Sơ đồ bài viết
Bài giảng môn học Tư pháp quốc tế chương III tập trung vào lý luận chung về xung đột pháp luật, một nội dung quan trọng trong Tư pháp quốc tế. Chương này cung cấp kiến thức cơ bản về khái niệm, bản chất và nguyên nhân dẫn đến xung đột pháp luật khi có các yếu tố nước ngoài trong quan hệ pháp lý. Sinh viên sẽ được tìm hiểu về các nguyên tắc và phương pháp giải quyết xung đột, bao gồm hệ thống quy phạm xung đột và cách lựa chọn pháp luật phù hợp nhằm đảm bảo quyền lợi của các bên trong bối cảnh quốc tế phức tạp.
Bài giảng môn học Tư pháp quốc tế chương III
Chương 3: Lý luận chung về xung đột pháp luật trong TPQT
I. Khái niệm xung đột pháp luật
– Tình huống: Nam công dân Trung Quốc 20 tuổi kết hôn với nữ công dân VN 18 tuổi. Theo luật hôn nhân gia đình Trung Quốc thì độ tuổi kết hôn của nam là 22 và nữ là 20. Theo luật hôn nhân gia đình VN thì độ tuổi kết hôn của nam là 20 và nữ là 18. Để điều chỉnh quan hệ trên thì cả luật VN và TQ đều có thể được áp dụng. Trường hợp này TPQT gọi là xung đột pháp luật về điều kiện kết hôn.
Như vậy, thuật ngữ “xung đột” của TPQT không có ý nghĩa là “mâu thuẫn” như thông thường, mà chỉ mang tính ước lệ, thể hiện quan điểm khác nhau về cùng 1 vấn đề (hoàn toàn không có “mâu thuẫn” nào cả).
– Tình huống: Pháp nhân VN ký hợp đồng mua bán hàng hóa với pháp nhân Mỹ. Luật Mỹ quy định hình thức của hợp đồng có thể bằng văn bản hoặc bằng lời nói. Luật VN quy định hợp đồng mua bán có yếu tố nước ngoài chỉ có giá trị khi được ký kết bằng văn bản. Để điều chỉnh quan hệ trên thì cả luật Mỹ và luật VN đều có thể được áp dụng. Ở đây đã xuất hiện xung đột pháp luật về hình thức của hợp đồng.
– Tình huống: Hai công dân Mỹ kết hôn với nhau tại VN, cả 2 công dân này đều là nam. Theo luật Mỹ thì cuộc kết hôn này là hợp pháp. Theo luật VN thì cuộc kết hôn này không có giá trị pháp lý. Trường hợp này đã xảy ra xung đột pháp luật về điều kiện kết hôn.
– Tình huống: Công dân VN ký hợp đồng mua bán vũ khí với 1 công dân Mỹ. Theo luật Mỹ thì hợp đồng này là hợp pháp. Theo luật VN thì mua bán vũ khí là bất hợp pháp. Như vậy đã xảy ra xung đột pháp luật về hợp đồng.
– Tình huống: Công dân VN ký kết hợp đồng với công dân Lào tại Thái Lan, đối tượng của hợp đồng được đặt tại Singapo. Tình huống xung đột pháp luật này có thể có đến 4 hệ thống PL quốc gia được áp dụng.
– Xung đột PL là hiện tượng 2 hay nhiều hệ thống PL đều có thể áp dụng để điều chỉnh quan hệ PL dân sự theo nghĩa rộng có yếu tố nước ngoài phát sinh trong giao lưu dân sự quốc tế.
– Chú ý:
+ thuật ngữ “Xung đột PL” là thuật ngữ mang tính quy ước: vì nó không có nghĩa là “mâu thuẫn”
+ hai hay nhiều hệ thống PL đều có thể áp dụng bởi vì các hệ thống PL là bình đẳng với nhau và có giá trị pháp lý như nhau
– Nguyên nhân làm phát sinh xung đột PL:
+ do xuất hiện các quan hệ dân sự theo nghĩa rộng có yếu tố nước ngoài liên quan đến nhiều hệ thống PL
+ do PL của các nước khác nhau thì luôn có sự khác nhau
– Phạm vi làm phát sinh xung đột PL:
+ xung đột PL chỉ xảy ra trong các quan hệ dân sự theo nghĩa rộng có yếu tố nước ngoài
+ luật hình sự, luật hành chính, … mang tính hiệu lực theo lãnh thổ rất nghiêm ngặt không làm phát sinh hiện tượng xung đột PL
Ngoại lệ: không phải mọi quan hệ dân sự theo nghĩa rộng có yếu tố nước ngoài đều làm phát sinh xung đột pháp luật. Ví dụ trường hợp tài sản quốc gia ở nước ngoài, khi phát sinh quan hệ với tài sản quốc gia ở nước ngoài thì bắt buộc phải áp dụng PL của quốc gia đó chứ không thể áp dụng PL của nước đặt tài sản quốc gia.
2. Phương pháp giải quyết xung đột
a. Xây dựng và áp dụng quy phạm xung đột (phương pháp xung đột)
– Nội dung: cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp căn cứ vào quy phạm xung đột để chọn hệ thống PL của nước này hay hệ thống PL của nước kia để điều chỉnh quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài đang phát sinh
– Cách thức xây dựng quy phạm xung đột:
+ thông qua việc ký kết các ĐUQT song phương, đa phương (gọi là quy phạm xung đột thống nhất).VD công dân VN ký kết hợp đòng mua bán hàng hóa với công dân Hoa Kỳ, hợp đồng được ký kết tại Singapo ==> cả 3 hệ thống PL đều có thể được áp dụng ==> đầu tiên sẽ cần xem xét cả VN, Hoa Kỳ, và Singapo có nằm trong cùng 1 ĐUQT nào không, như có cùng nằm trong Công ước Viên 1980 về mua bán hàng hóa quốc tế không, nếu có thì sẽ dùng quy phạm xung đột trong ĐUQT đó để giải quyết.
+ quốc gia ban hành văn bản PL có chứa đựng quy phạm xung đột (gọi là quy phạm xung đột thông thường, hay quy phạm xung đột nội địa)
VD: quy phạm xung đột có trong Phần 5 của Bộ luật dân sự VN 2015, Luật hôn nhân gia đình VN, …
– Nhận xét: không tồn tại TPQT chung cho tất cả các quốc gia. Mỗi quốc gia đều có TPQT riêng của mình và có 1 hệ thống các quy phạm xung đột riêng rất đặc thù được xây dựng trên nền tảng kinh tế, chính trị, xã hội của nước đó ==> gọi là Luật xung đột của mỗi quốc gia.
(khác với Công pháp quốc tế là chung cho cả thế giới)
b. Xây dựng và áp dụng quy phạm thực chất (phương pháp thực chất)
– Nội dung: cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp căn cứ vào quy phạm thực chất trực tiếp phân định quyền và nghĩa vụ giữa các bên chủ thể tham gia vào quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài.
– Các thức xây dựng quy phạm thực chất:
+ quốc gia tham gia, ký kết các ĐUQT (quy phạm thực chất thống nhất)
VD: Công ước Viên 1980 về mua bán hàng hóa quốc tế. VD 1 công dân VN ký kết mua bán hàng hóa với 1 công dân Hoa Kỳ, xảy ra tranh chấp ==> sẽ áp dụng ngay Công ước Viên 1980 về mua bán hàng hóa quốc tế để giải quyết mà không cần phải xem xét xem sẽ chọn luật VN hay chọn luật Hoa Kỳ để giải quyết (vì cả VN và Hoa Kỳ đều là thành viên của Công ước Viên 1980)
VD: Khoản 1 Điều 35 Công ước Viên 1980 về mua bán hàng hóa quốc tế: Người bán giao hàng đúng số lượng, phẩm chất và mô tả như quy định trong hợp đồng, và đúng bao bì hay đóng gói như hợp đồng yêu cầu.
+ quốc gia ban hành các văn bản PL (quy phạm thực chất thông thường).
VD: Luật nhà ở VN 2015 có quy định “Người nước ngoài đầu tư tại VN được quyền sở hữu nhà ở”, khi đó giải sử công dân Hoa Kỳ đầu tư tại VN và mua nhà ở tại VN thì sẽ chỉ áp dụng luật VN mà không cần xem xét luật Hoa Kỳ
VD: Điều 11 Luật Đầu tư 2014: Sau khi thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước Việt Nam theo quy định của pháp luật, nhà đầu tư nước ngoài được chuyển ra nước ngoài các tài sản sau đây:
- Vốn đầu tư, các khoản thanh lý đầu tư;
- Thu nhập từ hoạt động đầu tư kinh doanh;
- Tiền và tài sản khác thuộc sở hữu hợp pháp của nhà đầu tư.
– Nhận xét:
+ phương pháp thực chất điều chỉnh trực tiếp quan hệ dân sự theo nghĩa rộng có yếu tố nước ngoài, quy định rõ quyền và nghĩa vụ của các bên chủ thể: do đó đây là phương pháp hiệu quả nhất của TQPT, còn được gọi là phương pháp điều chỉnh chi tiết.
+ phương pháp thực chất loại trừ việc phải chọn PL và áp dụng PL nước ngoài
+ phương pháp thực chất đơn giản hóa và hiệu quả trong việc điều chỉnh các quan hệ của TPQT
+ phương pháp xung đột có tính chất bao quát và toàn diện hơn, mang tính chất chung hơn. Phương pháp xung đột được áp dụng cho mọi lĩnh vực, còn phương pháp thực chất hầu như chỉ được áp dụng trong lĩnh vực thương mại (mua bán hàng hóa, đầu tư)
– Chú ý: Ngoài phương pháp xung đột và phương pháp thực chất, còn có thể áp dụng một số phương pháp khác để giải quyết tranh chấp như áp dụng tập quán quốc tế, áp dụng án lệ, áp dụng tương tự pháp luật (tuy nhiên không phổ biến).
– Chú ý: quy phạm xung đột là quy phạm đặc trưng, duy nhất có của TPQT
– Quy phạm xung đột là quy phạm PL đặc biệt, không trực tiếp quy định quyền và nghĩa vụ của các bên tham gia quan hệ dân sự theo nghĩa rộng có yếu tố nước ngoài đang phát sinh mà chỉ quy định hệ thống PL được áp dụng để điều chỉnh quan hệ PL đó.
VD: Điều 678 luật Dân sự 2015:
Quyền sở hữu và quyền khác đối với tài sản
- Việc xác lập, thực hiện, thay đổi, chấm dứt quyền sở hữu và quyền khác đối với tài sản được xác định theo pháp luật của nước nơi có tài sản, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.
- Quyền sở hữu và quyền khác đối với tài sản là động sản trên đường vận chuyển được xác định theo pháp luật của nước nơi động sản được chuyển đến, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
– Đặc điểm của quy phạm xung đột:
+ không trực tiếp điều chỉnh quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài đang phát sinh, tức là không quy định quyền và nghĩa vụ của các bên đương sự
+ luôn mang tính chất dẫn chiếu đến hệ thống PL được áp dụng để điều chỉnh quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài
dẫn chiếu = chỉ dẫn
– Lưu ý:
+ quy phạm xung đột khi dẫn chiếu đến 1 hệ thống PL là dẫn chiếu đến toàn bộ hệ thống PL đó. VD dẫn chiếu đến PL Hoa Kỳ tức là dẫn chiếu đến toàn bộ hệ thống PL của Hoa Kỳ, chứ không phải dẫn chiếu đến 1 quy phạm PL riêng lẻ hay 1 ngành luật riêng lẻ. Lý do là vì xung đột pháp luật là xung đột giữa các hệ thống pháp luật với nhau.
+ khi có cả quy phạm xung đột thống nhất và quy phạm xung đột thông thường thì quy phạm xung đột thống nhất sẽ được ưu tiên áp dụng
+ quy phạm xung đột có mối quan hệ chặt chẽ với quy phạm thực chất (hay còn gọi là quy phạm nội dung). Lý do là vì quy phạm xung đột chỉ xác định luật áp dụng, còn để tìm ra quyền và nghĩa vụ của các chủ thể trong quan hệ cần giải quyết thì phải tìm đến quy phạm thực chất. Tức là nếu chỉ có quy phạm xung đột sẽ không giải quyết được quan hệ phát sinh mà cần phải có quy phạm thực chất để giải quyết quan hệ đó.
2. Cơ cấu của quy phạm xung đột
– Gồm 2 bộ phận (và bắt buộc phải có đủ 2 bộ phận này, khác với quy phạm PL thông thường có thể có không đầy đủ 3 bộ phận là quy định, giả định, chế tài):
+ phạm vi: là phần chỉ ra quy phạm xung đột đó được áp dụng cho loại quan hệ nào
+ hệ thuộc: là phần chỉ ra PL đã được áp dụng để điều chỉnh quan hệ được nêu trong phần phạm vi
VD: Khoản 1 Điều 39 Hiệp định tương trợ tư pháp VN-Nga 1998: Quan hệ pháp luật về thừa kế động sản do pháp luật của Bên ký kết mà người để lại thừa kế là công dân vào thời điểm chết điều chỉnh.
Trong quy phạm trên, thì:
+ phạm vi: là quan hệ PL về “thừa kế động sản”
+ hệ thuộc: là “pháp luật của Bên ký kết mà người để lại thừa kế là công dân vào thời điểm chết điều chỉnh”
– Chú ý: 1 phạm vi có thể áp dụng nhiều hệ thuộc và 1 hệ thuộc có thể áp dụng cho nhiều phạm vi.
VD: Điều 45 Tư pháp quốc tế của Hungary: Quan hệ nhân thân và quan hệ tài sản giữa vợ và chồng, kể cả việc mang tên chồng, tên vợ, việc cấp dưỡng, và việc xác định các quyền về tài sản được điểu chỉnh bởi luật quốc tịch chung của 2 vợ chồng.
==> có nhiều phạm vi nhưng chỉ có 1 hệ thuộc
3. Phân loại quy phạm xung đột
– Căn cứ vào cách thức xây dựng:
+ quy phạm xung đột thống nhất: các quốc gia ký điều ước
+ quy phạm xung đột thông thường: quốc gia đơn phương ban hành
– Căn cứ vào tính chất của hệ thuộc:
+ quy phạm xung đột 1 chiều (hay 1 bên): chỉ rõ PL của 1 quốc gia cụ thể được áp dụng để điều chỉnh quan hệ dân sự theo nghĩa rộng có yếu tố nước ngoài đang phát sinh
VD: khoản 2 Điều 674 luật dân sự 2015: Trường hợp người nước ngoài xác lập, thực hiện các giao dịch dân sự tại Việt Nam, năng lực hành vi dân sự của người nước ngoài đó được xác định theo pháp luật Việt Nam.
==> đây là quy phạm xung đột 1 chiều vì đã chỉ rõ PL VN được áp dụng
VD: khoản 5 Điều 683 luật dân sự 2015: Trường hợp pháp luật do các bên lựa chọn trong hợp đồng lao động, hợp đồng tiêu dùng có ảnh hưởng đến quyền lợi tối thiểu của người lao động, người tiêu dùng theo quy định của pháp luật Việt Nam thì pháp luật Việt Nam được áp dụng.
==> đây là quy phạm xung đột 1 chiều vì đã chỉ rõ PL VN được áp dụng
Quy phạm xung đột 1 chiều còn có tên khác là Quy phạm bắt buộc, tức là khi rơi vào tình huống đó thì chỉ có 1 lựa chọn duy nhất.
+ quy phạm xung đột 2 chiều (2 bên): quy định nguyên tắc chọn PL áp dụng để điều chỉnh quan hệ dân sự theo nghĩa rộng có yếu tố nước ngoài phát sinh trong giao lưu dân sự quốc tế.
VD: khoản 1 Điều 680 luật Dân sự 2015: Thừa kế được xác định theo pháp luật của nước mà người để lại di sản thừa kế có quốc tịch ngay trước khi chết.
==> không chỉ ra cụ thể PL quốc gia nào được áp dụng mà chỉ nêu nguyên tắc chọn PL áp dụng
VD: khoản 1 Điều 681 luật dân sự 2015: Năng lực lập di chúc, thay đổi hoặc hủy bỏ di chúc được xác định theo pháp luật của nước mà người lập di chúc có quốc tịch tại thời điểm lập, thay đổi hoặc hủy bỏ di chúc.
– Căn cứ vào các nhóm quan hệ xã hội:
+ quy phạm xung đột về sở hữu
+ quy phạm xung đột về thừa kế
+ quy phạm xung đột về hợp đồng
+ …
4. Các hệ thuộc cơ bản của quy phạm xung đột
(hay Các nguyên tắc chọn PL áp dụng)
– Hệ thuộc luật nhân thân (Lex personalis): được áp dụng đối với các quan hệ gắn liên với nhân thân của chủ thể, gồm 2 biến dạng là luật quốc tịch, luật nơi cư trú:
+ luật quốc tịch (Lex nationalis): cá nhân mang quốc tịch của quốc gia nào thì PL của quốc gia đó sẽ được áp dụng
VD: Khoản 1 Điều 19 Hiệp định tương trợ tư pháp Việt – Nga: Năng lực hành vi của cá nhân được xác định theo pháp luật của Bên ký kết mà người đó là công dân.
+ luật nơi cư trú (Lex domicilii): đương sự cư trú ổn định (gọi là nơi thường trú) tại quốc gia nào thì PL của quốc gia đó sẽ được áp dụng
VD: Khoản 1 Điều 25 Hiệp định tương trợ tư pháp Việt – Nga: Quan hệ nhân thân và tài sản giữa vợ chồng được xác định theo pháp luật của Bên ký kết nơi họ cùng thường trú.
– Hệ thuộc luật quốc tịch của pháp nhân (Lex societatics): pháp nhân mang quốc tịch của quốc gia nào thì PL của quốc gia đó sẽ được áp dụng.
Theo luật VN thì quốc tịch của pháp nhân được xác định căn cứ vào nơi thành lập pháp nhân đó, không phụ thuộc vào nơi hoạt động của pháp nhân đó. Ở các nước châu Âu lục địa thì quốc tịch của pháp nhân được xác định tại nơi trung tâm quản lý của pháp nhân đó; hoặc ở các nước Ả Rập thì xác định quốc tịch của pháp nhân theo nơi sản xuất, kinh doanh chính của pháp nhân.
– Hệ thuộc luật nơi có tài sản (Lex rei sitae): tài sản ở đâu thì luật của nước đó sẽ được áp dụng đối với tài sản đó
VD: Khoản 1 Điều 678 Luật dân sự 2015: Việc xác lập, thực hiện, thay đổi, chấm dứt quyền sở hữu và quyền khác đối với tài sản được xác định theo pháp luật của nước nơi có tài sản
– Hệ thuộc luật do các bên ký kết hợp đồng lựa chọn (Lex voluntatis): các bên ký kết hợp đồng được quyền tự do thỏa thuận lựa chọn hệ thống PL để giải quyết quan hệ hợp đồng.
Hệ thuộc này được sử dụng rất phổ biến trong các quan hệ thương mại và hàng hải quốc tế.
VD: Khoản 2 Điều 5 Luật hàng hải 2015: Các bên tham gia trong hợp đồng liên quan đến hoạt động hàng hải mà trong đó có ít nhất một bên là tổ chức hoặc cá nhân nước ngoài thì có quyền thỏa thuận áp dụng luật nước ngoài hoặc tập quán hàng hải quốc tế trong quan hệ hợp đồng và chọn Trọng tài, Tòa án ở một trong hai nước hoặc ở một nước thứ ba để giải quyết tranh chấp.
– Hệ thuộc luật nơi thực hiện hành vi (Lex loci actus): nơi nào diễn ra hành vi làm phát sinh quan hệ thì PL của nơi đó sẽ được áp dụng. Gồm các biến dạng:
+ Luật nơi ký kết hợp đồng (Lex loci contractus): quyền và nghĩa vụ của các bên tham gia ký kết hợp đồng được xác định theo PL của nơi ký kết hợp đồng
VD: Khoản 7 Điều 683 Luật dân sự 2015: Hình thức của hợp đồng được xác định theo pháp luật áp dụng đối với hợp đồng đó. Trường hợp hình thức của hợp đồng không phù hợp với hình thức hợp đồng theo pháp luật áp dụng đối với hợp đồng đó, nhưng phù hợp với hình thức hợp đồng theo pháp luật của nước nơi giao kết hợp đồng hoặc pháp luật Việt Nam thì hình thức hợp đồng đó được công nhận tại Việt Nam.
Chú ý: trường hợp các bên ký hợp đồng vắng mặt, như qua thư từ, fax, email, … thì nơi ký hợp đồng sẽ được xác định theo quy định của mỗi nước.
+ Luật nơi thực hiện nghĩa vụ (Lex loci solutionis):
+ Luật nơi thực hiện hành động:
– Hệ thuộc luật nước người bán (Lex venditoris): nếu bên mua và bên bán trông có thỏa thuận khác thì PL của nước người bán sẽ được áp dụng để giải quyết quan hệ mua bán đó. Đây là 1 tập quán truyền thống trong thương mại quốc tế.
– Hệ thuộc luật nơi vi phạm pháp luật (Lex loci delicti commissi): trách nhiệm bồi thường thiệt hại do vi phạm PL được giải quyết theo PL nơi vi phạm PL.
Chú ý: nơi vi phạm PL có thể hiểu là nơi thực hiện hành vi gây hại (Hy Lạp, Ý, …), hoặc nơi hiện diện của hậu quả gây hại (Mỹ), hoặc kết hợp cả 2 cách trên. VD nhà máy điện hạt nhân của 1 nước đặt tại biên giới gặp sự cố rò rỉ phóng xạ sang nước láng giềng.
VD: Điều 687 Luật dân sự 2015: Bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng
- Các bên được thỏa thuận lựa chọn pháp luật áp dụng cho việc bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này. Trường hợp không có thỏa thuận thì pháp luật của nước nơi phát sinh hậu quả của sự kiện gây thiệt hại được áp dụng.
- Trường hợp bên gây thiệt hại và bên bị thiệt hại có nơi cư trú, đối với cá nhân hoặc nơi thành lập, đối với pháp nhân tại cùng một nước thì pháp luật của nước đó được áp dụng.
– Hệ thuộc luật tiền tệ (Lex monetae): khi ký hợp đồng các bên thỏa thuận thanh toán bằng loại tiền tệ nào thì các vấn đề liên quan đến tiền tệ đó sẽ được giải quyết theo PL của nước ban hành và lưu thông loại tiền tệ đó.
Hệ thuộc này có lợi cho các nước phát triển có đồng tiền mạnh thường được dùng làm đồng tiền thanh toán quốc tế. Ngày nay hệ thuộc này rất ít được sử dụng.
– Hệ thuộc luật tòa án (Lex fori): tòa án khi giải quyết vụ việc chỉ áp dụng luật pháp nước mình, kể cả luật nội dung và luật hình thức
– Lưu ý: Có rất nhiều hệ thuộc của quy phạm xung đột, việc lựa chọn hệ thuộc này hay hệ thuộc kia để điều chỉnh quan hệ dân sự theo nghĩa rộng có yếu tố nước ngoài phụ thuộc vào 2 yếu tố:
+ tính chất của mối quan hệ đó: ví dụ nếu là quan hệ nhân thân thì sẽ áp dụng hệ thuộc luật quốc tịch hoặc nơi cư trú; nếu là quan hệ tài sản hay quan hệ sở hữu thì áp dụng hệ thuộc luật nơi có tài sản; nếu là quan hệ hợp đồng thì sẽ áp dụng hệ thuộc luật do các bên ký kết hợp đồng lựa chọn, …
+ lợi ích của mỗi quốc gia: quy phạm xung đột do quốc gia xây dựng, do đó nó sẽ được xây dựng để đảm bảo lợi ích của quốc gia đó
III. Áp dụng pháp luật nước ngoài
– Là việc cơ quan có thẩm quyền của quốc gia này (phổ biến nhất là tòa án, cũng có thể là trọng tài, hoặc cơ quan hành chính) áp dụng hệ thống PL của quốc gia khác trên lãnh thổ của quốc gia mình để giải quyết các vụ việc thuộc thẩm quyền của họ.
– Tại sao phải áp dụng luật nước ngoài ?
+ để đảm bảo sự bình đẳng giữa các hệ thống PL: quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài liên quan đến nhiều hệ thống PL khác nhau, để tránh tư tưởng dân tộc chủ nghĩa (tránh tâm lý chỉ áp dụng luật của nước mình), để tôn trọng sự bình đẳng giữa các quốc gia
Việt Nam bắt đầu đặt ra vấn đề áp dụng luật nước ngoài từ 1995 (trong Luật dân sự 1995).
+ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên chủ thể, đặc biệt là bảo vệ các quyền dân sự mà công dân và pháp nhân của nước mình xác lập ở nước ngoài: ở đây phải hiểu áp dụng luật nước ngoài chính là bảo vệ cho công dân của nước mình.
VD công dân VN được hưởng thừa kế là sở hữu mảnh đất ở Hoa Kỳ, nếu theo luật VN thì không được sở hữu đất đai, nhưng ở Hoa Kỳ thì cá nhân được sở hữu đất đai, trong trường hợp này VN công nhận việc thừa kế sở hữu mảnh đất ở Hoa Kỳ này, chính là đã áp dụng luật Hoa Kỳ về sở hữu đất đai.
+ xuất phát từ yêu cầu điều chỉnh hiệu quả các quan hệ dân sự theo nghĩa rộng có yếu tố nước ngoài, thúc đẩy giao lưu dân sự quốc tế phát triển.
VD: 2 vợ chồng người VN xin ly hôn ở VN, trong đó có nội dụng chia tài sản là bất động sản ở Trung Quốc, nếu thẩm phán VN sử dụng luật VN để giải quyết, thì sẽ không thể thi hành được vì cơ quan có thẩm quyền của Trung Quốc sẽ không chấp nhận, do đó sẽ phải sử dụng hệ thuộc luật nơi có bất động sản, tức là luật Trung Quốc.
Hiện nay tất cả các quốc gia trên thế giới đều công nhận việc áp dụng PL nước ngoài.
2. Nguyên tắc và thể thức xác định nội dung của PL nước ngoài
– Được quy định tại Điều 664 luật Dân sự 2015:
+ Pháp luật áp dụng đối với quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài được xác định theo điều ước quốc tế mà VN là thành viên hoặc luật VN.
Ví dụ: Khoản 1 Điều 36 Hiệp định tương trợ tư pháp Việt – Nga: Nghĩa vụ phát sinh từ hợp đồng được xác định theo pháp luật của nước do các bên lựa chọn, nếu điều đó không trái với pháp luật của các Bên ký kết. Nếu các bên không lựa chọn pháp luật áp dụng thì áp dụng pháp luật của Bên ký kết nơi bên phải thực hiện nghĩa vụ chính của hợp đồng thường trú, được thành lập hoặc có trụ sở. Đối với hợp đồng thành lập doanh nghiệp, thì áp dụng pháp luật của Bên ký kết nơi doanh nghiệp đó cần được thành lập.
Ví dụ: Khoản 1 Điều 31 Hiệp định tương trợ tư pháp Việt – Hungary: Các điều kiện về hình thức của việc kết hôn phải tuân thủ pháp luật của Nước ký kết nơi tổ chức việc kết hôn.
+ Trường hợp điều ước quốc tế mà VN là thành viên hoặc luật VN có quy định các bên có quyền lựa chọn thì pháp luật áp dụng đối với quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài được xác định theo lựa chọn của các bên.
Ví dụ: Khoản 2 Điều 5 Luật thương mại 2005: Các bên trong giao dịch thương mại có yếu tố nước ngoài được thoả thuận áp dụng pháp luật nước ngoài, tập quán thương mại quốc tế nếu pháp luật nước ngoài, tập quán thương mại quốc tế đó không trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam.
+ Trường hợp không xác định được pháp luật áp dụng theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này thì pháp luật áp dụng là pháp luật của nước có mối liên hệ gắn bó nhất với quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài đó.
Chú ý: Khoản 3 (Điều 664) này là đổi mới rất lớn của luật Dân sự 2015, thể hiện sự hội nhập sâu sắc của TPQT VN.
– Tóm lại, theo quy định của luật Dân sự 2015, PL nước ngoài được áp dụng trong 3 trường hợp:
+ theo quy định của điều ước quốc tế, theo quy định của PL VN
+ do các bên thỏa thuận, sự thỏa thuận này phù hợp với điều ước quốc tế, phù hợp với PL VN
+ khi PL nước ngoài là PL của nước có mối quan hệ gắn bó nhất đối với quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài đang phát sinh (chỉ áp dụng khi các quy định ở khoản 1 và khoản 2 Điều 664 không đáp ứng được)
– Trường hợp không áp dụng PL nước ngoài: Điều 670 luật Dân sự 2015:
Điều 670. Trường hợp không áp dụng pháp luật nước ngoài
- Pháp luật nước ngoài được dẫn chiếu đến không được áp dụng trong trường hợp sau đây:
- a) Hậu quả của việc áp dụng pháp luật nước ngoài trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam;
- b) Nội dung của pháp luật nước ngoài không xác định được mặc dù đã áp dụng các biện pháp cần thiết theo quy định của pháp luật tố tụng.
- Trường hợp pháp luật nước ngoài không được áp dụng theo quy định tại khoản 1 Điều này thì pháp luật Việt Nam được áp dụng.
VD: luật các nước Hồi giáo cho phép người đàn ông được lấy nhiều vợ, nhưng điều này trái với PL VN ==> đàn ông nước Hồi giáo không thể đăng ký kết hôn với nhiều vợ ở VN ==> không áp dụng luật nước ngoài
– Thể thức áp dụng PL nước ngoài:
+ các cơ quan tư pháp có thẩm quyền cần áp dụng luật nước ngoài 1 cách thiện chí, đầy đủ, không được loại bỏ 1 cách tùy tiện
+ PL nước ngoài phải được giải thích và thực thi về nội dung như ở chính nước nơi nó được ban hành
+ cơ quan tư pháp có thẩm quyền và cơ quan xét xử có nhiệm vụ tìm hiểu và xác định nội dung luật nước ngoài (Điều 481 luật Tố tụng dân sự 2015)
Câu hỏi: Ai, cơ quan nào có trách nhiệm tìm hiểu luật nước ngoài ?
Trả lời: Thẩm quyền và trách nhiêm xác định và cung cấp nội dung PL nước ngoài để Tòa án áp dụng trong việc giải quyết vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài (Điều 481 luật Tố tụng dân sự 2015):
- Đương sự có quyền cung cấp PL nước ngoài
- Bộ Tư pháp, bộ Ngoại giao, cơ quan đại diện của VN ở nước ngoài
- Cơ quan đại diện ngoại giao của nước ngoài tại VN cung cấp PL nước ngoài
- Tòa án có thể yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có chuyên môn về PL nước ngoài cung cấp thông tin về PL nước ngoài
- Hết thời hạn 06 tháng, kể từ ngày Tòa án yêu cầu cung cấp pháp luật nước ngoài theo quy định tại Điều này mà không có kết quả thì Tòa án áp dụng pháp luật của VN để giải quyết vụ việc dân sự đó.
Từ năm 1995 (năm VN bắt đầu cho phép áp dụng PL nước ngoài) chưa ghi nhận trường hợp nào tòa án VN áp dụng luật nước ngoài (mới chỉ áp dụng luật nước ngoài ở cơ quan trọng tài trong thương mại, hoặc gián tiếp áp dụng luật nước ngoài trong trường hợp xác định điều kiện kết hôn, nuôi con nuôi, …). Lý do chính là vì luật không quy định ai sẽ có trách nhiệm tìm hiểu luật nước ngoài, trong khi tòa án ở VN luôn quá tải. Đến luật Tố tụng dân sự 2015 đã quy định rõ thẩm quyền và trách nhiệm tìm hiểu luật nước ngoài để cung cấp cho Tòa án.
Bài tập: Xác định tính chất của các quy phạm:
Ghi nhớ:
+ quy phạm xung đột: không nêu ra quyền và nghĩa vụ, chỉ đưa ra nguyên tắc chọn luật
- Xung đột thống nhất: trong điều ước quốc tế
- Xung đột thông thường: trong pháp luật quốc gia
- 1 chiều: chỉ rõ PL của 1 quốc gia được áp dụng
- 2 chiều: chỉ nêu ra nguyên tắc chọn PL áp dụng
+ quy phạm thực chất: trực tiếp quy định quyền và nghĩa vụ
- Thực chất thống nhất: trong điều ước quốc tế
- Thực chất thông thường: trong pháp luật quốc gia
(1) Khoản 1 Điều 673 luật Dân sự 2015: Năng lực pháp luật dân sự của cá nhân được xác định theo pháp luật của nước mà người đó có quốc tịch.
chỉ đưa ra nguyên tắc chọn luật chứ không nêu rõ quyền và nghĩa vụ ==> là quy phạm xung đột
do VN ban hành, không phải trong điều ước quốc tế ==> là quy phạm xung đột thông thường
chỉ quy định nguyên tắc chọn luật chứ không nêu cụ thể luật áp dụng ==> là quy phạm xung đột thông thường 2 chiều
==> kết luận: quy phạm xung đột thông thường 2 chiều
(2) Điều 48 Hiến pháp 2013: Người nước ngoài cư trú ở Việt Nam phải tuân theo Hiến pháp và pháp luật Việt Nam; được bảo hộ tính mạng, tài sản và các quyền, lợi ích chính đáng theo pháp luật Việt Nam.
nêu rõ quyền và nghĩa vụ ==> là quy phạm thực chất
do VN ban hành ==> là quy phạm thực chất thông thường
==> kết luận: quy phạm thực chất thông thường
(3) Khoản 2 Điều 159 luật Nhà ở 2014:
Tổ chức, cá nhân nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam thông qua các hình thức sau đây:
- a) Đầu tư xây dựng nhà ở theo dự án tại Việt Nam theo quy định của Luật này và pháp luật có liên quan;
- b) Mua, thuê mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế nhà ở thương mại bao gồm căn hộ chung cư và nhà ở riêng lẻ trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở, trừ khu vực bảo đảm quốc phòng, an ninh theo quy định của Chính phủ.
==> quy phạm thực chất thông thường
(4) Khoản 2 Điều 674 luật Dân sự 2015: Trường hợp người nước ngoài xác lập, thực hiện các giao dịch dân sự tại Việt Nam, năng lực hành vi dân sự của người nước ngoài đó được xác định theo pháp luật Việt Nam.
==> quy phạm xung đột thông thường 1 chiều
(5) Khoản 1 Điều 23 Hiệp định tương trợ tư pháp VN – Ba Lan: Hình thức kết hôn được xác định theo pháp luật của nước ký kết nơi tiến hành kết hôn.
==> quy phạm xung đột thống nhất 2 chiều
(6) Khoản 1 Điều 7 Công ước Berne 1886: Thời hạn bảo hộ theo Công ước này sẽ là suốt cuộc đời của tác giả và năm mươi năm sau khi tác giả chết.
==> quy phạm thực chất thống nhất
(7) Điều 11 Công ước Viên 1980: Hợp đồng mua bán không cần phải được ký kết hoặc xác nhận bằng văn bản hay phải tuân thủ một yêu cầu nào khác về hình thức của hợp đồng. Hợp đồng có thể được chứng minh bằng mọi cách, kể cả những lời khai của nhân chứng.
==> quy phạm thực chất thống nhất
Câu hỏi: Làm sao để phân biệt quy phạm thực chất thông thường của TPQT với quy phạm của các ngành luật khác (như trong luật Dân sự, Hôn nhân gia đình, Đầu tư, …) ?
Trả lời: Phân biệt ở điểm quy phạm thực chất thông thường của TPQT điều chỉnh quan hệ theo nghĩa rộng có yếu tố nước ngoài. Nếu không có yếu tố nước ngoài thì sẽ là quy phạm của các ngành luật khác.
Tình huống: Vụ cháy tại xưởng may Evanop, cách Matxcova 200 km ngày 11/09/2012, làm thiệt mạng 16 công dân Việt Nam gồm 8 nam và 8 nữ, và 1 người bị thương. Nguyên nhân vụ cháy do chập điện và thiếu các phương tiện chữa cháy. Vấn đề bồi thường thiệt hại cho các nạn nhân trong vụ cháy trên được giải quyết theo cơ sở pháp lý nào ?
Tình huống này có phải là đối tượng điều chỉnh của TPQT không ?
Trả lời: Đây là quan hệ dân sự bởi vì liên quan đến vấn đề bồi thường thiệt hại. Quan hệ này có yếu tố nước ngoài vì chủ thể bị thiệt hại là người nước ngoài (người VN là người nước ngoài tại Nga), đồng thời nguồn luật ở tình huống này có thể là quy định trong Hợp đồng lao động, luật Nga, luật Việt Nam, hiệp định tương trợ tư pháp Việt-Nga ==> đây là 1 quan hệ của TPQT.
Cơ sở giải quyết: điều ước được ưu tiên cao nhất, sau đó đến các quy định trong hợp đồng, tiếp theo là luật quốc gia nơi xảy ra hành vi gây thiệt hại (cụ thể tình huống này là Nga)
Tình huống: Đại sứ Mỹ là C.Stevents tại Liby bị thiệt mạng trong vụ tấn công của người biểu tình vào lãnh sự quán Mỹ ở thành phố Benghazi của Liby ngày 11/9/2012. Hỏi đây là quan hệ tư pháp hay công pháp ?
Trả lời: Đây là quan hệ công pháp quốc tế. Vì đại sứ là viêc chức ngoại giao, theo luật quốc tế phải được nước sở tại có trách nhiệm bảo vệ tuyệt đối an toàn. Ở đây Liby đã vi phạm luật quốc tế khi không đảm bảo được an toàn cho đại sứ Mỹ, và thực tế Mỹ đã kiện Liby ra Tòa án Công lý Quốc tế (IJC).
Câu hỏi: So sánh TPQT với Luật Dân sự VN:
Luật dân sự Việt Nam | Tư pháp quốc tế | |
Đối tượng điều chỉnh | Quan hệ dân sự: quan hệ tài sản và quan hệ nhân thân | Quan hệ dân sự theo nghĩa rộng có yếu tố nước ngoài |
Phương pháp điều chỉnh | Thỏa thuận, bình đẳng | Phương pháp xung đột, phương pháp thực chất |
Chủ thể | Cá nhân, pháp nhân | Cá nhân, pháp nhân, quốc gia |
Nguồn | Hiếp pháp, luật dân sự, các luật chuyên ngành (hôn nhân gia đình, đất đai, nhà ở, thừa kế, …), văn bản dưới luật (nghị định, thông tư) | Điều ước quốc tế, Văn bản quy phạm PL của quốc gia, Tập quán quốc tế, Án lệ |
Tham khảo trọn bộ bài giảng môn học Tư pháp quốc tế: https://study.phapche.edu.vn/khoa-hoc-tim-hieu-mon-tu-phap-quoc-te?ref=lnpc
Mời bạn xem thêm: