fbpx
ICA - Học viện đào tạo pháp chế doanh nghiệp
Bài giảng môn học Luật hôn nhân và gia đình chương VII

Bài giảng môn học Luật hôn nhân và gia đình chương VII

Chương 7: Chấm dứt hôn nhân

I. Chấm dứt hôn nhân do ly hôn

1. Quyền yêu cầu ly hôn (Điều 51)

Ly hôn không phải là nguyên nhân dẫn đến quan hệ vợ chồng tan vỡ, mà ly hôn là ghi nhận sự tan vỡ bên trong của cuộc hôn nhân, chỉ là một biên bản chứng minh cuộc hôn nhân đã chấm dứt.

Nếu 2 vợ chồng cùng yêu cầu ly hôn thì là trường hợp thuận tình ly hôn, Tòa án gọi là việc ly hôn.

Nếu chỉ 1 bên đề nghị ly hôn thì là trường hợp ly hôn do 1 bên yêu cầu, Tòa án gọi là vụ án ly hôn

Ly hôn phải do vợ hoặc chồng hoặc cả 2 yêu cầu, trừ trường hợp có thể do cha, mẹ, người thân thích khác yêu cầu thay khi xảy ra đồng thời 3 điều kiện:

  • Bị mất năng lực hành vi dân sự
  • Nạn nhân của bạo lực gia đình do chính người chồng / vợ của mình gây ra
  • Làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần

Hạn chế quyền ly hôn của người chồng trong trường hợp vợ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi.

Như vậy nếu đứa con sinh ra bị chết  khi dưới 12 tháng tuổi thì người chồng vẫn bị hạn chế quyền ly hôn cho đến khi đủ 12 tháng kể từ ngày người vợ sinh.

Vấn đề bất cập: ngay cả trường hợp người vợ mang thai với người khác (ngoại tình), sinh con không phải của người chồng thì người chồng vẫn bị hạn chế quyền ly hôn. Lý do của nhà làm luật: để bảo vệ quyền lợi của đứa trẻ.

Chú ý: người vợ không bị hạn chế quyền ly hôn trong bất kỳ trường hợp nào.

Với trường hợp mang thai hộ:

Khi mang thai thì chồng của người mang thai hộ không được ly hôn, chồng của người nhờ mang thai hộ không bị hạn chế quyền ly hôn

Khi đứa trẻ được sinh ra thì cả 2 ông chồng đều bị hạn chế quyền ly hôn cho đến sau 12 tháng kể từ ngày đứa trẻ được sinh ra:

  • ông chồng của người nhận mang thai hộ gặp sự kiện người vợ của mình sinh con (dù không phải con của mình nhưng vẫn là sinh con)
  • ông chồng của người được mang thai hộ gặp sự kiện người vợ của mình nuôi con dưới 12 tháng tuổi

Chú ý: trong thời gian người chồng bị hạn chế quyền ly hôn nêu trên, kể cả khi 2 vợ chồng thuận tình ly hôn thì cũng không được Tòa chấp thuận. Lý do: nếu Tòa chấp nhận thì tức là đáp ứng yêu cầu ly hôn của người chồng, vi phạm quy định hạn chế lý hôn đối với người chồng ==> chỉ có thể ly hôn đơn phương từ khía người vợ

Bài giảng môn học Luật hôn nhân và gia đình chương VII
Bài giảng môn học Luật hôn nhân và gia đình chương VII

Chú ý: trường hợp Tòa bác đơn ly hôn thì phải đủ 12 tháng sau mới được đệ đơn xin ly hôn.

Chú ý: trường hợp Tòa sơ thẩm đã đồng ý cho ly hôn, trong thời gian chờ Tòa phúc thẩm thì người vợ mang thai, hoặc trong lúc xử sơ thẩm thì thai nhi quá nhỏ, chưa thể phát hiện. Theo Luật tố tụng thì Tòa phúc thẩm không thể bác đơn của Tòa sơ thẩm ==> vấn đề này chưa có văn bản quy định.

Chú ý: luật HNGĐ 2014 không quy định về ly thân (gọi là ly hôn trên thực tế). Như vậy khi ly thân nếu có con thì đứa con vẫn được PL coi là con chung của 2 vợ chồng.

2. Các trường hợp ly hôn và căn cứ lý hôn

a. Thuận tình ly hôn (Điều 55)

– Là 2 bên cùng yêu cầu ly hôn

– Căn cứ của ly hôn thuận tình:

+ 2 bên thực sự tự nguyện ly hôn

+ đã thỏa thuận về việc chia tài sản, việc trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con cái trên cơ sở bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ và con. (lý do: để đảm bảo quyền lợi cho phụ nữ và trẻ em)

– Nếu phát hiện thuận tình ly hôn giả tạo thì Tòa sẽ không cho ly hôn: là trường hợp ly hôn để trốn tránh nghĩa vụ tài sản, hoặc để vi phạm chính sách về dân số hay vì mục đích khác không nhằm chấm dứt quan hệ hôn nhân thực tế.

– Thủ tục ly hôn thuận tình:

+ vợ chồng nộp đơn xin thuận tình ly hôn đến tòa án cấp huyện

+ hòa giải cơ sở (nếu yêu cầu)

+ hòa giải tại tòa

+ thời hạn 7 ngày để các bên có quyền thay đổi quyết định

+ công nhận thuận tình ly hôn, và quyết định công nhận thuận tình ly hôn sẽ có hiệu lực PL ngay lập tức, các bên không được quyền kháng cáo

b. Ly hôn do 1 bên yêu cầu (Điều 56)

– Căn cứ ly hôn do 1 bên yêu cầu:

+ vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được

==> quy định này thực tế gây khó khăn cho việc xin ly hôn trên thực tế, vì rất khó xác định mức độ bạo lực gia đình và xác định “tình trạng trầm trọng”

+ vợ hoặc chồng bị Tòa án tuyên bố mất tích, khi đó người còn lại xin ly hôn thì Tòa sẽ giải quyết cho ly hôn

Một người sẽ bị Tòa án tuyên là mất tích nếu trong 02 năm mà không liên lạc được.

Chú ý: nếu Tòa tuyên bố đã chết thì sẽ chấm dứt hôn nhân ngay, không cần phải ly hôn

+ cha, mẹ, người thân thích yêu cầu ly hôn nếu có căn cứ về việc chồng, vợ có hành vi bạo lực gia đình làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của người kia.

3. Hậu quả pháp lý của ly hôn

– Về quan hệ nhân thân giữa vợ và chồng:

+ quan hệ hôn nhân chấm dứt kể từ ngày bản án, quyết định ly hôn của Tòa án có hiệu lực.

+ vợ chồng chấm dứt các quyền và nghĩa vụ về nhân thân theo luật HNGĐ

+ vợ / chồng có quyền kết hôn với người khác

+ trường hợp 1 bên khó khăn, túng thiếu, có yêu cầu cấp dưỡng mà có lý do chính đáng thì bên kia phải cấp dưỡng theo khả năng.

– Về quan hệ đối với con chung:

+ vợ chồng ly hôn vẫn có quyền và nghĩa vụ với con chung

+ nếu con chung chưa thành niên hoặc đã thành niên nhưng mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi sống mình thì vợ chồng phải thỏa thuận người trực tiếp nuôi con.

+ người không trực tiếp nuôi con phải có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con và có quyền thăm nom con.

+ về nguyên tắc, con dưới 36 tháng tuổi được giao cho người mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp nuôi con hoặc các bên có thỏa thuận khác

+ nếu con đủ 7 tuổi thì việc ở với cha hay mẹ phải xem xét nguyện vọng của con

– Về tài sản riêng của vợ, chồng:

+ khi ly hôn, tài sản riêng của ai vẫn thuộc quyền sở hữu của người đó

+ trường hợp có sự sáp nhập, trộn lẫn giữa tài sản riêng với tài sản chung thì 1 bên sẽ được thanh toán phần giá trị tài sản của mình đóng góp vào khối tài sản đó, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận khác

+ nếu không đủ căn cứ để chứng minh tài sản riêng của vợ / chồng thì tài sản đó là tài sản chung

+ trường hợp nhà ở thuộc sở hữu riêng, đã đưa vào sử dụng chung thì khi ly hôn, nếu có khóa khăn về chỗ ở thì được quyền lưu cư (ở nhờ) trong thời gian 6 tháng kể từ ngày có quyết định ly hôn, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.

Trường hợp kết thúc hôn nhân khi vợ / chồng bị tuyên bố chết (Điều 66)

– Khi 1 bên vợ chồng chết thì tất cả những quyền và nghĩa vụ phát sinh từ khi kết hôn sẽ kết thúc

– Người có vợ / chồng chết được coi là người độc thân và có quyền kết hôn với người khác

– Khi 1 bên vợ chồng chết thì tài sản chung của vợ chồng sẽ được chia đôi, không phụ thuộc vào công sức đóng góp vào tài sản chung (khác với trường hợp ly hôn khi cả 2 còn sống thì sẽ chia tài sản có tính đến công sức đóng góp của mỗi bên).

Lý do của nhà làm luật: vì tài sản phát sinh trong thời kỳ hôn nhân được PL thừa nhận là tài sản chung hợp nhất của vợ chồng, và tỷ lệ hưởng luôn được PL quy định là bằng nhau giữa vợ và chồng. Khác với trường hợp sở hữu chung theo phần khi quan hệ hợp tác kinh doanh, hoặc trường hợp nam nữ sống với nhau như vợ chồng nhưng không đăng ký kết hôn.

– Khi 1 người bị tuyên bố mất tích thì chưa chấm dứt hôn nhân. Khi đó nếu người vợ / chồng yêu cầu ly hôn thì Tòa án sẽ đồng ý cho ly hôn.

– Khi 1 người bị tuyên bố chết thì đương nhiên chấm dứt hôn nhân (không phải xin ly hôn)

Trường hợp vợ / chồng bị tuyên bố chết sau đó trở về (Điều 67)

– Về quan hệ nhân thân:

+ nếu vợ hoặc chồng của người đó chưa kết hôn với người khác thì quan hệ hôn nhân được khôi phục kể từ thời điểm kết hôn

+ nếu đã có quyết định cho ly hôn của Tòa án (trường hợp không có tin tức sau 2 năm thì bị Tòa án tuyên bố mất tích, người ở nhà xin ly hôn và được tòa chấp thuận, sau đó 3 năm tiếp theo (tức là đủ 5 năm không có tin túc) thì Tòa tuyên bố chết) thì quyết định cho ly hôn vẫn có hiệu lực PL.

+ nếu vợ, chồng của người đó đã kết hôn với người khác thì quan hệ hôn nhân được xác lập sau có hiệu lực PL

– Về quan hệ tài sản:

+ nếu hôn nhân được khôi phục thì quan hệ tài sản được khôi phục kể từ thời điểm quyết định của Tòa án hủy bỏ tuyên bố chết có hiệu lực. Tài sản do vợ, chồng có được kể từ thời điểm quyết định của Tòa án về việc tuyên bố chồng, vợ là đã chết có hiệu lực đến khi quyết định hủy bỏ tuyên bố chồng, vợ đã chết có hiệu lực là tài sản riêng của người đó.

+ nếu hôn nhân không được khôi phục thì tài sản có được trước khi quyết định của Tòa án về việc tuyên bố vợ, chồng là đã chết có hiệu lực mà chưa chia được giải quyết như chia tài sản khi ly hôn.

Tham khảo trọn bộ bài giảng môn học Luật hôn nhân và gia đình: https://study.phapche.edu.vn/khoa-hoc-tim-hieu-mon-luat-hon-nhan-va-gia-dinh

Mời bạn xem thêm:

Đánh giá bài viết

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài viết liên quan

.
.
.