Bài giảng môn học Luật dân sự 2 chương VII: Hợp đồng chuyển quyền sở hữu tài sản (tiếp) tiếp tục làm rõ các vấn đề pháp lý liên quan đến việc chuyển giao quyền sở hữu tài sản trong giao dịch dân sự. Nội dung chương này đi sâu vào phân tích chi tiết các loại hợp đồng chuyển nhượng, điều kiện có hiệu lực, quyền và nghĩa vụ của các bên, cũng như các rủi ro pháp lý cần lưu ý. Đây là tài liệu quan trọng giúp sinh viên nâng cao kiến thức chuyên sâu về luật hợp đồng và áp dụng hiệu quả trong thực tế.
Bài giảng môn học Luật dân sự 2 chương VII
Chương 7: Hợp đồng chuyển quyền sở hữu tài sản (tiếp)
Nói thêm về Các loại hợp đồng mua bán tài sản đặc biệt
a. Bán đấu giá
Câu hỏi: Tại sao bán đấu giá lại là 1 trường hợp riêng của hợp đồng mua bán tài sản ?
Trả lời: Bán đấu giá là 1 loại hợp đồng mua bán tài sản, có sự dịch chuyển quyền sở hữu tài sản từ chủ thể này sang chủ thể khác, tuy nhiên bán đấu giá phải theo 1 thủ tục và trình tự đặc biệt ==> là trường hợp riêng
– Chủ thể: bao gồm 4 chủ thể:
+ người có tài sản bán đấu giá: có thể là
- Chủ sở hữu tài sản: người có tài sản và mong muốn bán tài sản bằng hình thức đấu giá
- Bên nhận tài sản bảo đảm: gồm bên nhận cầm cố tài sản, bên nhận thế chấp tài sản, bên nhận bảo lãnh tài sản trong trường hợp bảo lãnh bằng vật, có quyền yêu cầu bán đấu giá khi bên có nghĩa vụ không thực hiện nghĩa vụ của mình
- Cơ quan thi hành án dân sự: yêu cầu bán đấu giá tài sản của chủ thể vi phạm PL để thi hành án
- Cơ quan có thẩm quyền đối với tài sản công: VD bán đấu giá đất công, xe công
- Cơ quan đã ra quyết định tịch thu tài sản: sau khi tịch thu có quyền yêu cầu bán đấu giá tài sản đó, VD hải quan tịch thu hàng buôn lậu
+ người bán đấu giá: theo quy định của PL thì người bán đấu giá không thể là cá nhân mà phải là tổ chức có tư cách pháp nhân hoặc do cơ quan NN lập ra trong các trường hợp đặc biệt, gồm:
- Trung tâm bán đấu giá tài sản thuộc Sở tư pháp cấp tỉnh
- Doanh nghiệp có chức năng bán đấu giá tài sản
- Hội đồng bán đấu giá tài sản cấp huyện: bán đấu giá tài sản bị tịch thu
- Hội đồng bán đấu giá đặc biệt: bán đấu giá tài sản công như đất công, xe công, …
+ người tham gia đấu giá: mọi người từ 18 tuổi trở lên, không bị mất năng lực hành vi dân sự, đều được quyền đăng ký tham gia phiên bán đấu giá, và phải nộp lệ phí theo quy định
+ người mua tài sản bán đấu giá: là 1 trong những người tham gia đấu giá, là người trả giá cao nhất và giá mua không được thấp hơn giá khởi điểm (nếu giá cao nhất lại thấp hơn giá khởi điểm thì buổi bán đấu giá không thành)
Câu hỏi: Tại sao nói bán đấu giá là hình thức bán tài sản có thủ tục đặc biệt ?
Trả lời: Đặc biệt ở chỗ:
+ phải thực hiện 2 hợp đồng:
- Người có tài sản bán đấu giá ký hợp đồng bán đấu giá tài sản với tổ chức bán đấu giá trong đó ủy quyền cho tổ chức bán đấu giá đứng ra bán tài sản đó
- Sau khi đã chọn được mua qua phiên đấu giá, thì người mua và người bán sẽ ký Hợp đồng mua bán tài sản đấu giá
+ khác với mua bán thông thường trong đó bên bán ký giấy tờ chuyển quyền sở hữu cho bên mua, với trường hợp bán đấu giá tài sản do bị tịch thu, bị cưỡng chế thi hành án, bị mất tài sản bảo đảm do không thực hiện được nghĩa vụ thì người chủ sở hữu của tài sản đó thường có thái độ không hợp tác với tổ chức bán đấu giá, rất khó để họ ký giấy tờ chuyển quyền sở hữu cho bên mua. Vì vậy cơ quan đăng ký quyền sở hữu tài sản sẽ không cần chủ tài sản phải ký vào các giấy tờ chuyển quyền sở hữu tài sản mà dựa vào hợp đồng vay (hợp đồng tín dụng) và hợp đồng này có thể thay thế cho giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản.
VD: A bị tịch thu ô tô, cơ quan có thẩm quyền bán đấu giá ô tô của A, khi đã xác định được người mua và đăng ký quyền sở hữu cho người mua, thường thì A sẽ không hợp tác giao giấy tờ xe, khi đó Quyết định tịch thu tài sản sẽ có ý nghĩa thay thế cho giấy tờ xe và việc mua bán, đăng ký quyền sở hữu vẫn diễn ra bình thường.
b. Hợp đồng trả chậm, trả dần
Trả chậm >< Trả dần
- Trả chậm: thỏa thuận sau 1 thời gian mới trả tiền
- Trả dần: thỏa thuận sẽ trả dần từng khoản cho đến khi hết
VD: hình thức thuê mua tài chính
Đặc điểm: bên bán có quyền bảo lưu quyền sở hữu:
- Là việc quyền sở hữu tài sản vẫn thuộc về bên bán cho đến khi bên mua thực hiện xong nghĩa vụ
- Bảo lưu quyền sở hữu của bên bán, ở đây thực chất chỉ là bảo lưu quyền định đoạt tài sản, còn quyền chiếm hữu và quyền sử dụng đã thuộc về bên mua
- Cách thức bảo lưu:
- Với tài sản phải đăng ký quyền sở hữu: bên bán chưa chuyển quyền sở hữu cho bên mua
- Với tài sản không phải đăng ký: bên bán có quyền truy đòi tài sản
c. Hợp đồng mua bán có chuộc lại
- Thường áp dụng với vật đặc định (kỷ vật, đồ cổ, …): các bên thỏa thuận bên bán có quyền chuộc lại tài sản đã bán trong một thời hạn, nhưng không quá 1 năm đối với động sản và 5 năm với bất động sản kể từ thời điểm giao tài sản
- Trong thời hạn thỏa thuận, bên mua là chủ sở hữu của tài sản, nhưng bị hạn chế quyền: không được bán, trao đổi, tặng cho, cho thuê, thế chấp, cầm cố tài sản đó, và bên mua phải chịu rủi ro đối với tài sản
- Trong thời hạn thỏa thuận, bên bán có quyền chuộc lại tài sản bất kỳ lúc nào, nhưng phải báo trước cho bên mua, giá chuộc lại là giá thỏa thuận hoặc theo giá thị trường tại thời điểm chuộc lại
- Bản chất là cầm cố tài sản, khác ở chỗ không tính lãi mà sẽ hưởng lợi nhuận từ chênh lệch giá mua với giá bán lại tài sản
d. Hợp đồng mua bán sau khi dùng thử
- Bản chất là 1 hình thức khuyến mãi, thường áp dụng với vật không tiêu hao, VD sử dụng thử thiết bị điện tử (laptop, điện thoại, …); hoặc với vật tiêu hao thì dùng thử với 1 lượng nhất định, VD gói nhỏ dầu gội đầu, …
- Các bên thỏa thuận về việc bên mua được dùng thử tài sản muốn mua trong 1 thời hạn. Trong thời hạn dùng thử, tài sản vẫn thuộc quyền sở hữu của bên bán, bên bán vẫn phải chịu rủi ro đối với tài sản cho bên mua dùng thử và không được bán, tặng cho, cho thuê, trao đổi, thế chấp, cầm cố tài sản khi bên mua chưa trả lời có mua không.
- Trong thời gian dùng thử, bên mua có thể đồng ý mua hoặc không mua. Nếu hết thời hạn dùng thử mà bên mua không trả lời, thì coi như đã chấp nhận mua tài sản đó.
- Nếu bên dùng thử trả lời không mua thì phải trả lại tài sản cho bên bán và phải bồi thường cho bên bán nếu làm mất, hư hỏng
- Bên dùng thử không phải chịu trách nhiệm về những hao mòn thông thường do việc dùng thử gây ra và không phải hoàn trả lại hoa lợi do việc dùng thử mang lại.
II. Hợp đồng trao đổi tài sản
Giống với Hợp đồng mua bán tài sản, chỉ khác ở chỗ dùng vật đổi vật chứ không dùng tiền đổi vật ==> các quy định về hợp đồng mua bán tài sản cũng được áp dụng với hợp đồng trao đổi tài sản
Khái niệm: hợp đồng trao đổi tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó các bên giao tài sản và chuyển quyền sở hữu đối với tài sản cho nhau
Đặc điểm:
Là hợp đồng có đền bù: mỗi bên đều nhận được tài sản của bên kia. Nếu tài sản chênh lệch về giá trì thì các bên phải thanh toán cho nhau phần giá trị chênh đó, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc PL có quy định khác
Là hợp đồng song vụ: các bên đều có nghĩa vụ giao cho bên kia 1 tài sản theo thỏa thuận
Có thể là hợp đồng ưng thuận, có thể là hợp đồng thực tế:
- Nếu có thỏa thuận hợp đồng chỉ có hiệu lực khi các bên đã chuyển giao tài sản cho nhau thì là hợp đồng thực tế
- Nếu không có thỏa thuận thì thời điểm có hiệu lực là thời điểm hợp đồng được giao kết ==> hợp đồng ưng thuận
III Hợp đồng cho vay tài sản
1. Khái niệm (Điều 471)
– Là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay, khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thoả thuận hoặc PL có quy định.
– Đặc điểm:
+ là hợp đồng chuyển giao quyền sở hữu tài sản 1 cách tạm thời: bên vay được toàn quyền định đoạt tài sản vay trong thời hạn vay
+ có thể là hợp đồng có đền bù hoặc không có đền bù:
- Có đền bù nếu các bên thỏa thuận về lãi
- Không có đền bù nếu không có lãi
+ có thể là hợp đồng thực tế hoặc ưng thuận:
- Thực tế: các bên thỏa thuận về thời điểm có hiệu lực là thời điểm giao tài sản
- Ưng thuận: khi các bên không thỏa thuận thì thời điểm có hiệu lực là thời điểm hợp đồng được giao kết
+ có thể là hợp đồng song vụ hoặc đơn vụ:
- Song vụ: tương ứng với trường hợp hợp đồng cho vay là ưng thuận, kể từ thời điểm hợp đồng có hiệu lực, các bên đều có nghĩa vụ phải thực hiện đối với nhau: bên cho vay phải có nghĩa vụ chuyển giao tài sản, bên vay phải có nghĩa vụ trả nợ khi đến hạn
- Đơn vụ: tương ứng với trường hợp hợp đồng cho vay là thực tế, kể từ thời điểm hợp đồng có hiệu lực, chỉ có 1 bên có nghĩa vụ, bên còn lại có quyền: tức là tài sản đã được chuyển giao cho bên vay thì hợp đồng mới có hiệu lực, khi đó chỉ có bên vay có nghĩa vụ trả nợ, bên cho vay không còn nghgiã vụ gì mà có quyền đòi nợ
VD: hợp đồng tín dụng ngân hàng là hợp đồng song vụ
2. Lãi suất và lãi trong hợp đồng vay
– Lãi suất: là tỷ lệ % so với dư nợ vay được xác định theo 1 đơn vị thời gian nhất định
– Lãi: là tài sản dôi ra so với vốn gốc được tính trên cơ sở lãi suất nhân với thời gian vay
VD: vay 100 triệu, lãi suất 1% / tháng, thời gian vay 3 tháng thì
[lãi] = 100 triệu x 1% x 3 = 3 triệu
– Lãi trong hạn: là khoản lãi được tính theo lãi suất nhân với nợ gốc trong thời hạn hợp đồng vay
– Lãi quá hạn (lãi phạt): là phần lãi tính trên nợ gốc nhân với lãi quá hạn theo thỏa thuận (thường bằng 150% so với lãi trong hạn), nếu không thỏa thuận thì xác định bằng dư nợ cuối cùng nhân với lãi suất cơ bản do ngân hàng NN công bố nhân với thời gian chậm trả (Điều 474).
VD: A thỏa thuận cho B vay 100 triệu trong 6 tháng, từ tháng 1 đến tháng 6, lãi suất 1% / tháng. Đến hết 6 tháng B không trả được nợ và kéo dài đến hết tháng 12, lãi suất cơ bản của ngân hàng NN là 0.8% / tháng. Hãy xác định khoản lãi mà B phải trả cho A sau 12 tháng.
[tổng lãi] = [lãi trên dư nợ gốc] + [lãi phạt]
= [100 tr x 1% x 12] + [100 tr x 0.8% x 6]
= 12 tr + 4.8 tr
= 16.8 tr
– Lãi trên dư nợ gốc: là lãi trên số tiền đã vay ban đầu nhân với thời gian vay.
– Lãi trên dư nợ giảm dần: là lãi trên số tiền thực tế còn nợ sau khi đã trừ ra phần tiền gốc đã trả trước đó
VD: vay 100 triệu trong 10 tháng, mỗi tháng sẽ trả bớt nợ gốc 10 triệu, như vậy:
+ tháng 1: lãi được tính trên 100 tr, trả bớt nợ gốc 10 tr
+ tháng 2: lãi được tính trên 90 tr, trả bớt nợ gốc thêm 10 tr
+ tháng 3: lãi được tính trên 80 tr, trả bớt nợ gốc thêm 10 tr
+ …
Chú ý: với cùng số tiền lãi thì với cách tính lãi trên dư nợ giảm dần sẽ cao hơn mức tính lãi trên dư nợ gốc
3. Thực hiện hợp đồng vay tài sản
Căn cứ vào kỳ hạn và lãi, có 4 trường hợp (Điều 477, 478):
– Hợp đồng vay không kỳ hạn và không có lãi: bên cho vay có quyền đòi lại tài sản và bên vay cũng có quyền trả nợ vào bất cứ lúc nào, nhưng phải báo cho nhau biết trước một thời gian hợp lý, nếu không có thoả thuận khác.
– Hợp đồng vay không kỳ hạn và có lãi: các bên đều có quyền yêu cầu thực hiện hợp đồng vào bất kỳ lúc nào, nhưng phải báo trước cho nhau 1 khoảng thời gian hợp lý, và bên vay chỉ phải trả lãi cho đến thời điểm trả nợ. VD gửi tiền vào ngân hàng được hưởng lãi suất không kỳ hạn.
– Hợp đồng vay có kỳ hạn và không có lãi: bên vay có quyền trả lại tài sản bất cứ lúc nào, nhưng phải báo trước cho bên cho vay một thời gian hợp lý, còn bên cho vay chỉ được đòi lại tài sản trước kỳ hạn, nếu được bên vay đồng ý.
– Hợp đồng vay có kỳ hạn và có lãi: bên vay có quyền trả nợ vào bất cứ lúc nào, nhưng phải trả toàn bộ lãi theo kỳ hạn, bên cho vay chỉ được quyền đòi nợ trước hạn nếu được bên vay đồng ý.
Chú ý: thời gian hợp lý là thời gian để bên thực hiện nghĩa vụ có thể thực hiện được nghĩa vụ của mình (thường do các bên thỏa thuận)
4. Nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng vay tài sản
– Bên cho vay có các nghĩa vụ sau (Điều 473):
+ giao tài sản cho bên vay đầy đủ, đúng chất lượng, số lượng vào thời điểm và địa điểm đã thoả thuận
+ bồi thường thiệt hại cho bên vay, nếu bên cho vay biết tài sản không bảo đảm chất lượng mà không báo cho bên vay biết, trừ trường hợp bên vay biết mà vẫn nhận tài sản đó
+ không được yêu cầu bên vay trả lại tài sản trước thời hạn
– Bên vay có các nghĩa vụ sau (Điều 474):
+ trả nợ đủ và đúng thời hạn như đã thỏa thuận. Nếu tài sản vay là vật thì phải trả vật cùng loại, đúng số lượng, chất lượng. Nếu bên vay không thể trả vật thì có thể trả bằng tiền theo giá trị của vật đã vay nếu được bên cho vay đồng ý
+ việc trả nợ được thực hiện tại nơi cư trú hoặc nơi đặt trụ sở của bên cho vay, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác. Nếu trước thời hạn trả nợ mà bên cho vay đã chuyển địa điểm cư trú, trụ sở đến nơi khác và đã báo trước cho bên vay, thì bên vay phải trả tài sản tại địa chỉ mới của bên cho vay. Nếu có chi phí phát sinh của việc trả nợ tại điểm mới so với địa điểm cũ thì bên cho vay phải chịu thanh toán.
+ trường hợp cho vay không có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả được nợ hoặc trả không đầy đủ thì bên cho vay có thể yêu cầu bên vay phải trả lãi đối với khoản nợ chậm trả theo lãi suất do ngân hàng NN công bố tương ứng với thời gian chậm trả tại thời điểm trả nợ.
+ trường hợp vay có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả được hoặc trả không đầy đủ thì bên vay phải trả lãi trên nợ gốc và lãi nợ quá hạn theo lãi suất cơ bản do ngân hàng NN công bố tại thời điểm trả nợ
IV. Hợp đồng tặng cho tài sản
1. Khái niệm (Điều 465)
– Là sự thỏa thuận giữa các bên mà theo đó bên tặng cho giao tài sản của mình và chuyển quyền sở hữu cho bên được tặng mà không yêu cầu đền bù, còn bên được tặng cho đồng ý nhận.
– Đặc điểm:
+ không có đền bù: đây là loại hợp đồng nằm ngoài quy luật trao đổi ngang giá, trong đó 1 bên trao cho bên kia 1 khoản lợi ích vật chất mà không yêu cầu bên kia phải trao lại cho mình 1 lợi ích vật chất khác.
+ luôn là hợp đồng thực tế: dù 2 bên có sự thỏa thuận cụ thể (bằng văn bản) về đối tượng tặng cho, điều kiện và thời hạn giao tài sản tặng cho, nhưng nếu bên tặng cho chưa giao tài sản cho bên được tặng cho thì hợp đồng tặng cho tài sản chưa được coi là xác lập, và các bên không có quyền yêu cầu bên kia thực hiện hợp đồng.
==> việc hứa tặng không làm phát sinh hiệu lực của hợp đồng tặng cho, bên được hứa tặng không có quyền yêu cầu bên tặng cho phải giao tài sản đã hứa tặng cho
– Hình thức: luật không quy định hình thức hợp đồng tặng cho, riêng với trường hợp tặng cho bất động sản thì bắt buộc phải lập văn bản có công chứng, chứng thực, hoặc đăng ký tài sản cho người được tặng cho
2. Thời điểm có hiệu lực của hợp đồng tặng cho
– Nếu là tài sản không phải đăng ký: thời điểm chuyển giao tài sản
– Nếu là tài sản phải đăng ký: thời điểm hoàn thành đăng ký quyền sở hữu cho bên nhận
Chú ý: thời điểm có hiệu lực của hợp đồng tặng cho không tuân theo quy định chung về thời điểm có hiệu lực của hợp đồng quy định tại Điều 405.
Tại sao ? Vì 2 lý do:
- Là loại hợp đồng nằm ngoài quy luật trao đổi ngang giá
- Chỉ được xác lập và thực hiện chừng nào giữa các bên chủ thể còn tồn tại yếu tố tình cảm
3. Trách nhiệm của bên tặng cho tài sản
– Trường hợp tặng cho tài sản không thuộc sở hữu của mình: Nếu cố ý tặng cho tài sản của người khác và bên được tặng cho cũng không biết thì bên tặng cho phải thanh toán chi phí làm tăng giá trị tài sản cho bên được tặng cho khi chủ sở hữu lấy lại tài sản.
Chú ý: chủ sở hữu chỉ được lấy lại tài sản của mình mếu thỏa mãn Điều 257. Quyền đòi lại động sản không phải đăng ký quyền sở hữu từ người chiếm hữu ngay tình: Chủ sở hữu có quyền đòi lại động sản không phải đăng ký quyền sở hữu từ người chiếm hữu ngay tình trong trường hợp người chiếm hữu ngay tình có được động sản này thông qua hợp đồng không có đền bù với người không có quyền định đoạt tài sản; trong trường hợp hợp đồng này là hợp đồng có đền bù thì chủ sở hữu có quyền đòi lại động sản nếu động sản đó bị lấy cắp, bị mất hoặc trường hợp khác bị chiếm hữu ngoài ý chí của chủ sở hữu.
VD: A mượn điện thoại của B trị giá 5 triệu, A tặng chiếc điện thoại đó cho C, C mang điện thoại đó đi nâng cấp (ví dụ thêm RAM, thẻ nhớ, …) làm tăng giá trị chiếc điện thoại thành 7 triệu. B phát hiện ra và đòi lại chiếc điện thoại. Khi đó A phải thanh toán cho C chi phí làm tăng giá trị tài sản là [7 – 5 = 2 triệu]
Chú ý: trong ví dụ này C là người chiếm hữu ngay tình (vì điện thoại không phải đăng ký quyền sở hữu), và hợp đồng tặng cho của A với C là hợp đồng không có đền bù, nên B là chủ tài sản có quyền đòi lại theo Điều 257.
– Phải thông báo khuyết tật của vật tặng cho, phải bồi thường thiệt hại do vật có khuyết tật gây ra (nếu đã biết vật có khuyết tật).
VD: A có chiếc ô tô, A biết chiếc ô tô của mình sắp bị hỏng phanh, A tặng ô tô cho B, B không biết xe bị hỏng phanh nên gây tai nạn, khi đó nếu B chứng minh được là A biết chiếc xe bị hỏng phanh thì A sẽ phải bồi thường thiệt hại do B dùng xe được A tặng gây ra.
Tham khảo trọn bộ bài giảng môn học Luật dân sự 2: https://study.phapche.edu.vn/khoa-hoc-tim-hieu-mon-luat-dan-su-2?ref=lnpc
Mời bạn xem thêm: