fbpx
ICA - Học viện đào tạo pháp chế doanh nghiệp
Bài giảng môn học Công pháp quốc tế chương V

Bài giảng môn học Công pháp quốc tế chương V: Lãnh thổ trong luật quốc tế cung cấp kiến thức về khái niệm lãnh thổ và vai trò của nó trong luật pháp quốc tế. Chương này giải thích cách xác định, phân loại các loại lãnh thổ như đất liền, biển, không gian vũ trụ, và nêu rõ quyền tài phán, chủ quyền của quốc gia đối với các vùng lãnh thổ. Đồng thời, chương cũng phân tích các quy định quốc tế về giải quyết tranh chấp lãnh thổ và nguyên tắc bất khả xâm phạm, giúp người học hiểu rõ hơn về vai trò của lãnh thổ trong quan hệ quốc tế.

Bài giảng môn học Công pháp quốc tế chương V

Chương 5: Lãnh thổ trong luật quốc tế

I. Khái niệm

1. Định nghĩa

– Lãnh thổ được hiểu là toàn bộ vùng đất, vùng nước, vùng trời, vùng lòng đất và vùng khoảng không vũ trụ.

2. Phân loại

– Căn cứ vào quy chế pháp lý, chia thành:

+ lãnh thổ quốc gia: thuộc chủ quyền quốc gia

+ lãnh thổ quốc tế: không thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền của bất kỳ quốc gia nào, gồm vùng biển quốc tế, vùng trời trên vùng đặc quyền kinh tế, vùng trời quốc tế, vùng đáy biển quốc tế, châu Nam cực, vùng khoảng không vũ trụ (gồm mặt trăng và các hành tinh). Tất cả các quốc gia và các chủ thể khác của luật quốc tế đều có quyền bình đẳng sử dụng lãnh thổ quốc tế vào mục đích hòa bình và phát triển. Điều này đã được luật hóa thành các ngành luật trong luật quốc tế như Nguyên tắc tự do biển cả (trong Luật biển quốc tế), Nguyên tắc tự do bay vào vùng trời quốc tế ( trong Luật hàng không quốc tế), Nguyên tắc không thiết lập chủ quyền quốc gia đối với khoảng không vũ trụ (trong Luật vũ trụ quốc tế), …

+ lãnh thổ có quy chế hỗn hợp: là vùng lãnh thổ không phải của quốc gia nào, nhưng cũng không phải là lãnh thổ quốc tế, gồm có: vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa (quốc gia được hưởng quyền chủ quyền và quyền tài phán tại vùng lãnh thổ này). Quy chế pháp lý của vùng lãnh thổ này được xác định hỗn hợp theo cả luật quốc gia và luật quốc tế (luật biển quốc tế)

+ lãnh thổ quốc gia được sử dụng quốc tế: là những bộ phận của lãnh thổ quốc gia nhưng do sự đặc thù về vị trí địa lý, chính trị, kinh tế, nên được quốc tế hóa một phần nhằm phục vụ cho lợi ích quốc tế, bao gồm các kênh đào quốc tế, sông quốc tế, eo biển quốc tế

II. Lãnh thổ quốc gia

1. Định nghĩa

– Lãnh thổ quốc gia được hiểu là toàn bộ vùng đất, vùng nước, vùng trời, vùng lòng đất thuộc chủ quyền hoàn toàn và tuyệt đối hay riêng biệt của quốc gia.

2. Cấu trúc lãnh thổ quốc gia

a. Vùng đất

– Là toàn bộ đất liền lục địa, các đảo và hải đảo thuộc chủ quyền hoàn toàn và tuyệt đối của quốc gia.

b. Vùng nước

– Bao gồm 2 vùng:

+ vùng nội thủy

+ vùng lãnh hải

Chú ý: vùng nước nội địa như ao, hồ, sông, ngòi do nằm hoàn toàn trong vùng đất của lãnh thổ nên quy chế pháp lý được gộp chung với quy chế của vùng đất.

Do đó vùng nước nói đến ở đây là vùng biển.

– Ngoài ra còn có vùng nước biên giới là các sông, suối biên giới, mà các quốc gia thỏa thuận sử dụng sông suối đó làm đường ranh giới phân định lãnh thổ quốc gia, quy chế pháp lý của vùng nước biên giới sẽ theo thỏa thuận riêng giữa các quốc gia.

b.1. Vùng nội thủy

– Định nghĩa: Nội thủy là toàn bộ vùng nước nằm phía trong đường cơ sở để tính bề rộng lãnh hải.

– Cách xác định:

+ ranh giới trong là đường bờ biển

+ ranh giới ngoài là đường cơ sở để tính bề rộng lãnh hải

– Cấu trúc của nội thủy:

+ cửa sông

+ cảng biển

+ vịnh thiên nhiên: phải đáp ứng cáct tiêu chí cụ thể của vịnh

+ vịnh lịch sử: là vịnh nhưng không đáp ứng được các tiêu chuẩn của vịnh thiên nhiên nhưng từ trước đến nay thì quốc gia đó đã sử dụng nó như vịnh thiên nhiên và cho nó quy chế pháp lý của vịnh thiên nhiên

+ vũng đậu tàu

– Quy chế pháp lý: tại vùng nội thủy, quốc gia có chủ quyền hoàn toàn và tuyệt đối. Mọi sự ra vào của tàu thuyền nước ngoài đều phải xin phép.

Về thẩm quyền tài phán dân sự: quốc gia ven biển có thẩm quyền tài phán về mặt dân sự đối với mọi tàu thuyền có hành vi vi phạm trong vùng nội thủy. Tàu nhà nước (của quốc gia khác) sử dụng vào mục đích phi quân sự được hưởng quyền miễn trừ tài phán. Trong trường hợp tàu này có hành vi vi phạm, quốc gia ven biển có quyền yêu cầu con tàu đó rời khỏi vùng nội thủy của mình và quốc gia mà tàu mang cờ sẽ phải chịu trách nhiệm về mọi thiệt hại do con tàu đó gây ra.

Về thẩm quyền tài phán hình sự: quốc gia ven biển có thẩm quyền tài phán hình sự đối với mọi hành vi vi phạm (vi phạm PL của quốc gia ven biển) của tàu thuyền trong vùng nội thủy của mình, nhưng không có thẩm quyền tài phán đối với các cuộc xung đột xảy ra trong nội bộ thủy thủ đoàn, trừ các trường hợp:

+ tàu đó vi phạm gây ảnh hưởng về trật tự, an ninh của quốc gia ven biển

+ do thuyền trưởng tàu đó yêu cầu

+ do người đứng đầu cơ quan đại diện ngoại giao, lãnh sự của quốc gia mà tàu đó mang cờ yêu cầu quốc gia ven biển can thiệp

Đối với tàu quân sự, tàu nhà nước sử dụng vào mục đích phi thương mại cũng được hưởng quyền miễn trừ tài phán hình sự. Trong trường hợp tàu này có hành vi vi phạm, quốc gia ven biển có quyền yêu cầu con tàu đó rời khỏi vùng nội thủy của mình và quốc gia mà tàu mang cờ sẽ phải chịu trách nhiệm về mọi thiệt hại do con tàu đó gây ra.

Bài giảng môn học Công pháp quốc tế chương V
Bài giảng môn học Công pháp quốc tế chương V

b.2. Vùng lãnh hải

– Định nghĩa: lãnh hải là vùng nước nằm bên ngoài nội thủy, tiếp liền với nội thủy, có bề rộng không quá 12 hải lý tính từ đường cơ sở.

1 hải lý = 1852 m (~ 1.85 km)

– Cách xác định:

+ ranh giới trong là đường cơ sở

+ ranh giới ngoài là đường nối liền các điểm cách điểm gần nhất của đường cơ sở 1 khoảng bằng bề rộng lãnh hải. Ranh giới ngoài này chính là đường biên giới quốc gia trên biển.

Chú ý: “Phao số 0” không phải là điểm mốc của đường biên giới quốc gia trên biển. Phao số 0 chỉ là điểm đầu tiên của hệ thống mốc tiêu dẫn luồng vào cảng, được đặt theo quy định của Luật Hàng hải, chứ không liên quan gì đến đường biên giới quốc gia trên biển.

– Các phương pháp xác định đường cơ sở: 2 phương pháp:

+ phương pháp đường cơ sở thông thường: đường cơ sở là ngấn nước thủy triều thấp nhất dọc theo bờ biển, được thể hiện trên hải đồ tỷ lệ lớn và được các quốc gia ven biển chính thức công nhận (theo Điều 5 Công ước luật biển 1982).

Việc xác định ngấn nước thủy triều thấp nhất phải do các chuyên gia về địa lý, địa chất, khí tượng đo đạc, theo dõi trong nhiều tháng, thậm chí nhiều năm của các loại chu kỳ.

Ưu điểm: phản ánh chính xác nhất hình dáng của bờ biển

Nhược điểm: đối với quốc gia có bờ biển khúc khửu, lồi lõm, khoét sâu, hoặc có các đảo gần bờ, hoặc có đường bờ biển không ổn định thì việc xác định đường cơ sở theo phương pháp này rất khó khăn

+ phương pháp đường cơ sở thẳng: đường cơ sở là đường nối liền các điểm ngoài cùng, nhô ra xa nhất tại ngấn nước thủy triều thấp nhất của quốc gia ven biển. Đường cơ sở thẳng phải thỏa mãn 2 điều kiện:

  • Đường cơ sở thẳng phải phản ánh được xu hướng chung của đường bờ biển, không được đi chệch quá xa, các vùng nước phía trong vùng cơ sở phải gắn liền với đất liền đủ để đặt ở quy chế pháp lý của vùng nội thủy
  • Đường cơ sở thẳng không được xuất phát hoặc chạy qua các bãi cạn lúc nổi lúc chìm, trừ trường hợp trên các bãi cạn đó có xây dựng các công trình đèn biển thường xuyên nhô lên khỏi mặt nước

Để áp dụng phương pháp đường cơ sở thẳng, quốc gia phải đáp ứng ít nhất 1 trong 3 điều kiện sau:

  • có địa hình bờ biển khúc khửu, lồi lõm, khoét sâu
  • có chuỗi đảo nằm sát bờ biển
  • có địa hình bờ biển bất thường, không ổn định (thể hiện rõ nhất bằng những đồng bằng châu thổ lớn ven biển, mà đồng bằng châu thổ do phù sa bồi đắp, bên lở bên bồi nên không thể ổn định)

Phương pháp đường cơ sở thẳng xuất phát từ việc tranh chấp ngư trường giữa Anh và Na Uy năm 1951, và Tòa án quốc tế đã thừa nhận dùng phương pháp đường cơ sở thẳng để xác định đường cơ sở. Phán quyết này đã được pháp điển hóa và được đưa vào Công ước luật biển 1982.

VN dùng phương pháp đường cơ sở thẳng để xác định đường cơ sở, theo đó theo Tuyên bố của Chính phủ ngày 12/11/1982, hệ thống đường cơ sở của Việt Nam gồm 11 điểm có tọa độ xác định.

– Quy chế pháp lý của vùng lãnh hải: tại vùng lãnh hải, quốc gia có chủ quyền hoàn toàn và đầy đủ, tàu thuyền nước ngoài có quyền đi qua không gây hại ở trong vùng lãnh hải (Điều 17-26 Công ước luật biển 1982), tức là có quyền đi qua mà không cần phải xin phép quốc gia ven biển (như đối với vùng nội thủy)

+ “đi qua”: tức là đi ở trong lãnh hải, không đi vào vùng nội thủy; đi liên tục, nhanh chóng, không dừng lại thả neo, không cập mạn tiếp xúc với các tàu khác, không gây ô nhiễm biển (không thải chất thải ra biển). Việc đi qua có thể bao gồm cả việc dừng lại và thả neo, nhưng chỉ trong trường hợp gặp phải những sự cố thông thường về hàng hải hoặc vì một trường hợp bất khả kháng hay mắc nạn hoặc vì mục đích cứu giúp người, tàu thuyền hay phương tiện bay đang lâm nguy hoặc mắc nạn.

+ “không gây hại”: không làm phương hại đến hòa bình, trật tự hay an ninh của quốc gia ven biển. Theo Công ước luật biển 1982, việc đi qua của một tàu thuyền nước ngoài bị coi như phương hại đến hòa bình, trật tự hay an ninh của quốc gia ven biển, nếu như ở trong lãnh hải, tàu thuyền này tiến hành một trong bất kỳ hoạt động nào sau đây:

  • Đe dọa hoặc dùng vũ lục chống lại chính quyền, toàn vẹn lãnh thổ hoặc độc lập chính trị của quốc gia ven biển hay dùng mọi cách khác trái với các nguyên tắc của pháp luật quốc tế đã được nêu trong Hiến chương Liên hợp quốc;
  • Luyện tập hoặc diễn tập với bất kỳ kiểu loại vũ khí nào;
  • Thu nhập tình báo gây thiệt hại cho quốc phòng hay an ninh của quốc gia ven biển;
  • Phóng đi, tiếp nhận hay xếp lên tàu các phương tiện bay;
  • Phóng đi, tiếp nhận hay xếp lên tàu các phương tiện quân sự;
  • Tuyên truyền nhằm làm hại đến quốc phòng hay an ninh của quốc gia ven biển;
  • Xếp hoặc dỡ hàng hóa, tiền bạc hay đưa người lên xuống tàu trái với các luật và quy định về hải quan, thuế khóa, y tế hoặc nhập cư của quốc gia ven biển;
  • Gây ô nhiễm cố ý và nghiêm trọng, vi phạm Công ước;
  • Đánh bắt hải sản;
  • Nghiên cứu hay đo đạc;
  • Làm rối loạn hoạt động của mọi hệ thống giao thông liên lạc hoặc mọi trang thiết bị hay công trình khác của quốc gia ven biển;
  • Mọi hoạt động khác không trực tiếp quan hệ đến việc đi qua.

Chú ý: trong lãnh hải, tàu ngầm và các phương tiện đi ngầm khác cũng được quyền đi qua không gây hại nhưng buộc phải đi nổi và phải treo cờ quốc tịch.

Chú ý: phương pháp xác định đường cơ sở thẳng mới xuất hiện từ 1951, như vậy sẽ nảy sinh vấn đề những vùng biển trước kia được xác định là vùng lãnh hải theo phương pháp đường cơ sở thông thường, khi quốc gia chuyển sang xác định bằng phương pháp đường cơ sở thẳng thì vùng biển đó trở thành vùng nội thủy, mà quy chế pháp lý của 2 vùng biển này là khác nhau.

==> luật quốc tế quy định đối với những vùng biển đó, tàu thuyền các quốc gia khác vẫn được hưởng quyền đi qua không gây hại.

Câu hỏi: Trong vùng nội thủy, quốc gia có chủ quyền hoàn toàn và tuyệt đối, không bao giờ các tàu thuyền nước ngoài có quyền đi qua không gây hại ?

Trả lời: Sai. Vì trường hợp nêu trên là ngoại lệ.

Chú ý: ở những cảng biển quốc tế, để tạo thuận lợi cho thương mại, các quốc gia có thể thỏa thuận với nhau cho phép tàu thuyền của các quốc gia đó có quyền đi qua không gây hại, thì đây là những thỏa thuận riêng của các quốc gia, không phải là luật quốc tế.

Câu hỏi: Luật biển Việt Nam 2012 quy định chỉ tàu thuyền dân sự mới được đi qua không gây hại trong vùng lãnh hải VN, còn với tàu quân sự thì phải thông báo trước 48 tiếng khi đi qua không gây hại. Hỏi luật biển 2012 của VN có mâu thuẫn với luật quốc tế ?

– Thẩm quyền tài phán hình sự (Điều 27 Công ước luật biển 1982): quốc gia ven biển có thẩm quyền tài phán đối với hành vi vi phạm của con tàu đó, còn đối với với những hành vi trong nội bộ thủy thủ đoàn thì quốc gia ven biển không có thẩm quyền tài phán, trừ một số trường hợp:

+ tàu đó vi phạm gây ảnh hưởng về trật tự, an ninh của quốc gia ven biển

+ do thuyền trưởng tàu đó yêu cầu

+ do người đứng đầu cơ quan đại diện ngoại giao, lãnh sự của quốc gia mà tàu đó mang cờ yêu cầu quốc gia ven biển can thiệp

Quốc gia ven biển được quyền dừng tàu thuyền khi nó đang đi quan không gây hại tại vùng lãnh hải của mình.

– Thẩm quyền tài phán dân sự (Điều 28 Công ước luật biển 1982): Quốc gia ven biển không được bắt một tàu nước ngoài đang đi qua lãnh hải phải dừng lại hay thay đổi hành trình của nó để thực hiện quyền tài phán dân sự của mình đối với một người ở trên con tàu đó

c. Vùng trời

– Định nghĩa: là toàn bộ khoảng không gian bao trùm lên vùng đất và vùng nước của quốc gia

– Cách xác định: vùng trời được giới hạn bởi biên giới xung quanh và biên giới trên cao.

+ biên giới xung quanh: là mặt cắt thẳng đứng của biên giới vùng đất và biên giới vùng nước

+ biên giới trên cao: luật quốc tế chưa quy định, nhưng theo tập quán quốc tế thì biên giới trên cao là khoảng cách 100 km (có thể sai số 10km) (trên 110km là khoảng không vũ trụ, không thuộc quốc gia nào)

– Quy chế pháp lý: tại vùng trời, quốc gia có chủ quyền hoàn toàn và riêng biệt

Chú ý: “chủ quyền hoàn toàn và riêng biệt” ở đây có tính chất hoàn toàn giống với “chủ quyền hoàn toàn và tuyệt đối”, sở dĩ sử dụng 2 thuật ngữ “riêng biệt” và “tuyệt đối” chỉ để phân biệt chủ quyền vùng trời và chủ quyền vùng đất.

d. Vùng lòng đất

– Định nghĩa: là toàn bộ đáy và lòng đất nằm phía dưới vùng đất và vùng nước của quốc gia kéo dài đến tận tâm trái đất

– Tại vùng lòng đất, quốc gia có chủ quyền hoàn toàn và tuyệt đối

3. Chủ quyền của quốc gia đối với lãnh thổ

– Các học thuyết về chủ quyền của quốc gia đối với lãnh thổ:

+ thuyết tài vật: hình thành trong thời phong kiến, theo đó quyền tối cao của quốc gia đối với lãnh thổ là quyền sở hữu của NN và quyền sở hữu này được đặt trong tay Vua. Hệ quả là lãnh thổ quốc gia trở thành vật được đem trao đổi, mua bán, chuyển nhượng, thừa kế, hay thành tặng vật để cầu hôn, cầu hòa, … (như trường hợp vua Chế Mân của nước Chăm dâng 2 châu Ô, châu Lý cho Đại Việt để làm sính lễ cầu hôn công chúa Huyền Trân nhà Trần)

+ thuyết cai trị: ra đời trong thời kỳ đầu của CNTB, theo đó coi lãnh thổ quốc gia là khoảng không gian thực hiện quyền lực quốc gia, đồng thời là tài sản vật chất đặc biệt

+ thuyết thẩm quyền: do Rumiski đề xướn vào năm 1906, theo đó mặt vật chất của lãnh thổ chỉ được đề cập một cách tương đối, còn nội dung cốt lõi là thừa nhận một tổng thể quyền lực của quốc gia sở tại và các quốc gia khác có công dân ở nước sở tại đó.

– Nội dung của chủ quyền của quốc gia đối với lãnh thổ thể hiện trên 2 phương diện cơ bản:

+ phương diện quyền lực: quốc gia thực hiện quyền tài phán đối với người và tài sản trong phạm vi lãnh thổ một cách không hạn chế. Trên phạm vi lãnh thổ, quốc gia được quyền tiến hành mọi hoạt động với điều kiện các hành vi đó không bị luật quốc tế cấm. Tuy nhiên theo tập quán quốc tế, quốc gia không được sử dụng chủ quyền lãnh thổ của mình làm thiệt hại đến chủ quyền lãnh thổ của quốc gia khác.

Một số ngoại lệ:

  • Không áp dụng luật quốc gia đối với viên chức ngoại giao, lãnh sự trên lãnh thổ quốc gia (hay còn gọi là quyền miễn trừ trách nhiệm đối với nhân viên ngoại giao)
  • Không loại bỏ hiệu lực của luật nước ngoài trên phạm vi lãnh thổ quốc gia mình nếu đã có sự thỏa thuận

+ phương diện vật chất: vật chất ở đây là môi trường tự nhiên của quốc gia, gồm đất đai, nước, không gian, rừng, khoáng sản, tài nguyên, … trong phạm vi biên giới quốc gia. Quốc gia có quyền sở hữu một cách đầy đủ, trọn vẹn những vật chất này.

Chú ý: với trường hợp 1 quốc gia thuê lãnh thổ 1 quốc gia khác thì vùng lãnh thổ cho thuê vẫn là 1 bộ phận lãnh thổ quốc gia của nước cho thuê, nước thuê vùng lãnh thổ có quyền áp dụng quyền tài phán của mình phù hợp với thỏa thuận được ghi nhận giữa 2 bên.

– Quy chế pháp lý của lãnh thổ quốc gia, gồm:

+ quyền tự do lựa chọn chế độ chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội phù hợp với nguyện vọng của cộng đồng dân cư sống trên lãnh thổ

+ quyền tự do lựa chọn phương hướng phát triển đất nước, thực hiện những cải cách kinh tế – XH phù hợp với quốc gia mình. Các quốc gia khác có nghĩa vụ phải tôn trọng sự lựa chọn này

+ quyền tự do quy định chế độ pháp lý đối với từng vùng lãnh thổ quốc gia

+ quyền sở hữu hoàn toàn đối với tất cả tài nguyên thiên nhiên trong lãnh thổ quốc gia

+ thực hiện quyền tài phán đối với mọi công dân, tổ chức, người nước ngoài trong phạm vi lãnh thổ quốc gia

+ quyền áp dụng các biện pháp cưỡng chế, điều chỉnh, kiểm soát hoạt động của các pháp nhân và người nước ngoài, kể cả trường hợp quốc hữu hóa, tịch thu, trưng thu tài sản của tổ chức, cá nhân nước ngoài

+ quyền quyết định sử dụng, thay đổi lãnh thổ phù hợp với PL và lợi ích của cộng đồng dân cư của quốc gia

– Các phương thức xác lập chủ quyền của quốc gia đối với lãnh thổ: có 2 phương thức:

+ phương thức chiếm cứ hữu hiệu: quốc gia thiết lập và thực hiện quyền lực của mình trên 1 vùng lãnh thổ vô chủ hoặc bị bỏ rơi.

  • Lãnh thổ vô chủ là lãnh thổ thỏa mãn:
    • Không có người ở vào thời điểm quốc gia thực hiện hành động chiếm cứ
    • Chưa từng thuộc quyền sở hữu của bất cứ quốc gia nào vào thời điểm quốc gia thực hiện hành động chiếm cứ
  • Lãnh thổ bị bỏ rơi khi thỏa mãn phương diện vật chất (không có sự quản lý thực sự trên lãnh thổ) và phương diện tâm lý (là ý định từ bỏ lãnh thổ của quốc gia đã từng là chủ của lãnh thổ đó), cụ thể gồm:
    • Lãnh thổ này không còn là đối tượng điều chỉnh, áp dụng của PL quốc gia
    • Quốc gia từ bỏ sự duy trì đời sống kinh tế, không tiến hành thu thuế, khai thác tài nguyên, …
    • Quốc gia xóa bỏ các thiết chế quản lý trên lãnh thổ
    • Quốc gia không thực hiện các hoạt động bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, từ bỏ việc bảo hộ lợi ích của cư dân sống trên lãnh thổ

Việc chiếm cứ hữu hiệu phải do NN hoặc tổ chức công được NN ủy quyền thực hiện, gồm:

  • Phải là sự chiếm cứ hợp pháp, tức là đúng đối tượng (lãnh thổ phải vô chủ hoặc bị bỏ rơi) và bằng biện pháp hòa bình (không được sử dụng vũ lực)
  • Phải có sự chiếm cứ thực sự: bằng cách hành vi như đưa công dân nước mình đến định cư, thiết lập bộ máy quản lý hành chính, đưa vaoò bản đồ quốc gia vùng lãnh thổ đó, …
  • Chiếm cứ phải liên tục, hòa bình trong 1 thời gian dài không có tranh chấp
  • Việc chiếm cứ phải được thực hiện với mục đích nhằm tạo ra 1 danh nghĩa chủ quyền lãnh thổ

+ phương thức chuyển nhượng tự nguyện: là việc quốc gia này tự nguyện chuyển nhượng 1 vùng lãnh thổ của mình cho 1 quốc gia khác thông quan các hình thức như điều ước quốc tế, trao đổi, mua bán. Ví dụ Nga bán vùng Alaska cho Mỹ

III. Biên giới quốc gia

1. Định nghĩa

– Biên giới quốc gia là đường ranh giới để phân định giữa lãnh thổ quốc gia này với lãnh thổ quốc gia khác, hoặc phân định giữa lãnh thổ quốc gia và vùng lãnh thổ quốc gia có quyền chủ quyền trên biển.

2. Các bộ phận của biên giới quốc gia

Gồm:

+ biên giới trên bộ: là đường biên giới được xác định trên đất liền, đảo, sông, hồ, kênh, biển nội địa, …

+ biên giới trên biển: là đường phân định vùng lãnh hải của quốc gia với vùng biển tiếp liền mà quốc gia ven biển có quyền chủ quyền; hoặc là đường phân định giữa lãnh hải quốc gia này với lãnh hải quốc gia khác trong trường hợp vùng biển của các quốc gia có sự chồng lấn, liền kề.

+ biên giới vùng trời và biên giới vùng lòng đất: được xác định dựa vào biên giới trên bộ và biên giới trên biển

3. Xác định biên giới quốc gia

a. Biên giới trên bộ

– Biên giới trên bộ bao giờ cũng được xác định trên cơ sở thỏa thuận giữa các quốc gia. Các bước xác định:

+ B1: hoạch định: là giai đoạn các quốc gia đàm phán, thỏa thuận về nguyên tắc, phương pháp và cách thức xác định đường biên giới. Các bên có thể lựa chọn 1 trong 2 nguyên tắc:

  • Nguyên tắc uti possidetis: thừa nhận những đường ranh giới đã có. Theo nguyên tắc này, các quốc gia thuộc địa trước đây sau khi gành được độc lập, thỏa thuận, thừa nhận đường ranh giới mà quốc gia đô hộ trước đây nhằm mục đích quản lý về mặt hành chính, nâng chúng lên thành đường biên giới quốc gia. VD trường hợp VN và Trung Quốc khi phân định biên giới trên bộ đã thỏa thuận dùng nguyên tắc uti possidetis khi hai bên thừa nhận đường biên giới lịch sử do Công ước Pháp – Thanh 1887 và 1895 để lại
  • Nguyên tắc hoạch định đường biên giới mới: có thể áp dụng biên giới tự nhiên (dựa theo địa hình thực tế như núi, sông, hồ, …) và biên giới nhân tạo (gồm biên giới thiên văn xác định theo các đường kinh tuyến, vĩ tuyến, và biên giới hình học xác định bằng các đường nối các điểm do hai bên thỏa thuận)

+ B2: phân giới: là việc các quốc gia thỏa thuận xác lập đường biên giới ở trên bản đồ (tức là vẽ bản đồ biên giới)

+ B3: cắm mốc thực địa: xây dựng các cột mốc biên giới

b. Biên giới trên biển

– Trong trường hợp bờ biển của quốc gia không có sự chồng lấn liền kề với bờ biến của quốc gia khác thì đường biên giới quốc gia trên biển được xác định dựa trên tuyên bố đơn phương của quốc gia ven biển. Trong trường hợp này, đường biên giới quốc gia trên biển chính là đường ranh giới ngoài của lãnh hải.

– Trong trường hợp bờ biển của quốc gia có sự chồng lấn, liền kề với bờ biển của quốc gia khác thì đường biên giới quốc gia trên biển được xác định trên cơ sở thỏa thuận giữa các quốc gia hữu quan trên cơ sở phương pháp đường trung tuyến cách đều kết hợp với nguyên tắc công bằng.

+ đường trung tuyến cách đều: là đường nằm giữa hai bên

+ công bằng: có tính đến lợi ích của các quốc gia, đảm bảo công bằng trong lợi ích khi phân giới (tức là công bằng không phải cào bằng, không chỉ đơn giản là chia đôi).

Câu hỏi: Chỉ ra sự khác biệt giữa đường biên giới quốc gia trên bộ và đường biên giới quốc gia trên biển ?

Câu hỏi: Đường biên giới quốc gia trên bộ và đường biên giới quốc gia trên biển có tính chất bất khả xâm phạm giống nhau, Đúng hay Sai?

Trả lời: Sai. Vì đường biên giới quốc gia trên bộ có tính chất bất khả xâm phạm một cách tuyệt đối, tức là mọi sự xâm nhập từ bên ngoài đều phải xin phép. Còn đường biên giới quốc gia trên biển là đường ranh giới ngoài của vùng lãnh hải, mà trong vùng lãnh hải thì tàu thuyền của các quốc gia khác có quyền đi qua không gây hại mà không cần phải xin phép, do đó tính chất bất khả xâm phạm ít hơn so với đường biên giới trên bộ.

4. Quy chế pháp lý của biên giới quốc gia

– Quy chế pháp lý của biên giới quốc gia do PL quốc gia và các điều ước quốc tế về biên giới ký kết với các quốc gia có chung đường biên giới quy định.

Chú ý: Các điều ước về biên giới bao giờ cũng là những điều ước vô thời hạn.

– Quy chế pháp lý của biên giới quốc gia thường bao gồm những nội dung:

+ những nguyên tắc và quy định chung về biên giới quốc gia

+ các quy chế qua lại, hoạt động ở khu vực biên giới

+ các quy chế sử dụng nguồn nước, sông suối, khai thác tài nguyên tại biên giới

+ quy chế quản lý, bảo vệ biên giới

+ quy chế giải quyết tranh chấp nảy sinh ở khu vực biên giới

– Thẩm quyền giải quyết vấn đề biên giới – lãnh thổ: chính phủ, quốc hội (nghị viện)

– Việc kiểm soát biên phòng, hải quan, kiểm tra vệ sinh dịch tễ, … ở cửa khẩu nước nào sẽ theo quy định của nước đó (trừ khi 2 bên có thỏa thuận khác)

IV. Các vùng biển thuộc quyền chủ quyền và quyền tài phán của quốc gia ven biển

1. Vùng tiếp giáp lãnh hải

– Định nghĩa: Là vùng biển nằm bên ngoài lãnh hải, tiếp liền với lãnh hải và có bề rộng không quá 24 hải lý tính từ đường cơ sở. Tại vùng tiếp giáp lãnh hải, quốc gia ven biển có quyền riêng biệt và hạn chế đối với tàu thuyền nước ngoài.

– Cách xác định:

+ ranh giới trong là đường biên giới quốc gia trên biển

+ ranh giới ngoài là đường nối liền các điểm cách điểm gần nhất của đường cơ sở 1 khoảng cách không quá 24 hải lý

– Quy chế pháp lý (Điều 33 Công ước luật biển 1982): Tại vùng tiếp giáp lãnh hải, quốc gia ven biển có quyền áp dụng tất cả các biện pháp nhằm ngăn ngừa và trừng trị các hành vi vi phạm trong 4 lĩnh vực là hải quan, thuế, y tế, nhập cư.

Ngoài ra, quốc gia ven biển có thẩm quyền đối với các hiện vật có tính lịch sử và khảo cổ nằm trên đáy biển của vùng tiếp giáp lãnh hải, các quốc gia khác không được khai thác những hiện vật này mà không có sự thỏa thuận với quốc gia ven biển.

2. Vùng đặc quyền kinh tế

– Định nghĩa: Là vùng biển nằm bên ngoài lãnh hải, tiếp liền với lãnh hải, có bề rộng 200 hải lý tính từ đường cơ sở

– Cách xác định:

+ ranh giới trong là đường biên giới quốc gia trên biển

+ ranh giới ngoài là là đường nối liền các điểm cách điểm gần nhất của đường cơ sở 1 khoảng cách không quá 200 hải lý

Chú ý: Từ cách xác định trên cho thấy vùng tiếp giáp lãnh hải có vị trí nằm trọn trong vùng đặc quyền kinh tế nên vùng tiếp giáp lãnh hải được hưởng đồng thời quy chế pháp lý của vùng tiếp giáp lãnh hải và vùng đặc quyền kinh tế, nên người ta còn gọi vùng tiếp giáp lãnh hải là vùng biển có quy chế pháp lý kép (hoặc quy chế hỗn hợp)

– Quy chế pháp lý:

+ Quyền chủ quyền của quốc gia ven biển:

  • Quốc gia ven biển có đặc quyền đối với việc khai thác tài nguyên thiên nhiên, có quyền áp dụng tất cả các biện pháp nhằm khai thác và bảo tồn tài nguyên trong vùng đặc quyền kinh tế. Các đặc quyền này được xác định dựa trên tuyên bố của quốc gia ven biển về xác định vùng đặc quyền kinh tế cũng như tuyên bố xác lập quyền chủ quyền của quốc gia ven biển
  • Đối với tài nguyên cá, quốc gia ven biển có nghĩa vụ phải xác định trữ lượng cá và khả năng khai thác. Trong trường hợp khai thác không hết, quốc gia ven biển có nghĩa vụ san sẻ cho các quốc gia khác trên cơ sở thỏa thuận có tính tới ưu tiên các quốc gia đang phát triển và quốc gia không có biển
  • Quốc gia ven biển có đặc quyền lắp đặt, sử dụng các công trình nhân tạo tại vùng đặc quyền kinh tế
  • Việc nghiên cứu khoa học biển tại vùng đặc quyền kinh tế chỉ được tiến hành nếu được sự đồng ý của quốc gia ven biển

+ Quyền của các quốc gia khác: được hưởng 3 quyền tự do cơ bản

  • Tự do hàng hải
  • Tự do hàng không
  • Tự do lắp đặt dây cáp và ống dẫn ngầm

3. Thềm lục địa

– Định nghĩa: Bao gồm toàn bộ đáy và lòng đất nằm bên ngoài lãnh hải, tiếp liền với lãnh hải, trải dài cho tới bờ ngoài của rìa lục địa hoặc cho tới vị trí cách đường cơ sở 1 khoảng cách 200 hải lý nếu bờ ngoài của rìa lục địa ở khoảng cách gần hơn.

– Cách xác định:

+ ranh giới trong là đường biên giới quốc gia trên biển

+ ranh giới ngoài: có 2 trường hợp:

  • TH1: khi bờ ngoài của rìa lục địa cách đường cơ sở nhỏ hơn hoặc bằng 200 hải lý thì ranh giới ngoài của thềm lục địa là đường cách đường cơ sở 1 khoảng cách bằng 200 hải lý
  • TH2: khi bờ ngoài của rìa lục địa cách đường cơ sở lớn hơn 200 hải lý thì ranh giới ngoài của thềm lục địa được xác định dựa trên 1 trong 2 phương pháp sau:
    • Phương pháp chân dốc lục địa: ranh giới ngoài của thềm lục địa là đường cách chân dốc lục địa 1 khoảng bằng 60 hải lý
    • Phương pháp dựa vào độ dày trầm tích: ranh giới ngoài của thềm lục địa là đường nối liền các điểm mà tại đó bề dày lớp đá trầm tích ít nhất bằng 1/100 so với khoảng cách từ điểm được xét tới chân dốc lục địa

Chú ý: ranh giới ngoài của thềm lục địa được xác định theo 1 trong 2 phương pháp trên phải thỏa mãn 1 trong 2 điều kiện sau:

  • Cách đường cơ sở không quá 350 hải lý
  • Cách đường đẳng sâu 2500m không quá 100 hải lý (đường đẳng sâu 2500m là đường nối liền các điểm ở đáy biển có độ sâu 2500m)

– Quy chế pháp lý:

+ Quyền chủ quyền của quốc gia ven biển:

  • Quyền chủ quyền của quốc gia ven biển đối với thềm lục địa tồn tại một cách đương nhiên, không phụ thuộc vào bất kỳ tuyên bố thực sự hay danh nghĩa nào của quốc gia ven biển
  • Tại thềm lục địa, quốc gia ven biển có đặc quyền khai thác tài nguyên thiên nhiên, không có nghĩa vụ san sẻ khi khai thác không hết, và kể cả khi không khai thác thì quốc gia khác cũng không được quyền khai thác
  • Quốc gia ven biển có đặc quyền khoan và cho phép khoan tại thềm lục địa
  • Các quốc gia khác khi đặt dây cáp và ống dẫn ngầm tại thềm lục địa thì phải thỏa thuận với quốc gia ven biển về tuyến đường đi của tuyến dây cáp và ống dẫn ngầm
  • Trong trường hợp các quốc gia có bờ ngoài của rìa lục địa trải dài quá 200 hải lý tính từ đường cơ sở, khi khai thác tài nguyên tại vùng vượt quá này, quốc gia ven biển có nghĩa vụ nộp 1 khoản phí cho cơ quan quyền lực biển (quy định cụ thể trong Công ước luật biển 1982)

+ Quyền của các quốc gia khác: được hưởng các quyền:

  • Tự do hàng hải
  • Tự do hàng không
  • Tự do lắp đặt dây cáp và ống dẫn ngầm (phải thỏa thuận với quốc gia ven biển tuyến đường đi của dây cáp và ống dẫn ngầm)

tắc “Đất thống trị biển”, thềm lục địa về bản chất vẫn là lãnh thổ đất liền trải dài ra phía biển, nên quốc gia có quyền chủ quyền 1 cách đương nhiên.

Tham khảo trọn bộ bài giảng môn học Công pháp quốc tế: https://study.phapche.edu.vn/khoa-hoc-tim-hieu-mon-cong-phap-quoc-te?ref=lnpc

Mời bạn xem thêm:

Đánh giá bài viết

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài viết liên quan

.
.
.