fbpx
ICA - Học viện đào tạo pháp chế doanh nghiệp
Bài giảng môn học Tư pháp quốc tế chương I

Bài giảng môn học Tư pháp quốc tế chương I cung cấp cái nhìn tổng quan về khái niệm Tư pháp quốc tế và các nguồn chính của nó trong hệ thống pháp luật quốc tế. Chương này không chỉ giải thích vai trò và phạm vi của Tư pháp quốc tế trong việc điều chỉnh quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài mà còn phân tích các nguồn của Tư pháp quốc tế, bao gồm cả điều ước quốc tế, tập quán quốc tế, và các nguyên tắc chung. Đây là nền tảng quan trọng giúp sinh viên hiểu sâu hơn về tính chất, thẩm quyền, và vai trò của Tư pháp quốc tế trong bối cảnh toàn cầu hóa pháp lý.

Bài giảng môn học Tư pháp quốc tế chương I

Chương 1: Tư pháp quốc tế và nguồn của Tư pháp quốc tế

I. Khái niệm tư pháp quốc tế

– Khái niệm: Tư pháp quốc tế (TPQT) là tổng thể các quy phạm PL điều chỉnh các quan hệ PL dân sự, thương mại, hôn nhân và gia đình, lao động và tố tụng dân sự có yếu tố nước ngoài.

1. Đối tượng điều chỉnh của tư pháp quốc tế

a. Tính chất các quan hệ xã hội thuộc đối tượng điều chỉnh của tư pháp quốc tế

– Nhắc lại:

+ trong dân sự, tính chất của quan hệ xã hội trong dân sự là thỏa thuận và bình đẳng

+ trong hành chính, hình sự, tính chất của quan hệ xã hội là mệnh lệnh và phục tùng

– Ví dụ về quan hệ xã hội thuộc đối tượng điều chỉnh của tư pháp quốc tế:

+ 1 công ty của VN ký kết hợp đồng với 1 công ty của Hoa Kỳ (hợp đồng có thể là xuất nhập khẩu, vận chuyển, tài chính, …)

+ 1 công dân của VN kết hôn với 1 công dân của Trung Quốc

+ cha là công dân VN để lại thừa kế cho người con cũng là công dân VN nhưng người con đó đang sống ở Nga

– Lưu ý:

+ 1 người nước ngoài phạm tội buôn bán ma túy trái phép ở VN thì quan hệ này không thuộc đối tượng điều chỉnh của tư pháp quốc tế

+ 1 người nước ngoài vi phạm luật giao thông ở VN thì quan hệ này không thuộc đối tượng điều chỉnh của tư pháp quốc tế

– Như vậy, đối tượng điều chỉnh của tư pháp quốc tế là các quan hệ dân sự theo nghĩa rộng mang tính chất thỏa thuận, bình đẳng.

– Quan hệ dân sự theo nghĩa rộng: là các quan hệ dân sự thông thường (gồm quan hệ hợp đồng, sở hữu, thừa kế, bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng) cộng thêm các quan hệ hôn nhân gia đình, thương mại, lao động, tố tụng dân sự.

Bài giảng môn học Tư pháp quốc tế chương I
Bài giảng môn học Tư pháp quốc tế chương I

b. Phạm vi của các quan hệ xã hội do TPQT điều chỉnh

– Là những quan hệ luôn chứa đựng yếu tố nước ngoài (tức là mang tính quốc tế)

– Một quan hệ dân sự được coi là có yếu tố nước ngoài khi có 1 trong các đặc điểm sau (khoản 2 Điều 663 Luật Dân sự 2015):

+ Có ít nhất một trong các bên tham gia là cá nhân, pháp nhân nước ngoài

+ Các bên tham gia đều là công dân Việt Nam, pháp nhân Việt Nam nhưng việc xác lập, thay đổi, thực hiện hoặc chấm dứt quan hệ đó xảy ra tại nước ngoài. VD 2 công dân VN kết hôn với nhau ở nước ngoài, công dân VN lập di chúc ở nước ngoài, 2 công ty VN ký hợp đồng ở nước ngoài

+ Các bên tham gia đều là công dân VN, pháp nhân VN nhưng đối tượng của quan hệ dân sự đó ở nước ngoài. VD cha mẹ thừa kế cho con 1 khoản tiền ở ngân hàng nước ngoài, hoặc vợ chồng ly hôn tranh chấp tài sản là bất động sản ở nước ngoài

Chú ý: quan hệ dân sự có công dân VN ở nước ngoài (vẫn giữ quốc tịch VN) thì vẫn được coi là quan hệ dân sự thông thường, không phải quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài như trong luật Dân sự 2005.

– Như vậy, 1 quan hệ thuộc đối tượng điều chỉnh của TPQT phải có đủ 2 điều kiện:

+ là quan hệ dân sự

+ có yếu tố nước ngoài

c. Kết luận chung về đối tượng điều chỉnh của TPQT

– Các quan hệ mà TPQT điều chỉnh xuất hiện ở nhiều lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội nhưng đều có chung 1 đặc điểm là mang tính chất dân sự (theo nghĩa rộng).

VD: tranh chấp về tài chính, tiền tệ là quan hệ dân sự nếu nó thỏa mãn tính chất thỏa thuận và bình đẳng. Còn quan hệ tài chính – thuế thì không phải là quan hệ dân sự vì nó mang tính mệnh lệnh – phục tùng (thuế do NN ban hành, không thể thỏa thuận)

– Các quan hệ dân sự mà TPQT điều chỉnh khác với quan hệ do các ngành luật khác điều chỉnh là quan hệ đó luôn chứa đựng yếu tố nước ngoài.

2. Phương pháp điều chỉnh của TPQT

– Phương pháp điều chỉnh của 1 ngành luật là cách thức mà ngành luật đó tác động lên đối tượng điều chỉnh

a. Phương pháp điều chỉnh gián tiếp (phương pháp xung đột)

– Ví dụ: Nam công dân Trung Quốc 20 tuổi kết hôn với nữ công dân VN 18 tuổi tại VN, hỏi có được đăng ký tại VN ? Theo luật Hôn nhân gia đình VN thì điều kiện kết hôn của nam là 20 và nữ là 18 tuổi trở lên ==> hợp pháp (tức là được đăng ký kết hôn). Tuy nhiên theo luật Hôn nhân gia đình Trung Quốc thì điều kiện kết hôn của nam là 22 tuổi và nữ là 20 tuổi trở lên ==> không hợp pháp tại Trung Quốc.

Đây là quan hệ dân sự theo nghĩa rộng, vì có tính chất thỏa thuận và bình đẳng. Và đây là quan hệ có tính quốc tế, vì 1 bên tham gia là công dân nước ngoài.

==> vấn đề đặt ra là luật quốc gia nào sẽ được áp dụng, luật VN hay luật TQ ?

– Ví dụ: 1 thương nhân VN ký hợp đồng với 1 thương nhân Mỹ tại Singapore. Ở đây có 3 hệ thống PL liên quan là luật VN, luật Mỹ, và luật Singapore ==> sẽ áp dụng luật quốc gia nào ? Chẳng hạn luật VN quy định hợp đồng giữa thương nhân VN với thương nhân nước ngoài bắt buộc phải bằng văn bản, trong khi luật Mỹ không quy định điều này, tức là hợp đồng có thể bằng văn bản hoặc chỉ cần bằng lời nói.

==> áp dụng luật quốc gia nào ?

– Phương pháp xung đột là phương pháp không trực tiếp điều chỉnh quan hệ dân sự theo nghĩa rộng có yếu tố nước ngoài đang phát sinh mà chỉ xác định hệ thống PL của quốc gia nào sẽ đươc áp dụng để điều chỉnh quan hệ đang phát sinh đó.

VD: trong ví dụ “Nam công dân Trung Quốc 20 tuổi kết hôn với nữ công dân VN 18 tuổi tại VN” thì đầu tiên sẽ phải xem luật VN quy định như thế nào, luật Trung Quốc quy định thế nào, từ đó xác định quyền và nghĩa vụ của các bên.

– Gọi là “phương pháp xung đột” vì nó được thực hiện thông qua quy phạm xung đột:

+ quy phạm xung đột trong điều ước quốc tế được gọi là quy phạm xung đột thống nhất. VD trong các hiệp định tương trợ tư pháp giữa VN với quốc gia khác. Gọi là “thống nhất” vì nó được các quốc gia cùng thỏa thuận ban hành.

+ quy phạm xung đột trong PL quốc gia được gọi là quy phạm xung đột thông thường. (chủ yếu nằm trong phần 5 của Bộ luật dân sự 2015). Gọi là “thông thường” vì nó được quốc gia đơn phương ban hành.

b. Phương pháp điều chỉnh trực tiếp (phương pháp thực chất)

– Là phương pháp trực tiếp quy định quyền và nghĩa vụ của các bên chủ thể tham gia quan hệ dân sự theo nghĩa rộng có yếu tố nước ngoài.

VD: Khoản 1 Điều 35 Công ước Viên 1980 về mua bán hàng hóa quốc tế: Người bán giao hàng đúng số lượng, phẩm chất và mô tả như quy định trong hợp đồng, và đúng bao bì hay đóng gói như hợp đồng yêu cầu.

– Phương pháp thực chất được thực hiện thông qua quy phạm thực chất:

+ quy phạm thực chất có trong điều ước quốc tế được gọi là quy phạm thực chất thống nhất. VD trong các công ước quốc tế như Công ước Viên 1980 về mua bán hàng hóa quốc tế, Công ước Berne năm 1886 về bảo hộ tác phẩm văn học và nghệ thuật, Công ước Paris năm 1883 về Bảo hộ Sở hữu công nghiệp

+ quy phạm thực chất có trong PL quốc gia được gọi là quy phạm thực chất thông thường. VD trong luật Đầu tư của VN quy định rõ quyền và nghĩa vụ của nhà đầu tư

c. Mối tương quan giữa 2 phương pháp điều chỉnh

– Phương pháp thực chất điều chỉnh các quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài là phương pháp hiệu quả nhất vì đã quy định rõ quyền và nghĩa vụ của các bên cùng các chế tài.

– Trong 2 phương pháp điều chỉnh của TPQT thì phương pháp xung đột được áp dụng phổ biến để xác định hệ thống PL áp dụng để điều chỉnh quan hệ dân sự theo nghĩa rộng có yếu tố nước ngoài.

Tại sao ? Vì mỗi hệ thống PL của mỗi quốc gia đều có sự khác biệt về phong tục, tập quán, khác biệt về điều kiện kinh tế, chính trị, xã hội ==> quyền và nghĩa vụ của các chủ thể (cá nhân, pháp nhân) trong các quan hệ xã hội là khác nhau ==> rất khó đạt được thỏa thuận chung để quy định quyền và nghĩa vụ của các chủ thể giữa các quốc gia. Ví dụ ở Hoa Kỳ cá nhân được sở hữu đất đai trong khi ở VN thì không; ở Đan Mạch công nhận hôn nhân đồng tính còn ở VN thì không. Trong thực tế chỉ có một số rất ít những quy định chung được hầu hết các nước trên thế giới công nhận như hôn nhân 1 vợ 1 chồng, cá nhân được sở hữu nhà ở, … mới có thể được áp dụng phương pháp thực chất.

– Trong thực tế 2 phương pháp này được sử dụng rất linh hoạt. Các quan hệ về thương mại chủ yếu áp dụng phương pháp thực chất, còn các quan hệ về sở hữu, thừa kế, quyền nhân thân thì chủ yếu áp dụng phương pháp xung đột.

3. Chủ thể của tư pháp quốc tế

– Gồm cá nhân, pháp nhân, quốc gia. Ví dụ:

+ cá nhân: công dân VN kết hôn với công dân nước ngoài, công dân VN để lại thừa kế là tài sản ở nước ngoài

+ pháp nhân: công ty VN ký hợp đồng mua bán hàng hóa với công ty nước ngoài, công ty nước ngoài đầu tư tại VN

+ quốc gia: quốc gia phát hành trái phiếu quốc tế, nhà đầu tư là cá nhân, pháp nhân của nước khác có thể mua

Chú ý: quốc gia trong TPQT được coi là “pháp nhân” đặc biệt.

Câu hỏi: Trường hợp quốc gia phát hành trái phiếu quốc tế, khi đến hạn thanh toán lại không có khả năng thanh toán thì sẽ giải quyết như thế nào ?

4. Các nguyên tắc cơ bản của TPQT

– Tôn trọng sự bình đẳng về mặt pháp lý giữa các chế độ sở hữu: vì tư pháp quốc tế giải quyết quan hệ dân sự có tính chất quốc tế, mà trong quan hệ dân sự thì tài sản và sở hữu là quan trọng nhất ==> đây là nguyên tắc đầu tiên và quan trọng nhất của TPQT (tương tự như Nguyên tắc tôn trọng và bình đẳng về chủ quyền giữa các quốc gia trong công pháp quốc tế)

– Không phân biệt đối xử trọng quan hệ TPQT

– Tôn trọng quyền miễn trừ tư pháp của quốc gia

– Nguyên tắc có đi có lại trong các quan hệ TPQT

II. Nguồn của Tư pháp quốc tế

1. Đặc điểm chung về nguồn của TPQT

– Nguồn của TPQT vừa mang tính chất quốc tế, vừa mang tính chất quốc nội:

+ tính quốc tế: thể hiện ở nguồn của TPQT có trong: Điều ước quốc tế, Tập quán quốc tế

+ tính quốc nội: thể hiện ở nguồn của TPQT có trong: Văn bản quy phạm PL của quốc gia, Án lệ

– Hệ thống các VBPL quốc gia là nguồn phổ biến của TPQT.

Tại sao ? Vì :

+ phương pháp điều chỉnh chủ yếu của TPQT là phương pháp xung đột, mà phương pháp xung đột là phương pháp xác định luật của quốc gia nào sẽ được áp dụng ==> luật quốc gia là nguồn chủ yếu của TPQT.

+ chủ thể chủ yếu của TPQT là cá nhân và pháp nhân, tức là chịu sự điều chỉnh của PL quốc gia. VD công dân VN sinh sống ở Mỹ thì sẽ chịu sự điều chỉnh của PL Mỹ, tuy nhiên vẫn chịu sự điều chỉnh của PL VN, như trường hợp công dân sẽ được NN VN bảo hộ

2. Các loại nguồn của TPQT

– Các VBPL của VN:

+ Hiến pháp 2013

+ Luật Dân sự / Tố tụng dân sự 2015

+ Luật Lao động

+ Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (sửa đổi 2009)

+ Luật Hôn nhân gia đình 2014

Câu hỏi: Công dân Hoa Kỳ đến VN làm việc, mua 1 căn nhà tại VN, xảy ra tranh chấp, hỏi đây là đối tượng điều chỉnh của luật dân sự VN hay của TPQT ?

Trả lời: đây là quan hệ thuộc đối tượng điều chỉnh của TPQT, và trong trường hợp này sẽ áp dụng luật VN mà không thể áp dụng luật Hoa Kỳ, vì tuân theo nguyên tắc tranh chấp về bất động sản sẽ áp dụng luật tại nơi có bất động sản.

Câu hỏi: Hai công dân Hoa Kỳ kết hôn tại VN. Luật nào sẽ được áp dụng ?

Trả lời: có thể áp dụng luật VN hoặc luật Hoa Kỳ (theo lựa chọn của 2 công dân Hoa Kỳ đó). Chú ý nếu là 2 người cùng giới tính thì sẽ cần xem xét thêm nhiều yếu tố (VN chưa công nhận hôn nhân đồng tính).

– Các ĐUQT mà VN là thành viên:

+ ĐUQT song phương:

  • Hiệp định tương trợ và hợp tác tư pháp chuyên về dân sự: (chú ý: hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự không phải là nguồn của TPQT), (hiện nay VN đã ký 17 hiệp định tương trợ tư pháp dân sự, như hiệp định với Nga, Pháp, Trung Quốc, Cu Ba, Lào, …) là cơ sở pháp lý quan trọng trong lĩnh vực dân sự và hôn nhân gia đình để các cơ quan có thẩm quyền của 2 nước ký kết Hiệp định cùng nhau công nhận và bảo đảm tuân thủ các quyền nhân thân và quyền tài sản của công dân, pháp nhân nước ký kết này trên lãnh thổ của nước ký kết kia
  • Hiệp định lãnh sự: bảo vệ quyền lợi của công dân và pháp nhân giữa các bên. Hiện tại VN đã ký hiệp định lãnh sự với Nga, Ba Lan, Mông Cổ, Lào, Pháp, …
  • Hiệp định thương mại: ví dụ Hiệp định thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ
  • Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư, Hiệp định tránh dánh thuế hai lần

+ ĐUQT đa phương:

  • Về quyền con người: gia nhập Công ước 1966 về quyền quyền kinh tế, xã hội, văn hóa của Liên hợp quốc; Công ước quốc tế 1989 về quyền trẻ em
  • Về quan hệ ngoại giao: gia nhập Công ước Viên 1961 về quan hệ ngoại giao, Công ước Viên 1963 về quan hệ lãnh sự
  • Về sở hữu trí tuệ: gia nhập Công ước Paris 1883 về bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp, Hiệp định Madrid 1891 về đăng ký quốc tế nhãn hiệu hàng hóa

Lưu ý: ĐUQT là nguồn của TPQT VN phải thỏa mãn 2 điều kiện:

+ ĐUQT đó phải điều chỉnh quan hệ dân sự theo nghĩa rộng có yếu tố nước ngoài

+ VN phải là thành viên của ĐUQT đó

– Tập quán quốc tế:

+ Điều kiện để 1 tập quán quốc tế là nguồn của TPQT VN:

  • + không được trái với các nguyên tắc cơ bản của PL VN
  • + được các bên thỏa thuận trong hợp đồng, hoặc quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài phát sinh chưa được điều chỉnh điều chỉnh bởi ĐUQT hay bởi PL VN

+ Các tập quán quốc tế được áp dụng phổ biến hiện nay: FOB, CIF, CFR, … (được tập hợp trong Incoterms – International Commercial Terms)

– Thực tiễn tòa án và trọng tài (án lệ)

+ Các bản án của tòa án

+ Các quyết định của trọng tài

Chú ý: trong 4 loại nguồn của TPQT thì ĐUQT được ưu tiên thực hiện trước, sau đó đến PL quốc gia, tập quán quốc tế, án lệ

Câu hỏi: TPQT nằm ở đâu, trong hệ thống PL quốc tế hay trong hệ thống PL quốc gia, hay nằm trung gian giữa hệ thống PL quốc tế và hệ thống PL quốc gia ?

– Vị trí của TPQT trong hệ thống PL nằm ở đâu trong:

+ hệ thống PL quốc tế,

+ hệ thống PL quốc gia, hoặc

+ là ngành luật trung gian giữa hệ thống PL quốc tế và hệ thống PL quốc gia

Quan điểm “chính thống”: TPQT nằm trong hệ thống PL quốc gia. Lý do:

+ TPQT điều chỉnh quan hệ dân sự,

+ chủ thể chủ yếu của TPQT là thể nhân và pháp nhân,

+ nguồn phổ biến của TPQT là PL quốc gia

Tuy nhiên, môn học TPQT là được xếp trong khoa Pháp luật quốc tế, mà không phải nằm trong Khoa dân sự. Tại sao ? Vì TPQT điều chỉnh quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài.

– Khái niệm: TPQT là 1 ngành luật độc lập nằm trong hệ thống PL quốc gia bao gồm tất cả các nguyên tắc, quy phạm điều chỉnh các quan hệ dân sự, hôn nhân gia đình, lao động, tố tụng dân sự có yếu tố nước ngoài (hay gọi là quan hệ dân sự theo nghĩa rộng có yếu tố nước ngoài).

Tham khảo trọn bộ bài giảng môn học Tư pháp quốc tế: https://study.phapche.edu.vn/khoa-hoc-tim-hieu-mon-tu-phap-quoc-te?ref=lnpc

Mời bạn xem thêm:

Đánh giá bài viết

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài viết liên quan

.
.
.
Sơ đồ bài viết