fbpx
ICA - Học viện đào tạo pháp chế doanh nghiệp
Bài giảng môn học Pháp luật cộng đồng Asean chương I

Bài giảng môn học Pháp luật cộng đồng ASEAN chương I tập trung vào việc cung cấp cái nhìn tổng quan về Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), quá trình hình thành và phát triển của Cộng đồng ASEAN, cũng như các đặc trưng pháp luật của cộng đồng này. Nội dung không chỉ giúp sinh viên hiểu rõ vai trò của ASEAN trong khu vực mà còn phân tích cơ sở pháp lý và những quy tắc chung điều chỉnh mối quan hệ giữa các quốc gia thành viên. Đây là tài liệu học tập quan trọng, giúp trang bị kiến thức nền tảng để tiếp cận sâu hơn các nội dung chuyên sâu về pháp luật ASEAN trong các chương tiếp theo.

Bài giảng môn học Pháp luật cộng đồng Asean chương I

Chương 1: Tổng quan về Asean, cộng đồng Asean, và pháp luật cộng đồng Asean

Khái quát về ASEAN:

– Là tổ chức quốc tế liên chính phủ, thành lập năm 1967 với 5 quốc gia sáng lập là Indonexia, Thái Lan, Malaixia, Philippin, Singapo

– Thành viên gia nhập: Brunei (1984), Việt Nam (1995), Lào + Myanma (1997), Campuchia (1999)

– Xét theo trình độ phát triển kinh tế, có thể chia ASEAN thành 2 nhóm:

+ ASEAN 6 (nhóm phát triển): Indonexia, Thái Lan, Malaixia, Philippin, Singapo, Brunei

+ ASEAN 4 (nhóm kém phát triển): Việt Nam, Lào, Campuchia, Myanma

– Ứng cử viên: Đông Timor (mới tách ra từ Indonexia năm 2002), là quan sát viên từ 2006

– Quan sát viên: Papua New Guinea, là quan sát viên từ 1976

– Trụ sở ASEAN đặt tại Jakata – Indonexia

– Ngôn ngữ chính thức: tiếng Anh

– Bài hát: The ASEAN way

– Khẩu hiệu: Một tầm nhìn, một bản sắc, một cộng đồng

– Cờ và biểu tượng ASEAN có 4 màu là màu chủ đạo trên quốc kỳ của 10 nước thành viên, đồng thời thể hiện:

+ xanh da trời: hòa bình và ổn định

+ đỏ: dũng khí và năng động

+ trắng: thuần khiết

+ vàng: thịnh vượng

Vấn đề 1: Nhập môn pháp luật cộng đồng ASEAN#

I. Khái quát về ASEAN

1. Lịch sử hình thành và phát triển

a) Tiền đề hình thành

– ASEAN thành lập ngày 08/08/1967 tại Băng Cốc (Thái Lan) dựa trên 03 tiền đề:

+ tiền đề chính trị

+ tiền đề kinh tế

+ tiền đề văn hóa xã hội

(1) Tiền đề chính trị

– Tình hình chính trị thế giới:

+ chiến tranh lạnh: đối đầu TBCN – XHCN

+ sự phát triển của trào lưu chủ nghĩa khu vực: cộng đồng châu Âu (EEC) 1957, tổ chức thống nhất châu Phi (OAU) 1963, SAARC 1985, NAFTA 1992, …

– Đông Nam Á là khu vực có vị trí rất quan trọng ==> các cường quốc tranh giành ảnh hưởng

– Tình hình chính trị khu vực:

+ sự tranh giành ảnh hưởng của các cường quốc tại Đông Nam Á ==> các quốc gia chia làm 2 nhóm đối lập:

  • Nhóm thân phương Tây: Thái Lan, Indo, Malai, Sing, Phi
  • Nhóm XHCN: Việt Nam, Lào, Campuchia

+ sau đó, các quốc gia phương Tây trao trả độc lập cho các quốc gia Đông Nam Á (trừ Thái Lan, tất cả các quốc gia Đông Nam Á đều là thuộc địa) ==> các quốc gia phương Tây giảm ảnh hưởng đến Đông Nam Á. Trong khi đó các nước XHCN lại gia tăng ảnh hưởng tại Đông Nam Á (cụ thể là Liên Xô, Trung Quốc)

+ sự sa lầy của Hoa Kỳ tại chiến tranh Việt Nam, các quốc gia ĐNÁ khác có nguy cơ bị kéo vào cuộc chiến này

– Tình hình chính trị trong mỗi nước: rất phức tạp trong nội bộ mỗi nước, thể hiện qua nhiều phong trào phát triển:

+ phong trào ly khai đòi độc lập

+ phong trào tôn giáo cực đoan

+ phong trào dân chủ tư sản tiến bộ

+ phong trào đấu tranh vũ trang của đảng Cộng sản

– Một số tổ chức tiền thân của ASEAN hoạt động không hiệu quả: ASA, MAPHILINDO ==> nhu cầu cần có liên kết khu vực mới hiệu quả hơn

(2) Tiền đề kinh tế

– Trên thế giới xuất hiện xu hướng hợp tác kinh tế khu vực, như khu vực thị trường chung Trung Mỹ (CACM), khu vực mậu dịch tự do Bắc Mỹ (NAFTA), … ==> các quốc gia ĐNÁ cũng mong muốn xây dựng tổ chức hợp tác kinh tế chung cho cả khu vực

– Nền kinh tế Đông Á bắt đầu phục hồi, nguồn vốn đổ về Đông Á, trong đó có các quốc gia ĐNÁ

– Cả 5 quốc gia sáng lập ASEAN đều đang gặp vấn đề khó khăn chung về kinh tế như cơ cấu kinh tế lạc hậu, chủ yếu xuất khẩu nguyên liệu thô ==> để phát triển cần hợp tác khu vực

(3) Tiền đề văn hóa xã hội

– Các quốc gia ASEAN có sự tương đồng về đời sống văn hóa – xã hội: dân xư được tổ chức dựa trên cộng đồng làng xã, đều có nền văn minh lúa nước

– Trừ Thái Lan, tất cả các quốc gia ASEAN đều là thuộc địa của phương Tây ==> nhu cầu độc lập dân tộc ==> cần hợp tác để đảm bảo an ninh chung

b) Điều kiện gia nhập ASEAN

– Được quy định tại khoản 2 Điều 6 Hiến chương ASEAN 2007, có 4 điều kiện:

+ nằm trong khu vực Đông Nam Á

+ phải được tất cả các quốc gia thành viên công nhận (thể hiện tính đồng thuận của ASEAN)

+ chấp nhận sự ràng buộc và tuân thủ Hiến chương ASEAN

+ có khả năng và sẵn sàng thực hiện nghĩa vụ thành viên

– So sánh với điều kiện gia nhập các tổ chức quốc tế khác như EU, … thì điều kiện gia nhập ASEAN dễ dàng hơn, ví dụ với EU thì yêu cầu quốc gia muốn gia nhập phải đảm bảo tiêu chuẩn về dân chủ, về nhân quyền theo tiêu chuẩn của EU, phải có nền kinh tế thị trường, …

Tuy nhiên điều kiện gia nhập ASEAN cũng có chỗ khó riêng như phải nằm trong khu vực ĐNÁ, phải được tất cả các quốc gia thành viên công nhận (như trường hợp Đông Timor vẫn chưa được tất cả 10 thành viên ASEAN công nhận)

c) Các lần mở rộng ASEAN

– Đến nay, ASEAN đã trải qua 4 lần mở rộng:

+ kết nạp Brunei 1984: không làm thay đổi tính chất, quy mô cơ bản của khối

+ kết nạp Việt Nam 1995: là lần mở rộng quan trọng nhất, vì đã làm thay đổi tính chất và quy mô cơ bản của khối (lần đầu tiên kết nạp 1 nước thuộc phe XHCN), thể hiện tính đa dạng của khối, đồng thời thể hiện tinh thần hòa hợp, sẵn sàng chấp nhận sự khác biệt riêng của mỗi thành viên trong khối

+ kết nạp Lào, Myanma 1997: lần mở rộng tất yếu sau việc kết nạp Việt Nam

+ kết nạp Campuchia 1999: hoàn chỉnh khối ASEAN

d) Các giai đoạn phát triển của ASEAN

– Giai đoạn 1967-1976: hình thành và định hướng phát triển

+ bước đầu hình thành cơ cấu tổ chức, thậm chí còn chưa có cả Ban thư ký hoạt động thường trực, chỉ hoạt động thông qua các kỳ họp chung

+ tổ chức của ASEAN gồm 3 thiết chế:

  • Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN
  • Ban thường trực quốc gia
  • Ban thư ký quốc gia

+ hình thành khung pháp lý đầu tiên:

  • tuyên bố Băng Cốc 1967: tuyên bố thành lập ASEAN, nêu mục tiêu, tôn chỉ hành động của ASEAN
  • tuyên bố ZOPFAN 1971: tuyên bố xây dựng ASEAN thành khu vực hòa bình, tự do, trung lập

+ tiến hành một số hoạt động chính trị đơn lẻ:

  • tăng cường hiểu biết lẫn nhau
  • giải quyết mâu thuẫn giữa các thành viên

+ thực hiện 1 số hoạt động ngoại giao, kinh tế: cụ thể có các hành động như cùng nhau công nhận quan hệ ngoại giao với Việt Nam (Bắc Việt), cùng thỏa thuận thống nhất ý kiến khi biểu quyết tại Liên hợp quốc, cùng lên tiếng phản đối cao su tổng hợp của Nhật Bản cạnh tranh với cao su thiên nhiên vốn là sản phẩm xuất khẩu chủ lực của các quốc gia thành viên, …

==> trong giai đoạn đầu, ASEAN được đánh giá là “một liên minh chính trị lỏng lẻo”, hoạt động chủ yếu dừng lại ở mức độ tạo ra nền tảng hợp tác lâu dài

– Giai đoạn 1976-1992: củng cố cơ cấu tổ chức, hợp tác toàn diện nội khối, bước đầu phát triển hợp tác ngoại khối:

+ nâng cấp cơ cấu tổ chức: thành lập cơ quan thường trực đầu tiên là Ban Thư ký ASEAN, hình thành cơ chế Hội nghị liên bộ trưởng

+ xác lập các nguyên tắc tổ chức, hoạt động và hợp tác của ASEAN

+ thông quan các văn kiện pháp lý quan trọng:

  • Hiệp ước Bali 1976: hiệp ước thân thiện và hợp tác ĐNÁ
  • Tuyên bố ASEAN 1976 về sự hòa hợp của ASEAN
  • Hiệp định thành lập Ban Thư ký ASEAN 1976
  • Tuyên bố Manila 1987
  • Hiệp ước khuyến khích và bảo hộ dầu tư 1987
  • Nghị định thư về mở rộng danh mục thuế ưu đãi ASEAN 1987

+ kết nạp Brunei (1984)

+ tăng cường hợp tác nội khối trong lĩnh vực kinh tế:

  • Triển khai 3 kế hoạch kinh tế lớn: AIP 1976 (dự án công nghiệp ASEAN), AIC 1981 (kế hoạch bổ sung công nghiệp), AIJV 1983 (các liên doanh công nghiệp ASEAN)
  • Ký Thỏa thuận thương mại ưu đãi PTA cho cả khối
  • Chủ trương thiết lập khu vực thương mại tự do AFTA

+ bước đầu hợp tác ngoại khối: thiết lập đối thoại đầy đủ với Mỹ, Nhật, Canada, EEC, các tổ chức của LHQ

– Giai đoạn 1992-2003: trở thành ASEAN 10, hợp tác toàn diện, trọng tâm là kinh tế

+ hoàn thiện cơ cấu tổ chức và hợp tác toàn diện trên mọi lĩnh vực

+ thông qua các văn kiện quan trọng:

  • Hiệp định khung về tăng cường hợp tác kinh tế ASEAN năm 1992
  • Hiệp định về chương trình ưu đãi thuế quan có hiệu lực chung (CEPT) 1992
  • Tuyên bố về biển Đông 1992
  • HIệp định khung về hợp tác công nghiệp
  • Tầm nhìn 2020 của ASEAN năm 1997
  • Tuyên bố và chương trình hành động Hà Nội 1998
  • Tuyên bố về ứng xử của các bên trên biển Đông 2002

+ đẩy mạnh hợp tác kinh tế: xây dựng khu vực thương mại tự do AFTA

+ đẩy mạnh hợp tác ngoại khối:

  • Thành lập diễn đàn khu vực ASEAN – ARF 1994 (là cơ chế đối thoại về chính trị an ninh khu vực châu Á – Thái Bình Dương)
  • Tổ chức Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS) lần thứ nhất năm 2005, với sự tham gia của ASEAN, Trung Quốc, Nhật, Hàn Quốc, Ấn Độ, Úc, New Zealand

+ kết nạp 4 thành viên mới: VN (1995), Lào + Myanma (1997), Campuchia (1999)

– Giai đoạn 2003-nay: thành lập và xây dựng Cộng đồng ASEAN

+ cơ cấu lại tổ chức để phù hợp với mục tiêu xây dựng AC

+ thông qua các văn kiện quan trọng:

  • Tuyên bố về sự hòa hợp ASEAN (Tuyên bố Bali 2), tái khẳng định những mục tiêu và nguyên tắc cơ bản của hiệp hội
  • Thông qua Hiến chương ASEAN 2007, chính thức trao tư cách pháp nhân cho ASEAN, tạo nền tảng và thể chế để ASEAN xây dựng Cộng đồng ASEAN, phấn đấu xây dựng Cộng đồng ASEAN vào năm 2015 (sớm 5 năm so với Tầm nhìn 2020)
  • Thông qua Lộ trình xây dựng Cộng đồng ASEAN năm 2009, gồm các kế hoạch tổng thể xây dựng các trụ cột cộng đồng chính trị – an ninh, cộng đồng kinh tế, cộng đồng văn hóa – xã hội

+ tăng cường hợp tác nội khối, ngoại khối

2. Mục đích và nguyên tắc hoạt động của ASEAN

– Mục đích: Điều 1 Hiến chương ASEAN 2007, trên 3 phương diện:

+ về an ninh – chính trị: đảm bảo hòa bình và an ninh khu vực, tăng cường đối thoại và hợp tác quốc tế

+ về kinh tế: xây dựng thị trường thống nhất và cơ sở sản xuất chung (tức là hàng hóa, vốn, lao động được lưu chuyển tự do trong ASEAN)

+ về văn hóa – xã hội:

– Nguyên tắc hoạt động (Điều 2 Hiến chương ASEAN 2007): có thể chia làm 3 nhóm

+ nhóm các nguyên tắc cơ bản của luật quốc tế: tuân theo luật quốc tế, cụ thể gồm 7 nguyên tắc:

  • Nguyên tắc bình đẳng về chủ quyền giữa các quốc gia
  • Nguyên tắc cấm dùng vũ lực và đe dọa dùng vũ lực trong quan hệ quốc tế
  • Nguyên tắc hòa bình trong giải quyết tranh chấp quốc tế
  • Nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ của quốc gia khác: ASEAN đặc biệt nhấn mạnh nguyên tắc này. Nguyên nhân là trừ Thái Lan thì tất cả các quốc gia ĐNÁ đều là thuộc địa ==> vấn đề chủ quyền dân tộc rất nhạy cảm. Ngoài ra chủ trương của ASEAN là thống nhất trong đa dạng ==> tôn trọng quyết định riêng của từng quốc gia
  • Nguyên tắc tận tâm, thiện chí thực hiện các cam kết quốc tế (pacta sunt servanda)
  • Nguyên tắc tôn trọng quyền dân tộc tự quyết
  • Nguyên tắc các quốc gia có nghĩa vụ hợp tác với nhau

+ nhóm nguyên tắc đặc thù của ASEAN (8 nguyên tắc):

  • Cam kết và chia sẻ trách nhiệm tập thể
  • Tăng cường tham vấn
  • Pháp quyền, dân chủ
  • Tôn trọng quyền tự do, nhân quyền, công bằng xã hội
  • Đề cao Hiến chương Liên Hợp Quốc và luật pháp quốc tế
  • Tôn trọng sự khác biệt dựa trên các giá trị chung
  • Giữ vững vai trò trung tâm của ASEAN
  • Nguyên tắc thương mại đa biên

+ nhóm nguyên tắc điều phối hoạt động của ASEAN: gồm 2 nguyên tắc:

  • Nguyên tắc tham vấn và đồng thuận (Điều 20 Hiến chương)
  • Tham vấn: là quá trình trao đổi, tham khảo ý kiến giữa các thành viên để đạt được đồng thuận
  • Đồng thuận: mọi vấn đề chỉ được thông qua khi được tất cả các thành viên nhất trí

Ưu điểm là đảm bảo sự bình đẳng giữa các quốc gia, thể hiện tính thống nhất của ASEAN. Nhược điểm là việc ra quyết định bị kéo dài thời gian (do phải thuyết phục từng quốc gia), và nếu chỉ 1 thành viên không đồng ý thì dù tất cả các thành viên còn lại cùng đồng thuận cũng không thể thông qua.

Khắc phục nhược điểm của nguyên tắc đồng thuận, ASEAN có 2 biện pháp: “Trường hợp không đạt được sự đồng thuận thì Cấp cao ASEAN có thể xem xét việc đưa ra quyết định cụ thể”, hoặc “áp dụng công thức ASEAN – X” (khi có sự đồng thuận) trong lĩnh vực kinh tế

  • Nguyên tắc bình đẳng (Điều 5): Các Quốc gia thành viên có quyền và nghĩa vụ bình đẳng theo Hiến chương này.

3. Cơ cấu tổ chức của ASEAN

– Cơ cấu tổ chức: Theo Hiến chương 2007

+ Hội nghị cấp cao ASEAN (hay Hội nghị thượng đỉnh ASEAN) (Điều 7 Hiến chương):

  • là cơ quan có thẩm quyền cao nhất của ASEAN, gồm nguyên thủ quốc gia, người đứng đầu chính phủ các quốc gia ASEAN
  • họp định kỳ 2 lần / năm và do thành viên giữ chức Chủ tịch ASEAN chủ trì và tổ chức, có thể họp bất thường trong những trường hợp cần thiết
  • chức năng chính là hoạch định chính sách của ASEAN

+ Hội đồng điều phối (Điều 8 Hiến chương):

  • Là cơ quan trung gian giữa Cấp cao ASEAN và các Hội đồng ASEAN, gồm ngoại trưởng các quốc gia ASEAN
  • Họp ít nhất 2 lần / năm

+ Các Hội đồng cộng đồng (Điều 9 Hiến chương):

  • Là cơ quan có trách nhiệm đảm bảo thực hiện các quyết định của ASEAN, điều phối các hoạt động của cộng đồng và báo cáo lên Hội nghị cấp cao ASEAN
  • Họp ít nhất 2 lần / năm và do bộ trưởng có liên quan của quốc gia giữ chức Chủ tịch ASEAN chủ trì và tổ chức

+ Các Cơ quan chuyên ngành cấp bộ trưởng (Điều 10 Hiến chương):

  • Là cơ quan trực thuộc Hội đồng cộng đồng, có chức năng thực hiện các thỏa thuận và quyết định của Hội nghị cấp cao ASEAN trong lĩnh vực của mình

+ Tổng thư ký ASEAN (Điều 11 Hiến chương):

  • Do Hội nghị cấp cao ASEAN bổ nhiệm với nhiệm kỳ 5 năm và không được tái bổ nhiệm
  • Được chọn trong số các công dân của các quốc gia thành viên ASEAN luân phiên theo thứ tự tên nước
  • Là quan chức hành chính cấp cao nhất của ASEAN
  • Tổng thư ký được hỗ trợ bởi 4 phó tổng thư ký với hàm thứ trưởng, 4 phó tổng thư ký không cùng quốc tịch với Tổng thư ký và đến từ 4 quốc gia thành viên khác nhau.

– Ưu điểm trong cơ cấu tổ chức của ASEAN:

+ quy định cụ thể trong cùng 1 văn bản, lại là văn bản có tính pháp lý cao nhất ASEAN (Hiến chương) ==> đảm bảo tính thống nhất của bộ máy tổ chức

+ bám sát mục tiêu hợp tác trong 3 lĩnh vực (thể hiện trong 3 Hội đồng cộng đồng) ==> tăng cường hiệu quả trong hợp tác

+ tăng cường tính thường xuyên, liên tục của các cơ quan ==> ứng phó kịp thời với tình hình mới

+ tổ chức theo mô hình “hình chóp quyền lực” ==> đảm bảo tính tập trung, chuyên sâu, chuyên trách

– Nhược điểm trong cơ cấu tổ chức của ASEAN:

+ tuyệt đại đa số các cơ quan là các Hội nghị, thiếu các cơ quan có tính thường trực ==> hoạt động theo kỳ họp ==> thiếu tính thường xuyên, liên tục, khó phản ứng kịp với tình hình thực tế

+ đa số các cơ quan của ASEAN là cơ quan hoạch định, thiếu các cơ quan thi hành chính sách

+ mức độ chuyên môn hóa của các cơ quan chưa cao

+ mối quan hệ giữa các cơ quan không rõ ràng và thiếu chặt chẽ

+ không có cơ quan đại diện cho tiếng nói của người dân ASEAN (như trong Liên minh châu Âu)

Bài giảng môn học Pháp luật cộng đồng Asean chương I
Bài giảng môn học Pháp luật cộng đồng Asean chương I

II. Khái niệm cộng đồng ASEAN

1. Khái niệm

a) Khái niệm cộng đồng ASEAN

– Cộng đồng ASEAN (AC) là liên kết của các quốc gia ASEAN trên cơ sở thống nhất thiết chế và thể chế pháp lý, bao gồm 3 trụ cột: cộng đồng chính trị – an ninh (APSC), cộng đồng kinh tế (AEC), cộng đồng văn hóa – xã hội (ASCC), nhằm xây dựng ASEAN trở thành tổ chức quốc tế năng động, thịnh vượng, vững mạnh và bản sắc chung.

b) Đặc điểm

– AC không thể thay thế ASEAN, mà AC là liên kết của ASEAN ở mức độ cao hơn và sâu rộng hơn

– AC được xây dựng trên nền tảng thể chế pháp lý có tính ràng buộc cao đối với các quốc gia thành viên

– Hình thành trên cơ sở 3 trụ cột: APSC, AEC, ASCC

– Là liên kết thống nhất trong đa dạng: ASEAN không hướng đến mục tiêu nhất thể hóa kiểu “siêu quốc gia’ như Liên minh châu Âu, mà cơ chế hợp tác là nguyên tắc tham vấn và đồng thuận

– Là 1 liên kết khu vực mở: được hiểu dưới 2 góc độ:

+ Thông qua quá trình mở rộng ASEAN, và ASEAN luôn hướng tới việc hợp tác với các quốc gia khác, với cả tổ chức quốc tế bên ngoài

+ ASEAN mở cửa cho các quốc gia, tổ chức bên ngoài tham gia vào các vấn đề khu vực, như ASEAN +1, ASEAN + 3, Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF), …

2. Mô hình liên kết của AC

– AC được thành lập dựa trên 3 trụ cột là APSC, AEC, ASCC

Câu hỏi: Phân tích mối liên hệ giữa các trụ cột trong cộng đồng ASEAN

Trả lời: 3 trụ cột có mối quan hệ chặt chẽ với nhau:

+ Cộng đồng chính trị an ninh có mục tiêu tạo môi trường chính trị, an ninh hòa bình, ổn định trong khu vực ĐNÁ ==> tạo điều kiện để phát triển kinh tế và văn hóa xã hội, tức là hỗ trợ cho Cộng đồng kinh tế và Cộng đồng văn hóa xã hội

Ngoài ra APSC còn thúc đẩy tăng cường lòng tin và hiểu biết lẫn nhau giữa các quốc gia thành viên ==> thúc đẩy hợp tác phát triển kinh tế, giao lưu văn hóa và giải quyết các vấn đề xã hội

+ Cộng đồng kinh tế hướng đến mục tiêu hình thành thị trường chung và cơ sở sản xuất thống nhất toàn khu vực ==> sẽ làm cho sự gắn kết, hợp tác giữa các quốc gia chặt chẽ hơn, qua đó thúc đẩy các quốc gia phải “chung sống hòa bình” với nhau ==> tức là hỗ trợ cho xây dựng Cộng đồng chính trị an ninh.

Với ASCC thì nhu cầu phát triển kinh tế cũng sẽ là điều kiện để phát triển văn hóa xã hội.

Thông qua hợp tác kinh tế sẽ tạo ra sự ràng buộc giữa các quốc gia thành viên ==> nếu phát sinh mâu thuẫn giữa các quốc gia thì sẽ được giải quyết 1 cách hòa bình

+ Cộng đồng văn hóa xã hội hướng đến cộng đồng thân thiện, bình đẳng, công bằng xã hội và đùm bọc lẫn nhau, ứng xử theo những chuẩn mực đạo đức chung, thu hẹp khoảng cách giữa các quốc gia thành viên ==> đây sẽ là tiền đề để thúc đẩy hòa bình, ổn định ở từng quốc gia và toàn khu vực, đảm bảo xây dựng lòng tin và tăng cường hợp tác kinh tế.

3. Pháp luật cộng đồng ASEAN

a) Định nghĩa

– Pháp luật cộng đồng ASEAN là tổng thể các nguyên tắc và quy phạp PL do ASEAN xây dựng và ban hành nhằm điều chỉnh các quan hệ của Cộng đồng ASEAN, phát sinh trên mọi lĩnh vực kinh tế, chính trị – an ninh, và văn hóa – xã hội.

b) Đặc điểm

– Về quan hệ PL: pháp luật cộng đồng ASEAN

+ điều chỉnh quan hệ giữa các nước ASEAN với nhau

+ điều chỉnh quan hệ giữa ASEAN với các đối tác bên ngoài (khi đó ASEAN là 1 chủ thể quả quah hệ PL quốc tế với tư cách là tổ chức quốc tế liên chính phủ)

==> luật cộng đồng chính trị – an ninh; luật cộng đồng kinh tế, luật cộng đồng văn hóa xã hội

Chú ý: PL cộng đồng ASEAN không điều chỉnh quan hệ giữa từng quốc gia thành viên ASEAN với các đối tác bên ngoài. (đó là phạm vi điều chỉnh của PL từng quốc gia)

– Về xây dựng PL:

+ PL cộng đồng ASEAN do các quốc gia ASEAN thỏa thuận ký kết

+ cơ chế ban hành, ra quyết định (Điều 20): theo nguyên tắc tham vấn và đồng thuận

– Về thực thi PL: PL cộng đồng ASEAN được thực thi trên 2 cấp độ:

+ cấp độ các quốc gia ASEAN: thực thi theo

  • cơ chế chung: các quốc gia thành viên ASEAN sẽ cùng nhau thực hiện những thỏa thuận của ASEAN
  • cơ chế riêng theo từng lĩnh vực: từng quốc gia sẽ nội luật hóa những cam kết của ASEAN

+ cấp độ các thiết chế cộng đồng: thực thi theo chức năng, nhiệm vụ của từng thiết chế

  • Hội nghị cấp cao: thực thi những biện pháp thích hợp để xử lý các tình huống khẩn cấp tác động tới ASEAN
  • Hội đồng điều phối: thực thi các hoạt động được nêu trong Hiến chương, hoặc những hoạt động do Hội nghị cấp cao chỉ thị
  • Các hội đồng cộng đồng: đảm bảo triển khai các quyết định của Hội nghị cấp cao
  • Các cơ quan chuyên ngành cấp bộ trưởng: thực hiện các thỏa thuận và quyết định của Hội nghị cấp cao trong lĩnh vực của mình
  • Ủy ban thường trực ASEAN: thực hiện các nhiệm vụ do Hội đồng điều phối quyết định

– Đặc điểm về giám sát thực thi PL và giải quyết tranh chấp:

+ giám sát thực thi: được quy định cho tất cả các thiết chế, tuy nhiên không quy định tập trung, thống nhất trong 1 văn bản PL mà quy định rải rác trong các văn bản pháp lý của AC ==> làm giảm tính hiệu quả của hoạt động giám sát thực thi PL trong ASEAN (khác với EU mà ở đó chức năng giám sát thực thi PL được giao cho Ủy ban châu Âu với thủ tục giám sát rất cụ thể và chặt chẽ)

+ giải quyết tranh chấp: tuy đã xây dựng được hệ thống PL về giải quyết tranh chấp tương đối hoàn chỉnh, nhưng rất ít khi được áp dụng

c) Nguồn luật

– Nguồn cơ bản:

+ điều ước quốc tế ký kết trong khuôn khổ ASEAN (điều chỉnh quan hệ nội khối)

+ điều ước quốc tế ASEAN ký kết với đối tác bên ngoài (điều chỉnh quan hệ ngoại khối)

+ tập quán quốc tế (không phổ biến)

– Nguồn bổ trợ:

+ các văn bản có tính chất khuyến nghị do các thiết chế của ASEAN ban hành

+ các loại nguồn bổ trợ khác của luật quốc tế (không phổ biến)

Câu hỏi: Các câu khẳng định sau đây là Đúng/Sai

(1) Các yếu tố cơ bản và chủ yếu dẫn tới sự ra đời của ASEAN ngày 08/08/1967 bao gồm: yếu tố chính trị, kinh tế, và văn hóa XH

(2) Đặc điểm của ASEAN là 1 tổ chức siêu quốc gia có quyền lực bao trùm lên chủ quyền của các nước thành viên

(3) Hiện nay ASEAN có 11 quốc gia thành viên, gồm Thái Lan, Singapo, Malai, Đông Timor, Indo, Philippin, Brunei, VN, Lào, Campuchia, Mianma

(4) Theo tuyên bố Băng Cốc 1967, để trở thành thành viên của ASEAN, các ứng cử viên phải đáp ứng các tiêu chí sau:

+ có vị trí nằm trong khu vực địa lý Đông Nam Á

+ được tất cả các quốc gia thành viên ASEAN công nhận

+ chấp nhận sự ràng buộc và tuân thủ Hiến chương ASEAN

+ có khả năng và sẵn sàng thực hiện các nghĩa vụ thành viên

(5) Hội đồng điều phối ASEAN là cơ quan hoạch định chính sách tối cao của ASEAN, có chức năng điều phối việc thực hiện những thỏa thuận và quyết định của cấp cao ASEAN

(6) Ban thư ký ASEAN được thành lập năm 1967 theo quy định của Hiệp định về Ban thư ký ASEAN

(7) Chủ tịch là 1 cá nhân mang quốc tịch của 1 trong những nước thành viên ASEAN, có chức năng đại diện cho ASEAN trong việc tăng cường và thúc đẩy các mối quan hệ chặt chẽ hơn với các đối tác bên ngoài

(8) Cộng đồng ASEAN không phải là tổ chức quốc tế liên chính phủ mới được thành lập để thay thế ASEAN mà chỉ là liên kết của ASEAN ở cấp độ cao hơn và sâu rộng hơn

(9) Pháp luật Cộng đồng ASEAN chỉ điều chỉnh những quan hệ phát sinh giữa các quốc gia thành viên ASEAN

Trả lời:

(1). Sai. Yếu tố cơ bản và chủ yếu dẫn tới sự ra đời của ASEAN là yếu tố chính trị. Còn các yếu tố về kinh tế và văn hóa xã hội chỉ là các yếu tổ bổ trợ, thúc đẩy sự gắn kết của ASEAN.

Nguyên nhân chính là vào thời điểm này, chủ nghĩa thực dân cũ đã chấm dứt, các quốc gia ĐNÁ vốn là thuộc địa được trao trả độc lập ==> khoảng trống quyền lực do các nước phương Tây rút dần ảnh hưởng. Trong khi đó phe XHCN do Liên Xô và Trung Quốc dẫn đầu lại gia tăng ảnh hưởng tại ĐNÁ, nhất là với 3 nước Đông Dương. Do đó để có thể đảm bảo an ninh chính trị, các quốc gia ĐNÁ cần liên kết lại với nhau tạo nên sức mạnh chung để tự đảm bảo an ninh chính trị cho mình.

(2) Sai. ASEAN là 1 tổ chức quốc tế liên chính phủ, không phải 1 tổ chức siêu quốc gia (như EU). Tổ chức siêu quốc gia có quyền lực bao trùm lên chủ quyền của các nước thành viên, tức là các quốc gia thành viên sẽ chuyển giao phần lớn chủ quyền của mình cho tổ chức siêu quốc gia đó. Như với EU có hẳn hệ thống các cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp, có hiệu lực PL với không chỉ các quốc gia thành viên EU mà với cả cá nhân công dân EU và các pháp nhân EU. ASEAN mới chỉ có các tổ chức hợp tác trong khối như Liên minh Nghị viện ASEAN (AIPA), chủ quyền các quốc gia thành viên vẫn được giữ nguyên.

(3) Sai. Hiện nay ASEAN mới có 10 thành viên chính thức. Đông Timor vẫn chưa là thành viên chính thức. Lý do là Đông Timor chưa được tất cả các quốc gia thành viên ASEAN công nhận, đó là Việt Nam, Singapo, Malaixia. Lý do chưa được 3 quốc gia trên công nhận là 3 quốc gia này cho rằng nền kinh tế Đông Timor quá kém, sẽ ảnh hưởng đến quá trình hội nhập của ASEAN với quốc tế. Ngoài ra 3 nước này còn lo ngại Đông Timor không đủ nguồn lực để tham gia vào Cộng đồng ASEAN. (ví dụ như số lượng quan chức Đông Timor thông thạo tiếng Anh rất hạn chế, trong khi ngôn ngữ chính thức của ASEAN là tiếng Anh)

(4) Sai. Vì trong Tuyên bố Băng Cốc 1967 thì điều kiện để gia nhập ASEAN không được nêu cụ thể theo 4 tiêu chí trên, mà chỉ nêu “Chúng tôi sẽ chào đón các quốc gia trong khu vực ĐNÁ tuân thủ quy định của ASEAN gia nhập tổ chức này”. Chỉ đến khi Hiến chương ASEAN được ký kết vào năm 2007 thì các điều kiện gia nhập ASEAN mới được cụ thể hóa thành 4 điều trên tại Khoản 2 Điều 6 Hiến chương.

(5) Sai. Vì chức năng này thuộc về Hội nghị cấp cao ASEAN theo Điều 7 Hiến chương ASEAN.

(6) Sai. Vì ban thư ký ASEAN tới năm 1976 mới được thành lập, năm 1967 chưa có ban thư ký ASEAN mà mới chỉ có Ban thư ký quốc gia thành lập vào năm 1967.

Ban thư ký ASEAN là cơ quan hành chính cấp cao nhất của ASEAN, giải quyết các công việc hàng ngày của ASEAN, tổ chức các cuộc họp ASEAN. Còn Ban thư ký Quốc gia thường nằm trong cơ quan ngoại giao của mỗi quốc gia, là đầu mối liên hệ của mỗi quốc gia thành viên với ASEAN.

(7) Sai. Chủ tịch ASEAN là 1 quốc gia thành viên ASEAN, không phải là cá nhân.

(8) Đúng.

(9) Sai. Vì pháp luật cộng đồng ASEAN không chỉ điều chỉnh những quan hệ phát sinh giữa các thành viên ASEAN mà còn điều chỉnh mối quan hệ giữa ASEAN với các chủ thể luật quốc tế khác. Chú ý: ASEAN không điều chỉnh mối quan hệ giữa từng quốc gia thành viên với các chủ thể luật quốc tế.

Tham khảo trọn bộ bài giảng các môn học Pháp luật cộng đồng Asean: https://study.phapche.edu.vn/khoa-hoc-tim-hieu-mon-phap-luat-cong-dong-asean?ref=lnpc

Mời bạn xem thêm:

Đánh giá bài viết

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài viết liên quan

.
.
.