fbpx
ICA - Học viện đào tạo pháp chế doanh nghiệp
Bài giảng môn học Luật hôn nhân và gia đình chương VI

Bài giảng môn học Luật hôn nhân và gia đình chương VI tập trung vào chế độ tài sản của vợ chồng theo quy định của pháp luật Việt Nam. Chương này giúp sinh viên nắm rõ các quy định liên quan đến tài sản chung, tài sản riêng, quyền và nghĩa vụ của vợ chồng trong việc quản lý và sử dụng tài sản. Thông qua đó, người học sẽ hiểu được các nguyên tắc pháp lý về phân chia tài sản trong hôn nhân và khi ly hôn, từ đó áp dụng hiệu quả trong thực tiễn và các tình huống pháp lý liên quan.

Bài giảng môn học Luật hôn nhân và gia đình chương VI

Chương 6: Chế độ tài sản của vợ chồng

Chế độ tài sản của vợ chồng là những quy định về việc xác định tài sản chung, tài sản riêng của vợ chồng, quyền và nghĩa vụ của vợ chồng đối với tài sản chung, tài sản riêng và việc phân chia tài sản.

Luật HNGĐ 2014 là đạo luật đầu tiên của VN quy định vợ chồng có quyền lựa chọn áp dụng chế độ tài sản theo luật định hoặc chế độ tài sản theo thỏa thuận.

1. Chế độ tài sản theo luật định

a. Xác định tài sản chung, tài sản riêng của vợ chồng

Căn cứ để xác định:

  • Thời kỳ hôn nhân: từ khi đăng ký kết hôn đến khi chấm dứt hôn nhân bằng ly hôn hoặc vợ / chồng chết. Về nguyên tắc tài sản có trước thời kỳ hôn nhân là tài sản riêng, tài sản có trong thời kỳ hôn nhân có thể là tài chung hoặc tài sản riêng.
  • Nguồn gốc tài sản: VD tài sản được tặng cho chung hay tặng cho riêng, thừa kế chung hay thừa kế riêng

Luật HNGĐ 2014 quy định vợ chồng có:

  • Tài sản chung hợp nhất (Điều 33)
  • Tài sản riêng của vợ / chồng (Điều 43)

– Tài sản chung của vợ chồng (Điều 33)

+ là tài sản do vợ, chồng tạo ra trong thời kỳ hôn nhân (chỉ cần 1 bên, hoặc cả 2 bên).

Chú ý: với quyền sở hữu trí tuệ thì luật quy định là tài sản riêng dù phát sinh trong thời kỳ hôn nhân, nhưng hoa lợi hay lợi tức từ quyền sở hữu trí tuệ lại là tài sản chung. VD họa sỹ sáng tác bức tranh thì bức tranh đó là tài sản riêng của ông họa sỹ, nếu bán bức tranh đó hoặc thu được tiền từ triển lãm bức tranh đó thì tiền thu được lại là tài sản chung.

Thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân

Hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng nhưng thu được trong thời kỳ hôn nhân. VD nhà là tài sản riêng, nhưng tiền cho thuê nhà lại là tài sản chung; tiền tiết kiệm là tài sản riêng, nhưng lãi tiết kiệm là tài sản chung; gia súc đẻ con thì gia súc mới sinh ra đó là tài sản chung

Thu nhập hợp pháp khác của vợ chồng có trong thời kỳ hôn nhân: gồm

  • các khoản tiền thưởng, tiền trợ cấp, tiền trúng thưởng xổ số
  • tài sản mà vợ, chồng được xác lập quyền sở hữu đối với vật vô chủ, vật bị chôn dấu, chìm đắm
  • gia súc, gia cầm bị thất lạc, …

Nếu là thu nhập bất hợp pháp như tiền tham nhũng (nhận hối lộ), do buôn bán ma túy, tiền cờ bạc, tiền do mại dâm, … thì sẽ bị tịch thu vào ngân sách NN (phải chứng minh được là tài sản bất hợp pháp mới được tịch thu, nếu không sẽ buộc phải coi là tài sản hợp pháp).

Tài sản vợ chồng được tặng cho chung

Câu hỏi: Vợ chồng tặng cho nhau thì là tài sản chung hay riêng ?

Trả lời: Chưa có văn bản quy định, sẽ xem xét từng tình huống

Tài sản vợ chồng được thừa kế chung trong thời kỳ hôn nhân:

  • nếu là thừa kế theo luật (không có di chúc hợp pháp) từ bố mẹ thì tài sản thừa kế luôn là tài sản riêng, vì con dâu hay con rể không thuộc bất kỳ hàng thừa kế nào
  • thừa kế chung phải là thừa kế theo di chúc, trong đó di chúc ghi rõ để lại (một phần) tài sản cho cả 2 vợ chồng. VD di chúc ghi “Tôi để lại toàn bộ tài sản cho vợ chồng người con trai cả” ==> tài sản thừa kế chung; nếu ghi “Tôi để lại toàn bộ tài sản cho vợ chồng người con trai cả, trong đó con dâu cả được hưởng 10%” thì 90% tài sản sẽ là tài sản riêng của chồng, 10% tài sản là tài sản riêng của vợ.

Tài sản mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung

Chú ý: trong trường hợp không có căn cứ xác định tài sản mà vợ chồng đang có tranh chấp là tài sản riêng của 1 bên thì tài sản đó được xác định là tài sản chung của vợ chồng.

Với tài sản chung là bất động sản hoặc tài sản phải đăng ký quyền sở hữu thì trong Giấy chứng nhận quyền sử dụng (đất), quyền sở hữu phải ghi tên của cả vợ và chồng, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận khác. Tuy nhiên hiện tại chỉ bất động sản mới đăng ký tên cả 2 vợ chồng, còn các tài sản phải đăng ký khác như ô tô, xe máy, tàu thủy, máy bay, … vẫn có thể chỉ đăng ký quyền sở hữu tên 1 người.

Tài sản riêng của vợ chồng, gồm:

  • Tài sản có trước khi kết hôn
  • Tài sản được tặng cho riêng, thừa kế riêng trong thời kỳ hôn nhân
  • Tài sản được chia riêng cho vợ, chồng trong thời kỳ hôn nhân (Điều 38, 39, 40)
  • Tài sản phục vụ nhu cầu thiết yếu của vợ, chồng (kể cả khi được mua bằng tài sản chung): là đồ dùng tư trang cá nhân, tuy nhiên thực tế việc xác định loại tài sản này rất khó
  • Tài sản được hình thành từ tài sản riêng: VD bán nhà là tài sản riêng lấy tiền, khoản tiền đó là tài sản riêng
  • Hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng được chia từ tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân (Điều 40)

Chú ý: Nếu nói “Về nguyên tắc, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng của 1 bên vợ chồng nhưng thu được trong thời kỳ hôn nhân là tài sản chung” ==> Đúng

Nếu nói “Hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng của 1 bên vợ chồng nhưng thu được trong thời kỳ hôn nhân là tài sản chung” ==> Sai, vì có trường hợp đặc biệt sẽ là tài sản riêng, được quy định trong điều 40

Tài sản khác mà theo quy định của PL thuộc sở hữu riêng của vợ, chồng, gồm:

  • Quyền sở hữu trí tuệ
  • Tài sản mà vợ, chồng xác lập quyền sở hữu riêng theo bản án, quyết định của Tòa án hoặc cơ quan NN có thẩm quyền
  • Các khoản trợ cấp, ưu đãi người có công
  • Quyền tài sản gắn với quyền nhân thân

b. Quyền và nghĩa vụ của vợ chồng đối với tài sản chung (Điều 35, 36, 37)

– Vợ chồng bình đẳng với nhau trong việc xây dựng, phát triển khối tài sản chung và bình đẳng trong việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung.

– Việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung do vợ chồng thỏa thuận.

– Việc định đoạt tài sản chung phải có sự thỏa thuận bằng văn bản của vợ chồng trong những trường hợp:

+ Bất động sản: luật đã có quy định chặt chẽ

+ Động sản mà theo quy định của PL phải đăng ký quyền sở hữu: luật không quy định chặt

+ Tài sản đang là nguồn tạo ra thu nhập chủ yếu của gia đình: vấn đề xác định thế nào là nguồn tạo ra thu nhập chủ yếu cho gia đình

– Trường hợp vợ chồng có thỏa thuận về việc một bên đưa tài sản chung vào kinh doanh thì người này có quyền tự mình thực hiện giao dịch liên quan đến tài sản chung đó, tức là không cần phải ủy quyền. Thỏa thuận này phải lập thành văn bản.

– Vợ chồng có các nghĩa vụ chung về tài sản sau đây:

+ Nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch do vợ chồng cùng thỏa thuận xác lập, nghĩa vụ bồi thường thiệt hại mà theo quy định của PL vợ chồng cùng phải chịu trách nhiệm

+ Nghĩa vụ do vợ hoặc chồng thực hiện nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình

+ Nghĩa vụ phát sinh từ việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung

+ Nghĩa vụ phát sinh từ việc sử dụng tài sản riêng để duy trì, phát triển khối tài sản chung hoặc để tạo ra nguồn thu nhập chủ yếu của gia đình

+ Nghĩa vụ bồi thường thiệt hại do con gây ra mà theo quy định của Bộ luật dân sự thì cha mẹ phải bồi thường

+ Nghĩa vụ khác theo quy định của các luật có liên quan.

Bài giảng môn học Luật hôn nhân và gia đình chương VI
Bài giảng môn học Luật hôn nhân và gia đình chương VI

c. Quyền và nghĩa vụ của vợ chồng đối với tài sản riêng (Điều 44, 45)

– Vợ, chồng có quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản riêng của mình; nhập hoặc không nhập tài sản riêng vào tài sản chung.

– Trường hợp vợ hoặc chồng không thể tự mình quản lý tài sản riêng và cũng không ủy quyền cho người khác quản lý thì bên kia có quyền quản lý tài sản đó. Việc quản lý tài sản phải bảo đảm lợi ích của người có tài sản.

– Nghĩa vụ riêng về tài sản của mỗi người được thanh toán từ tài sản riêng của người đó.

– Trường hợp vợ, chồng có tài sản riêng mà hoa lợi, lợi tức từ tài sản riêng đó là nguồn sống duy nhất của gia đình thì việc định đoạt tài sản này phải có sự đồng ý của chồng, vợ.

– Vợ, chồng có các nghĩa vụ riêng về tài sản sau đây:

+ Nghĩa vụ của mỗi bên vợ, chồng có trước khi kết hôn

+ Nghĩa vụ phát sinh từ việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản riêng, trừ trường hợp nghĩa vụ phát sinh trong việc bảo quản, duy trì, tu sửa tài sản riêng của vợ, chồng

+ Nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch do một bên xác lập, thực hiện không vì nhu cầu của gia đình

+ Nghĩa vụ phát sinh từ hành vi vi phạm PL của vợ, chồng.

2. Chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận (Điều 47, 48, 49, 50)

– Việc chỉ quy định chế độ tài sản của vợ chồng theo luật định bó hẹp quyền tự do lựa chọn của vợ chồng, cũng là hạn chế quyền tự do của công dân. Đến khi luật HNGĐ 2014 ra đời, có hiệu lực từ 01/01/2015, NN VN đã công nhận chế độ tài sản vợ chồng theo thỏa thuận, phù hợp với thông lệ quốc tế.

– Điều kiện để vợ chồng xác lập chế độ tài sản theo thỏa thuận (Điều 47):

+ Thời điểm lập thỏa thuận: phải trước khi đăng ký kết hôn

+ Hình thức thỏa thuận: bằng văn bản có công chứng hoặc chứng thực

==> Chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận được xác lập kể từ ngày đăng ký kết hôn. Cơ quan chứng nhận đăng ký kết hôn sẽ đính kèm văn bản thỏa thuận chế độ tài sản này vào sổ đăng ký kết hôn (sổ hộ tịch)

– Nội dung của văn bản thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng (Điều 48):

+ Xác định tài sản chung, tài sản riêng của vợ, chồng

+ Quyền, nghĩa vụ của mỗi bên đối với tài sản chung, tài sản riêng, với việc thực hiện các nghĩa vụ với tài sản đó và giao dịch có liên quan, với tài sản để bảo đảm nhu cầu thiết yếu của gia đình

+ Điều kiện, thủ tục và nguyên tắc phân chia tài sản khi chấm dứt chế độ tài sản (khi ly hôn). Chú ý: không được thỏa thuận chế độ tài sản khi 1 bên chết, vì sẽ áp dụng pháp luật về thừa kế.

+ Nội dung khác có liên quan.

– Sau 1 thời gian thực hiện, vợ chồng có quyền sửa đổi, bổ sung nội dung của thỏa thuận về chế độ tài sản. Hình thức sửa đổi, bổ sung phải được lập thành văn bản và có công chứng, chứng thực.

Vợ chồng hoàn toàn có thể từ bỏ chế độ tài sản theo thỏa thuận để chuyển sang chế độ tài sản theo luật định

– Thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng có thể bị Tòa án tuyên bố vô hiệu khi thuộc một trong các trường hợp sau (Điều 50):

+ Không tuân thủ điều kiện có hiệu lực của giao dịch được quy định tại Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan

+ Vi phạm một trong các quy định về nguyên tắc áp dụng chế độ tài sản tại các điều 29, 30, 31 và 32 của Luật này

+ Nội dung của thỏa thuận vi phạm nghiêm trọng quyền được cấp dưỡng, quyền được thừa kế và quyền, lợi ích hợp pháp khác của cha, mẹ, con và thành viên khác của gia đình.

Khi thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng bị Tòa án tuyên bố vô hiệu toàn bộ thì chế độ tài sản của vợ chồng theo luật định được áp dụng.

Trường hợp thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng bị tuyên bố vô hiệu một phần thì các nội dung không bị vô hiệu vẫn được áp dụng; đối với phần nội dung bị vô hiệu thì các quy định tương ứng về chế độ tài sản của vợ chồng theo luật định được áp dụng

Tham khảo trọn bộ bài giảng môn học Luật hôn nhân và gia đình: https://study.phapche.edu.vn/khoa-hoc-tim-hieu-mon-luat-hon-nhan-va-gia-dinh

Mời bạn xem thêm:

Đánh giá bài viết

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài viết liên quan

.
.
.