fbpx
ICA - Học viện đào tạo pháp chế doanh nghiệp
Bài giảng môn học Luật dân sự 2 chương V

Bài giảng môn học Luật dân sự 2 chương V: Những quy định chung về hợp đồng dân sự cung cấp những kiến thức cơ bản và quan trọng về hợp đồng dân sự theo quy định pháp luật hiện hành. Sinh viên sẽ nắm vững khái niệm, các nguyên tắc giao kết, thực hiện hợp đồng, quyền và nghĩa vụ của các bên, cũng như cách giải quyết tranh chấp khi hợp đồng bị vi phạm. Bài giảng không chỉ giúp hiểu rõ các điều khoản pháp lý mà còn rèn luyện kỹ năng áp dụng trong thực tiễn đời sống và kinh doanh.

Bài giảng môn học Luật dân sự 2 chương V

Chương V: Những quy định chung về hợp đồng dân sự

1. Khái niệm, phân loại (Điều 388)

a. Khái niệm (Điều 388)

Hợp đồng dân sự là sự thoả thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự.

VD về hợp đồng 3 bên hay nhiều bên:

  • Hợp đồng hợp tác kinh doanh giữa nhiều chủ thể, gọi là tổ hợp tác, phải có ít nhất 3 thành viên trở lên, và cùng ký thỏa thuận về hợp tác kinh doanh, và hợp đồng này phải có chứng thực của UBND cấp xã
  • Hợp đồng liên doanh giữa nhiều đối tác, trong đó quy định rõ quyền và nghĩa vụ từng bên

Chú ý: phân biệt với hợp đồng hỗn hợp: trong 1 hợp đồng có nhiều hợp đồng “con”, nhiều bên cùng ký vào hợp đồng đó

Câu hỏi: Hợp đồng là sự thỏa thuận, vậy có phải mọi sự thỏa thuận đều là hợp đồng ?

Trả lời: Hợp đồng dân sự theo điều 122 quy định phải đáp ứng đủ 3 điều kiện:

  • Người tham gia giao dịch có năng lực hành vi dân sự
  • Mục đích và nội dung của giao dịch không vi phạm điều cấm của pháp luật, không trái đạo đức xã hội
  • Người tham gia giao dịch hoàn toàn tự nguyện

Và phải làm phát sinh, thay đổi, hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự

==> Như vậy chỉ cần thiếu 1 trong các điều trên sẽ không là hợp đồng dân sự

2. Phân loại

Căn cứ vào sự phụ thuộc giữa các loại hợp đồng:

  • Hợp đồng chính: hiệu lực phát sinh một cách độc lập
  • Hợp đồng phụ: hiệu lực phát sinh phụ thuộc vào hợp đồng chính

VD: A cho B thuê nhà, B cho C thuê lại, khi đó hiệu lực của hợp đồng giữa B và C phụ thuộc vào hiệu lực của hợp đồng giữa A và B

VD: A cho B vay, B thế chấp bằng tài sản của mình, thì hợp đồng thế chấp là hợp đồng phụ của hợp đồng vay

Căn cứ vào mối liên hệ giữa quyền và nghĩa vụ:

  • Hợp đồng song vụ: là các bên đều có nghĩa vụ với nhau. VD hợp đồng mua bán, thuê, …
  • Hợp đồng đơn vụ: chỉ 1 bên có nghĩa vụ, bên kia có quyền. VD hợp đồng tặng cho

Căn cứ thời điểm có hiệu lực của hợp đồng:

Hợp đồng thực tế: hiệu lực phát sinh tại thời điểm chuyển giao tài sản. VD hợp đồng tặng cho, hợp đồng cầm cố (theo luật Dân sự mới 2015 thì hợp đồng cầm cố phát sinh hiệu lực kể từ thời điểm 2 bên giao kết ==> chuyển thành hợp đồng ưng thuận)

Hợp đồng ưng thuận: hiệu lực phát sinh tại thời điểm giao kết hoặc tại 1 thời điểm do các bên thỏa thuận

VD: A và B ký kết hợp đồng mua bán và thỏa thuận hợp đồng có hiệu lực từ thời điểm bên bán giao tài sản cho bên mua ==> hợp đồng ưng thuận, vì thời điểm có hiệu lực của hợp đồng sau khi thỏa thuận (chỉ có 2 loại là hợp đồng tặng cho và hợp đồng cầm cố mới là hợp đồng thực tế)

Căn cứ vào tính chất có đi có lại về lợi ích (3 loại):

  • Hợp đồng luôn có đền bù: gồm 7 nhóm hợp đồng: mua bán tài sản, trao đổi tài sản, thuê tài sản, dịch vụ, vận chuyển, gia công, bảo hiểm
  • Hợp đồng luôn không có đền bù: gồm hợp đồng tặng cho tài sản, mượn tài sản
  • Hợp đồng có thể có hoặc không có đền bù: gồm hợp đồng vay tài sản (khi phải trả lãi thì mới có đền bù), gửi giữ tài sản, ủy quyền (có hoặc không có thù lao được quy định trong hợp đồng)

Căn cứ vào đối tượng hợp đồng (2 nhóm):

Hợp đồng có đối tượng là tài sản (2 loại, căn cứ vào mục đích xác lập hợp đồng):

  • Mục đích chuyển quyền sở hữu tài sản: gồm hợp đồng mua bán, vay, tặng cho, trao đổi tài sản
  • Mục đích chuyển quyền sử dụng tài sản: gồm hợp đồng thuê, mượn tài sản

Hợp đồng có đối tượng là công việc phải thực hiện: gồm hợp đồng dịch vụ, vận chuyển, gia công, gửi giữ, bảo hiểm, ủy quyền

Câu hỏi: Hãy phân tích đặc điểm pháp lý của hợp đồng A (hợp đồng cụ thể nào đó)

Trả lời: Dựa vào các căn cứ phân loại trên để xác định A thuộc loại hợp đồng:

  • Song vụ hay đơn vụ,
  • Thực tế hay ưng thuận,
  • Có đền bù hay không có đền bù hoặc vừa có vừa không có đền bù
Bài giảng môn học Luật dân sự 2 chương V
Bài giảng môn học Luật dân sự 2 chương V

Câu hỏi: Phân tích đặc điểm pháp lý của hợp đồng mua bán tài sản.

Trả lời: Đây là loại hợp đồng :

  • Song vụ
  • Ưng thuận
  • Luôn có đền bù
  • Có đối tượng là tài sản
  • Có mục đích chuyển sở hữu tài sản

Hợp đồng vì lợi ích của người thứ ba là hợp đồng mà các bên giao kết hợp đồng đều phải thực hiện nghĩa vụ và người thứ ba được hưởng lợi ích từ việc thực hiện nghĩa vụ đó. VD hợp đồng cha mẹ mua bảo hiểm cho con nhỏ

Hợp đồng có điều kiện là hợp đồng mà việc thực hiện phụ thuộc vào việc phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt một sự kiện nhất định. VD hợp đồng mua con ngựa đua nếu con ngựa đó giành chiến thắng trong cuộc đua ngựa

Hợp đồng dân sự hỗn hợp: chứa nội dung của nhiều hợp đồng khác nhau,

VD hợp đồng du lịch trọn gói sẽ gồm nhiều hợp đồng như hợp đồng vận chuyển (đi bằng máy bay hay ô tô), hợp đồng ăn uống, hợp đồng dịch vụ khách sạn, hợp đồng thăm quan thắng cảnh, …

VD đến hiệu may chọn vải và đặt hàng may quần áo, đây cũng là hợp đồng hỗn hợp gồm hợp đồng mua bán vải và hợp đồng thuê gia công

2. Nội dung hợp đồng (Điều 402)

– Nội dung hợp đồng là tất cả những gì mà các bên thỏa thuận với nhau. Điều 402 quy định nội dung hợp đồng có thể gồm:

(1) Đối tượng của hợp đồng là tài sản phải giao, công việc phải làm hoặc không được làm

(2) Số lượng, chất lượng

(3) Giá, phương thức thanh toán

(4) Thời hạn, địa điểm, phương thức thực hiện hợp đồng

(5) Quyền, nghĩa vụ của các bên

(6) Trách nhiệm do vi phạm hợp đồng

(7) Phạt vi phạm hợp đồng

(8) Các nội dung khác.

Không phải hợp đồng nào cũng có đủ các nội dung trên, VD trong hợp đồng vay sẽ không có giá cả

– Nội dung hợp đồng được chia làm 3 nhóm điều khoản:

+ Nhóm điều khoản cơ bản:

  • là các điều khoản quy định nội dung chủ yếu của hợp đồng
  • có thể do các bên thỏa thuận hoặc do pháp luật quy định (VD điều khoản về sự kiện bảo hiểm trong hợp đồng bảo hiểm có thể do các bên thỏa thuận hoặc do PL quy định)
  • khi giao kết hợp đồng mà thiếu điều khoản cơ bản thì hợp đồng không hình thành được

Chú ý: điều khoản về đối tượng là yêu cầu bắt buộc của mọi hợp đồng, và đều do các bên thỏa thuận, không bao giờ do PL quy định

+ Nhóm điều khoản không cơ bản: là các điều khoản không bắt buộc phải thỏa thuận khi giao kết hợp đồng, gồm 2 nhóm:

  • điều khoản thông thường: là các điều khoản trong luật đã có sẵn (nếu các bên không thỏa thuận thì sẽ theo quy định của PL), VD hai bên ký hợp đồng vay, trong hợp đồng có điều khoản bên vay phải trả lãi, nhưng không nói cụ thể lãi bao nhiêu, khi đó sẽ áp dụng mức lãi suất cơ bản theo quy định của PL
  • điều khoản tùy nghi: là các điều khoản không bắt buộc nhưng các bên có thỏa thuận ghi trong hợp đồng, VD A cho B vay 100 triệu, lãi suất thỏa thuận 1% / tháng, khi đó điều khoản về lãi suất là điều khoản tùy nghi, tức là có thể có hoặc không

Như vậy ngoài điều khoản cơ bản thì điều khoản trong hợp đồng có thể là thông thường hoặc tùy nghi, VD điều khoản về giá trong hợp đồng mua bán có thể là thông thường hoặc tùy nghi, vì PL quy định giá của tài sản trong hợp đồng mua bán do các bên tự thỏa thuận, nếu không thỏa thuận thì sẽ lấy mức giá trên thị trường của tài sản đó vào thời điểm giao kết.

3. Hình thức của hợp đồng

– Điều 401 quy định hình thức của hợp đồng:

   (1) Hợp đồng dân sự có thể được giao kết bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể, khi pháp luật không quy định loại hợp đồng đó phải được giao kết bằng một hình thức nhất định.

   (2) Trong trường hợp pháp luật có quy định hợp đồng phải được thể hiện bằng văn bản có công chứng hoặc chứng thực, phải đăng ký hoặc xin phép thì phải tuân theo các quy định đó.

   Hợp đồng không bị vô hiệu trong trường hợp có vi phạm về hình thức, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

Chú ý: một số loại hợp đồng bắt buộc phải bằng văn bản và phải được công chứng, chứng thực; tuy nhiên việc công chứng, chứng thực hợp đồng không phải là 1 hình thức hợp đồng mà chỉ là thủ tục xác nhận của cơ quan có thẩm quyền về giao dịch giữa các chủ thể.

Chú ý: trường hợp chuyển nhượng đất mà không làm hợp đồng có công chứng, chứng thực, tức là đã vi phạm hình thức của hợp đồng, thì vẫn có thể được công nhận nếu đáp ứng đủ 3 điều kiện:

+ bên nhận chuyển nhượng đã làm nhà, xây các công trình xây dựng, hoặc trồng cây lâu năm trên đất

+ bên chuyển nhượng không phản đối về việc sử dụng đất này

+ việc sử dụng đất không bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai

4. Giao kết hợp đồng dân sự

a. Các nguyên tắc giao kết hợp đồng dân sự (Điều 389)

– Điều 389 quy định 2 nguyên tắc giao kết hợp đồng dân sự:

+ Tự do giao kết hợp đồng nhưng không được trái pháp luật, đạo đức xã hội

+ Tự nguyện, bình đẳng, thiện chí, hợp tác, trung thực và ngay thẳng

b. Trình tự giao kết hợp đồng dân sự

Bước 1: đề nghị giao kết hợp đồng:

Là sự thể hiện ý chí của 1 bên chủ thể với mong muốn giao kết hợp đồng với bên kia

Ba dấu hiệu của đề nghị giao kết:

  • bên đề nghị phải thể hiện rõ mong muốn giao kết hợp đồng
  • trong nội dung lời đề nghị phải chứa đựng điều khoản cơ bản của hợp đồng
  • lời đề nghị phải hướng đến chủ thể nhất định

Hình thức đề nghị giao kết hợp đồng:

  • đề nghị trực tiếp: gặp trực tiếp, hoặc thông qua điện thoại để đề nghị. Thông thường trả lời ngay hoặc sau 1 khoảng thời gian thỏa thuận
  • đề nghị gián tiếp: gửi thư đề nghị, thời gian trả lời do bên đề nghị đưa ra. Chú ý trường hợp bên đề nghị đưa ra điều khoản ‘‘nếu quá thời hạn mà không nhận được ý kiến phản hồi thì chúng tôi coi như lời đề nghị được chấp thuận’’

Tính rằng buộc của lời đề nghị (Điều 390 khoản 2): Trong trường hợp đề nghị giao kết hợp đồng có nêu rõ thời hạn trả lời, nếu bên đề nghị lại giao kết hợp đồng với người thứ ba trong thời hạn chờ bên được đề nghị trả lời thì phải bồi thường thiệt hại cho bên được đề nghị mà không được giao kết hợp đồng nếu có thiệt hại phát sinh. ==> chỉ áp dụng duy nhất trong trường hợp đối tượng của hợp đồng là duy nhất (là vật đặc định), VD bất động sản, tác phẩm nghệ thuật (không áp dụng với hàng hóa thông thường)

Thay đổi, rút khỏi lời đề nghị (Điều 392): bên đề nghị giao kết hợp đồng có thể thay đổi, rút lại đề nghị giao kết hợp đồng trong các trường hợp sau đây:

  1. a) Nếu bên được đề nghị nhận được thông báo về việc thay đổi hoặc rút lại đề nghị trước hoặc cùng với thời điểm nhận được đề nghị
  2. b) Điều kiện thay đổi hoặc rút lại đề nghị phát sinh trong trường hợp bên đề nghị có nêu rõ về việc được thay đổi hoặc rút lại đề nghị khi điều kiện đó phát sinh.

Như vậy, chỉ có thể rút lại lời đề nghị khi bên nhận chưa nhận được lời đề nghị hoặc nhận được cùng với thông báo rút lại, do đó đề nghị trực tiếp không bao giờ rút lại được.

VD: A gửi cho B đề nghị giao kết hợp đồng về cung cấp hàng hóa, trong đó có điều khoản quy định giá của hàng hóa là 10.000 đồng/sản phẩm, kèm theo thỏa thuận : ‘‘trường hợp hợp đồng chưa được giao kết mà giá thị trường tăng lên thì chúng tôi xin được điều chỉnh giá tăng lên theo giá thị trường’’ ==> bên đề nghị đã nêu rõ về việc thay đổi hoặc rút lại đề nghị là khi điều kiện nào đó phát sinh

Hủy bỏ lời đề nghị (Điều 393): Trong trường hợp bên đề nghị giao kết hợp đồng thực hiện quyền huỷ bỏ đề nghị do đã nêu rõ quyền này trong đề nghị thì phải thông báo cho bên được đề nghị và thông báo này chỉ có hiệu lực khi bên được đề nghị nhận được thông báo trước khi bên được đề nghị trả lời chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng.

VD: A gửi cho B đề nghị, A chỉ có thể hủy bỏ lời đề nghị khi B chưa chấp thuận

Câu hỏi: so sánh việc rút lại và hủy bỏ đề nghị giao kết hợp đồng

Trả lời:

Giống nhau: kết quả cùng là không còn giao kết

Khác nhau: khác nhau về điều kiện

  • Rút lại được khi lời đề nghị chưa đến bên nhận hoặc đến cùng với thời điểm nhận được đề nghị
  • Hủy được khi bên nhận đề nghị chưa trả lời chấp thuận, mặc dù đã nhận được đề nghị

– Bước 2: chấp nhận đề nghị:

+ là thể hiện ý chí của bên nhận đề nghị với lời đề nghị

+ Ba dấu hiệu của chấp nhận đề nghị:

  • bên chấp nhận phải trả lời chấp nhận toàn bộ lời đề nghị
  • bên chấp nhận không được đặt ra bất kỳ điều kiện gì khác: nếu đặt ra điều kiện khác thì sẽ là thỏa thuận mới và sẽ cần xác định lại xem ai mới là người đề nghị
  • việc trả lời phải trong thời hạn chờ chấp nhận

Tham khảo trọn bộ bài giảng ôn tập môn học Luật dân sự 2: https://study.phapche.edu.vn/khoa-hoc-tim-hieu-mon-luat-dan-su-2

Mời bạn xem thêm:

Đánh giá bài viết

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài viết liên quan

.
.
.