Chương II trong bài giảng môn học Luật công chứng, chứng thực và luật sư mang đến kiến thức sâu rộng về các nguyên tắc, quy trình và quy định pháp lý cụ thể. Đây là bước tiếp theo quan trọng giúp bạn hiểu rõ hơn về quyền và nghĩa vụ trong hoạt động công chứng, chứng thực, cũng như vai trò của luật sư trong việc bảo vệ quyền lợi pháp lý. Hãy tìm hiểu ngay để trang bị thêm kiến thức chuyên môn và nâng cao khả năng ứng dụng trong thực tiễn!
Bài giảng môn học Luật công chứng, chứng thực, luật sư chương II
Chương 2: Công chứng viên, tổ chức hành nghề công chứng, quản lý nhà nước về công chứng
I. Khái niệm công chứng viên
1. Khái niệm
– Công chứng viên:
+ là chức danh nghề nghiệp của những người hành nghề công chứng
+ phải đáp ứng đủ các tiêu chuẩn do PL quy định về phẩm chất, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ
+ được bổ nhiệm bởi người có thẩm quyền (bộ trưởng bộ Tư pháp). Chú ý: hiện nay tiêu chuẩn bổ nhiệm, quy trình bổ nhiệm là giống nhau đối với công chứng công và công chứng tư
+ phải hoạt động nghề nghiệp trong 1 tổ chức hành nghề công chứng: phòng công chứng (nhà nước), văn phòng công chứng (tư nhân)
2. Tiêu chuẩn công chứng viên (Điều 8 Luật công chứng 2014)
– Là công dân VN, thường trú tại VN
– Có phẩm chất đạo đức tốt, tuân thủ hiến pháp và PL
– Có bằng cử nhân luật
– Có thời gian công tác PL từ 5 năm trở lên tại các cơ quan, tổ chức sau khi đã có bằng cử nhân luật
– Tốt nghiệp khóa đào tạo nghề công chứng hoặc hoàn thành khóa bồi dưỡng nghề công chứng
– Đạt yêu cầu kiểm tra kết quả tập sự hành nghề công chứng
– Đảm bảo sức khỏe để hành nghề công chứng
Chú ý:
+ các tiêu chuẩn này chỉ được kiểm tra khi bổ nhiệm công chứng viên
+ công chứng viên là bổ nhiệm trọn đời (như vậy vấn đề chỉ kiểm tra sức khỏe công chứng viên khi bổ nhiệm mà không phải kiểm tra sức khỏe hàng năm là 1 thiếu sót lớn)
3. Đào tạo nghề công chứng (Điều 9 Luật công chứng 2014)
– Người có bằng cử nhân luật được đào tạo nghề công chứng
– Thời gian đào tạo nghề công chứng là 12 tháng: người hoàn thành chương trình đào tạo được cấp Giấy chứng nhận tốt nghiệp khóa đào tạo nghề công chứng
Hiện nay, chỉ có duy nhất Học viện Tư pháp được phép đào tạo nghề công chứng
4. Bồi dưỡng nghề công chứng (Điều 10 Luật công chứng 2014)
– Dành cho những người được miễn đào tạo nghề công chứng, gồm:
+ Người đã có thời gian làm thẩm phán, kiểm sát viên, điều tra viên từ 05 năm trở lên;
+ Luật sư đã hành nghề từ 05 năm trở lên;
+ Giáo sư, phó giáo sư chuyên ngành luật, tiến sĩ luật;
+ Người đã là thẩm tra viên cao cấp ngành tòa án, kiểm tra viên cao cấp ngành kiểm sát; chuyên viên cao cấp, nghiên cứu viên cao cấp, giảng viên cao cấp trong lĩnh vực pháp luật.
– Người được miễn đào tạo nghề công chứng phải tham gia khóa bồi dưỡng kỹ năng hành nghề công chứng và quy tắc đạo đức hành nghề công chứng tại cơ sở đào tạo nghề công chứng trước khi đề nghị bổ nhiệm công chứng viên.
– Thời gian bồi dưỡng nghề công chứng là 03 tháng. Người hoàn thành khóa bồi dưỡng được cấp giấy chứng nhận hoàn thành khóa bồi dưỡng nghề công chứng.
5. Tập sự hành nghề công chứng (Điều 11 Luật công chứng 2014)
– Ý nghĩa:
+ là khoảng thời gian cho người muốn hành nghề công chứng tích lũy kinh nghiệm thực tiễn về chuyên môn, nghiệp vụ gắn với nghề nghiệp của mình, cũng như giúp họ bước đầu thực hành vận dụng kiến thức, kỹ năng trong hoạt động nghề nghiệp;
+ giúp người hành nghề công chứng sau này làm quen với hoạt động nghề nghiệp
– Người có giấy chứng nhận tốt nghiệp khóa đào tạo nghề công chứng hoặc giấy chứng nhận bồi dưỡng nghề công chứng phải tập sự hành nghề tại một tổ chức hành nghề công chứng.
– Người tập sự có thể tự liên hệ với một tổ chức hành nghề công chứng đủ điều kiện nhận tập sự về việc tập sự tại tổ chức đó; trường hợp không tự liên hệ được thì đề nghị Sở Tư pháp ở địa phương nơi người đó muốn tập sự bố trí tập sự tại một tổ chức hành nghề công chứng đủ điều kiện nhận tập sự.
– Người tập sự sau khi đã được nhận tập sự tại 1 tổ chức hành nghề công chứng thì phải đăng ký với Sở Tư pháp ở địa phương nơi có tổ chức hành nghề công chứng đó.
– Thời gian tập sự là 12 tháng đối với người có giấy chứng nhận tốt nghiệp khóa đào tạo nghề công chứng và 06 tháng đối với người có giấy chứng nhận bồi dưỡng nghề công chứng. Thời gian tập sự hành nghề công chứng được tính từ ngày đăng ký tập sự.
– Công chứng viên hướng dẫn tập sự phải có ít nhất 02 năm kinh nghiệm hành nghề công chứng. Công chứng viên bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động hành nghề công chứng thì sau 12 tháng kể từ ngày chấp hành xong quyết định kỷ luật, quyết định xử phạt vi phạm hành chính mới được hướng dẫn tập sự hành nghề công chứng.
– Tại cùng một thời điểm, 1 công chứng viên không được hướng dẫn nhiều hơn 2 người tập sự.
– Người tập sự hành nghề công chứng được hướng dẫn các kỹ năng hành nghề và thực hiện các công việc liên quan đến công chứng do công chứng viên hướng dẫn phân công và chịu trách nhiệm trước công chứng viên hướng dẫn về những công việc đó. Người tập sự không được ký văn bản công chứng.
– Hết thời gian tập sự, người tập sự hành nghề công chứng phải có báo cáo bằng văn bản về kết quả tập sự có nhận xét của công chứng viên hướng dẫn và xác nhận của tổ chức hành nghề công chứng nhận tập sự gửi đến Sở Tư pháp nơi mình đã đăng ký tập sự; được đăng ký tham dự kiểm tra kết quả tập sự hành nghề công chứng. Người đạt yêu cầu kiểm tra kết quả tập sự hành nghề công chứng được cấp giấy chứng nhận kết quả kiểm tra tập sự hành nghề công chứng.
6. Bổ nhiệm công chứng viên (Điều 12 Luật công chứng 2014)
– Người đáp ứng đủ tiêu chuẩn để bổ nhiệm công chứng viên có quyền đề nghị Bộ trưởng Bộ Tư pháp bổ nhiệm công chứng viên
– Người đề nghị phải làm hồ sơ theo quy định, hồ sơ gồm:
+ Đơn đề nghị bổ nhiệm công chứng viên theo mẫu do Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định;
+ Phiếu lý lịch tư pháp;
+ Bản sao bằng cử nhân luật hoặc thạc sĩ, tiến sĩ luật;
+ Giấy tờ chứng minh về thời gian công tác pháp luật;
+ Bản sao giấy chứng nhận tốt nghiệp khóa đào tạo nghề công chứng. Đối với người được miễn đào tạo nghề công chứng thì phải có bản sao giấy chứng nhận hoàn thành khóa bồi dưỡng nghề công chứng và giấy tờ chứng minh là người được miễn đào tạo nghề công chứng;
+ Bản sao giấy chứng nhận kết quả kiểm tra tập sự hành nghề công chứng;
+ Giấy chứng nhận sức khỏe do cơ quan y tế có thẩm quyền cấp
– Hồ sơ đề nghị bổ nhiệm công chứng viên được gửi đến Sở Tư pháp nơi người đề nghị bổ nhiệm công chứng viên đã đăng ký tập sự hành nghề công chứng
– Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, Sở Tư pháp có văn bản đề nghị Bộ trưởng Bộ Tư pháp bổ nhiệm công chứng viên kèm theo hồ sơ đề nghị bổ nhiệm; trường hợp từ chối đề nghị thì phải thông báo bằng văn bản, trong đó nêu rõ lý do cho người nộp hồ sơ.
– Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được văn bản và hồ sơ đề nghị bổ nhiệm công chứng viên của Sở Tư pháp, Bộ trưởng Bộ Tư pháp xem xét, quyết định bổ nhiệm công chứng viên; trường hợp từ chối bổ nhiệm phải thông báo bằng văn bản, trong đó nêu rõ lý do, gửi cho Sở Tư pháp và người đề nghị bổ nhiệm.
– Không được bổ nhiệm công chứng viên đối với: (Điều 13 Luật Công chứng 2014)
+ Người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, đã bị kết tội bằng bản án đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án về tội phạm do vô ý mà chưa được xóa án tích hoặc về tội phạm do cố ý.
+ Người đang bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.
+ Người bị mất hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự.
+ Cán bộ bị kỷ luật bằng hình thức bãi nhiệm, công chức, viên chức bị kỷ luật bằng hình thức buộc thôi việc hoặc sỹ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân, sỹ quan, hạ sỹ quan, công nhân, viên chức trong đơn vị thuộc Công an nhân dân bị kỷ luật bằng hình thức tước danh hiệu quân nhân, danh hiệu Công an nhân dân hoặc đưa ra khỏi ngành.
+ Người bị thu hồi chứng chỉ hành nghề luật sư do bị xử lý kỷ luật bằng hình thức xóa tên khỏi danh sách của Đoàn luật sư, người bị tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề luật sư mà chưa hết thời hạn 03 năm kể từ ngày quyết định thu hồi chứng chỉ hành nghề luật sư có hiệu lực hoặc kể từ ngày chấp hành xong quyết định tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề luật sư.
7. Hành nghề công chứng
– Công chứng viên phải hành nghề trong 1 tổ chức hành nghề công chứng theo 1 trong các hình thức:
+ là công chứng viên của Phòng công chứng: theo đó thì công chứng viên phải là công chức hoặc viên chức
- Trưởng phòng / Phó trưởng phòng công chứng: công chức
- Công chứng viên: viên chức
+ là công chứng viên hợp danh của Văn phòng công chứng
+ là công chứng viên làm theo chế độ hợp đồng lao động tại Văn phòng công chứng
– Công chứng viên phải được tổ chức hành nghề công chứng đăng ký hành nghề tại Sở Tư pháp
8. Quyền và nghĩa vụ của công chứng viên (Điều 17 Luật Công chứng 2014)
– Nhắc lại về khái niệm Quyền:
+ quyền là vì lợi ích của người mang quyền
+ người mang quyền có quyền thực hiện / không thực hiện những quyền đó
+ khi đã xác định được chủ thể mang quyền thì tức là xác định được nghĩa vụ, trách nhiệm của cá nhân, chủ thể khác
– Khái niệm Nghĩa vụ:
+ vì lợi ích của chủ thể khác, chứ không vì lợi ích của chủ thể mang nghĩa vụ
+ người mang nghĩa vụ phải thực hiện nghĩa vụ
– Xác định mối quan hệ của Công chứng viên:
+ với tổ chức hành nghề công chứng
+ với người yêu cầu công chứng
+ với Nhà nước
– Xác định mối quan hệ của tổ chức hành nghề công chứng:
+ với công chứng viên
+ với người yêu cầu công chứng
+ với Nhà nước
– Công chứng viên có các quyền:
+ Được pháp luật bảo đảm quyền hành nghề công chứng;
+ Tham gia thành lập Văn phòng công chứng hoặc làm việc theo chế độ hợp đồng cho tổ chức hành nghề công chứng;
+ Được công chứng hợp đồng, giao dịch, bản dịch theo quy định của Luật này;
+ Đề nghị cá nhân, cơ quan, tổ chức có liên quan cung cấp thông tin, tài liệu để thực hiện việc công chứng;
+ Được từ chối công chứng hợp đồng, giao dịch, bản dịch vi phạm pháp luật, trái đạo đức xã hội;
– Công chứng viên có các nghĩa vụ:
+ Tuân thủ các nguyên tắc hành nghề công chứng;
+ Hành nghề tại một tổ chức hành nghề công chứng;
+ Tôn trọng và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người yêu cầu công chứng;
+ Giải thích cho người yêu cầu công chứng hiểu rõ quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp của họ, ý nghĩa và hậu quả pháp lý của việc công chứng; trường hợp từ chối yêu cầu công chứng thì phải giải thích rõ lý do cho người yêu cầu công chứng;
+ Giữ bí mật về nội dung công chứng, trừ trường hợp được người yêu cầu công chứng đồng ý bằng văn bản hoặc pháp luật có quy định khác;
+ Tham gia bồi dưỡng nghiệp vụ công chứng hàng năm;
+ Chịu trách nhiệm trước pháp luật và trước người yêu cầu công chứng về văn bản công chứng của mình; chịu trách nhiệm trước pháp luật về hoạt động của Văn phòng công chứng mà mình là công chứng viên hợp danh;
+ Tham gia tổ chức xã hội – nghề nghiệp của công chứng viên;
+ Chịu sự quản lý của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, của tổ chức hành nghề công chứng mà mình làm công chứng viên và tổ chức xã hội – nghề nghiệp của công chứng viên mà mình là thành viên;
II. Tổ chức hành nghề công chứng
1. Nguyên tắc thành lập tổ chức hành nghề công chứng (Điều 18 Luật Công chứng 2014)
– Tổ chức hành nghề công chứng gồm:
+ Phòng công chứng
+ Văn phòng công chứng (VPCC)
– Việc thành lập tổ chức hành nghề công chứng phải tuân theo quy định của luật và phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển tổ chức hành nghề công chứng do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt
– Phòng công chứng chỉ được thành lập mới tại những địa bàn chưa có điều kiện phát triển Văn phòng công chứng
– Văn phòng công chứng thành lập tại những địa bàn có điều kiện kinh tế, xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn thì sẽ được hưởng các chính sách ưu đãi
2. Phòng công chứng (Điều 19 Luật Công chứng 2014)
– Phòng công chứng là đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Sở Tư pháp
– Có trụ sở, con dấu và tài khoản riêng
– Là đơn vị sự nghiệp có thu từ phí công chứng, thù lao công chứng và các nguồn thu hợp pháp khác. Nếu nguồn thu không đủ thì sẽ được ngân sách NN đảm bảo
– Tên gọi của Phòng công chứng bao gồm cụm từ “Phòng công chứng” kèm theo số thứ tự thành lập và tên của tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi Phòng công chứng được thành lập.
Ví dụ: Phòng công chứng số 3 Hà Nội, Phòng công chứng số 2 thành phố Hồ Chí Minh
– Người đại diện theo pháp luật của Phòng công chứng là Trưởng phòng. Trưởng phòng công chứng phải là công chứng viên, do Chủ tịch UBND cấp tỉnh bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức.
3. Quy định về thành lập, chuyển đổi, giải thể phòng công chứng (Điều 20, 21 Luật Công chứng 2014)
– UBND cấp tỉnh ra quyết định thành lập, chuyển đổi, giải thể Phòng công chứng
– Căn cứ vào nhu cầu công chứng tại địa phương, Sở Tư pháp chủ trì phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, Sở Nội vụ xây dựng Đề án thành lập Phòng công chứng trình UBND cấp tỉnh xem xét, quyết định. Đề án nêu rõ sự cần thiết thành lập Phòng công chứng, dự kiến về tổ chức, tên gọi, nhân sự, địa điểm đặt trụ sở, các điều kiện vật chất và kế hoạch triển khai thực hiện.
– Trường hợp không cần thiết duy trì Phòng công chứng thì Sở Tư pháp lập đề án trình UBND cấp tỉnh xem xét, quyết định để:
+ chuyển đổi Phòng công chứng thành Văn phòng công chứng
+ giải thể Phòng công chứng: Phòng công chứng chỉ được giải thể sau khi thanh toán xong các khoản nợ, làm xong thủ tục chấm dứt hợp đồng lao động đã ký với người lao động, thực hiện xong các yêu cầu công chứng đã tiếp nhận
4. Văn phòng công chứng (Điều 22 Luật Công chứng 2014)
– Được tổ chức và hoạt động dưới hình thức Công ty hợp danh
– Do ít nhất 2 công chứng viên hợp danh thành lập và không có thành viên góp vốn
– Có trụ sở đáp ứng các điều kiện do PL quy định
– Có con dấu và tài khoản riêng
– Tư chủ về tài chính, nguồn thu từ phí công chứng, thù lao công chứng và các nguồn thu hợp pháp khác
– Các công chứng viên hợp danh chịu trách nhiệm về tài chính cho hoạt động của VPCC
– Người đại diện theo PL của VPCC là Trưởng Văn phòng. Trưởng VPCC phải là công chứng viên hợp danh của VPCC và đã hành nghề công chứng từ 02 năm trở lên.
– Tên gọi của VPCC phải bao gồm cụm từ “Văn phòng công chứng” và tuân theo quy định của Luật doanh nghiệp về đặt tên.
VD: Văn phòng công chứng Nguyễn Thu Hà, Văn phòng công chứng Đông Đô, Văn phòng công chứng Cầu Giấy, …
5. Thành lập, đăng ký Văn phòng công chứng (Điều 23 Luật Công chứng 2014)
– Các công chứng viên thành lập VPCC phải có hồ sơ đề nghị thành lập VPCC gửi UBND cấp tỉnh xem xét, quyết định. Hồ sơ đề nghị thành lập VPCC gồm:
+ đơn đề nghị thành lập
+ đề án thành lập VPCC, trong đó nêu rõ sự cần thiết thành lập, dự kiến về tổ chức, tên gọi, nhân sự, địa điểm đặt trụ sở, các điều kiện vật chất và kế hoạch triển khai thực hiện
+ bản sao quyết định bổ nhiệm công chứng viên tham gia thành lập VPCC
– Trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ đề nghị thành lập VPCC, UBND cấp tỉnh xem xét, quyết định cho phép thành lập VPCC; trường hợp từ chối phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do.
– Trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày nhận được quyết định cho phép thành lập, VPCC phải đăng ký hoạt động tại Sở Tư pháp ở địa phương nơi đã ra quyết định cho phép thành lập.
– Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ đăng ký hoạt động, Sở Tư pháp cấp giấy đăng ký hoạt động của VPCC; trường hợp từ chối phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do.
– VPCC được hoạt động công chứng kể từ ngày Sở Tư pháp cấp giấy đăng ký hoạt động.
– Công chứng viên hợp danh của VPCC có thể chấm dứt tư cách thành viên hợp danh theo nguyện vọng cá nhân hoặc trong các trường hợp khác do PL quy định. Tuy nhiên:
+ nếu VPCC chỉ có 2 công chứng viên thì việc 1 công chứng viên chấm dứt có thể dẫn đến giải thể VPCC nếu không tìm được công chứng viên thay thế (trong khoảng thời gian do PL quy định)
+ trong vòng 5 năm kể từ ngày chấm dứt tư cách thành viên hợp danh của VPCC, thì công chứng viên đó không được hành nghề công chứng …
– VPCC có quyền tiếp nhận công chứng viên hợp danh mới nếu công chứng viên đó được các công chứng viên hợp danh còn lại chấp thuận.
– Trường hợp công chứng viên hợp danh của VPCC chết hoặc bị Tòa án tuyên bố là đã chết thì người thừa kế của công chứng viên hợp danh được hưởng phần giá trị tài sản tại Văn phòng công chứng sau khi đã trừ đi phần nợ thuộc trách nhiệm của công chứng viên đó. Người thừa kế có thể trở thành công chứng viên hợp danh của Văn phòng công chứng nếu là công chứng viên và được các công chứng viên hợp danh còn lại chấp thuận.
6. Hợp nhất, sáp nhập, chuyển nhượng VPCC (Điều 28 Luật Công chứng 2014)
– Nhiều VPCC có trụ sở trong cùng một tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có thể hợp nhất thành 1 VPCC mới bằng cách chuyển toàn bộ tài sản, quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp sang VPCC được hợp nhất, đồng thời chấm dứt hoạt động của các VPCC bị hợp nhất.
– Một hoặc một số VPCC có thể sáp nhập vào một VPCC khác có trụ sở trong cùng một tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương bằng cách chuyển toàn bộ tài sản, quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp sang VPCC nhận sáp nhập, đồng thời chấm dứt hoạt động của VPCC bị sáp nhập.
– VPCC có thể được chuyển nhượng cho các công chứng viên khác đáp ứng các điều kiện quy định của PL. VPCC chỉ được chuyển nhượng khi đã hoạt động công chứng được ít nhất là 02 năm. Công chứng viên đã chuyển nhượng VPCC không được phép tham gia thành lập VPCC mới trong thời hạn 05 năm kể từ ngày chuyển nhượng.
– Công chứng viên nhận chuyển nhượng VPCC phải đáp ứng các điều kiện sau đây:
+ Đã hành nghề công chứng từ 02 năm trở lên đối với người dự kiến sẽ tiếp quản vị trí Trưởng VPCC
+ Cam kết hành nghề tại VPCC mà mình nhận chuyển nhượng
+ Cam kết kế thừa quyền và nghĩa vụ của VPCC được chuyển nhượng
+ UBND cấp tỉnh xem xét, quyết định cho phép chuyển nhượng VPCC
– UBND cấp tỉnh xem xét, quyết định cho phép hợp nhất, sáp nhập, chuyển nhượng VPCC.
7. Quyền và nghĩa vụ của tổ chức hành nghề công chứng (Điều 32, 33 Luật Công chứng 2014)
– Tổ chức hành nghề công chứng có các quyền sau:
+ Ký hợp đồng làm việc, hợp đồng lao động với công chứng viên và các nhân viên làm việc cho tổ chức mình
+ Thu phí công chứng, thù lao công chứng, chi phí khác.
+ Cung cấp dịch vụ công chứng ngoài ngày, giờ làm việc của cơ quan hành chính nhà nước để đáp ứng nhu cầu công chứng của nhân dân.
+ Được khai thác, sử dụng thông tin từ cơ sở dữ liệu công chứng quy định tại Điều 62 của Luật này.
– Tổ chức hành nghề công chứng có các nghĩa vụ sau:
+ Quản lý công chứng viên hành nghề tại tổ chức mình trong việc tuân thủ pháp luật và quy tắc đạo đức hành nghề công chứng.
+ Chấp hành quy định của pháp luật về lao động, thuế, tài chính, thống kê.
+ Thực hiện chế độ làm việc theo ngày, giờ làm việc của cơ quan hành chính nhà nước.
+ Niêm yết lịch làm việc, thủ tục công chứng, nội quy tiếp người yêu cầu công chứng, phí công chứng, thù lao công chứng và chi phí khác tại trụ sở của tổ chức mình.
+ Mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho công chứng viên của tổ chức mình theo quy định tại Điều 37 của Luật này và bồi thường thiệt hại theo quy định tại Điều 38 của Luật này.
+ Tiếp nhận, tạo điều kiện thuận lợi và quản lý người tập sự hành nghề công chứng trong quá trình tập sự tại tổ chức mình.
+ Tạo điều kiện cho công chứng viên của tổ chức mình tham gia bồi dưỡng nghiệp vụ công chứng hằng năm.
+ Thực hiện yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc báo cáo, kiểm tra, thanh tra, cung cấp thông tin về hợp đồng, giao dịch, bản dịch đã công chứng.
+ Lập sổ công chứng và lưu trữ hồ sơ công chứng.
+ Chia sẻ thông tin về nguồn gốc tài sản, tình trạng giao dịch của tài sản và các thông tin khác về biện pháp ngăn chặn được áp dụng đối với tài sản có liên quan đến hợp đồng, giao dịch do công chứng viên của tổ chức mình thực hiện công chứng để đưa vào cơ sở dữ liệu công chứng quy định tại Điều 62 của Luật này.
Tham khảo trọn bộ bài giảng các môn học Luật công chứng, chứng thực, luật sư: https://study.phapche.edu.vn/khoa-hoc-tim-hieu-mon-luat-su-cong-chung-chung-thuc?ref=lnpc
Mời bạn xem thêm: