fbpx
ICA - Học viện đào tạo pháp chế doanh nghiệp
Bài giảng môn học Luật hôn nhân và gia đình chương XI

Bài giảng môn học Luật hôn nhân và gia đình chương XI tập trung vào nội dung về quyền và nghĩa vụ giữa cha mẹ và con, làm rõ các quy định pháp luật về chăm sóc, giáo dục, bảo vệ con cái. Chương này cung cấp kiến thức chi tiết về trách nhiệm của cha mẹ trong việc nuôi dưỡng và bảo đảm sự phát triển toàn diện của con, cũng như quyền lợi của con trong gia đình. Nội dung giúp người học nắm vững các quy định pháp lý nhằm xây dựng và bảo vệ quan hệ gia đình bền vững, phù hợp với pháp luật Việt Nam.

Bài giảng môn học Luật hôn nhân và gia đình chương XI

Chương 11: Quyền và nghĩa vụ giữa cha mẹ và con

Quyền và nghĩa vụ nhân thân

Cha mẹ có quyền và nghĩa vụ nuôi dưỡng, yêu thương, chăm sóc, giáo dục, quan tâm đến con, dù con có hết tuổi vị thành niên.

Cha mẹ không được phân biệt đối xử giữa:

  • Con đẻ và con nuôi
  • Con trong giá thú và con ngoài giá thú: con trong giá thú là con có cha mẹ có hôn nhân hợp pháp. Luật quy định khi vợ / chồng có con ngoài giá thú mà nhận con thì người vợ / chồng còn lại không được có ý kiến, tức là không cần hỏi ý kiến của người đó vẫn được nhận con ngoài giá thú, và người vợ / chồng đó vẫn phải nuôi dưỡng, chăm sóc đứa con ngoài giá thú đó như con đẻ của mình.
  • Con gái và con trai
  • Con chung và con riêng

Quyền đại diện cho con:

Cha mẹ có quyền đại diện cho con khi con chưa thành niên (Điều 73).

Đối với con đã thành niên nhưng bị mất năng lực hành vi dân sự thì cha mẹ đại diện cho con với tư cách là người giám hộ

Nếu cha mẹ ly hôn thì cha mẹ vẫn có quyền đại diện cho con dù không nuôi con trực tiếp

Câu hỏi: Ai là người giám hộ đầu tiên của người con ?

Trả lời: Nếu con có cha mẹ thì sẽ không bao giờ có người giám hộ mà chính cha, mẹ sẽ là người đại diện đương nhiên theo PL cho con chưa thành niên. Chỉ khi nào con không còn cha mẹ, cha mẹ bị mất năng lực hành vi dân sự, cha mẹ không thể chăm sóc được con (trường hợp cha mẹ ở xa), hoặc không xác định được cha mẹ thì mới cần đến người giám hộ (có thể là ông bà, họ hàng).

Câu hỏi: Người chưa thành niên có cha mẹ thì cha mẹ là người giám hộ của người đó.

Trả lời: Sai, cha mẹ là người đại diện theo PL chứ không phải người giám hộ đối với con chưa thành niên

Ngược lại, con có quyền và nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ

2.2. Quyền và nghĩa vụ tài sản

Cha mẹ có quyền và nghĩa vụ nuôi dưỡng, cấp dưỡng cho con chưa thành niên, hoặc con đã thành niên nhưng không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi sống mình.

Ngược lại, con có quyền và nghĩa vụ nuôi dưỡng, cấp dưỡng cho cha mẹ khi cha mẹ về già, mất khả năng lao động, bệnh tật.

Bồi thường thiệt hại do con chưa thành niên, hoặc con đã thành niên nhưng mất năng lực hành vi dân sự gây ra (Điều 7): bố mẹ có trách nhiệm bồi thường, kể cả khi cha mẹ đã ly hôn thì cả người không nuôi con cũng phải có trách nhiệm bồi thường.

Với con dưới 15 tuổi gây thiệt hại thì cha mẹ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại, nếu vẫn không đủ mà con có tài sản riêng thì sẽ lấy tiếp tài sản riêng đó để bồi thường. Chú ý: nếu con gây thiệt hại trong thời gian học tại trường thì sẽ do trường bồi thường.

Với con chưa thành niên từ đủ 15 đến 18 tuổi gây thiệt hại: bồi thường bằng tài sản của con trước, nếu không đủ sẽ lấy tài sản của cha mẹ để bồi thường tiếp

+ với con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự gây thiệt hại: người giám hộ dùng tài sản của đứa con (người được giám hộ) để bồi thường, nếu không đủ thì dùng tiếp tài sản của người giám hộ để bồi thường. Nếu người giám hộ chứng minh được mình không có lỗi thì không phải bồi thường.

Chú ý: nếu người con thành niên bị mất năng lực hành vi đó gây thiệt hại trong thời gian ở trường học, bệnh viện, tổ chức khác trực tiếp quản lý thì đơn vị trực tiếp quản lý sẽ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại.

Bài giảng môn học Luật hôn nhân và gia đình chương XI
Bài giảng môn học Luật hôn nhân và gia đình chương XI

Cha mẹ có quyền quản lý tài sản của con chưa thành niên hoặc con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự (Điều 76), ngoại trừ các trường hợp:

+ Nếu người tặng cho con tài sản, người để lại di chúc cho con tài sản đã chỉ định người khác quản lý tài sản của con thì cha mẹ không được quản lý tài sản đó của con.

+ Nếu cha mẹ bị hạn chế quyền của cha mẹ với con (VD cha mẹ bị phạt tù), hoặc con được người khác giám hộ (VD cha mẹ đi làm xa) thì quyền quản lý tài sản của con sẽ được trao cho người giám hộ.

Chú ý: cha mẹ quản lý tài sản của con chưa thành niên chỉ được dùng tài sản đó chi dùng vào nhu cầu của con, không được dùng cho bản thân, cho đứa con khác, hay mục đích khác

– Cha mẹ có quyền định đoạt tài sản của con chưa thành niên hoặc con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự (Điều 77):

+ nếu con dưới 15 tuổi thì cha mẹ hoặc người giám hộ có quyền định đoạt tài sản đó vì lợi ích của con, nếu con từ 9 tuổi trở lên thì phải xem xét cả nguyện vọng của con.

+ con từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi có quyền định đoạt tài sản riêng, trừ trường hợp tài sản là bất động sản, động sản có đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng hoặc dùng tài sản để kinh doanh thì phải có sự đồng ý bằng văn bản của cha mẹ hoặc người giám hộ.

– Cha mẹ và con có quyền thừa kế tài sản của nhau:

+ cha mẹ và con là người thuộc hàng thừa kế thứ nhất của nhau

+ cha mẹ được hưởng tài sản của con không phụ thuộc vào nội dung di chúc

+ con chưa thành niên, hoặc con đã thành niên bị mất năng lực hành vi dân sự được hưởng tài sản của cha mẹ không phụ thuộc vào nội dung của di chúc

– Quyền và nghĩa vụ của con đối với tài sản:

+ con có quyền có tài sản riêng, gồm tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng, thu nhập do lao động của con, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng của con và thu nhập hợp pháp khác. Tài sản được hình thành từ tài sản riêng của con cũng là tài sản riêng của con.

+ con từ đủ 15 tuổi trở lên sống chung với cha mẹ phải có nghĩa vụ chăm lo đời sống chung của gia đình, đóng góp vào việc đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình nếu có thu nhập.

+ con đã thành niên có nghĩa vụ đóng góp thu nhập vào việc đáp ứng nhu cầu của gia đình phù hợp với khả năng của mình.

– Con dâu, con rể sống chung với cha mẹ chồng / vợ có quyền và nghĩa vụ với cha mẹ như con đẻ (Điều 80)

==> nếu không sống chung với cha mẹ chồng / vợ thì luật không quy định

2.3. Hạn chế quyền của cha mẹ đối với con chưa thành niên

– Cha mẹ bị hạn chế quyền đối với con chưa thành niên khi (Điều 85):

+ bị kết án về một trong các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con với lỗi cố ý hoặc có hành vi vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con

+ phá tán tài sản của con

+ có lối sống đồi trụy

+ xúi giục, ép buộc con làm những việc trái PL, trái đạo đức XH

– Tùy vào từng trường hợp cụ thể, Tòa án có thể ra quyết định không cho cha, mẹ trông nom, chăm sóc, giáo dục con, quản lý tài sản riêng của con hoặc đại diện theo PL cho con trong thời hạn từ 01 năm đến 05 năm. Tòa án có thể xem xét việc rút ngắn thời hạn này.

Câu hỏi: trường hợp có nhiều con, nếu cha mẹ xâm phạm đến 1 đứa, thì sẽ bị hạn chế quyền đối với đứa con bị xâm phạm hay sẽ bị hạn chế quyền đối với tất cả các đứa con; hoặc vi phạm 1 quyền thì chỉ bị hạn chế 1 quyền đó hay hạn chế tất cả các quyền ?

Trả lời: luật không quy định ===> tùy từng trường hợp cụ thể, có thể áp dụng theo cách vi phạm với đứa con nào thì bị bạn chế quyền với đứa con đó, vi phạm quyền nào thì bị hạn ches về quyền đó

– Người có quyền yêu cầu Tòa án hạn chế quyền của cha, mẹ đối với con chưa thành niên (Điều 86):

+ cha, mẹ, người giám hộ của con chưa thành niên

+ người thân thích

+ cơ quan quản lý NN về gia đình

+ cơ quan quản lý NN về trẻ em

+ hội liên hiệp phụ nữ

– Khi cha / mẹ bị Tòa án hạn chế quyền đối với con chưa thành niên thì người kia thực hiện quyền trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con, quản lý tài sản riêng của con và đại diện theo PL cho con.

– Việc trông nom, chăm sóc, giáo dục con và quản lý tài sản riêng của con chưa thành niên được giao cho người giám hộ khi:

+ cha và mẹ đều bị Tòa án hạn chế quyền đối với con chưa thành niên

+ một bên cha, mẹ không bị hạn chế quyền đối với con chưa thành niên nhưng không đủ điều kiện để thực hiện quyền, nghĩa vụ đối với con

+ một bên cha, mẹ bị hạn chế quyền đối với con chưa thành niên và chưa xác định được bên cha, mẹ còn lại của con chưa thành niên.

– Cha, mẹ đã bị Tòa án hạn chế quyền đối với con chưa thành niên vẫn phải thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng cho con.

Chương 7: Cấp dưỡng cho các thành viên trong gia đình

1. Khái niệm

– Điều 3: Cấp dưỡng là việc một người có nghĩa vụ đóng góp tiền hoặc tài sản khác để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người không sống chung với mình mà có quan hệ hôn nhân, huyết thống hoặc nuôi dưỡng trong trường hợp người đó là người chưa thành niên, người đã thành niên mà không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình hoặc người gặp khó khăn, túng thiếu theo quy định của Luật NHGĐ.

– Cấp dưỡng  ><  Nuôi dưỡng

+ cấp dưỡng:

  • không sống cùng nhau,
  • có 1 mức cấp dưỡng (quy ra tiền) và 1 phương thức cấp dưỡng cụ thể,
  • thường chỉ cấp tiền, tài sản, rất ít khi kèm theo những nghĩa vụ khác như chăm sóc, giáo dục (do không sống chung nên rất khó để thực hiện những nghĩa vụ này)

+ nuôi dưỡng:

  • sống cùng nhau,
  • không có mức và phương thức nuôi dưỡng cụ thể (tức là theo khả năng),
  • luôn kèm theo nghĩa vụ chăm sóc, giáo dục

– Đặc điểm của cấp dưỡng:

+ cấp dưỡng là 1 quan hệ PL về tài sản, trong đó quyền và nghĩa vụ cấp dưỡng gắn liền với nhân thân của chủ thể, không thể thay thế bằng 1 nghĩa vụ khác, và không thể chuyển giao cho người khác

Chú ý phân biệt với việc bồi thường thiệt hại do xâm phạm tính mạng, sức khỏe, trong khoản tiền bồi thường có thể có 1 khoản cấp dưỡng. VD anh A đang phải cấp dưỡng cho con là B, anh C gây ra cái chết cho anh A, khi đó anh C có nghĩa vụ bồi thường thiệt hại do xâm phạm tính mạng cho A, ngoài ra C còn phải chịu trách nhiệm thay anh A cấp dưỡng cho cháu B cho đến khi B đủ 18 tuổi ==> trong trường hợp này, không thể coi C là người thay A cấp dưỡng cho cháu B, vì C và cháu B không có quuan hệ hôn nhân, huyết thống, hay nuôi dưỡng, mà ở đây sẽ coi khoản tiền cấp dưỡng cho B là khoản tiền nằm trong khoản mà C phải bồi thường thiệt hại, tức là gọi đó là khoản tiền bồi thường thiệt hại (không gọi là chuyển giao nghĩa vụ cấp dưỡng).

+ cấp dưỡng chỉ phát sinh trong các mối quan hệ hôn nhân, huyết thống, nuôi dưỡng

Câu hỏi: người vợ không đi làm mà ở nhà nội trợ, có được coi là được chồng nuôi dưỡng?

Trả lời: vì tài sản của chồng làm ra cũng là tài sản chung của  vợ chồng, nên không thể coi là người vợ được người chồng nuôi dưỡng

Trong luật HNGĐ, trong thời kỳ hôn nhân thì không đặt ra vấn đề nuôi dưỡng giữa 2 vợ chồng, chỉ đặt ra vấn đề cấp dưỡng khi vợ chồng ly hôn

+ quyền và nghĩa vụ tương ứng giữa các chủ thể, có đi có lại, nhưng không mang tính đền bù ngang giá

2. Điều kiện phát sinh nghĩa vụ cấp dưỡng

– Người cấp dưỡng và người được cấp dưỡng phải có quan hệ hôn nhân, huyết thống, hoặc nuôi dưỡng

– Người cấp dưỡng và người được cấp dưỡng không sống chung với nhau, hoặc người có nghĩa vụ nuôi dưỡng trốn tránh thực hiện nghĩa vụ thì buộc phải thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng

Chú ý: trường hợp 1 người đi lao động nước ngoài thì vẫn được coi là sống chung với nhau

Chú ý: trường hợp bố mẹ già có lương hưu, con cái vẫn hàng tháng gửi tiền về biếu ông bà, thì không được coi là cấp dưỡng, mà có thể gọi là phụng dưỡng (là chăm sóc + nuôi dưỡng)

– Người cấp dưỡng phải có khả năng cấp dưỡng: căn cứ vào thu nhập của người có nghĩa vụ

– Người được cấp dưỡng phải là:

+ người chưa thành niên,

+ người đã thành niên không có khả năng lao động, và không có tài sản để tự nuôi mình (tức là có tài sản nhưng chỉ để ở, không có khả năng thu được lợi nhuận đủ nuôi sống mình từ tài sản)

+ người quá khó khăn túng thiếu theo quy định của PL: luật không quy định cụ thể thế nào là quá khó khăn túng thiểu, thông thường tòa khi xét xử sẽ xem xét thu nhập của người yêu cầu cấp dưỡng với mức sống trung bình tại địa phương

– Người có nghĩa vụ cấp dưỡng là người đã thành niên, có tài sản để thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng

3. Mức cấp dưỡng và phương thức cấp dưỡng

a. Mức cấp dưỡng (Điều 116)

– Mức cấp dưỡng là 1 khoản tiền, lương thực hoặc tài sản khác mà bên phải cấp dưỡng đóng góp cho bên được cấp dưỡng để đảm bảo nhu cầu thiết yếu của bên được cấp dưỡng.

– Việc xác định mức cấp dưỡng: do thỏa thuận, hoặc do tòa án giải quyết, căn cứ vào :

+ thu nhập, khả năng thực tế của người có nghĩa vụ cấp dưỡng

+ nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng

– Mức cấp dưỡng có thể thay đổi theo thời gian do nhu cầu của con thay đổi (do lứa tuổi, do bệnh tật) hoặc do điều kiện sống của con thay đổi (do trượt giá, …)

b. Phương thức cấp dưỡng (Điều 117)

– Có 2 phương thức:

+ cấp dưỡng định kỳ: theo tháng, quý, 1/2 năm, 1 năm

+ cấp dưỡng 1 lần

– Các bên có thể thỏa thuận thay đổi phương thức cấp dưỡng, tạm ngừng cấp dưỡng trong trường hợp người có nghĩa vụ cấp dưỡng lâm vào tình trạng khó khăn về kinh tế mà không có khả năng thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết

4. Các trường hợp cấp dưỡng cụ thể

– Một người cấp dưỡng cho nhiều người (Điều 108):

+ người cấp dưỡng và những người được cấp dưỡng thỏa thuận với nhau về phương thức và mức cấp dưỡng phù hợp với thu nhập, khả năng thực tế của người có nghĩa vụ cấp dưỡng và nhu cầu thiết yếu của những người được cấp dưỡng;

+ nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết.

VD: bố cấp dưỡng cho nhiều con

– Nhiều người cấp dưỡng cho 1 người (Điều 109):

+ những người này thỏa thuận với nhau về phương thức và mức đóng góp phù hợp với thu nhập, khả năng thực tế của mỗi người và nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng;

+ nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết.

   VD: các con cấp dưỡng cho cha mẹ

a. Cấp dưỡng giữa cha mẹ và con (Điều 110, Điều 111)

– Cha, mẹ có nghĩa vụ cấp dưỡng cho:

+ con chưa thành niên,

+ con đã thành niên không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình

trong các trường hợp:

  • không sống chung với con (VD ly hôn, con sống với 1 người, người kia có trách nhiệm cấp dưỡng; hoặc có con chung nhưng hôn nhân không hợp pháp), hoặc
  • sống chung với con nhưng vi phạm nghĩa vụ nuôi dưỡng con

– Con có nghĩa vụ cấp dưỡng cho cha mẹ khi có đủ các điều kiện:

+ con đã thành niên

+ không sống chung với cha, mẹ

+ cha, mẹ không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.

Chú ý:

+ trường hợp con chưa thành niên nhưng đã đi làm hoặc có tài sản lớn (ví dụ các ca sỹ, người mẫu trẻ có thu nhập rất cao) trong khi cha mẹ thiếu thốn thì có nghĩa vụ cấp dưỡng cho cha mẹ không ? ==> luật chưa quy định trường hợp này

+ trường hợp bố mẹ đều chưa thành niên (tảo hôn), chưa đi làm, chưa có tài sản ==> luật chưa quy định, có thể suy đoán là ông bà sẽ cấp dưỡng

b. Cấp dưỡng giữa anh chị em với nhau (Điều 112)

– Anh, chị có nghĩa vụ cấp dưỡng cho em khi:

+ không còn cha mẹ, hoặc cha mẹ không có khả năng lao động và không có tài sản để cấp dưỡng cho con

+ anh, chị đã thành niên

+ anh, chị không sống chung với em

+ em chưa thành niên và không có tài sản để tự nuôi mình, hoặc em đã thành niên không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình

– Em có nghĩa vụ cấp dưỡng cho anh, chị khi:

+ không còn cha mẹ, hoặc cha mẹ không có khả năng lao động và không có tài sản để cấp dưỡng cho con

+ em đã thành niên

+ em không sống chung với anh, chị

+ anh, chị không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.

c. Cấp dưỡng giữa ông bà nội ngoại với cháu (Điều 113)

– Ông bà nội ngoại có nghĩa vụ cấp dưỡng cho cháu khi:

+ cháu không còn người cấp dưỡng (không còn cha mẹ, anh chị em hoặc anh chị em đều còn nhỏ)

+ ông bà nội, ông bà ngoại không sống chung với cháu

+ cháu chưa thành niên hoặc cháu đã thành niên không có khả năng lao động, không có tài sản để tự nuôi mình

– Cháu có nghĩa vụ cấp dưỡng cho ông bà nội ngoại khi:

+ cháu đã thành niên

+ cháu không sống chung với ông bà nội, ông bà ngoại

+ ông bà không có khả năng lao động, không có tài sản để tự nuôi mình và không có người khác cấp dưỡng

d. Cấp dưỡng giữa cô, dì, chú, bác với cháu ruột (Điều 114)

– Cô, dì, chú, cậu, bác ruột không sống chung với cháu ruột có nghĩa vụ cấp dưỡng cho cháu trong trường hợp cháu chưa thành niên hoặc cháu đã thành niên không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình mà không có người khác cấp dưỡng theo quy định của Luật này.

– Cháu đã thành niên không sống chung với cô, dì, chú, cậu, bác ruột có nghĩa vụ cấp dưỡng cho cô, dì, chú, cậu, bác ruột trong trường hợp người cần được cấp dưỡng không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình mà không có người khác cấp dưỡng theo quy định của Luật này.

e. Cấp dưỡng giữa vợ chồng khi ly hôn (Điều 115)

– Vợ / chồng sau khi ly hôn có nghĩa vụ cấp dưỡng cho người kia khi:

+ có yêu cầu cấp dưỡng,

+ có lý do chính đáng

thì bên kia có nghĩa vụ cấp dưỡng theo khả năng của mình.

5. Chấm dứt nghĩa vụ cấp dưỡng (Điều 118)

– Khi người được cấp dưỡng đã thành niên và có khả năng lao động hoặc có tài sản để tự nuôi mình

– Người được cấp dưỡng được nhận làm con nuôi

– Người cấp dưỡng đã trực tiếp nuôi dưỡng người được cấp dưỡng

– Người cấp dưỡng hoặc người được cấp dưỡng chết

– Bên được cấp dưỡng sau khi ly hôn đã kết hôn: chú ý bên cấp dưỡng kết hôn sẽ không chấm dứt nghĩa vụ cấp dưỡng

– Trường hợp khác theo quy định của luật.

Tham khảo trọn bộ bài giảng môn học Luật hôn nhân và gia đình: https://study.phapche.edu.vn/khoa-hoc-tim-hieu-mon-luat-hon-nhan-va-gia-dinh

Mời bạn xem thêm:

Đánh giá bài viết

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài viết liên quan

.
.
.