fbpx
ICA - Học viện đào tạo pháp chế doanh nghiệp
Tổng hợp đề thi môn Luật hình sự 1

Tổng hợp đề thi môn Luật hình sự 1 là tài liệu quan trọng giúp sinh viên ôn tập hiệu quả và làm quen với cấu trúc, nội dung của các dạng đề thi phổ biến trong môn học này. Từ các câu hỏi trắc nghiệm, tự luận đến bài tập tình huống, bộ đề thi cung cấp cái nhìn toàn diện về các kiến thức nền tảng trong phần 1 của Luật hình sự. Bài viết sẽ giới thiệu chi tiết nội dung, kèm theo hướng dẫn làm bài và các mẹo học tập để đạt điểm cao trong kỳ thi.

Tham khảo trọn bộ bài giảng môn học Luật Hình sự: https://study.phapche.edu.vn/khoa-hoc-tim-hieu-mon-luat-hinh-su-1?ref=lnpc

Tổng hợp đề thi môn Luật hình sự 1

Đề thi môn Luật hình sự 1 (phần chung) – Đề số 1

  • Thời gian làm bài: 90 phút
  • Sinh viên chỉ được sử dụng: Bộ luật hình sự

I – Nhận định (3 điểm)

Các nhận định sau đây đúng hay sai? Giải thích tại sao?

1/ Tuổi chịu TNHS là tiền đề để xác định lỗi của người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội. (1,5 điểm)

Gợi ý đáp án: Nhận định Đúng. Vì chúng ta phải xét đến khả năng nhận thức và điều khiển hành vi tại thời điểm thực hiện hành vi đó của người thực hiện hành vi nguy hiểm để xác định lỗi. Nếu một người chưa đủ tuổi chịu TNHS về một tội thì họ chưa nhận thức được tính nguy hiểm cho xã hội về hành vi của mình nên không có lỗi.

2/ Phạm tội nhiều lần là phạm tội có tính chất chuyên nghiệp. (1,5 điểm)

Gợi ý đáp án: Nhận định Sai. Vì chỉ khi chứng minh được người phạm tội cố ý thực hiện 05 lần trở lên về cùng một tội phạm và người phạm tội lấy kết quả của việc phạm tội là nguồn sống chính thì mới có thể kết luận là phạm tội có tính chuyên nghiệp.

II – Bài tập (7 điểm)

Bài tập 1: (3,5 điểm)

Do mâu thuẫn với bà X (mẹ của A) trong việc chia tài sản, A dùng điện để giết bà X. Khi A phát hiện đoạn dây điện gần tủ thờ bị hở lõi thì A cắt chỗ hở lõi đồng to hơn rồi bảo mẹ rằng có người mở tủ lấy sổ đỏ. Bà X chạy lên nhà xem thì bị A xô ngã vào bẫy điện. A còn lấy chổi dí dây điện vào người bà X khiến bà bất tỉnh. Tưởng bà X đã chết nên A bỏ đi, nhưng bà X được cấp cứu kịp thời nên không chết. Hành vi của A được quy định tại khoản 1, Điều 123 BLHS (Tội giết người).

Biết rằng: Tội giết người là tội phạm có cấu thành vật chất, hậu quả chết người là dấu hiệu bắt buộc.

Anh chị hãy xác định:

1/ Khách thể của tội phạm do A thực hiện? (1 điểm)

2/ Hành vi phạm tội của A được thực hiện ở giai đoạn phạm tội nào? Tại sao? (1 điểm)

3/ Hành vi của A có đủ điều kiện của tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội Giết người không? Tại sao? (1,5 điểm)

Gợi ý đáp án:

1. Khách thể của tội phạm do A thực hiện?

– Khách thể: Xâm phạm tính mạng, sức khỏe con người, cụ thể là tính mạng, sức khỏe của bà X

2. Hành vi phạm tội của A được thực hiện ở giai đoạn tội phạm nào? Tại sao?

– Hành vi phạm tội của A được thực hiện ở giai đoạn phạm tội chưa đạt đã hoàn thành, vì:

+ A đã cố ý thực hiện tội phạm (cố ý giết bà X), A đã thực hiện hết những hành vi cần thiết để hậu quả xảy ra nhưng vì nguyên nhân khách quan mà hậu quả không xảy ra (A cắt chỗ hở lõi đồng to hơn rồi bảo mẹ rằng có người mở tủ lấy sổ đỏ. Bà X chạy lên xem thì bị A xô ngã vào bẫy điện. A còn lấy chổi dí dây điện vào người bà X khiến bà bất tỉnh. Tưởng bà X đã chết nên A bỏ đi, nhưng bà X được cấp cứu kịp thời nên không chết).

+ A thực hiện hành vi liền trước hành vi được mô tả trong mặt khách quan của CTTP được quy định tại Điều 123 BLHS (tội giết người).

+ A tin là hậu quả không sảy ra nhưng vì nguyên nhân khách quan ngoài ý muốn mà hậu quả sảy ra.

3. Hành vi của A có đủ điều kiện của tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội giết người hay không? Tại sao?

– Không, vì:

+ Theo Điều 16 BLHS: “Tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội là tự mình không thực hiện tội phạm đến cùng, tuy không có gì ngăn cản” trong trường hợp này A tin và mong muốn hậu quả xảy ra.

+ Tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội không thể xảy ra ở trường hợp này, vì nó chỉ có thể xảy ra ở giai đoạn chuẩn bị phạm tội và phạm tội chưa đạt chưa hoàn thành, trong trường hợp này đã đến giai đoạn phạm tội chưa đạt đã hoàn thành.

Bài tập 2: (3,5 điểm)

A phạm tội Trộm cắp tài sản theo khoản 1, Điều 173 BLHS và bị tuyên phạt 02 năm tù nhưng cho hưởng án treo với thời gian thử thách là 04 năm. Chấp hành được 02 năm thử thách thì A lại phạm tội Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ theo khoản 1, Điều 260 BLHS và bị Tòa án tuyên phạt 03 năm tù.

Biết rằng, tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ là tội phạm có lỗi vô ý.

Hãy xác định:

1/ Trong lần phạm tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ, A có bị coi là tái phạm hoặc tái phạm nguy hiểm không? Tại sao? (1,5 điểm)

2/ Tổng hợp hình phạt chung đối với A? Chỉ rõ căn cứ pháp lý? (1 điểm)

3/ Thời hiệu thi hành bản án của A về tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ là bao lâu và tính từ thời điểm nào? Chỉ rõ căn cứ pháp lý? (1 điểm)

Tổng hợp đề thi môn Luật hình sự 1
Tổng hợp đề thi môn Luật hình sự 1

Gợi ý đáp án:

1. A có bị coi là tái phạm hoặc tái phạm nguy hiểm không? (1,5 điểm)

  • Tái phạm: Theo khoản 1 Điều 53 BLHS, tái phạm xảy ra khi người phạm tội:
    • Cố ý phạm tội mới sau khi đã bị kết án mà chưa được xóa án tích.
    • Trong trường hợp này:
      • A đã bị kết án tội trộm cắp tài sản (ít nghiêm trọng) và chưa được xóa án tích.
      • Tội mới là vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ (tội nghiêm trọng) nhưng được thực hiện với lỗi vô ý.
      • Vì hành vi phạm tội mới của A là vô ý, A không bị coi là tái phạm theo khoản 1 Điều 53 BLHS.
  • Tái phạm nguy hiểm: Theo khoản 2 Điều 53 BLHS, tái phạm nguy hiểm xảy ra khi:
    • Đã tái phạm và chưa được xóa án tích, hoặc
    • Lại phạm tội rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng.
    • Trong trường hợp này:
      • Tội đã bị kết án là ít nghiêm trọng, và A chưa tái phạm.
      • Tội mới là nghiêm trọng nhưng không phải tội rất nghiêm trọng hay đặc biệt nghiêm trọng, và cũng không cố ý.
      • Vì vậy, A không bị coi là tái phạm nguy hiểm.

2. Tổng hợp hình phạt chung đối với A? Chỉ rõ căn cứ pháp lý. (1 điểm)

  • Theo khoản 5 Điều 65 BLHS, khi người đang hưởng án treo phạm tội mới, họ phải:
    • Chấp hành bản án trước (án treo chuyển thành án tù giam).
    • Chấp hành hình phạt của bản án mới.
  • Theo khoản 2 Điều 56 BLHS:
    • Khi tổng hợp hình phạt, hình phạt chung bằng tổng các hình phạt của hai bản án.
    • Trong trường hợp này:
      • Bản án trước: 2 năm tù (án treo, chuyển thành tù giam).
      • Bản án mới: 3 năm tù (tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ).
      • Tổng hình phạt chung: 2 năm + 3 năm = 5 năm tù.

3. Thời hiệu thi hành bản án của A về tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ? (1 điểm)

  • Theo Điều 60 BLHS:
    • Nếu người bị kết án lại phạm tội mới, thời hiệu thi hành bản án cũ sẽ được tính lại từ ngày thực hiện tội phạm mới.
    • Thời hiệu thi hành bản án của tội phạm mới được xác định dựa trên Điều 74 BLHS:
      • Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ (khoản 1 Điều 260 BLHS) là tội nghiêm trọng.
      • Thời hiệu thi hành bản án đối với tội nghiêm trọng là 5 năm.
    • Thời hiệu tính từ ngày A thực hiện hành vi phạm tội mới (tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ).

Đề thi môn Luật hình sự 1 (phần chung) – Đề số 2

I – Nhận định (3 điểm)

Các nhận định sau đây đúng hay sai? Giải thích tại sao?

1/ Thực hiện hành vi phạm tội là sự kiện pháp lý làm phát sinh quan hệ pháp luật hình sự. (1.5 điểm)

2/ Có thể quyết định 02 năm cải tạo không giam giữ đối với người chưa thành niên phạm tội “Trộm cắp tài sản” theo quy định tại khoản 1, Điều 172 BLHS. (1.5 điểm)

II – Bài tập (7 điểm)

Bài tập 1: (3,5 điểm)

A và B là hàng xóm của nhau. Ngày 02/3, vì mâu thuẫn cá nhân, sau khi xảy ra cãi vã, A vác con dao bầu để đuổi chém B. Thấy vậy, B bỏ chạy. Sau một hồi lâu rượt đuổi nhưng không bắt kịp B. A vứt con dao xuống bên vệ đường rồi đi về phía nhà mình, không đuổi chém B nữa. Về phía B, sau khi bỏ chạy, nhìn lại không thấy A nên B bắt đầu quay lại tìm A. Khi nhìn thấy A đang đi về nhà với tay không. B liền nhặt 01 khúc gỗ bên đường chạy từ phía sau đến đập thật mạnh vào đầu của A một cái rồi bỏ chạy. Sau đó, A được đưa đi cấp cứu kịp thời nên không chết mà chỉ bị thương tích với tỉ lệ thương tật là 85%.

Hành vi của B thuộc trường hợp quy định tại khoản 1, Điều 123 BLHS năm 2015 (Biết rằng tội phạm tại Điều 123 BLHS là tội phạm có cấu thành vật chất).

Anh chị hãy xác định:

a/ Lỗi của B trong việc gây ra thương tích cho A? Tại sao? (1 điểm)

b/ Hành vi phạm tội của B được thực hiện ở giai đoạn phạm tội nào? Tại sao? (1 điểm)

c/ Khi cầm thanh gỗ đập vào đầu của A trong trường hợp trên thì B có quyền phòng vệ không? Tại sao? (1 điểm)

Bài tập 2: (3,5 điểm)

A phạm tội giết người và bị Tòa án tuyên phạt 20 năm tù về tội giết người theo quy định tại khoản 1 Điều 123 BLHS. Đang chấp hành hình phạt tù được 5 năm thì A lại bị đưa ra xét xử về tội mua bán trái phép chất ma túy theo quy định tại khoản 2, Điều 251 BLHS mà A đã thực hiện trước khi bị kết án về tội giết người. Về tội này, A bị Tòa án xử phạt 12 năm tù.

Anh chị hãy xác định:

a/ Trong lần phạm tội mua bán trái phép chất ma túy, A có bị coi là tái phạm hay tái phạm nguy hiểm không? Tại sao? (1.5 điểm)

b/ Tổng hợp hình phạt của hai bản án trên? Chỉ rõ căn cứ pháp lý? (1 điểm)

c/ Mức hình phạt thấp nhất mà Tòa án có thể quyết định đối với A về tội mua bán trái phép chất ma túy nếu có cơ sở áp dụng Điều 54 BLHS đối với tội này? Tại sao? (1.5 điểm)

Đề thi môn Luật hình sự 1 (phần chung) – Đề số 3

I – Nhận định (3 điểm)

Các nhận định sau đây đúng hay sai? Giải thích tại sao?

1/ Phòng vệ chính đáng là tình tiết loại trừ trách nhiệm hình sự. (1,5 điểm)

2/ Án treo chỉ áp dụng cho người phạm tội ít nghiêm trọng. (1,5 điểm)

II – Bài tập (7 điểm)

Bài tập 1: (3.5 điểm)

1/ Biết B có quan hệ bất chính với chồng mình nên A đã lên kế hoạch tạt axit B. Sau nhiều ngày theo dõi, A biết B hay ngủ ở giường kê cạnh cửa sổ. Nửa đêm 25.11, A mang một ca axit đến nhà B, nhằm vào người đang nằm trên giường nơi B thường ngủ tạt một ca axit rồi bỏ chạy. Người bị bỏng axit trong đêm hôm đó là C (em gái của B từ quê lên chơi). Hậu quả: C bị bỏng nặng với tỷ lệ tổn thương cơ thể là 67%.

Anh chị hãy xác định:

a/ Đối tượng tác động và hậu quả của hành vi phạm tội của A? (1,5 điểm)

b/ Lỗi của A trong việc gây ra thương tích cho C? Tại sao? (1,0 điểm)

c/ Loại sai lầm của A trong việc gây ra thương tích cho C? Ảnh hưởng của sai lầm này đến TNHS của A như thế nào? (1,5 điểm)

Biết rằng: hành vi của A phạm vào tội cố ý gây thương tích được quy định tại khoản 5 Điều 134 BLHS 2015.

Bài tập 2: (3.5 điểm)

2/ Vào lúc 2h sáng ngày 11/12 A đang đi trên đường thì phát hiện B đang đi cùng chiều với mình. A lập tức áp sát và kề dao vào cổ B, yêu cầu B đưa hết toàn bộ tài sản trên người, nếu không sẽ đâm B. B đưa A số tiền mang theo trên người là 3 triệu đồng cùng một điện thoại di động trị giá 7 triệu đồng. Hành vi của A được quy định tại khoản 2 Điều 168 BLHS.

a/ Nếu có căn cứ áp dụng Điều 54 BLHS thì mức hình phạt thấp nhất có thể áp dụng đối với A là bao nhiêu? Tại sao? (1,0 điểm)

b/ Tòa án có thể áp dụng hình phạt tịch thu một phần tài sản đối với A hay không? Tại sao? (1,0 điểm)

c/ Cần áp dụng biện pháp tư pháp nào đối với A? Chỉ rõ căn cứ pháp lý? (1,0 điểm)

Mời bạn xem thêm:

Đánh giá bài viết

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài viết liên quan

.
.
.
Sơ đồ bài viết