fbpx
ICA - Học viện đào tạo pháp chế doanh nghiệp
Bài giảng môn học Công pháp quốc tế chương IV

Bài giảng môn học Công pháp quốc tế chương IV với nội dung về dân cư trong luật Quốc tế cung cấp cái nhìn toàn diện về vai trò và quyền lợi của con người trong quan hệ pháp lý quốc tế. Từ quy định về quốc tịch, quyền tự do di chuyển, đến bảo vệ quyền con người và người tị nạn, chương này giải thích rõ những quy phạm pháp luật đảm bảo sự bình đẳng và công bằng cho tất cả các cá nhân trên thế giới. Cùng khám phá kiến thức quan trọng này để hiểu rõ hơn về vị trí và quyền lợi của dân cư trong bối cảnh toàn cầu hóa.

Bài giảng môn học Công pháp quốc tế chương IV

Vấn đề 4: Dân cư trong luật quốc tế

I. Khái niệm dân sư

1. Định nghĩa

– Dân cư là tập hợp những người sinh sống và cư trú trong phạm vi lãnh thổ của 1 quốc gia xác định và chịu sự điều chỉnh của PL của quốc gia đó

2. Các bộ phận dân cư

– Căn cứ vào địa vị pháp lý (tức là quyền và nghĩa vụ), dân cư gồm 2 bộ phận:

+ Công dân

+ Người nước ngoài: là người không mang quốc tịch của quốc gia sở tại, người nước ngoài gồm cả người không quốc tịch và người nhiều quốc tịch

– Người không quốc tịch sẽ không được quốc gia nào bảo hộ khi quyền và lợi ích hợp pháp của họ bị xâm phạm ==> quốc tế cố gắng hạn chế người không quốc tịch

– Người nhiều quốc tịch sẽ đặt ra những vấn đề pháp lý giữa các quốc gia mà người đó mang quốc tịch, ví dụ vấn đề thực hiện nghĩa vụ đối với nhiều quốc gia sẽ rất phức tạp, hoặc khi người có 2 quốc tịch A và quốc tịch B mà phạm tội ở quốc gia A, khi đó liệu quốc gia B có quyền bảo hộ không ? ==> các quốc gia hợp tác với nhau để hạn chế tình trạng người nhiều quốc tịch

II. Một số vấn đề pháp lý về quốc tịch cá nhân

1. Định nghĩa

– Quốc tịch là mối liên hệ pháp lý 2 chiều giữa cá nhân và NN thể hiện ở tổng thể các quyền và nghĩa vụ giữa cá nhân và NN đó. Các quyền và nghĩa vụ này được ghi nhận trong PL và được PL bảo đảm thực hiện

2. Đặc điểm của quốc tịch cá nhân

– Có tính ổn định và bền vững cả về không gian và thời gian:

+ về không gian: việc di chuyển về mặt địa lý (ra ngoài quốc gia mình mang quốc tịch) không làm mất quốc tịch của mình

+ về thời gian: thông thường quốc tịch có từ khi mới sinh ra cho đến khi chết đi

– Mang tính cá nhân sâu sắc: quốc tịch chỉ là của cá nhân, không thể cho, tặng quốc tịch

– Thể hiện mối liên hệ pháp lý 2 chiều giữa cá nhân và NN: quyền của cá nhân là nghĩa vụ của NN và nghĩa vụ của cá nhân là quyền của NN

– Được điều chỉnh bởi cả hệ thống PL quốc tế và hệ thống PL quốc gia:

+ luật quốc gia quy định quyền và nghĩa vụ của công dân

+ luật quốc tế ghi nhận những quyền và nghĩa vụ cơ bản của con người mà luật quốc gia phải tuân theo, luật quốc tế cố gắng hạn chế người không quốc tịch hoặc nhiều quốc tịch

3. Các trường hợp xác lập quốc tịch cá nhân

a. Hưởng quốc tịch do sinh ra

– Là việc xác định quốc tịch cho trẻ em ngay từ chúng mới chào đời dựa theo 1 trong các nguyên tắc sau:

+ nguyên tắc huyết thống (jus sanguinis): đứa trẻ sinh ra sẽ mang quốc tịch của cha hoặc mẹ mà không phụ thuộc vào việc sinh ra ở quốc gia nào. VD Trung Quốc, các quốc gia ở châu Âu

+ nguyên tắc nơi sinh (jus soli): đứa trẻ sinh ra tại lãnh thổ quốc gia nào sẽ mang quốc tịch của quốc gia đó, không phụ thuộc vào quốc tịch của cha mẹ chúng. VD các quốc gia ở châu Mỹ La Tinh như Mỹ, Mexico, Braxin

+ nguyên tắc hỗn hợp: áp dụng cả nguyên tắc huyết thống và nguyên tắc nơi sinh theo trình tự nhất định theo từng trường hợp để xác định quốc tịch. Đây là nguyên tắc được phần lớn các quốc gia áp dụng, VN cũng áp dụng phương pháp này để xác định quốc tịch (cơ sở pháp lý là Điều 14-18 Luật Quốc tịch 2008)

Bài giảng môn học Công pháp quốc tế chương IV
Bài giảng môn học Công pháp quốc tế chương IV

Câu hỏi: bà mẹ người Trung Quốc đi du lịch sang Hoa Kỳ và sinh con ở Hoa Kỳ thì đứa trẻ sinh ra sẽ mang quốc tịch nào ?

Trả lời: trường hợp này đứa trẻ sẽ mang đồng thời 2 quốc tịch: quốc tịch Trung Quốc theo nguyên tắc huyết thống, và quốc tịch Hoa Kỳ theo nguyên tắc nơi sinh

Câu hỏi: Bà mẹ Hoa Kỳ sinh con tại Trung Quốc, đứa trẻ sinh ra sẽ mang quốc tịch nào ?

Trả lời: trường hợp này đứa trẻ sẽ không có quốc tịch của bất kỳ quốc gia nào

b. Hưởng quốc tịch do xin vào quốc tịch

– Có các trường hợp:

+ gia nhập quốc tịch: xuất phát từ ý chí nguyện vọng của cá nhân, làm đơn xin gia nhập quốc tịch theo quy định của luật quốc gia.

Điều kiện để người nước ngoài được gia nhập quốc tịch VN: (theo Điều 19 luật Quốc tịch 2008):

  • Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của pháp luật Việt Nam
  • Tuân thủ Hiến pháp và pháp luật Việt Nam; tôn trọng truyền thống, phong tục, tập quán của dân tộc Việt Nam
  • Biết tiếng Việt đủ để hoà nhập vào cộng đồng Việt Nam
  • Đã thường trú ở Việt Nam từ 5 năm trở lên tính đến thời điểm xin nhập quốc tịch Việt Nam
  • Có khả năng bảo đảm cuộc sống tại Việt Nam

+ phụ nữ kết hôn với người nước ngoài: xuất phát từ quan điểm của các nước Hồi giáo và từ thời phong kiến, khi phụ nữ kết hôn với người nước ngoài thì sẽ mang quốc tịch của người chồng. Tuy nhiên một số quốc gia khác lại quy định việc kết hôn với người nước ngoài không làm thay đổi quốc tịch của phụ nữ. Công ước 1957 về quốc tịch của phụ nữ khi lấy chồng đã quy định phụ nữ có địa vị pháp lý bình đẳng với nam giới trong việc giữ hoặc thay đổi quốc tịch khi kết hôn (tức là người phụ nữ có quyền lựa chọn giữ quốc tịch của mình hoặc theo quốc tịch của chồng), và việc thay đổi quốc tịch của người chồng trong thời kỳ hôn nhân không làm thay đổi quốc tịch của người vợ.

Chú ý: việc gia nhập quốc tịch bằng cách kết hôn với người nước ngoài sẽ không cần phải chứng minh đầy đủ các điều kiện như trong trường hợp xin gia nhập quốc tịch (như không cần phải chứng minh biết tiếng của đất nước đó, không cần phải cư trú một khoảng thời gian, không cần phải có khả năng bảo đảm cuộc sống)

+ được người nước ngoài nhận làm con nuôi: các quốc gia có quy định khác nhau:

  • Nhận con nuôi trọn vẹn: khi trẻ em được người nước ngoài nhận làm con nuôi thì sẽ mất quốc tịch gốc và có quốc tịch của cha mẹ nuôi
  • Nhận con nuôi từng phần: khi trẻ em được người nước ngoài nhận làm con nuôi thì sẽ tạm thời mất quốc tịch gốc và gia nhập quốc tịch cha mẹ nuôi đến năm 18 tuổi, thì sẽ do đứa trẻ quyết sẽ tiếp tục quốc tịch của cha mẹ nuôi hay trở về quốc tịch gốc

VN quy định nhận con nuôi từng phần (luật Nuôi con nuôi 2010)

c. Hưởng quốc tịch do sự lựa chọn

– Thường đặt ra khi có sự chia tách, sáp nhập, hợp nhất lãnh thổ quốc gia, khi đó cá nhân có quyền lựa chọn quốc tịch cho mình theo quyền dân tộc tự quyết.

d. Hưởng quốc tịch do sự phục hồi

– Là trường hợp khôi phục lại quốc tịch cho người đã mất quốc tịch vì lý do nào đó.

VD: phụ nữ kết hôn với người nước ngoài, gia nhập quốc tịch của chồng, sau đó ly hôn và hồi hương về nước, và xin quay trở lại quốc tịch cũ.

VD: Việt kiều do không đăng ký giữ quốc tịch nên bị mất quốc tịch, sau đó xin gia nhập quốc tịch trở lại

– Thủ tục và điều kiện hưởng quốc tịch theo sự phục hồi quốc tịch đơn giản hơn so với người xin gia nhập quốc tịch lần đầu

e. Hưởng quốc tịch do được thưởng quốc tịch

– Là hành vi của cơ quan NN có thẩm quyền thưởng cho người có công trạng lớn với quốc gia mình

Chú ý: quốc gia muốn thưởng quốc tịch cho cá nhân thì phải được sự đồng ý của cá nhân đó

– Sau khi cá nhân được thưởng quốc tịch, hệ quả pháp lý có 2 trường hợp:

+ cá nhân đó di chuyển đến quốc gia đó và trở thành công dân thực thụ của quốc gia đó

+ chỉ nhận quốc tịch đó với tư cách là công dân danh dự

Câu hỏi:

(1) Phân biệt giữa quốc tịch cá nhân và quốc tịch của phương tiện bay và tàu thuyền

(2) Chỉ ra trường hợp đã được thưởng quốc tịch và trường hợp VN tước quốc tịch cá nhân

Trả lời (tự trả lời):

(1) Phân biệt quốc tịch cá nhân và quốc tịch của phương tiện bay và tàu thuyền:

Quốc tịch cá nhânQuốc tịch của phương tiện bay và tàu thuyền
Giống nhau:+ Đều được quốc gia có quốc tịch bảo hộ+ Đều có tính ổn định về không gian+ Đều có thể chuyển sang quốc tịch khác
Khi sinh ra đã có quốc tịchKhi sản xuất xong phải đăng ký quốc tịch (của quốc gia sản xuất hoặc quốc gia mua phương tiện đó)
Có thể có nhiều quốc tịchChỉ có 1 quốc tịch duy nhất
Có thể bị quốc gia tước quốc tịchKhông bị tước quốc tịch

(2) Trường hợp người nước ngoài đầu tiên được thưởng quốc tịch VN là ông André Marcel Menras, người Pháp, vì đã đấu tranh phản đối Pháp, Mỹ gây chiến tranh ở VN, lấy tên Việt Nam là Hồ Cương Quyết, và đã được thưởng quốc tịch VN năm 2009.

Hiện tại chưa ghi nhận trường hợp công dân VN nào bị tước quốc tịch.

4. Các trường hợp chấm dứt quốc tịch cá nhân

a. Xin thôi quốc tịch

– Những trường hợp chưa được phép thôi quốc tịch:

+ cá nhân chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính với quốc gia. VD cá nhân phải thi hành 1 bản án dân sự của Tòa án trong đó có việc trả nợ; hoặc cá nhân là giám đốc 1 doanh nghiệp mà doanh nghiệp đó nợ tiền bảo hiểm của người lao động

+ cá nhân đang bị tạm giam, tạm giữ, bị truy cứu trách nhiệm hình sự, bị chấp hành hình phạt tù.

+ cá nhân chưa hoàn thành nghĩa vụ quân sự

– Ngoài ra còn có các trường hợp:

+ cá nhân làm việc trong những cơ quan có liên quan đến quốc phòng, an ninh thì không được phép xin thôi quốc tịch

– Việc thôi quốc tịch xuất phát từ ý chí và nguyện vọng của cá nhân, cá nhân thể hiện điều đó bằng cách làm đơn xin thôi quốc tịch gửi cơ quan NN có thẩm quyền, khi được phê duyệt thì sẽ không còn là công dân của quốc gia đó.

b. Bị tước quốc tịch

– Là chế tài áp dụng đối với các cá nhân trong trường hợp:

+ cá nhân đang cư trú, sinh sống ở nước ngoài có hành vi vi phạm PL quốc gia, không còn xứng đáng là công dân nữa. Thường là trường hợp bị buộc tội phản bội tổ quốc.

+ người nước ngoài có hành vi gian dối để được nhập quốc tịch quốc gia

c. Đương nhiên mất quốc tịch

– Một số quốc gia quy định: nếu công dân nước mình mà làm việc trong cơ quan của nước ngoài, đặc biệt làm việc trong các đơn vị lực lượng vũ trang của nước ngoài thì sẽ đương nhiên bị mất quốc tịch quốc gia. Việt Nam không quy định trường hợp này.

– Ở VN, cá nhân chỉ đương nhiên mất quốc tịch khi chết

5. Các trường hợp đặc biệt về quốc tịch

a. Người có 2 hay nhiều quốc tịch

– Hai hay nhiều quốc tịch là tình trạng pháp lý của 1 cá nhân đồng thời có quốc tịnh của từ 2 quốc gia trở lên

– Nguyên nhân:

+ do sự khác biệt về PL quốc tịnh giữa các quốc gia. Ví dụ ở VN xác định quốc tịch theo nguyên tắc huyết thống, còn Hoa Kỳ theo nguyên tắc nơi sinh, khi đó nếu một cặp vợ chồng người VN sang Mỹ làm việc và sinh con ở Mỹ thì đứa trẻ sinh ra sẽ có 2 quốc tịch VN và Mỹ

+ do 1 người đã có quốc tịch mới nhưng chưa thôi quốc tịch gốc. Hầu hết các nước đều yêu cầu người nước ngoài muốn gia nhập quốc tịch nước mình thì phải thôi quốc tịch gốc, tuy nhiên một số nước (như Canada) không yêu cầu người nước ngoài phải thôi quốc tịch gốc khi gia nhập quốc tịch ==> có hiện tượng 2 quốc tịch

Câu hỏi: Tại sao hầu hết các nước ở châu Âu lại xác định quốc tịch theo nguyên tắc huyết thống, trong khi hầu hết các nước châu Mỹ lại xác định quốc tịch theo nguyên tắc nơi sinh ?

Trả lời: do yếu tố lịch sử. Châu Âu là lục địa già, bao gồm các quốc gia lâu đời, diện tích lại nhỏ (trừ Nga), nên ở châu Âu rất coi trọng huyết thống. Còn châu Mỹ gồm toàn các quốc gia trẻ (chỉ mới hơn 200 năm tuổi), lại có diện tích lớn, dân cư hầu hết do di cư từ các quốc gia khác đến, nên các nước châu Mỹ rất muốn dân cư trở nên đông đúc

– Hệ quả pháp lý: dẫn đến sự xung đột về thẩm quyền bảo hộ giữa các quốc gia.

VD trường hợp cá nhân có 2 quốc tịch khi bị xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp tại quốc gia thứ 3, thì về nguyên tắc cả 2 quốc gia đó đều có quyền bảo hộ công dân của mình, khi đó quốc gia thứ 3 phải lựa chọn quốc gia nào được quyền bảo hộ cho cá nhân đó.

VD cá nhân có 2 quốc tịch, đang ở trong 1 quốc gia mà vi phạm PL quốc gia đó, khi đó có cho phép nước còn lại bảo hộ không ? Năm 1990, 1 công dân VN đã xin gia nhập quốc tịch Canada, người đó có 2 quốc tịch VN và Canada, khi từ Canada về VN thì tại cửa khẩu, bị công an VN phát hiện hành lý có ma túy, người này lập tức liên hệ với đại sứ quán Canada để xin được bảo hộ, chính phủ Canada yêu cầu dẫn độ người này về Canada xét xử. Khi đó nếu VN đồng ý để dẫn độ về Canada thì sẽ vi phạm luật VN đối với công dân VN phạm tội trên lãnh thổ VN, còn nếu không đồng ý dẫn độ thì sẽ gây căng thẳng giữa 2 nước.

Công ước La-hay quy định: Một quốc gia không được đưa ra yêu cầu bảo hộ đối với 1 cá nhân có 2 hay nhiều quốc tịch nếu người đó có hành vi chống lại 1 trong các nước mà người đó là công dân.

==> VN đã viện dẫn Công ước La-hay để từ chối yêu cầu bảo hộ của Canada và vẫn xét xử theo luật pháp VN. Tuy nhiên việc này đã gây ra căng thẳng giữa VN và Canada trong 1 thời gian.

– Cách giải quyết tình trạng người nhiều quốc tịch:

+ cho phép người có 2 hay nhiều quốc tịch lựa chọn 1 quốc tịch trong số các quốc tịch người đó đang có, khi đó chỉ quốc gia được chọn mới được bảo hộ

+ áp dụng nguyên tắc quốc tịch hữu hiệu để xác định quốc tịch: quốc gia thứ 3 sẽ xác định 1 người có 2 hay nhiều quốc tịch chỉ có 1 quốc tịch căn cứ vào thời gian cư trú (thời gian cư trú ở đâu lâu hơn sẽ chọn quốc tịch đó), trường hợp cư trú ở 2 quốc gia ngang nhau thì sẽ căn cứ vào mối quan hệ gắn bó nhất. (căn cứ để xác định mối quan hệ gắn bó nhất: vợ con mang quốc tịch nước nào thì nước đó là gắn bó nhất, công việc làm ăn chủ yếu diễn ra ở nước nào thì nước đó là gắn bó nhất)

– VN quy định “Công dân VN là người có 1 quốc tịch VN” (Điều 4 luật Quốc tịch 2008), tuy nhiên đến năm 2014 thì sửa đổi theo nguyên tắc 1 quốc tịch mềm dẻo, theo đó quy định 2 trường hợp công dân VN được có thêm quốc tịch khác:

+ người VN định cư ở nước ngoài, đã nhập quốc tịch nước ngoài nhưng chưa thôi quốc tịch VN

+ người nước ngoài gia nhập quốc tịch VN nếu được Chủ tịch nước cho phép thì không phải từ bỏ quốc tịch gốc.

Câu hỏi: Tại sao VN lại quy định mềm dẻo như vậy ?

Trả lời:

+ với trường hợp đầu, “người VN định cư ở nước ngoài, đã nhập quốc tịch nước ngoài nhưng chưa thôi quốc tịch VN”, trước đây có quy định người VN định cư ở nước ngoài khi gia nhập quốc tịch nước đó thì phải đến đại sứ quán VN để xin đăng ký giữ quốc tịch, tuy nhiên rất ít người đến xin đăng ký giữ quốc tịch (chủ yếu do không biết thông tin), nên đến năm 2014 đã bỏ quy định này.

Việc quy định như vậy có ý nghĩa lớn về mặt xã hội, theo đó phù hợp với chủ trương “người VN định cư ở nước ngoài là 1 bộ bộ phận không thể tách rời của dân tộc VN”, vì người VN định cư ở nước ngoài chủ yếu ở Mỹ và Canada sau biến cố 1975 vì lý do chính trị chứ không phải vì ý chí và nguyện vọng của họ. Ngoài ra về mặt kinh tế, khi quy định người VN định cư ở nước ngoài vẫn là công dân VN dù đã gia nhập quốc tịch khác thì đó sẽ là “mỏ vàng” để thu hút đầu tư, thu hút ngoại tệ về VN.

+ với trường hợp hai, quy định như vậy là để thu hút nhân tài đến với VN với mong muốn đóng góp để xây dựng và phát triển VN nhưng vẫn muốn giữ quốc tịch gốc. VD trường hợp thủ môn Phan Văn Santot người Braxin được Chủ tịch nước đồng ý cho gia nhập quốc tịch VN nhưng vẫn giữ quốc tịch gốc là Braxin, và cầu thủ này đã là thủ môn của đội tuyển bóng đá quốc gia VN.

b. Người không quốc tịch

– Không quốc tịch là tình trạng pháp lý của 1 cá nhân không mang quốc tịch của bất kỳ quốc gia nào

– Nguyên nhân:

+ do trẻ em sinh ra trên lãnh thổ của quốc gia chỉ áp dụng nguyên tắc quyền huyết thống mà cha mẹ là người không quốc tịch

+ do 1 người đã mất quốc tịch cũ (đã xin thôi quốc tịch, hoặc bị tước quốc tịch) nhưng chưa có quốc tịch mới

– Hệ quả của tình trạng không quốc tịnh: người không quốc tịch sẽ không nhận được sự bảo hộ của bất kỳ quốc gia nào khi quyền và lợi ích bị xâm hại

– Cách thức giải quyết:

+ áp dụng cả nguyên tắc quyền huyết thống và quyền nơi sinh của trẻ em (như VN đã áp dụng)

+ cho phép người không quốc tịch được nhập quốc tịch của quốc gia sở tại khi thỏa mãn các quy định của luật quốc gia.

VD với người Campuchia chạy trốn khỏi nạn diệt chủng Pon Pot những năm 1970 sang VN, đã sinh sống tại VN suốt từ đó đến nay, không muốn trở về Campuchia, và VN đã tạo điều kiện cho những người này gia nhập quốc tịch VN.

VD: các cô gái VN (chủ yếu ở miền tây) lấy chồng nước ngoài (Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan), mà những nước này bắt buộc chỉ có 1 quốc tịch nên phải xin thôi quốc tịch VN. Nhưng sau một thời gian không chịu được khổ (do hầu hết những người sang VN lấy vợ đều là người nghèo, hoặc có vấn đề về thần kinh) nên trốn về. Những cô gái này chưa có quốc tịch của quốc gia của chồng, nhưng đã mất quốc tịch VN, do đó trở thành diện không có quốc tịch.

IV. Bảo hộ công dân

1. Định nghĩa

– Theo nghĩa rộng, bảo hộ công dân là tất cả các hoạt động do cơ quan NN có thẩm quyền của quốc gia thực hiện để tạo mọi điều kiện cho công dân của mình trong quá trình cư trú, sinh sống ở nước ngoài.

Ví dụ: 1 người VN ở nước ngoài muốn nhận con nuôi, anh ta sẽ đến cơ quan lãnh sự của VN để đăng ký

1 nam 1 nữ người VN sang Singapo du học và đăng ký kết hôn tại Singapo, họ sẽ đến đâu để đăng ký kết hôn ? ==> họ sẽ đến cơ quan lãnh sự của VN tại Singapo để đăng ký kết hôn

Chú ý: cơ quan lãnh sự có thể là Lãnh sự quán tại địa phương, hoặc Phòng Lãnh sự trong Đại sứ quán

– Theo nghĩa hẹp, bảo hộ công dân là hoạt động của cơ quan NN có thẩm quyền nhằm bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân nước mình ở nước ngoài khi các quyền và lợi ích hợp pháp đó bị xâm hại.

VD: 1 công dân VN sang Thái Lan du lịch, bị lấy trộm hành lý, mất toàn bộ tiền bạc, tư trang và giấy tờ, thì anh ta có thể đến cơ quan có thẩm quyền của VN tại Thái Lan để yêu cầu trợ giúp. Thông thường thì công dân đó sẽ được cấp lại giấy tờ cần thiết để về nước và 1 khoản tiền, và yêu cầu cơ quan chức năng tại Thái Lan khẩn trương tìm ra thủ phạm đã xâm hại công dân nước mình.

2. Thẩm quyền bảo vệ công dân

– Thẩm quyền bảo hộ ở trong nước: cơ quan cao nhất chịu trách nhiệm bảo hộ công dân ở nước ngoài là Bộ Ngoại giao

– Thẩm quyền bảo hộ ở nước ngoài: cơ quan lãnh sự (Tổng lãnh sự / Lãnh sự quán), hoặc Cơ quan đại diện ngoại giao (Đại sứ quán)

Chú ý: việc xin cấp Visa để vào 1 quốc gia thì sẽ do Cơ quan lãnh sự của quốc gia đó cấp (trường hợp đến Đại sứ quán xin cấp thì thực chất là đến Phòng lãnh sự của Đại sứ quán)

3. Điều kiện bảo hộ công dân

– Công dân được quốc gia bảo hộ khi

+ Người được bảo hộ phải có quốc tịch quốc gia đó

+ Khi quyền và lợi ích hợp pháp của người đó bị xâm hại

Chú ý: quốc gia chỉ bảo hộ cho công dân của quốc gia mình, ngoại trừ các nước trong Liên minh châu Âu (EU), khi công dân của 1 nước trong EU bị xâm hại quyền và lợi ích tại 1 quốc gia khác thì có thể đến cơ quan lãnh sự của bất kỳ quốc gia nào trong EU đặt tại quốc gia đó để xin bảo hộ. VD công dân Pháp đi du lịch ở Trung Quốc bị xâm hại, thì có thể đến lãnh sự quán của Pháp, hay của Đức, Anh, Bỉ, Hà Lan, … để xin bảo hộ

4. Biện pháp bảo hộ công dân

– Về nguyên tắc, các biện pháp bảo hộ công dân phải là các biện pháp ngoại giao và không liên quan đến sử dụng vũ lực.

VD: chợ Vòm của người VN ở Nga bị cháy, thì ngay lập tức cơ quan lãnh sự VN ở Nga đến thăm hỏi, trợ cấp, và yêu cầu cơ quan chức năng của Nga khẩn trương tìm nguyên nhân và khắc phục hậu quả.

VD: khi chiến tranh bùng nổ ở Liby năm 2010, có đến 10.000 người VN đang lao động ở Liby, và cơ quan lãnh sự VN tại Liby đã thuê máy bay để đưa người VN về nước.

Chú ý: Có quan điểm cho rằng nếu đã dùng tất cả các biện pháp ngoại giao mà vẫn không giải quyết được thì có thể sử dụng vũ lực. Đó là trường hợp năm 1979, khi phong trào chống phương Tây tại Iran đang dâng cao, một nhóm sinh viên Iran quá khích đã bao vây Đại sứ quán Mỹ tại Teheran và có hành vi muốn xâm hại những người Mỹ trong đại sứ quán. Ngay lập tức Mỹ đã sử dụng các biện pháp ngoại giao cần thiết để yêu cầu chính quyền sở tại bảo vệ người Mỹ trong đại sứ quán, tuy nhiên Iran đã không làm gì, thậm chí còn khuyến khích cách sinh viên quá khích. Và kết quả là Mỹ đã điều lực lượng quân đội đến tấn công những kẻ bao vây và đưa những người Mỹ tại tòa đại sứ về nước.

Hiện nay, quốc tế vẫn tranh luận về vấn đề này. Một phe (gồm Nga và mốt số ít quốc gia khác) cho rằng trong bất kỳ trường hợp nào cũng không được sử dụng vũ lực vì nó sẽ vi phạm nguyên tắc không sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế. Phe còn lại (hầu hết các quốc gia) cho rằng nếu đã sử dụng tất cả các biện pháp ngoại giao cần thiết mà vẫn không giải quyết được thì có thể sử dụng vũ lực. Tuy nhiên ngay cả Nga cũng vi phạm tuyên bố của mình, đó là vào năm 2014, khi có chính biến tại Ucraina, Nga đã đưa quân đội vào bán đảo Crume lúc đó vẫn thuộc Ucraina với lý do để bảo vệ cho người Nga và người nói tiếng Nga ở Crume, việc Nga đưa quân đội vào lãnh thổ nước khác là vi phạm luật quốc tế.

Chú ý: việc bảo hộ công dân tuy tuân theo luật quốc tế nhưng mức độ hiệu quả phụ thuộc rất nhiều vào mối quân hệ giữa 2 quốc gia, và vị thế của quốc gia bảo hộ công dân của mình.

Ví dụ, trong những năm 2000, nước Nga có nạn “đầu trọc” có tư tưởng bài ngoại rất cực đoan, 1 công dân VN sang Nga du học và bị bọn “đầu trọc” giết. Đại sứ quán VN tại Nga đã giúp đỡ để thân nhân người bị hại đưa xác nạn nhân về VN an táng, đồng thời yêu cầu phía Nga nhanh chóng tìm ra thủ phạm và đưa ra xét xử. Ở phiên xét xử thứ nhất, bồi thẩm đoàn tuyên nhóm “đầu trọc” đó vô tội. Đại sứ quán VN tại Nga phản đối quyết định này, bộ Ngoại giao VN cũng gửi công hàm phản đối và yêu cầu phía Nga xét xử lại. Ở phiên phúc thẩm, bồi thẩm đoàn vẫn tuyên vô tội với nhóm “đầu trọc”, do phúc thẩm là chung thẩm (giống luật VN) nên phía VN không thể làm được gì hơn, chấp nhận nhìn kẻ phạm tội không bị trừng phạt. Trong trường hợp này, nếu nạn nhân không phải là người VN mà là người Mỹ, hay thuộc EU thì kết quả phiên tòa có thể sẽ rất khác.

V. Các chế độ pháp lý dành cho người nước ngoài

– Người nước ngoài đồng thời chịu sự điều chỉnh đồng thời của:

+ pháp luật quốc gia sở tại: xuất phát từ chủ quyền quốc gia, quốc gia có toàn quyền đối với mọi cá nhân trong lãnh thổ của mình

+ pháp luật quốc gia mà người đó mang quốc tịch: xuất phát từ tính bền vững và ổn định về không gian của quốc tịch, nên công dân dù có đi đâu cũng được hưởng quyền và nghĩa vụ của quốc gia mà mình mang quốc tịch

+ pháp luật quốc tế

1. Chế độ đối xử quốc gia (NT – National Treatment)

– Là chế độ pháp lý dành cho người nước ngoài, theo đó người nước ngoài được hưởng các quyền và nghĩa vụ ngang bằng với công dân của nước sở tại trong hầu hết các lĩnh vực, chủ yếu liên quan đến các quan hệ dân sự theo nghĩa rộng (tức là bao gồm chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa)

– Thông thường chỉ có một số hạn chế như không được bầu cử, ứng cử, không được tuyển dụng làm công chức, không được tham gia vào các lĩnh vực như quân sự, an ninh, cơ yếu, Tổng giám đốc các đài phát thanh, truyền hình, Tổng biên tập các báo, tạp chí…

Chú ý: trước đây, ở các điểm du lịch (như Văn miếu Quốc tử giám, đền Ngọc sơn) có bán vé tham quan cho người VN riêng vào người nước ngoài riêng (giá cao hơn), như vậy là vi phạm chế độ đối xử công bằng với người nước ngoài như với công dân trong nước. (sau này đã bỏ việc bán vé riêng cho người nước ngoài)

– Đây là chế độ đương nhiên theo thông lệ quốc tế mà không cần bất cứ sự thỏa thuận nào.

2. Đối xử tối huệ quốc (MFN – Most Favoured Nation)

– Là chế độ pháp lý dành cho người nước ngoài, theo đó quốc gia sở tại phải dành cho người nước ngoài đang cư trú trên lãnh thổ nước mình những quyền và ưu đãi mà quốc gia đang dành cho thể nhân, pháp nhân của bất kỳ quốc gia nào khác trên cơ sở thỏa thuận của các bên.

– Thông thường chế độ đối xử tối huệ quốc thường được áp dụng trong lĩnh vực thương mại và hàng hải. VD các nước ASEAN hình thành khu vực kinh tế có điều khoản tối huệ quốc, khi đó nếu VN dành cho hàng nông sản của Lào thuế suất nhập khẩu 0% thì cũng sẽ phải dành cho 8 nước còn lại thuế suất nhập khẩu 0%

– Mục đích của tối huệ quốc là để tạo ra sự bình đẳng về địa vị pháp lý giữa người nước ngoài với nhau đang cư trú trên lãnh thổ 1 quốc gia, nhờ đó thương mại được phát triển

==> trong WTO thì tối huệ quốc và đối xử quốc gia là 2 nguyên tắc của sự bình đẳng và tự do hóa thương mại

– Ngoại lệ:

+ ưu đãi phân chia theo đặc thù quốc gia. Ví dụ: VN và EU ký hiệp định thương mại, trong đó EU dành cho giày dép da VN thuế nhập khẩu ưu đãi là 2%, trong khi đó thì cả EU, VN, và Mỹ đều là thành viên của WTO mà trong đó có điều khoản về tối huệ quốc với nội dung “mỗi bên ký kết phải dành cho bên ký kết kia sự đối xử không kém phần thuận lợi hơn sự đối xử đã dành cho thể nhân, pháp nhân của bất kỳ bên thứ 3 nào khác”. Khi đó thì EU cũng sẽ phải dành cho Mỹ mức thuế nhập khẩu giầy dép da từ Mỹ là 2%. Tuy nhiên EU viện dẫn do VN là quốc gia có trình độ phát triển thấp nên EU dành cho VN chế độ ưu đãi thuế quan phổ cập, và Mỹ là nước có trình độ phát triển cao, nên không thể đòi hỏi được đối xử như đối với VN.

+ thỏa thuận của các quốc gia khi kết kết các thỏa thuận thương mại khu vực. Ví dụ: VN và Trung Quốc ký hiệp định thương mại có điều khoản tối huệ quốc, và theo điều khoản này thì nếu VN dành mức thuế nhập khẩu cho hàng hóa từ bất kỳ nước nào như thế nào thì cũng sẽ phải dành cho hàng hóa từ Trung Quốc mức thuế đó. Nhưng VN và 9 nước Asean đều là thành viên của khu vực tự do Asean, và đã thỏa thuận có thể dành cho các nước Asean những ưu đãi đặc biệt mà không dành cho các nước ngoài Asean. Do đó VN có thể dành mức thuế nhập khẩu cho hàng hóa từ Asean thấp hơn mức thuế nhập khẩu của hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc.

3. Đối xử đặc biệt

– Là chế độ pháp lý dành cho người nước ngoài, theo đó người nước ngoài được hưởng các quyền mà ngay cả công dân nước sở tại cũng không được hưởng, và không phải gánh chịu trách nhiệm mà trong tình huống tương tự công dân nước sở tại vẫn phải gánh chịu trách nhiệm.

– Chế độ này chủ yếu áp dụng trong lĩnh vực ngoại giao – lãnh sự

VD: đại sứ các nước được hưởng các quyền miễn trừ trách nhiệm dân sự, hình sự (như được miễn kiểm tra hành lý khi đi máy bay, nhập cảnh, xuất cảnh)

Chú ý: Cư trú chính trị không phải là chế độ pháp lý dành cho người nước ngoài. Bản chất của cư trú chính trị là việc 1 quốc gia cho phép người nước ngoài đang bị truy đuổi tại nước mà họ là công dân vì họ có quan điểm về chính trị, tôn giáo, văn hóa, … không liên quan đến vi phạm PL của nước đó, được cư trú trên lãnh thổ nước mình. Mục đích của chế định cư trú chính trị là tạo điều kiện cho những người đấu tranh vì hòa bình, vì dân chủ, … bị truy đuổi ở nước sở tại được cư trú trên lãnh thổ nước mình. Khi đã cho phép 1 người cư trú chính trị, thì quốc gia đó không có nghĩa vụ phải dẫn độ người đó về quốc gia mà người đó là công dân.

Chú ý: người xin cư trú chính trị phải không được vi phạm luật pháp tại quốc gia mà họ là công dân, nếu không thì quốc gia nhận cư trú chính trị sẽ phạm vào nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ quốc gia khác của luật quốc tế. Việc quốc gia đồng ý hay từ chối cho công dân nước khác cư trú chính trị hoàn toàn là quyền của quốc gia đó.

Tham khảo trọn bộ bài giảng môn học Công pháp quốc tế: https://study.phapche.edu.vn/khoa-hoc-tim-hieu-mon-cong-phap-quoc-te?ref=lnpc

Mời bạn xem thêm:

Đánh giá bài viết

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài viết liên quan

.
.
.