Bài giảng môn học Luật thương mại quốc tế chương V tập trung vào pháp luật điều chỉnh hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế, một lĩnh vực quan trọng trong giao dịch thương mại toàn cầu. Chương V sẽ giúp sinh viên nắm bắt các nguyên tắc pháp lý cơ bản, bao gồm các quy định về việc hình thành, thực hiện và chấm dứt hợp đồng mua bán hàng hóa giữa các bên đến từ các quốc gia khác nhau. Nội dung bài giảng cũng sẽ trình bày về các điều ước quốc tế như Công ước của Liên hợp quốc về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế (CISG) và vai trò của nó trong việc harmonize các quy tắc hợp đồng toàn cầu.
Bài giảng môn học Luật thương mại quốc tế chương V
Chương 5: Pháp luật điều chỉnh hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế
Thương mại hàng hóa là 1 trong 4 lĩnh vực của WTO, gồm:
- thương mại hàng hóa: gồm mua bán, đại lý, môi giới, … tuy nhiên mua bán hàng hóa quốc tế là lĩnh vực chủ đạo của thương mại quốc tế
- thương mại dịch vụ
- sở hữu trí tuệ
- đầu tư nước ngoài
I. Công ước Viên 1980 về mua bán hàng hóa quốc tế (CISG)
- Giới thiệu về CISG
– Công ước Viên 1980 về Hợp đồng Mua bán Hàng hoá Quốc tế của Liên hợp quốc (CISG):
- CISG là công ước trong khuôn khổ của Liên hợp quốc
- CISG do Ủy ban luật thương mại quốc tế của LHQ soạn thảo và ban hành (UNCITRAL – United Nations Commission on International Trade Law)
- CISG ra đời dựa trên nhu cầu cần có 1 hệ luật chung để điều chỉnh các quan hệ mua bán hàng hóa quốc tế (để tránh xung đột luật)
– Ý nghĩa của CISG:
- thống nhất về Hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế, trong đó quy định các vấn đề về hình thức, về quyền và nghĩa vụ của các bên.
- giúp hạn chế những vấn đề về chọn luật áp dụng trong thương mại quốc tế
- đòi hỏi mỗi quốc gia thành viên WTO phải hài hòa hóa luật thương mại trong nước với CISG ==> tăng sự minh bạch, tính dễ dự đoán trong môi trường kinh doanh ==> CISG vừa có tính chất là luật thống nhất, vừa có tính chất là “luật mẫu” cho các quốc gia thành viên
– Hiện nay CISG có 85 thành viên, VN gia nhập ngày 18/12/2015, có hiệu lực trên lãnh thổ VN từ 01/012017
– Nội dung CISG: quy định về hình thức hợp đồng, quyền và nghĩa vụ các bên trong hợp đồng, trong việc giao – nhận hàng, các nghĩa vụ cơ bản, các quy định về trường hợp bất khả kháng về hợp đồng
– Cấu trúc của CISG gồm 4 phần:
- phạm vi áp dụng
- giao kết hợp đồng
- quyền và nghĩa vụ các bên (tự nghiên cứu)
- bảo lưu (tự nghiên cứu)
- Phạm vi áp dụng của CISG
– Trong thương mại quốc tế có nhiều loại hợp đồng, CISG không điều chỉnh tất cả các loại hợp đồng đó, như Hợp đồng dịch vụ không thuộc phạm vi áp dụng của CISG
– CISG chỉ áp dụng với Hợp đồng mua bán, và CISG cũng chỉ áp dụng đối với Hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế (tức là có yếu tố nước ngoài), CISG không điều chỉnh đối với Hợp đồng mua bán hàng hóa nội địa.
Tuy nhiên CISG cũng không điều chỉnh tất cả các loại hàng hóa quốc tế, mà chỉ điều chỉnh 1 nhóm hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế: đó là nhóm hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế có luật áp dụng là CISG.
Chú ý: “luật áp dụng” là luật quy định về quyền và nghĩa vụ của các bên. Một hợp đồng có thể nhiều nguồn luật được sử dụng, ví dụ: nguồn luật điều chỉnh chỉnh thức hợp đồng, nguồn luật điều chỉnh quyền và nghĩa vụ các bên, nguồn luật điều chỉnh trình tự tố tụng (thủ tục giải quyết tranh chấp), nguồn luật điều chỉnh mối quan hệ liên quan đến năng lực chủ thể.
– CISG trở thành luật áp dụng trong các trường hợp:
- các bên đều có trụ sở thương mại tại các nước thành viên CISG và không viện dẫn Điều 6 CISG (Ðiều 6: Các bên có thể loại bỏ việc áp dụng Công ước này hoặc với điều kiện tuân thủ điều 12, có thể làm trái với bất cứ điều khoản nào của Công ước hay sửa đổi hiệu lực của các điều khoản đó.)
VD: thương nhân VN ký kết HĐ với thương nhân Singapore (cả 2 đều là thành viên của CISG), nếu trong HĐ không nêu thì mặc nhiên CISG sẽ được áp dụng, các bên cũng có thể áp dụng luật khác, nhưng phải tuyên bố ngay trong HĐ.
- có nguyên tắc tư pháp quốc tế dẫn chiếu áp dụng PL nước thành viên không tuyên bố bảo lưu (gọi là “dẫn chiếu tiếp”). VD nước A là thành viên CISG, nước B không là thành viên CISG, thương nhân nước A ký kết hợp đồng với thương nhân nước B, trong đó quy định luật áp dụng là luật nước A, mà trong khi tư pháp quốc tế nước A quy định dẫn chiếu đến CISG thì hợp đồng ký giữa thương nhân nước A và thương nhân nước B sẽ áp dụng CISG. Chú ý: nếu A tuyên bố bảo lưu việc “dẫn chiếu tiếp” thì luật áp dụng sẽ là luật nước A chứ không phải là CISG.
- các bên có trụ sở thương mại tại các nước không là thành viên CISG nhưng thỏa thuận áp dụng CISG
- do cơ quan giải quyết tranh chấp lựa chọn CISG
– Phạm vi không áp dụng trong CISG:
- hiệu lực của hợp đồng
- quyền sở hữu: thời điểm chuyển giao quyền sở hữu giữa các bên (vấn đề này thường do luật trong nước điều chỉnh) và vấn đề phân chia chi phí như thông quan, vận chuyển (sẽ do Incoterms điều chỉnh)
– Dạng hợp đồng mua bán không áp dụng CISG:
- hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế nhằm mục đích tiêu dùng (tức là không sinh lời ==> không phải thương mại) hoặc thi hành văn kiện ủy thác (VD bán đấu giá lô hàng vi phạm do nợ thuế để trả khoản thuế mà họ đang nợ ==> không sinh lời)
- hợp đồng mua bán những hàng hóa đặc biệt: cổ phiếu, cổ phần, chứng khoán, chứng từ lưu thông tiền tệ (đây là các loại hàng hóa đặc biệt nên sẽ do luật riêng trong nước điều chỉnh), tàu thủy, máy bay, vật chạy đệm không khí
- hợp đồng bán đấu giá: vì đây là loại hợp đồng theo trình tự ngược nên sẽ do PL bán đấu giá (trong nước) điều chỉnh
- hợp đồng mua bán điện năng: về bản chất thì điện năng là 1 loại dịch vụ (CISG chỉ điều chỉnh hợp đồng mua bán hàng hóa)
- hợp đồng mặc dù có tên là “mua bán” nhưng bên mua cung cấp phần lớn nguyên vật liệu để sản xuất. VD thương nhân A ký hợp mua bán giày với thương nhân B, nhưng A lại cung cấp hầu như toàn bộ nguyên vật liệu để B sản xuất giày
- hợp đồng mà phần lớn nghĩa vụ của bên bán là cung cấp lao động và dịch vụ: gọi là hợp đồng gia công
– Ngoài ra CISG cũng không điều chỉnh một số vấn đề hậu quả của việc thực hiện hợp đồng như thiệt hại ngoài hợp đồng (thiệt hại do thực hiện hợp đồng gây ra liên quan đến tính mạng, sức khỏe con người)
- Hình thức của hợp đồng
– CISG đề cao tuyệt đối tính tự do thỏa thuận về hình thức của hợp đồng, thể hiện trong Điều 11 và Điều 29:
- Điều 11 CISG: Hợp đồng mua bán không cần phải được ký kết hoặc xác nhận bằng văn bản hay phải tuân thủ một yêu cầu nào khác về hình thức của hợp đồng. Hợp đồng có thể được chứng minh bằng mọi cách, kể cả những lời khai của nhân chứng.
==> tức là hợp đồng có thể được giao kết dưới mọi hình thức
- Điều 29 CISG:
Một hợp đồng có thể được sửa đổi hay chấm dứt bằng thỏa thuận đơn thuần giữa các bên.
Một hợp đồng bằng văn bản chứa đựng một điều khoản quy định rằng mọi sự sửa đổi hoặc chấm dứt hợp đồng phải được các bên làm bằng văn bản thì không thể bị sửa đổi hay chấm dứt theo thỏa thuận giữa các bên dưới một hình thức khác. Tuy nhiên hành vi của mỗi bên có thể không cho phép họ được viện dẫn điều khoản ấy trong chừng mực nếu bên kia căn cứ vào hành vi này.
==> tức là hợp đồng có thể sửa đổi hoặc chấm dứt tùy ý bằng bất cứ hình thức nào theo thỏa thuận các bên, trừ khi trong hợp đồng có điều khoản quy định bắt buộc sửa đổi hoặc chấm dứt phải bằng văn bản.
Trong luật VN (và trong hầu hết các nước theo hệ thống pháp luật Civil Law) thì quan điểm chung là hợp đồng phải bằng văn bản.
– Để tránh xung đột với PL quốc gia (mà quy định hình thức hợp đồng phải bằng văn bản), CISG đưa ra điều khoản bảo lưu theo Điều 96 CISG: Nếu luật của một quốc gia thành viên quy định hợp đồng mua bán phải được ký kết hay xác nhận bằng văn bản thì quốc gia đó có thể bất cứ lúc nào tuyên bố chiếu theo Điều 12, rằng mọi quy định của các Điều 11, 29 hay của phần thứ hai Công ước này cho phép một hình thức khác với hình thức văn bản cho việc ký kết, sửa đổi hay chấm dứt hợp đồng mua bán, hay cho mọi chào hàng, chấp nhận chào hàng hay sự thể hiện ý định nào khác sẽ không áp dụng nếu như chỉ cần một trong các bên có trụ sở thương mại tại quốc gia.
==> quốc gia có quyền bảo lưu Điều 11 và Điều 29 CISG, tức là chỉ cần 1 bên ký kết thuộc quốc gia thành viên đó thì bắt buộc hình thức hợp đồng phải theo quy định của luật quốc gia. (VN và hầu hết các nước theo Cival law đều đã thực hiện việc bảo lưu này)
- Giao kết hợp đồng
– Quy trình: Chào hàng ==> Chấp nhận chào hàng ==> Giao kết hợp đồng
– Trình tự giao kết hợp đồng trong CISG là trình tự giao kết hợp đồng vắng mặt, tức là 2 bên không hề gặp mặt nhau vẫn giao kết hợp đồng ==> phải tuân thủ trình tự hết sức nhiêm ngặt để đảm bảo hợp đồng đã được giao kết.
– Công ước Viên 1980 về Hợp đồng Mua bán Hàng hoá Quốc tế của Liên hợp quốc (CISG), được thông qua năm 1980, đến nay đã gần 40 năm nhưng vẫn chưa 1 lần bổ sung, sửa đổi. Hiện nay CISG vẫn được đánh giá là bộ quy định về hợp đồng rất hiện đại, lô-gic, dễ hiểu và hợp lý, nó phân chia nghĩa vụ của các bên 1 cách hết sức công bằng và khách quan, và đặc biệt CISG sử dụng những từ ngữ, thuật ngữ rất gần gũi với đời sống thương mại quốc tế.
Chính vì vậy mặc dù CISG là 1 văn bản có tính liên chính phủ do 1 tổ chức công là Liên hợp quốc đưa ra, nhưng lại được rất nhiều thương nhân nhận định nó như là 1 tập quán, tức là nó quá gần gũi với đời sống của doanh nghiệp. Lý do là thực chất CISG cũng được xây dựng từ những tập quán.
4.1. Chào hàng
a. Khái niệm chào hàng
– Chào hàng là 1 đề nghị ký kết hợp đồng của 1 người gửi cho 1 hay nhiều người xác định (Điều 14 CISG)
– Điều kiện của chào hàng:
- nêu được nội dung cơ bản của hợp đồng: nêu rõ hàng hóa, ấn định số lượng, giá cả, phương thức giao nhận, … 1 cách trực tiếp hoặc gián tiếp hoặc quy định thể thức xác định những yếu tố này
- người được chào hàng xác định: có địa chỉ rõ ràng
b. Các loại chào hàng
– Căn cứ vào việc có thể hay không thể hủy bỏ, có 2 loại chào hàng:
- Chào hàng không thể hủy bỏ (khoản 2 Điều 16)
chào hàng chỉ rõ thời hạn xác định để gửi chấp nhận, hay bằng cách khác, rằng nó không thể bị thu hồi, hoặc
nếu 1 cách hợp lý người được chào hàng coi chào hàng là không thể thu hồi được và đã hành động theo chiều hướng đó
==> ý nghĩa: trong thời hạn xác định để gửi chấp nhận, người chào hàng phải giữ lời hứa của mình
- Chào hàng có thể bị hủy bỏ: các chào hàng ngoài chào hàng không thể bị hủy bỏ. Hủy bỏ bằng cách gửi Thư hủy chào hàng.
– Căn cứ vào tính chất của chào hàng, có 2 loại:
- chào hàng ban đầu: là chào hàng đầu tiên đưa ra
- hoàn giá chào (Điều 19 CISG): là chào hàng thứ phát, tức là chào hàng thứ 2 sau chào hàng đầu tiên. Là sự phúc đáp của người được chào hàng với mục đích muốn giao kết hợp đồng nhưng đưa ra thay đổi, bổ sung 1 số điều khoản cơ bản của chào hàng
VD: doanh nghiệp A gửi chào hàng bán sản phẩm giày cho doanh nghiệp B với giá là 12$ / đôi. Doanh nghiệp B trả lời rằng cam kết sẽ mua hết chỗ giày của A với điều kiện giá là 10$ / đôi. Khi đó chào hàng ban đầu của A (với giá 12$ / đôi) đã hết giá trị pháp lý, nội dung cơ bản của hợp đồng sẽ là nội dung trong bản Hoàn giá chào của B. Đồng thời vai trò của A và B đảo ngược, B trở thành người chào hàng với bản Hoàn giá chào; còn A trở thành người nhận chào hàng. Và A có quyền từ chối / chấp nhận bản Hoàn giá chào. Nếu A chấp nhận thì coi như hợp đồng đã được ký kết.
c. Giá trị pháp lý của chào hàng
– Thời điểm phát sinh giá trị pháp lý của việc chào hàng: khi người được chào hàng chấp nhận chào hàng.
– Trong thực tế có phát sinh trường hợp phải hủy thư chào hàng. Nguyên nhân hủy thư chào hàng: đã gửi chào hàng, nhưng sau đó lại gặp đối tác khác trả giá cao hơn; hoặc do sự kiện bất khả kháng không thể có hàng để bán như đã cam kết.
– Thư hủy chào hàng phải tới tay người được chào hàng trước hoặc cùng lúc người được chào hàng nhận chào hàng thì Thư chào hàng sẽ hết giá trị pháp lý
Tình huống: A gửi thư chào hàng cho B vào ngày 1/3, trong thư chào hàng nêu thời gian chấp nhận chào hàng là 15/3
B nhận được thư chào hàng của A vào ngày 8/3
Thư hủy chào hàng của A đến tay B vào ngày 10/3
Hỏi thư hủy có hủy được chào hàng không ?
Trả lời: đây là chào hàng không thể hủy bỏ, tức là trong thư chào hàng A đã quy định B có thời hạn để chấp nhận chào hàng ==> thư hủy vô giá trị, A sẽ bắt buộc phải chờ đến hết thời hạn 15/3.
Thư hủy chào hàng của A chỉ có giá trị hủy thư chào hàng nếu thư hủy này đến trước hoặc trong ngày 8/3, tức là ngày B nhận được chào hàng.
Nếu thư hủy đến vào ngày 16/3: thư hủy này cũng không có ý nghĩa vì đến hết ngày 15/3, B không trả lời thư chào hàng thì thư chào hàng đã tự hết hiệu lực (nên việc hủy 1 thư chào hàng đã hết hiệu lực là vô nghĩa)
– Đối với chào hàng không thể hủy bỏ, nếu hết thời hạn được ấn định trong chào hàng về việc gửi chấp nhận chào hàng mà người được chào hàng không gửi chấp nhận chào hàng thì chào hàng tự hết hiệu lực
– Đối với chào hàng có thể hủy bỏ, người chào hàng có thể hủy chào hàng nếu Thư hủy tới tay người được chào hàng trước khi người này gửi chấp nhận chào hàng
Bài tập: Ngày gửi chào hàng: 10h ngày 1/8/2012
Ngày nhận chào hàng: 9h ngày 03/08/2012
Ngày gửi chấp nhận chào hàng: 9h ngày 24/8/2012
Nếu chào hàng quy định: thời hạn gửi chấp nhận chào hàng là trước 10h ngày 25/8/2012
Người bán có thể hủy chào hàng nếu thông báo hủy tới tay người được chào hàng:
Trước 9h ngày 24/08/2012
Trước 9h ngày 03/08/2012
Trước 10h ngày 2082012
Trả lời: Đây là chào hàng không thể hủy bỏ, thư hủy chỉ có thể hủy chào hàng nếu nó đến được tay người nhận chào hàng trước khi người này nhận được thư chào hàng ==> phương án B
4.2. Chấp nhận chào hàng
a. Khái niệm
– Khoản 2 Điều 19 Công ước Viên 1980 (CISG): Chấp nhận chào hàng là sự trả lời của người được chào hàng với mục đích giao kết hợp đồng và có thể chứa đựng những điều khoản bổ sung nhưng không làm thay đổi nội dung cơ bản của chào hàng
– Điều kiện của chấp nhận chào hàng:
- phải đồng ý vô điều kiện với những nội dung cơ bản của chào hàng (hàng hóa, số lượng, giá cả, đồng tiền thanh toán): có thể thay đổi hoặc bổ sung điều khoản nhưng chỉ ở những điều khoản không cơ bản (vì nếu thay đổi điều khoản cơ bản thì sẽ trở thành Hoàn giá chào)
- nếu chào hàng đưa ra thời hạn để chấp nhận chào hàng thì thư chấp nhận chào hàng phải được gửi trong thời hạn chấp nhận đó
- nếu chào hàng không bằng văn bản, tức là chào hàng bằng lời nói (qua điện thoại) thì chấp nhận chào hàng phải được trả lời ngay lập tức
- chấp nhận chào hàng phải được thể hiện dưới dạng mà người chào hàng có thể nhận biết được
Chú ý: thực tế có xảy ra trường hợp bên chào hàng tuy nhận được thư chấp nhận chào hàng nhưng lại cố tình coi là không nhận được (để từ chối giao kết hợp đồng)
Chú ý: im lặng không được coi là đồng ý. Theo CISG thì có trường hợp im lặng là đồng ý, có trường hợp là không đồng ý
b. Giá trị pháp lý
– Chấp nhận chào hàng phát sinh giá trị pháp lý vào thời điểm người chào hàng nhận được thư chấp nhận chào hàng.
4.3. Thời điểm phát sinh giá trị pháp lý của Hợp đồng
– Là thời điểm người chào hàng nhận được chấp nhận chào hàng
– Chấp nhận chào hàng có thể bị hủy nếu Thư hủy chấp nhận chào hàng được gửi tới người chào hàng trước hoặc cùng lúc với thư chấp nhận chào hàng
II. Incoterms 2010
– Bộ 3 nguồn cơ bản thường được áp dụng trong thương mại quốc tế:
- Công ước Viên 1980 về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế (CISG). Tuy nhiên CISG không điều chỉnh đầy đủ các vấn đề của hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế, như :
hiệu lực của hợp đồng
trách nhiệm ngoài hợp đồng
phân chia rủi ro, thời điểm chuyển giao quyền sở hữu
- Incoterms: bổ sung các vấn đề chưa được điều chỉnh trong CISG. Có nhiều bản Incoterms như bản Incoterms của phòng thương mại quốc tế (ICC), bản Incoterms của Hòa Kỳ, bản Incoterms của Anh
- PICC: là bộ các nguyên tắc chung, mang tính tổng thể về hợp đồng thương mại quốc tế chung (trong khi CISG, Incoterms là chuyên về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế), tức là bao gồm hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế, hợp đồng dịch vụ, hợp đồng đại lý, hợp đồng môi giới, … PICC do 1 tổ chức phi chính phủ ở Châu Âu soạn thảo. Tuy nhiên PICC ít được áp dụng so với Incoterms vì nó quá rộng, không chuyên biệt như Incoterms; hơn nữa PICC được soạn thảo bằng tiếng Pháp nên khó phổ biến như tiếng Anh của Incoterms; và trong PICC có nhiều thỏa thuận mang tính lý thuyết, không mang tính thực tiễn. Trong thực tế, PICC mang tính “luật mẫu” để các quốc gia tham khảo và đưa ra luật của mình cho phù hợp với luật quốc tế.
- Giới thiệu chung về Incoterms
– Incoterms (International Comercial Terms – Tập quán (điều kiện) thương mại quốc tế) là văn bản tập hợp các tập quán về mua bán hàng hóa quốc tế. Đây là nguồn luật cơ bản được các bên áp dụng trong giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế.
– Cơ quan soạn thảo và ban hành: Ủy ban luật và tập quán thương mại quốc tế – Phòng thương mại quốc tế (ICC)
ICC là 1 tổ chức phi chính phủ. Ngoài việc soạn thảo và ban hành Incoterms thì ICC còn có nhiều hoạt động khác, nổi bật nhất là với vai trò Trọng tài trong giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế.
– Nội dung của Incoterms:
- các dạng hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế: mỗi dạng là 1 quy tắc giáo nhận hàng hóa quốc tế
- không điều chỉnh tất cả các vấn đề của hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế, mà tập trung chủ yếu vào công đoạn giao – nhận hàng hóa quốc tế: nghĩa vụ, chi phí và rủi ro trong quá trình giao hàng
– Lịch sử:
- bắt đầu soạn thảo: 1921
- bản Incoterms đầu tiên: 1936
- đã sửa đổi bổ sung 6 lần
– Giá trị pháp lý của Incoterms:
- về mặt pháp lý, các bản Incoterms có giá trị ngang nhau, các bên có thể lựa chọn bất kỳ bản Incoterms nào để áp dụng. Tuy nhiên trên thực tế các bên thường chọn bản Incoterms mới nhất. Bản Incoterms mới nhất hiện nay là Incoterms 2010
- Incoterms không phải là luật, nên chỉ phát sinh giá trị pháp lý khi các bên thỏa thuận áp dụng trong hợp đồng, các bên sẽ phải ghi rõ bản Incoterms nào được sử dụng
- thỏa thuận của các bên vẫn có giá trị cao nhất. Tức là mặc dù các bên đã thỏa thuận áp dụng Incoterms, nhưng vẫn có thể thỏa thuận 1 số điều khoản khác với quy định trong Incoterms, thậm chí có thể thỏa thuận trái ngược với Incoterms (tuy nhiên chỉ nên thỏa thuận khác với Incoterms ở những điểm “nhỏ”). VD các bên lựa chọn dạng hợp đồng EXW, trong đó quy định “người bán không có nghĩa vụ bốc xếp hàng hóa lên phương tiện vận tải của người mua”, thì các bên có thể thỏa thuận “người bán bốc xếp hàng hóa lên phương tiện vận tải của người mua”
– Cấu tạo chung của Incoterms: mỗi bản Incoterms đưa ra 1 số điều kiện giao hàng khác nhau. VD: trong Incoterms 2010 có 11 điều kiện giao hàng.
– Cấu tạo từng điều kiện của Incoterms:
- mỗi điều kiện trong Incoterms có thể được coi là 1 dạng hợp đồng. Tuy nhiên vì Incoterms không điều chỉnh tất cả các vấn đề của hợp đồng nên các bên thường áp dụng đồng thời 1 nguồn khác, thường là CISG. Ví dụ trong Incoterms không điều chỉnh vấn đề trường hợp bất khả kháng, nhưng trong CISG lại điều chỉnh.
- mỗi điều chứa 10 nghĩa vụ cơ bản của người bán và 10 nghĩa vụ cơ bản của người mua: liên quan tới thủ tục thông quan, chi phí vận tải, bảo hiểm, và các thủ tục khác
– Các vấn đề cơ bản khi sử dụng Incoterms:
- thời điểm phân chia chi phí và thời điểm phân chia rủi ro trong hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế: tức là quy định từ thời điểm nào bên bán sẽ hết trách nhiệm, từ thời điểm nào người bán thoát khỏi trách nhiệm rủi ro. Tuy nhiên Incoterms lại không quy định thời điểm nào sẽ chuyển giao quyền sở hữu giữa các bên.
- các chi phí cần quan tâm: thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, chi phí thông quan, chi phí vận tải, chi phí bảo hiểm, chi phí phát sinh, … Trong đó quan trọng nhất là chi phí thông quan (thuế và các loại phí) và chi phí vận tải (trong Incoterms là vận tải quốc tế)
- phương tiện vận tải: đường biển, đường bộ, đường hàng không …
- Incoterms không điều chỉnh hợp đồng vận tải và hợp đồng bảo hiểm (Incoterms chỉ đưa ra ai (bên mua hay bên bán) có nghĩa vụ phải thực hiện vận tải hay nghĩa vụ mua bảo hiểm)
- Giới thiệu chung về Incoterms 2010
– Được sửa đổi bổ sung dựa trên Incoterms 2000
– Các thay đổi (so với Incoterms 2000):
- giảm số điều kiện: còn 11 điều kiện (so với 13 của Incoterms 2000)
- tạo thêm điều kiện mới: DAT và DAP
- tính đến các khu vực miễn thủ tục hải quan
- tính đến thương mại điện tử, an ninh hàng hải
- Nội dung Incoterms 2010
Chú ý: mặc dù tìm hiểu Incoterms 2010 nhưng sẽ sử dụng cách sắp xếp các điều kiện trong Incoterms 2000 (vì logic hơn, dễ hiểu hơn), theo đó các điều kiện được sắp xếp theo thứ tự: tăng dần nghĩa vụ của người bán, giảm dần nghĩa vụ của người mua.
Trong Incoterms 2010, 11 điều kiện được chia làm 4 nhóm là Nhóm E, Nhóm F, Nhóm C, và Nhóm D
a. Nhóm E
– Chỉ gồm 1 điều kiện là EXW, trong đó người bán chỉ việc thu tiền, còn lại toàn bộ các việc khác (như xin giấy phép xuất khẩu, thuê phương tiện vận chuyển, thuê tàu, bốc xếp hàng hóa,…) đều do người mua thực hiện
(1) EXW: (Ex Works – Giao tại xưởng) điều kiện dùng cho mọi phương thức vận tải
- người bán có nghĩa vụ đặt hàng hóa dưới sự định đoạt của người mua tại cơ sở của người bán hoặc địa điểm đã chỉ định của người bán
- người bán không xếp hàng lên phương tiện tiếp nhận
- thủ tục thông quan xuất khẩu, nhập khẩu: người mua thực thiện
Trong hợp đồng cần thể hiện rõ: EXW – [Tên địa điểm giao hàng] – Incoterms 2010.
Ví dụ: EXW – Công ty TNHH ABC, 87 Nguyễn Chí Thanh, Hà Nội, Việt Nam – Incoterms 2010
Nhược điểm: tại xưởng hay địa điểm của người bán thường là nơi có sẵn nhân lực, phương tiện bốc xếp của người bán, nhưng lại không được sử dụng để bốc hàng lên phương tiện tiếp nhận (của người mua)
Hai bên có thể thỏa thuận để người bán bốc hàng lên phương tiện tiếp nhận của người mua
==> gọi là điều kiện EXW-Bốc xếp
Nhận xét: người bán chỉ có sản xuất, không có bất kỳ nghĩa vụ nào khác ==> do đó giá bán hàng theo EXW là mức giá thấp nhất
Trong thực tế, EXW rất ít được sử dụng trong thương mại quốc tế, nó thường được dùng trong các hợp đồng trung gian, tức là bên mua đi mua hàng để bán lại cho người khác.
b. Nhóm F
– Gồm 3 điều kiện là FCA, FAS, và FOB. Cả 3 điều kiện này đều có chung từ Free, tức là không có trách nhiệm với chặng vận tải chính (là việc vận chuyển từ cảng bốc hàng đến cảng dỡ hàng); còn khác nhau là trách nhiệm vận chuyển hàng từ cơ sở của người bán lên tàu:
(2) FCA: (Free Carrier – Giao hàng cho người chuyên chở) điều kiện dùng cho mọi phương thức vận tải
- người bán giao hàng cho người chuyên chở hoặc người khác do người mua chỉ định tại cơ sở của người bán hoặc địa điểm chỉ định khác
Giao tại cơ sở của người bán: người bán có trách nhiệm bốc hàng lên phương tiện chuyên chở của người mua
Giao tại địa điểm khác: người bán có trách nhiệm chở hàng đến địa điểm đó, và tình trạng của hàng hóa là sẵn sàng để dỡ ==> trách nhiệm dỡ hàng xuống và bốc hàng lên phương tiện vận tải của người mua thuộc về người mua
- người bán làm thủ tục thông quan xuất khẩu
(3) FAS: (Free alongside – Giao dọc mạn tàu) điều kiện dùng cho vận tải đường biển hoặc đường thủy nội địa
- người bán có nghĩa vụ giao hàng khi hàng hóa được đặt dọc con tàu mà người mua chỉ định tại cảng giao hàng: tức là người mua ký hợp đồng vận tải, trong hợp đồng vận tải sẽ chỉ định con tàu, người bán dùng phương tiện vận tải của mình đưa hàng đến cảng, dỡ hàng khỏi phương tiện vận tải của mình và xếp dọc mạn tàu
- nếu hàng đóng trong container: nên giao theo FCA-bến
- người bán làm thủ tục thông quan xuất khẩu
(4) FOB: (Free on Board – Giao trên tàu) điều kiện dùng cho vận tải đường biển hoặc đường thủy nội địa
- người bán có nghĩa vụ giao hàng lên con tàu mà người mua chỉ định tại cảng giao hàng hoặc mua được hàng hóa đã sẵn sàng để giao như vậy: tương tự như FAS, nhưng khác ở chỗ là người mua sẽ giao hàng lên hẳn tàu (chứ không để dọc lan can tàu như FAS)
- nếu hàng đóng trong container: nên giao theo FCA-bến
- người bán làm thủ tục thông quan xuất khẩu
c. Nhóm C
– Gồm 4 điều kiện là CFR, CIF, CPT, CIP. Trong nhóm điều kiện này, người bán ngoài việc chuyên chở hàng hóa lên tàu, thì còn đảm nhiệm luôn cả việc vận chuyển hàng hóa đến cảng của người mua. Khác với nhóm E và nhóm F khi mà người bán kết thúc trách nhiệm rủi ro cũng là thời điểm kết thúc trách nhiệm chi phí, thì đối với các tập quán của nhóm C, thời điểm phân chia rủi ro không phải là thời điểm kết thúc trách nhiệm chi phí.
(5) CFR: (Cost and Freight – Tiền hàng và cước phí vận tải) điều kiện dùng cho vận tải đường biển hoặc đường thủy nội địa
- người bán có nghĩa vụ giao hàng lên con tàu tại cảng giao hàng hoặc mua được hàng hóa đã sẵn sàng để giao như vậy và phải trả các chi phí cần thiết để đưa hàng hóa tới nơi đến.
- người bán làm thủ tục thông quan xuất khẩu
- người mua làm thủ tục nhập khẩu, nộp thuế và lệ phí nhập khẩu
- chú ý 2 điểm tới hạn:
thời điểm phân chia rủi ro: thời điểm người bán hoàn thành giao hàng lên tàu (giống với FOB)
thời điểm phân chia chi phí: người bán phải trả chi phí cho đến khi hàng đến được cảng của người mua (chi phí dỡ hàng do người mua chịu)
Tức là nếu hàng hóa đang trên đường vận chuyển mà bị chìm, bị cướp thì cũng không phải trách nhiệm của người bán (mà người mua phải chịu)
Bất cập của các tập quán nhóm C: người bán chọn nhà vận tải để vận chuyển hàng hóa, nhưng lại không chịu rủi ro trên đường vận tải. Như vậy nếu địch vụ vận tải không đảm bảo thì người mua sẽ phải chịu hoàn toàn rủi ro.
(6) CIF: (Cost,Insurance and Freight – Tiền hàng, bảo hiểm và cước phí vận tải) điều kiện dùng cho vận tải đường biển hoặc đường thủy nội địa
- người bán có nghĩa vụ giao hàng lên con tàu tại cảng giao hàng hoặc mua được hàng hóa đã sẵn sàng để giao như vậy và phải trả các chi phí cần thiết để đưa hàng tới nơi đến và trả chi phí bảo hiểm ở mức tối thiểu (thường giá trị bảo hiểm bằng 110% giá trị hàng hóa).
- người bán làm thủ tục thông quan xuất khẩu
- người mua làm thủ tục nhập khẩu, nộp thuế và lệ phí nhập khẩu
- chú ý 2 điểm tới hạn:
thời điểm phân chia rủi ro: thời điểm người bán hoàn thành giao hàng lên tàu (giống với FOB)
thời điểm phân chia chi phí: người bán phải trả chi phí cho đến khi hàng đến được cảng của người mua và trả chi phí bảo hiểm (chi phí dỡ hàng do người mua chịu)
(7) CPT: (Carriage paid to – Cước phí trả tới) điều kiện dùng cho mọi phương thức vận tải
- người bán giao hàng cho người chuyên chở hoặc người khác do người bán chỉ định tại nơi thỏa thuận, người bán ký hợp đồng vận tải và thanh toán cho đến khi hàng đến đại điểm người mua
- người bán làm thủ tục thông quan xuất khẩu
- người mua làm thủ tục nhập khẩu, nộp thuế và lệ phí nhập khẩu
Đặc điểm nổi bật của CPT là ở chỗ giống hệt CFR, ngoài ra còn thêm cước phí vận chuyển từ cảng dỡ hàng đến vị trí nhận hàng do người mua chỉ định nằm trong nội địa nước nhập khẩu:
CPT= CFR + f (Cước phí vận chuyển từ cảng dỡ hàng đến vị trí nhận hàng do người mua chỉ định nằm trong nội địa nước nhập khẩu).
- chú ý 2 điểm tới hạn:
thời điểm phân chia rủi ro: thời điểm người bán giao hàng cho người chuyên chở
thời điểm phân chia chi phí: người bán phải trả chi phí cho đến khi hàng đến được địa điểm của người mua (thường nằm sâu trong nội địa của nước nhập khẩu chi phí dỡ hàng do người mua chịu)
Tức là nếu hàng hóa đang trên đường vận chuyển mà bị chìm, bị cướp thì cũng không phải trách nhiệm của người bán (mà người mua phải chịu)
(8) CIP: (Carriage and insurance paid to – Cước phí và bảo hiểm trả tới) điều kiện dùng cho mọi phương thức vận tải
- người bán giao hàng cho người chuyên chở do người bán lựa chọn và người bán trả chi phí cho tới khi hàng tới địa điểm người mua và người bán trả chi phí bảo hiểm ở mức tối thiểu (thường giá trị bảo hiểm bằng 110% giá trị hàng hóa)
- người bán làm thủ tục thông quan xuất khẩu
- người mua làm thủ tục nhập khẩu, nộp thuế và lệ phí nhập khẩu
Chú ý: CIP khác CIF ở chỗ CIP không đòi hỏi vận đơn đường biển ==> CIP không áp dụng cho vận tải đường biển hoặc đường thủy nội địa.
Việc người bán phải mua bảo hiểm thường trong tập quán mà người bán chọn hãng vận tải mà người mua phải chịu rủi ro (trong CIF, CIP)
d. Nhóm D
– Gồm 3 tập quán (điều kiện) là DAT, DAP, và DDP. Đối với nhóm E, F, C thì việc bàn giao hàng hóa diễn ra ở nước xuất khẩu, còn đặc trưng của nhóm D là việc bàn giao hàng hóa diễn ra ở nước nhập khẩu. Tức là người bán có trách nhiệm vận chuyển hàng đến tận địa điểm của người mua.
(9) DAT: (Delireres at terminal – Giao tại bến) điều kiện dùng cho mọi phương thức vận tải
- người bán giao hàng khi hàng hóa đã được dỡ khỏi phương tiện vận tải, được đặt dưới sự định đoạt của người mua tại 1 bến chỉ định tại cảng hoặc nơi đến chỉ định
- bến: bất kỳ địa điểm nào trong bến hay trong cảng, dù có mái che hay không, có thể là cầu tàu, nhà kho, bãi container hay đường bộ, đường sắt hay nhà ga sân bay
- người bán làm thủ tục thông quan xuất khẩu
- người mua làm thông quan nhập khẩu, nộp thuế và lệ phí nhập khẩu
(10) DAP: (Delivered at place – Giao tại nơi đến) (tức là giao hàng tại kho bãi của người mua) điều kiện dùng cho mọi phương thức vận tải
- người bán giao hàng khi hàng hóa được đặt dưới sự định đoạt của người mua trên phương tiện vận tải, sẵn sàng để dỡ tại nơi đến quy định
- người bán làm thủ tục thông quan xuất khẩu
- người mua làm thông quan nhập khẩu, nộp thuế và lệ phí nhập khẩu
Chú ý: với tập quán DAP thì người bán sẽ phải chuyển hàng vào sâu trong nội địa của nước nhập khẩu, trong khi việc làm thủ tục thông quan nhập khẩu lại là của người mua ==> người bán sẽ phải chờ người mua làm thủ tục thông quan nhập khẩu để có thể hoàn thành trách nhiệm. Như vậy nếu người mua vì lý do nào đó làm chậm thủ tục thông quan nhập khẩu thì hàng hóa sẽ phải lưu kho, lưu bãi ==> các chi phí này cần được thỏa thuận rõ trong hợp đồng (thường do người mua chịu)
(11) DDP: (Delivered duty paid – Giao hàng đã thông quan nhập khẩu) điều kiện dùng cho mọi phương thức vận tải
- người bán giao hàng khi hàng hóa đó đã được thông quan nhập khẩu, được đặt dưới sự định đoạt của người mua trên phương tiện vận tải, sẵn sàng để dỡ tại nơi đến quy định
- người bán làm thông quan nhập khẩu: nộp thuế nhập khẩu, thuế VAT, … và các thủ tục khác
Như vậy, tập quán DDP thể hiện nghĩa vụ tối đa của người bán. Ngược hẳn với EXW thể hiện nghĩa vụ tối thiểu của người bán.
Bài tập:
(1) Hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế giữa bên VN và Singapore xảy ra tranh chấp trong khi dỡ hàng tại cảng đến, hàng bị rơi từ cần cẩu xuống nước, xác định rủi ro thuộc về bên mua hay bên bán trong các dạng hợp đồng: FOB, CIF, DAT, DAP ?
Trả lời:
- FOB: thời điểm phân chia rủi ro là khi người bán hoàn thành giao hàng lên tàu ==> rủi ro thuộc về người mua
- CIF: thời điểm phân chia rủi ro là khi người bán hoàn thành giao hàng lên tàu ==> rủi ro thuộc về người mua
- DAT: thời điểm phân chia rủi ro là khi hàng hóa đã được dỡ khỏi phương tiện vận tải và được đặt dưới sự định đoạt của người mua tại bến ==> rủi ro thuộc về người bán (vì hàng hóa chưa được đặt xuống bến)
- DAP: thời điểm phân chia rủi ro là khi hàng hóa đã được vận chuyển đến tận địa chỉ người mua, tức là đã phải qua bến cảng ==> rủi ro thuộc về người bán
(2) Hợp đồng xuất khẩu gạo giữa bên VN và bên Singapore xảy ra tranh chấp, trên đường vận chuyển từ VN sang Singapore gạo bị ngấm nước biển và hư hại. Xác định rủi ro thuộc về bên mua hay bên bán trong các dạng hợp đồng: FOB, CIF, DAT, DAP ?
Trả lời:
- FOB: bên mua
- CIF: bên mua
- DAT: bên bán
- DAP: bên bán
(3) Một hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế giữa bên VN và Singapore xảy ra tranh chấp khi dỡ hàng từ phương tiện chuyên chở ra bến tại cảng đến, người chuyên chở yêu cầu thanh toán các chi phí phát sinh ngoài hợp đồng vận tải. Xác định chi phí thuộc về bên mua hay bên bán trong các dạng hợp đồng FOB, CIF, DAT, DAT ?
Trả lời:
- FOB: người mua
- CIF: người mua
- DAT: người bán
- DAP: người bán
(4) Một hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế giữa A và B theo đó hàng hóa được chuyên chở theo lộ trình A – C – B. Tại cảng C, khi dỡ hàng từ phương tiện cũ sang phương tiện vận tải mới thì hàng bị rơi xuống nước. Xác định rủi ro thuộc về bên nào trong các dạng hợp đồng FOB, FAS, CFR, DDP ?
Trả lời:
- FOB: bên mua
- FAS: bên mua
- CFR: bên mua
- DDP: bên bán
(5) Một hợp đồng mua bán quặng FOB – Cảng X – Incoterms 2010 được giao kết giữa A và B. Khi hàng được vận chuyển từ cảng X đến cảng Y, bên B đã giao kết hợp đồng CFR-Float (giao hàng nổi) với bên C, bán lại toàn bộ số hàng hóa trên. Tuy nhiên, ngay sau đó có tin quặng ngậm nước và bị chìm, rủi ro xảy ra trước thời điểm bên B giao kết hợp đồng với bên C. Xác định rủi ro thuộc về ai, A, B hay C ?
Trả lời: C phải chịu rủi ro. Vì theo hợp đồng FOB giữa A và B thì rủi ro thuộc về B (vì A đã hoàn thành giao hàng lên tàu); theo hợp đồng CFR giữa B và C thì rủi ro thuộc về C vì thời điểm phân chia rủi ro là khi người bán (là B) đã hoàn thành giao hàng lên tàu, mà ở đây thì hàng đương nhiên đã được giao trên tàu (vì B bán theo kiểu “trao tay” từ A sang C). (mặc dù ở đây thời điểm ký hợp đồng thì hàng hóa đã bị chìm trước đó, theo lý lẽ thông thường thì rất bất công cho C, rằng B đã “lừa dối” khi bán hàng hóa đã bị chìm cho C)
Đây là vấn đề gây rất nhiều tranh chấp trong thực tế, nguyên nhân của rắc rối này là do trong Incoterms không hề đề cập đến vấn đề hiệu lực của hợp đồng, đến mức ICC (phòng thương mại quốc tế) đã phải ra khuyến cáo riêng về CFR-Float, theo đó các bên phải ghi rõ trong hợp đồng thỏa thuận về tình huống nêu trên, thông thường các bên sẽ quy định thêm ngoài việc áp dụng tập quán CFR-Float là việc sẽ áp dụng thêm pháp luật quốc gia (tùy 2 bên thỏa thuận, thường sẽ chọn PL quốc gia bên mua) về điều kiện và thời điểm có hiệu lực của hợp đồng, và hầu hết các quốc gia đều quy định thời điểm có hiệu lực của hợp đồng đều là từ thời điểm 2 bên ký kết hợp đồng.
(6) Thực tiễn các hợp đồng xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp VN là “mua CIF bán FOB” (tức là hợp đồng nhập khẩu thường dùng CIF, hợp đồng xuất khẩu thường dùng FOB). Xác định các khẳng định đúng theo thực tiễn này:
(a) Thúc đẩy ngành hàng hải của VN phát triển
(b) Doanh nghiệp VN muốn tận dụng quyền chọn công ty vận chuyển
(c) Doanh nghiệp tránh chọn công ty vận chuyển
(d) Nguyên nhân khiến ngành hàng hải không có cơ hội phát triển
(e) Mua rẻ – bán đắt (chi phí nhập khẩu thấp – chi phí xuất khẩu cao) ==> xuất siêu
(f) Mua đắt – bán rẻ (chi phí nhập khẩu cao – chi phí xuất khẩu thấp) ==> nhập siêu
Trả lời:
- Khẳng định A, B sai.
- Khẳng định C là đúng, nguyên nhân là doanh nghiệp VN có rất ít kinh nghiệm về vấn đề vận tải hàng hải, lo sợ gặp rủi ro ==> do đó “nhường” quyền chọn nhà cung cấp dịch vụ vận tải cho đối tác nước ngoài
- Khẳng định D là đúng. Vì khi doanh nghiệp VN đã nhường quyền chọn nhà cung cấp dịch vụ vận tải cho đối tác nước ngoài thì đương nhiên đối tác nước ngoài sẽ chọn công ty ở nước họ hoặc những công ty vận chuyển mà họ quen biết. Do đó ngành hàng hải VN không có cơ hội để phát triển.
- Khẳng định E sai
- Khẳng định F đúng
Tham khảo trọn bộ bài giảng môn học Luật Thương mại quốc tế: https://study.phapche.edu.vn/khoa-hoc-tim-hieu-mon-luat-thuong-mai-quoc-te?ref=lnpc
Mời bạn xem thêm: