fbpx
ICA - Học viện đào tạo pháp chế doanh nghiệp
Bài giảng môn học Luật thương mại quốc tế chương II

Bài giảng môn học Luật thương mại quốc tế chương II tập trung vào các nguyên tắc cơ bản của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), cung cấp cho sinh viên cái nhìn sâu sắc về nền tảng hoạt động của hệ thống thương mại quốc tế. Chương II làm rõ các nguyên tắc cốt lõi như không phân biệt đối xử, minh bạch hóa, tự do hóa thương mại, và đối xử công bằng, giúp sinh viên hiểu cách WTO thúc đẩy sự ổn định, công bằng và phát triển bền vững trong thương mại toàn cầu. Đây là nội dung thiết yếu giúp người học áp dụng các nguyên tắc của WTO vào thực tiễn thương mại quốc tế.

Bài giảng môn học Luật thương mại quốc tế chương II

Chương 2: Các nguyên tắc cơ bản của WTO

I. Nguyên tắc tối huệ quốc

  1. Khái quát về nguyên tắc tối huệ quốc (MFN – Most Favoured Nation)
    a. Khái niệm
    – Quy chế tối huệ quốc là cam kết của 1 quốc gia sẽ dành cho nước đối tác những ưu đãi có lợi nhất, tốt đẹp nhất.

b. Sự phát triển của MFN

– MFN ra đời từ thế kỷ 17, xuất phát từ nhu cầu mở rộng thương mại giữa các quốc gia, sau đó được quy định trong các hiệp định thương mại hàng hải song phương.

– Đến năm 1947, Hiệp định chung về thuế quan và thương mại (GATT) đã sử dụng MFN một cách rộng rãi, và là 1 nguyên tắc cơ bản để thực hiện mục tiêu tự do hóa thương mại của WTO. Theo nguyên tắc này, bất kỳ ưu đãi, ưu tiên, đặc quyền hoặc miễn trừ nào mà nước thành viên dành cho sản phẩm của nước thành viên khác sẽ phải được dành cho sản phẩm cùng loại của tất các nước thành viên còn lại.

Ví dụ: WTO có 162 thành viên, nếu nước A dành cho sản phẩm thịt gà của nước B ưu đãi (như mức thuế nhập khẩu ưu đãi) thì nước A cũng sẽ phải dành sự ưu đãi đó cho sản phẩm thịt gà của tất cả 160 nước thành viên còn lại của WTO.

– MFN là sự ưu đãi như nhau, tức là đảm bảo sản phẩm nhập khẩu cùng loại sẽ được đối xử bình đẳng và không phân biệt tại nước nhập khẩu ==> MFN còn được gọi là nguyên tắc đối xử không phân biệt.

– Thông thường các quốc gia áp dụng MFN theo nguyên tắc có đi có lại. Tuy nhiên với những quốc gia có nền kinh tế phát triển, thì MFN được họ áp dụng một cách vô điều kiện, tức là không cần quan tâm đến nước đối tác có ưu đãi tương tự cho sản phẩm của nước mình hay không.

Điển hình là Mỹ, nước Mỹ đã trao quy chế MFN cho hầu hết các quốc gia trên thế giới (kể cả các quốc gia là thành viên của WTO và chưa là thành viên của WTO), do đó ở Mỹ thì MFN được coi là “đối xử bình thường”. Chú ý: ở Mỹ dùng thuật ngữ PNTR (Permanent Normal Trade Relations) – Quy chế Quan hệ Thương mại Bình thường Vĩnh viễn, và thuật ngữ NTR (Normal Trade Relations) – Quy chế Quan hệ Thương mại Bình thường, 2 quy chế này được Mỹ áp dụng cho 2 nhóm quốc gia:

  • nhóm đạt được PNTR: tức là đạt được MFN vô điều kiện
  • nhóm chỉ đạt được NTR: tức là MFN có điều kiện, theo đó Mỹ sẽ tiến hành rà soát quy chế này hàng năm bằng những báo cáo liên quan VD báo cáo về nhân quyền, báo cáo về kinh tế thị trường, …
  1. Nội dung nguyên tắc tối huệ quốc trong WTO
    – Nội dung: dựa trên cam kết thương mại, 1 nước cam kết dành cho nước đối tác ưu đãi có lợi nhất mà nước đó đang và sẽ dành cho nước thứ 3 khác trong tương lai.
Bài giảng môn học Luật thương mại quốc tế chương II
Bài giảng môn học Luật thương mại quốc tế chương II

– Bản chất của MFN trong WTO:

  • không phân biệt đối xử
  • vô điều kiện

– Mục đích: hướng tới tự do hóa thương mại

– Hiện WTO đã có 162 thành viên

– Mức độ ưu đãi cao hơn MFN: đó là chế độ ưu đãi đặc biệt tại các thỏa thuận FTA thế hệ mới

  1. Nguyên tắc MFN trong thương mại hàng hóa
    – Cơ sở pháp lý: Điều 1 GATT 1994 Với mọi khoản thuế quan và khoản thu thuộc bất cứ loại nào nhằm vào hay có liên hệ tới nhập khẩu và xuất khẩu hoặc đánh vào các khoản chuyển khoản để thanh toán hàng xuất – nhập khẩu, hay phương thức đánh thuế hoặc áp dụng phụ thu, hay với mọi luật lệ hay thủ tục trong xuất nhập khẩu và liên quan tới mọi nội dung đã được nêu tại khoản 2 và khoản 4 của Điều III, mọi lợi thế, biệt đãi, đặc quyền hay quyền miễn trừ được bất kỳ bên ký kết nào dành cho bất cứ một sản phẩm có xuất xứ từ hay được giao tới bất kỳ một nước nào khác sẽ được áp dụng cho sản phẩm tương tự có xuất xứ từ hay giao tới mọi bên ký kết khác ngay lập tức và một cách không điều kiện.

– Đối tượng áp dụng:

  • nhóm biện pháp tại cửa khẩu:

Thuế quan: chủ yếu thuế nhập khẩu (thuế xuất khẩu thường = 0)
Phí hải quan thuộc bất kỳ loại nào được áp dụng đối với hoặc có liên quan đến: hoạt động nhập khẩu, hoạt động xuất khẩu, hoạt động chuyển tiền thanh toán trong xuất nhập khẩu
Các phương pháp đánh thuế và các phương pháp tính phụ thu
Các biện pháp phi thuế quan khác: phí, lệ phí, phụ thu

  • nhóm biện pháp nội địa:

Thuế trong nước hay các khoản thu nội địa
Quy chế mua bán: luật pháp, quy tắc và các quy định tác động đến bán hàng, chào bán, mua, chuyên chở hoặc phân phối hàng trên thị trường nội địa
– Ngoại lệ không áp dụng MFN: có 3 ngoại lệ

  • chế độ ưu đãi thuế quan đặc biệt
  • hội nhập kinh tế khu vực
  • chế độ ưu đãi thuế quan phổ cập

a. Chế độ ưu đãi thuế quan đặc biệt

– Đây là chế độ ưu đãi thuế quan riêng dành cho 1 nhóm các quốc gia có quan hệ mật thiết với nhau, hình thành trước khi GATT 1947 ra đời, ví dụ như các quốc gia có đường biên giới chung ở châu Âu, Khối thịnh vượng chung, ưu đãi giữa Mỹ và Philipin (quan hệ chính quốc – thuộc địa), …

Tuy nhiên sau đó thì các quốc gia có đường biên giới chung ở châu Âu thành lập EU, các quốc gia có quan hệ chính quốc – thuộc địa hình thành các FTA ==> chế độ này gần như không còn ý nghĩa thực tiễn

– Hơn nữa chế độ này chỉ giới hạn trong số 23 thành viên sáng lập GATT 1947, các nước tham gia sau này không thể áp dụng chế độ này.

– Tóm lại, hiện nay chế độ này gần như không còn ý nghĩa trong thương mại quốc tế hiện nay.

b. Hội nhập kinh tế khu vực

– Là 1 trong các ngoại lệ của GATT cho phép các thành viên vi phạm nguyên tắc MFN, tức là được phép có sự ưu đãi hơn cho 1 nhóm các nước thuộc khu vực mậu dịch tự do (FTA) hoặc đồng minh thuế quan (CU)

VD: ASEAN, NAFTA là các khu vực mậu dịch tự do, EC là khu vực đồng minh thuế quan

– Điều 24 GATT: các ưu đãi cao hơn MFN được xây dựng giữa các thành viên thuộc:

  • liên minh thuế quan (CU – Custom Union)
  • khu vực mậu dịch tự do (FTA – Free Trade Area)
  • hiệp định tạm thời sẽ không áp dụng cho các thành viên ngoại khối

Chú ý: các FTA thế hệ mới hiện nay (như TTP, Hiệp định thương mại Việt Nam – Hàn Quốc, Hiệp định thương mại VN-EU, …) không chỉ giới hạn trong lĩnh vực thuế quan mà còn mở rộng sang các ưu đãi trong thương mại dịch vụ, đầu tư, thậm chí có thể cả dịch chuyển thể nhân. Mặc dù trong các FTA đó đều có lời “Căn cứ vào Điều 24 GATT 1994”, tuy nhiên Điều 24 chỉ quy định về vấn đề thuế quan ==> nhu cầu sửa đổi bổ sung vào Điều 24 hiện nay.

c. Chế độ ưu đãi thuế quan phổ cập GSP (Generalized System of Preferences)

– Là chế độ nhằm ưu đãi hơn cho các quốc gia đang phát triển.

– Nước phát triển đơn phương tự nguyện dành cho hàng hóa xuất khẩu từ các nước đang phát triển mức thuế nhập khẩu ưu đãi

– Chế độ này mang tính đơn phương, phụ thuộc vào quan hệ ngoại giao giữa các quốc gia

Chú ý: đây không phải nguyên tắc bắt buộc nên không nằm trong bất cứ điều khoản nào của GATT, mà quan hệ này hoàn toàn mang tính tự nguyện, cũng không mang tính song phương theo kiểu “có đi có lại”, mà mang tính ngoại giao rất lớn.

Việt Nam là 1 trong các nước nhận được ít GSP nhất trong số các nước đang phát triển.

II. Nguyên tắc đối xử quốc gia (NT – National Treatment)

  1. Khái niệm
    – Khái niệm: Đối xử với hàng hóa nước ngoài như đối với hàng hóa tương tự của nước mình.

VD: ở VN trước năm 1995 áp dụng chế độ 2 giá ở các điểm du lịch, đó là giá vé thăm quan cho người nước ngoài và giá vé cho người VN (thấp hơn). Sau 1995 thì đã bỏ chế độ 2 giá đó.

Câu hỏi: MFN là đối xử bình đẳng giữa những “người khách” với nhau, còn NT là đối xử bình đẳng giữa “người khách” với “người nhà”, vậy nguyên tắc nào khó thực hiện hơn ?

Trả lời: Nguyên tắc NT khó thực hiện hơn rất nhiều. Trong thương mại quốc tế có tự do hóa thương mại, và cũng có bảo hộ mậu dịch. Bất kỳ quốc gia nào cũng phải bảo hộ mậu dịch ở mức độ nào đó, tức là bảo hộ nền sản xuất trong nước, hay nói chính xác hơn là bảo vệ lợi ích của công dân nước mình. Thực tế các nước mặc dù cam kết thực hiện NT nhưng thường dựng lên những rào cản kỹ thuật tinh vi để bảo hộ nền sản xuất trong nước, nghĩa là tránh thực hiện NT một cách tinh vi, khó nhận biết.

Chính vì vậy, MFN luôn dễ dàng được các quốc gia thông qua, trong khi NT lại là mục tiêu của các cuộc đàm phán rất căng thẳng giữa các quốc gia. Và như vậy NT là sự thể hiện rõ nhất của tự do hóa thương mại.

  1. Nội dung
    – Dựa trên cam kết thương mại, 1 nước sẽ dành cho sản phẩm, dịch vụ nhà cung cấp của nước khác những ưu đãi không kém hơn so với ưu đãi mà nước đó đang và sẽ dành cho sản phẩm, dịch vụ, nhà cung cấp của nước mình.

– Bản chất: không phân biệt đối xử

– Mục đích: hướng tới tự do hóa thương mại

  • Sản phẩm tương tự (Like products):

Cả MFN và NT đều hướng tới sự bình đẳng, và sự bình đẳng chỉ có ý nghĩa đối với các “sản phẩm tương tự” (nghĩa là sản phẩm thịt gà không thể “bình đẳng” với sản phẩm ô tô được). Như vậy có nghĩa là 1 sản phẩm muốn được đối xử bình đẳng thì phải chứng minh được sản phẩm đó là tương tự với 1 sản phẩm đang dược ưu đãi. Và 1 quốc gia có thể từ chối đối xử bình đẳng (tức là áp thuế cao hơn) với 1 sản phẩm bằng cách coi đó không phải là sản phẩm tương tự. Đây chính là điểm gây tranh cãi nhiều nhất trong WTO. Rất tiếc trong WTO lại không định nghĩa thế nào là “sản phẩm tương tự” mặc dù nhắc tới khái niệm này nhiều lần.

Ví dụ: 1 vụ kiện điển hình về thịt bò giữa các nước Âu, Mỹ và Nhật Bản, theo đó Nhật Bản đã quy định thịt bò từ các nước châu Âu, Mỹ vào Nhật Bản phải qua 1 Ủy ban phân phối, còn thịt bò trong nước thì không phải qua Ủy ban phân phối này, việc qua Ủy ban phân phối làm tăng giá trị của thịt bò nhập khẩu ==> các nước châu Âu, Mỹ kiện Nhật Bản không tuân thủ nguyên tắc NT, đối xử bất bình đẳng.

Lý lẽ của Nhật Bản đưa ra là thịt bò (Kobe) của Nhật khác với thịt bò nhập khẩu từ các nước Âu, Mỹ bởi vì thịt bò của Nhật trải qua quy trình chăn nuôi và giết mổ khác với ở châu Âu, Mỹ. Đó là bò Nhật Bản được massage hàng ngày, được ăn cỏ sạch, được nghe nhạc, … và khi giết mổ thì bằng phương pháp sốc điện (gọi là phương pháp nhân đạo), khác so với phương pháp truyền thống của các nước Âu, Mỹ (dùng búa đập vào đầu). Do đó Nhật coi 2 sản phẩm thịt bò là khác nhau, và áp dụng 2 chế độ khác nhau.

Vụ việc này được đưa lên WTO, và WTO đã kết luận cho dù con bò có được nuôi dưỡng và giết mổ như thế nào thì những đặc tính cơ bản của nó vẫn giống nhau, và mục đích của thịt bò vẫn là để ăn, do đó WTO kết luận sản phẩm thịt bò của Nhật và sản phẩm thịt bò của châu Ân, Mỹ là sản phẩm tương tự. Kết quả là Nhật Bản phải rút lại biện pháp quản lý đối với sản phẩm thịt bò nhập khẩu.

Sản phẩm tương tự được quy định trong HS – (Harmony System): hệ thống hài hòa của Liên minh hải quan quốc tế, theo đó những sản phẩm được coi là tương tự khi có cùng mã HS.

Trong điều 2.6 ADA: sản phẩm tương tự là sản phẩm giống hệt, tức là sản phẩm có tất cả các đặc tính giống với sản phẩm đang được xem xét. Trong tường hợp không có sản phẩm giống hệt, thì có thể thay thế bằng sản phẩm gần giống, tức là sản phẩm có hầu hết các đặc tính giống với sản phẩm đang được xem xét, và có thể thay thế hoặc cạnh tranh trực tiếp với sản phẩm đang được xem xét.

Như vậy, sản phẩm tương tự là:

  • sản phẩm giống hệt
  • sản phẩm gần giống
  • sản phẩm cạnh tranh trực tiếp hoặc có thể thay thế được
  1. Nguyên tắc NT trong thương mại hàng hóa
    – Cơ sở pháp lý: Điều 3 GATT 1994

– Đối tượng áp dụng nguyên tắc NT:

  • thuế trong nước hay các khoản thu nội địa (Điều 3.2 GATT 1994)

Hàng nhập khẩu từ lãnh thổ của bất cứ một bên ký kết nào sẽ không phải chịu, dù trực tiếp hay gián tiếp, các khoản thuế hay các khoản thu nội địa thuộc bất cứ loại nào vượt quá mức chúng được áp dụng, dù trực tiếp hay gián tiếp, với sản phẩm nội tương tự.

  • quy chế mua bán (Điều 3.4 GATT 1994) Sản phẩm nhập khẩu từ lãnh thổ của bất cứ một bên ký kết nào vào lãnh thổ của bất cứ một bên ký kết khác sẽ được hưởng đãi ngộ không kém phần thuận lợi hơn sự đãi ngộ dành cho sản phẩm tương tự có xuất xứ nội về mặt luật pháp, quy tắc và các quy định tác động đến bán hàng, chào bán, mua, chuyên chở, phân phối hoặc sử dụng hàng trên thị trường nội địa.
  • quy chế số lượng (Điều 3.5 GATT 1994): cấm hoàn toàn yêu cầu tỷ lệ nội địa hóa Không 1 bên ký kết nào sẽ áp dụng hay duy trì 1 quy tắc định lượng nội địa nào với pha trộn, chế biến, hay sử dụng sản phẩm tính theo khối lượng cụ thể hay theo tỷ lệ, trực tiếp hay gián tiếp đòi hỏi 1 khối lượng hay tỷ lệ nhất định của bất cứ 1 sản phẩm nào chịu sự điều chỉnh của quy tắc đó phải được cung cấp từ nguồn nội địa.

VD: trước đây VN có yêu cầu các nhà sản xuất xe máy phải đáp ứng tỷ lệ nội địa hóa nhất định, sau khi gia nhập WTO thì VN đã bỏ quy định này.

– Ngoại lệ không áp dụng NT:

  • Điều 3.8.a GATT: (Hiệp định mua sắm chính phủ) không nhằm mục đích thương mại, theo đó Chính phủ có thể ưu tiên mua hàng hóa nội địa hơn hàng hóa nhập khẩu, có thể ưu tiên cho các nhà thầu trong nước hơn so với nhà thầu nước ngoài.
  • Điều 3.8.b GATT: (Hiệp định SCM) WTO cho phép các nước thành viên chi trả các khoản trợ cấp cho sản xuất nội địa mà không chi trả những khoản này cho sản xuất của nước ngoài
  • Điều 4 GATT: (phân bổ thời gian trình chiếu phim về mục đích thương mại) thành viên WTO có thể đưa ra hay duy trì các quy định về số lượng phim ảnh trình chiếu, các quy tắc này sẽ có hình thức hạn ngạch về thời gian trình chiếu và đáp ứng các quy định tại GATT 1994.

VD: rạp chiếu phim của nhà đầu tư nước ngoài phải đảm bảo thời lượng chiếu phim VN một số giờ nhất định; tương tự đối với các kênh truyền hình.

Lý do là vì phim ảnh là sản phẩm đặc biệt, liên quan đến văn hóa xã hội.

Trên thế giới hầu hết các quốc gia đều triệt để áp dụng ngoại lệ này để phát triển ngành phim ảnh quốc nội, cũng là hình thức để gìn giữ bản sắc văn hóa. Rất tiếc VN lại gần như không hề tận dụng quy tắc này, các rạp chiếu phim nước ngoài (như CGV) gần như không chiếu phim VN, hoặc nếu có thì với những điều khoản rất bất lợi cho nhà sản xuất phim VN, dẫn đến ngành điện ảnh của VN bị lép vế hoàn toàn ngay tại VN.

III. Nguyên tắc mở cửa thị trường

  1. Nội dung
    – Cơ sở lý luận của nguyên tắc mở cửa thị trường:
  • lý thuyết lợi thế tuyệt đối của Adam Smith
  • lý thuyết lợi thế tương đối của David Ricardo

theo đó, các nước không nên phát triển cách ngành sản xuất, dịch vụ giống như nhau, mà phải dựa trên điều kiện tự nhiên của mỗi nước để tập trung phát triển một số ngành công nghiệp nhất định, sau đó xuất khẩu sang nhau (nguyên tắc chuyên môn hóa sản xuất và phân công lao động quốc tế)

– Nội dung của nguyên tắc: Các thành viên dựa trên cam kết của mình, thực hiện giảm dần và tiến tới xóa bỏ các rào cản thương mại để tăng cơ hội tiếp cận thị trường trong nước cho hàng hóa, dịch vụ và nhà đầu tư nước ngoài.

– Đây là nguyên tắc cơ bản, là nền tảng của các tổ chức, hiệp định thương mại tự do.

– Chú ý: các nước thành viên sẽ không mở cửa ngay lập tức mà mở cửa từ từ theo lộ trình cam kết.

– Nguyên tắc mở cửa thị trường đặt ra với tất cả các lĩnh vực: thương mại hàng hóa, thương mại dịch vụ, đầu tư lao động, vốn, … Trong WTO mới chỉ áp dụng nguyên tắc mở cửa thị trường với thương mại hàng hóa và thương mại dịch vụ.

– Mở cửa thị trường được thực hiện thông qua các cam kết về:

  • cấm áp dụng biện pháp hạn chế về số lượng
  • giảm và tiến tới xóa bỏ hàng rào thuế quan
  • xóa bỏ các hàng rào phi thuế quan
  1. Nguyên tắc mở cửa thị trường
    – Phần này sẽ nói về nguyên tắc mở cửa thị trường đối với thương mại hàng hóa, trong đó chủ yếu là xóa bỏ các biện pháp thuế quan và xóa bỏ các biện pháp phi thuế quan.

a. Thuế quan

– Khái niệm: là khoản thu ngân sách áp dụng với hàng hóa khi nó dịch chuyển qua lãnh thổ hải quan.

Chú ý: lãnh thổ hải quan không trùng với lãnh thổ quốc gia, VD liên minh châu Âu là 1 lãnh thổ hải quan, Đài Loan, Hồng Kong, Macau, …

– Đặc điểm:

  • là 1 biện pháp tài chính
  • rất linh hoạt: mức thuế có thể thay đổi
  • minh bạch: danh mục thuế quan của mỗi quốc gia được công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng
  • bảo hộ: bảo vệ sản xuất trong nước. Bản chất kinh tế hoạc của thuế quan là bảo hộ mậu dịch: khi mở cửa thị trường cho sản phẩm nước ngoài, có nghĩa là đã chia sẻ thị phần về sản phẩm đó, việc thu thuế nhập khẩu là 1 cách để bù đắp lại thiệt hại do việc nhường thị phần cho sản phẩm nước ngoài. Ngành nào cần bảo hộ thì mức thuế sẽ cao, ngành nào không cần bảo hộ thì mức thuế sẽ gần như không có.

– Tự do hóa thương mại về thuế quan:

  • WTO chấp nhận việc duy trì hàng rào thuế quan ở tất cả các thành viên như là hàng rào bảo hộ duy nhất và hợp pháp
  • WTO khuyến khích thuế hóa: vì thuế là biện pháp minh bạch nhất trong các biện pháp bảo hộ (là cách “đánh đổi” của WTO, theo đó WTO sẵn sàng chấp nhận cho thành viên tăng thuế để đổi lấy việc bỏ hàng rào phi thuế quan)
  • nghĩa vụ: giảm thuế theo Hiệp định (tuy nhiên mức giảm này rất thấp)

b. Phi thuế quan

Tham khảo trọn bộ bài giảng môn học Luật Thương mại quốc tế: https://study.phapche.edu.vn/khoa-hoc-tim-hieu-mon-luat-thuong-mai-quoc-te?ref=lnpc

Mời bạn xem thêm:

Đánh giá bài viết

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài viết liên quan

.
.
.