành phần tội phạm thường là những tên có nhiều tiền án, tiền sự, tính tình thô bạo, tàn ác, côn đồ, trình độ văn hóa thấp, không có công ăn việc làm, hoặc làm lao động đơn giản, có mức thu nhập thấp
2.3. Nhóm tội phạm có tổ chức
– Là nhóm tội phạm đặc trưng bởi sự bền vững trong quan hệ, liên hệ giữa các đối tượng, sự định hình các phương thức hoạt động và che dấu hành vi phạm tội
– Nhóm tội phạm có tổ chức chia làm 3 loại:
+ nhóm tội phạm có tổ chức ổn định, phức tạp
+ nhóm tội phạm có tổ chức cao, chặt chẽ
+ cộng đồng tội phạm, liên minh các nhóm tội phạm có tổ chức
– Tội phạm có tổ chức cao: thường xuất hiện ở các thành phố có nền công nghiệp, dịch vụ, du lịch phát triển, tại các địa bàn có khai thác khoáng sản (nơi có nhiều người lao động các nơi về làm thuê). Đây là những tổ chức tội phạm hoạt động bí mật, khép kín với cơ cấu tổ chức rõ ràng với 2 hoặc 3 cấp, có mục tiêu hoạt động lâu dài và bền vững.
– Nhóm tội phạm có tổ chức cao bao gồm tất cả các thành viên đặc trưng bởi ý thức phạm tội, là loại nhóm tội phạm nguy hiểm nhất cho xã hội.
– Tính chất nguy hiểm của tội phạm có tổ chức là cao hơn so với tội phạm cá nhân, vì trong điều kiện của nhóm có thuận lợi về tâm lý, có sự gia tăng quyết tâm phạm tội ở những phần tử hay dao động do ảnh hưởng của các thành viên khác, tăng cường khả năng lôi cuốn những thành viên mới vào hoạt động tội phạm. (==> chính là sự lây lan tâm lý)
– Trong điều kiện hiện nay, nhiều tổ chức tội phạm hoạt động xuyên quốc gia, câu kết kết với các tổ chức tội phạm nước ngoài, , lũng đoạn chính quyền theo kiểu mafia, xã hội đen. Các nhóm gián điệp, phản động trong và ngoài nước được lập ra để tập hợp lực lượng, thực hiện các hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia, đây là các nhóm tội phạm có cơ cấu tổ chức chặt chẽ, cùng chung ý đồ hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia, có phương thức, thủ đoạn hoạt động tinh vi, xảo quyệt, có sự cấu kết, liên hệ với các tổ chức chống đối khác.
– Nhóm tội phạm có tổ chức ở mức cao hoạt động theo kiểu “xã hội đen” thường có 1 tên đứng đầu gọi là ông trùm (boss), thủ lĩnh, đại ca, băng trưởng, … Đó thường là tên có đầu óc tổ chức, có hiểu biết khá rộng (về luật pháp, về xã hội, …) và mối quan hệ rộng rãi trong xã hội, có quá khứ “oanh liệt” trong giới giang hồ hoặc các “thế giới ngầm”. Thủ lĩnh quyết định mọi hoạt động của tổ chức tội phạm. Thủ lĩnh rất ít khi trực tiếp tham gia vào việc gây án, mà điều hành thông qua chỉ huy hoặc tay chân, do đó rất ít có nguy cơ sa lưới pháp luật.
– Ở cấp chỉ huy, mỗi tổ chức tội phạm cao có nhiều nhóm, mỗi nhóm lại có 1 hoặc 2 chỉ huy do thủ lĩnh trực tiếp chỉ định, những tên này điều hành các hoạt động cụ thể của các tổ, nhóm theo lệnh của thủ lĩnh và có trách nhiệm báo cáo thủ lĩnh về mọi hoạt động của các thành viên trong nhóm, thu tiền kiếm được nộp cho chỉ huy.
3. Đặc điểm tâm lý của thủ lĩnh nhóm tội phạm
– Thủ lĩnh là người có kinh nghiệm, có bản lĩnh thực hiện và che dấu tội phạm hơn các thành viên khác
– Thủ lĩnh quyết định phương thức hoạt động phạm tội, tổ chức điều khiển các thành viên trong nhóm hành động và phân chia kết quả thu được
– Thủ lĩnh có độ ám thị cao (ám thị là quá trình tác động một cách trực tiếp hoặc gián tiếp lên tâm lý con người nhằm mục đích điều khiển họ thực hiện những yêu cầu nhất định), do đó làm giảm trạng thái hồi hộp, lo lắng, căng thẳng khi cá nhân tiến hành hoạt động phạm tội, làm tăng tính quyết đoán của những phần tử còn dao động, chần chừ
– Thủ lĩnh thường là đối tượng chủ mưu và giữ vị trí chỉ huy trong việc thực hiện hành vi phạm tội
4. Đặc điểm tâm lý của người chưa thành niên phạm tội
– Ở VN, người chưa thành niên phạm tội là người từ đủ 14 tuổi đến dưới 18 tuổi có hành vi phạm tội
– Về trí tuệ: so với trẻ em bình thường, người chưa thành niên phạm tội chậm phát triển hơn về trí tuệ, tư duy trừu tượng kém, nặng về tư duy cụ thể, không biết phân tích, đánh giá đúng hiện tượng
– Về hứng thú: thường thiên về ham muốn vật chất, không có có hứng thú học tập, thích đua đòi, ăn chơi như người lớn
– Về tình cảm: thiếu bền vững, dễ dàng thay đổi nhưng lại rất mạnh mẽ, trong nhiều trường hợp mang tính cực đoan. Tình cảm mang tính xung động cao, dễ bị kích động, bồng bột, sôi nổi. Trẻ chưa thành niên phạm tội thường có nhu cầu lớn trong tình cảm bạn bè, thường thích kết bạn với trẻ em có cùng cảnh ngộ, tình bạn trở thành tình đồng bọn, dễ thân nhau và cũng dễ phản bội nhau. Trong nhóm trẻ chưa thành niên, vai trò của “thủ lĩnh” được đặc biệt đề cao và có sức áp thị lớn.
– Về quan hệ: có xu hướng muốn thoát ly gia đình, trong khi vẫn còn bị phụ thuộc vào gia đình ==> rơi vào tình thế xung đột, mâu thuẫn
– Về tính cách: có sự đan xem giữa tính cách trẻ con và người lớn, luôn muốn tự khẳng định sức mạnh của mình, muốn hoạt động thử sức để chứng minh mình là người lớn. Có tính độc lập và tự trọng cao, phản ứng cực đoan và mạnh mẽ khi bị xúc phạm.
– Về ý chí trong tính cách: thích lao vào nguy hiểm để chứng tỏ bản lĩnh của mình, tỏ ra dũng cảm và liều lĩnh, hành động táo bạo, liều lĩnh và thiếu suy nghĩ.
5. Một số loại trẻ em chưa thành niên có nguy cơ phạm tội
– Trẻ em lang thang: là những trẻ em mà vì những lý do nào đó (chính đáng hay không chính đáng) đã lìa bỏ mái ấm gia đình, sống cuộc đời lang thang. Về cơ bản đây vẫn là những trẻ em bình thường, không phải trẻ em hư hay phạm pháp, nhưng các em đứng trước những nguy cơ bị lôi kéo, xô dẩy vào những việc làm sai trái.
– Trẻ em hư: còn gọi là trẻ khó bảo hay trẻ khó giáo dục, trẻ chậm tiến. Đây là những đứa trẻ hoàn toàn bình thường, chỉ khác ở chỗ chúng không được giáo dục đầy đủ nên trí tuệ và tư chất không được phát triển đúng và hết khả năng của nó.
– Trẻ em phạm pháp: là trẻ có hành vi vi phạm PL hiện hành (hành chính hay hình sự) đã hoặc chưa bị phát hiện và xử lý
– Trẻ em bụi đời: là loại trẻ vừa có dấu hiệu của trẻ lang thang đường phố, vừa có dấu hiệu của trẻ hư
– Trẻ em rối loạn hành vi: vừa có dấu hiệu của trẻ hư, vừa có dấu hiệu của trẻ phạm pháp
Chú ý: những loại trẻ em trên đây có thể chuyển hóa lẫn nhau:
+ trẻ lang thang ==> trẻ hư ==> trẻ phạm pháp
+ trẻ lang thang + trẻ hư ==> trẻ bụi đời
+ trẻ hư + trẻ phạm pháp ==> trẻ rối loạn hành vi
Mời bạn xem thêm: