Chương XIII của bài giảng môn học Luật Hình sự 1 chuyên sâu về “Quyết định hình phạt,” mang đến cái nhìn toàn diện về quy trình và nguyên tắc pháp lý trong việc xác định hình phạt đối với các hành vi phạm tội. Nội dung chương sẽ phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến quyết định hình phạt, bao gồm tính chất và mức độ nguy hiểm của tội phạm, nhân thân của người phạm tội, cùng với các tình tiết tăng nặng và giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Học viên sẽ được trang bị kiến thức cần thiết để hiểu rõ cách thức các cơ quan có thẩm quyền áp dụng hình phạt, cũng như ý nghĩa của việc thực hiện quyết định hình phạt trong việc giáo dục, răn đe và phòng ngừa tội phạm trong xã hội.
Bài giảng môn học Luật hình sự 1 chương XIII
Chương 13: Quyết định hình phạt
I. Khái niệm và các căn cứ
1. Khái niệm
– Quyết định hình phạt là việc toàn án lựa chọn loại và mức hình phạt cụ thể đối với người phạm tội.
2. Các căn cứ quyết định hình phạt
– Các căn cứ quyết định hình phạt (điều 45):
+ các quy định của BLHS
+ tính chất và mức độ nguy hiểm cho XH của hành vi phạm tội: hậu quả, hành vi, công cụ phương tiện sử dụng phạm tội, phạm tội đơn lẻ / đồng phạm, …
+ nhân thân người phạm tội: giới tính, độ tuổi, án tích, hoàn cảnh của người phạm tội (VD phụ nữ có thai, người già), …
+ những tình tiết giảm nhẹ TNHS: được liệt kê trong khoản 1 Điều 46. Chú ý: khi quyết định hình phạt, Toà án còn có thể coi các tình tiết khác là tình tiết giảm nhẹ, nhưng phải ghi rõ trong bản án. (khoản 2 điều 46): đó là những tình tiết khác mà nhà làm luật chưa tính đến, hoặc là những tình tiết không thực sự điển hình. VD cùng là giết người trả thù, với trường hợp người cha trả thù cho người con bị lái xe say rượu gây tai nạn chết thì được xem xét là giảm nhẹ, trong khi với trường hợp trả thù người tố cáo mình phạm tội thì bị coi là tình tiết tăng nặng.
Câu hỏi: Những tình tiết giảm nhẹ TNHS chỉ được quy định trong khoản 1 điều 46 BLHS.
Trả lời: Sai. Vì theo khoản 2 điều 46 có thể lấy các tình tiết giảm nhẹ khác, chỉ cần ghi rõ trong bản án.
+ những tình tiết tăng nặng TNHS: chỉ những tình tiết được liệt kê trong khoản 1 điều 48 mới được coi là tình tiết tăng nặng TNHS (không thể lấy thêm các tình tiết bên ngoài như điều 48, vì theo nguyên tắc nhân đạo: chỉ lấy thêm những gì có lợi, tránh phát sinh điều bất lợi).
+ các tình tiết đã là yếu tố định tội hoặc định khung hình phạt thì không được coi là tình tiết giảm nhẹ hay tăng nặng TNHS khi quyết định hình phạt.
VD: A vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng gây chết người, A được tòa chuyển tội danh từ Giết người (điều 93) sang Giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng (điều 96) thì khi quyết định khung hình phạt, tòa không được viện dẫn 1 lần nữa tình tiết phòng vệ chính đáng để áp dụng điều 46, tức là tình tiết được dùng để định khung hình phạt thì chỉ được dùng 1 lần.
– Tái phạm, tái phạm nguy hiểm (Điều 49)
+ Tái phạm là trường hợp đã bị kết án, chưa được xoá án tích mà lại phạm tội do cố ý hoặc phạm tội rất nghiêm trọng, tội đặc biệt nghiêm trọng do vô ý.
+ Những trường hợp sau đây được coi là tái phạm nguy hiểm:
- Đã bị kết án về tội rất nghiêm trọng, tội đặc biệt nghiêm trọng do cố ý, chưa được xoá án tích mà lại phạm tội rất nghiêm trọng, tội đặc biệt nghiêm trọng do cố ý;
- Đã tái phạm, chưa được xoá án tích mà lại phạm tội do cố ý.
II. Quyết định hình phạt trong các trường hợp đặc biệt
1. Quyết định hình phạt nhẹ hơn quy định của BLHS (điều 47)
– Điều 47: Khi có ít nhất hai tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 46 của BLHS, toà án có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt mà điều luật đã quy định nhưng phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật; trong trường hợp điều luật chỉ có một khung hình phạt hoặc khung hình phạt đó là khung hình phạt nhẹ nhất của điều luật, thì Toà án có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hoặc chuyển sang một hình phạt khác thuộc loại nhẹ hơn. Lý do của việc giảm nhẹ phải được ghi rõ trong bản án.
VD: + A trộm cắp 50 triệu đồng (Điều 138, khoản 2), khung hình phạt của A là từ 2 đến 7 năm tù. A có nhiều tình tiết giảm nhẹ (như phạm tội lần đầu, hoàn cảnh gia đình khó khăn, đã thành khẩn khai báo), lại không có tình tiết tăng nặng, nên dù kết án A ở mức tối thiểu của khoản 2 điều 138 thì vẫn là nặng. Trong trường hợp này, tòa có thể chọn mức hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt, tòa có thể chọn áp dụng theo khoản 1 điều 138 để phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm, tức là có thể áp dụng mức phạt tù thấp nhất là 06 tháng.
+ Nếu truy cứu TNHS theo khoản 3 điều 138 thì khi áp dụng Điều 47 tòa không được quyết định mức hình phạt thấp hơn 2 năm (là mức thấp nhất của khung liền kề nhẹ hơn là khoản 2 điều 138)
+ Nếu khung hình phạt tù là 2 đến 7 năm thì khi áp dụng Điều 47 sẽ được quyết định mức hình phạt nhẹ hơn, nhưng không được nhẹ hơn mức tối thiểu của loại hình phạt đó, ở đây mức tối thiểu của loại hình phạt tù có thời hạn là 03 tháng
+ Nếu khung truy cứu TNHS là phạt tù 3 tháng đến 1 năm, áp dụng điều 47, không được quyết định phạt tù 2 hay 1 tháng (vì mức thấp nhất của hình phạt tù là 3 tháng). Khi đó phải chuyển sang hình phạt khác thuộc loại nhẹ hơn, ở đây sẽ là Cải tạo không giam giữ.
2. Quyết định hình phạt trong trường hợp phạm nhiều tội (điều 50)
– Là trường hợp 1 người phạm từ 2 tội trở lên và cùng bị đưa ra xét xử 1 lần. Khi đó, Tòa án quyết định hình phạt đối với từng tội, sau đó tổng hợp hình phạt chung. Việc tổng hợp hình phạt theo các nguyên tắc sau:
+ nguyên tắc chuyển đổi: chỉ duy nhất chuyển đổi từ cải tạo không giam giữ thành tù có thời hạn theo nguyên tắc 3 ngày cải tạo không giam giữ = 1 ngày tù có thời hạn.
VD: A bị tuyên tội thứ nhất 3 năm cải tạo không giam giữ, tội thứ 2 là 2 năm tù, thì tòa sẽ chuyển đổi 3 năm cải tạo không giam giữ thành 1 năm tù, cộng với tội thứ 2 thành 1+2=3 năm tù giam.
Chú ý: không được chuyển ngược lại từ tù có thời hạn sang cải tạo không giam giữ.
+ nguyên tắc cộng: hình phạt chung là cộng toàn bộ hình phạt riêng với từng tội. Hình phạt chung không vượt quá mức cao nhất của loại hình phạt tổng hợp, hoặc không quá 30 năm với tù có thời hạn, không quá 3 năm với cải tạo không giam giữ.
VD: A phạm tội thứ nhất 10 năm tù, phạm tội thứ hai 15 năm tù, hai tội này có cùng khung hình phạt từ 10 đến 20 năm, tức là tối đa 20 năm, nên hình phạt tổng hợp đối với A là 10+15=25 nhưng theo nguyên tắc không được vượt quá mức cao nhất của loại hình phạt tổng hợp là 20 năm, nên A chỉ phải chịu 20 năm tù.
+ nguyên tắc thu hút: chỉ được đặt ra với hình phạt tù chung thân và tử hình.
- Nếu hình phạt nặng nhất trong số các hình phạt đã tuyên là tù chung thân thì hình phạt chung là tù chung thân
- Nếu hình phạt nặng nhất trong số các hình phạt đã tuyên là tử hình thì hình phạt chung là tử hình
+ nguyên tắc cùng áp dụng: do các hình phạt không thể tổng hợp, ở đây là hình thức phạt tiền / trục xuất không tổng hợp với các loại hình phạt khác, tức là vừa bị phạt tù, vừa phải nộp tiền phạt.
3. Tổng hợp hình phạt của nhiều bản án (Điều 51)
– Trong trường hợp một người đang phải chấp hành một bản án mà lại bị xét xử về tội đã phạm trước khi có bản án này, thì Tòa án quyết định hình phạt đối với tội đang bị xét xử, sau đó quyết định hình phạt chung theo quy định tại Điều 50 của BLHS. Thời gian đã chấp hành hình phạt của bản án trước được trừ vào thời hạn chấp hành hình phạt chung. (khoản 1 điều 51)
VD: A phạm tội bị xử 20 năm tù, A đã chấp hành được 10 năm thì bị phát hiện trước đó đã phạm 1 tội khác, tội này bị tòa tuyên 15 năm, tòa tổng hợp 2 hình phạt là 20 + 15 = 35 năm, theo quy định hạt tù không quá 30 năm nên tổng hình phạt 2 tội của A là 30 năm, A đã chấp hành 10 năm nên A sẽ còn phải chấp hành 30-10=20 năm, tổng thời gian thực tế phạt tù của A cho 2 tội là 30 năm.
– Khi xét xử một người đang phải chấp hành một bản án mà lại phạm tội mới, Tòa án quyết định hình phạt đối với tội mới, sau đó tổng hợp với phần hình phạt chưa chấp hành của bản án trước rồi quyết định hình phạt chung theo quy định tại Điều 50 của Bộ luật này. (khoản điều 51)
VD: A phạm tội bị xử 20 năm tù, A đã chấp hành 10 năm thì lại phạm tội mới (VD đánh bạn tù gây thương tích) và bị tòa tuyên 15 năm cho tội mới, khi đó tòa tổng hợp 15 năm cho tội mới, cộng với thời gian chấp hành còn lại của tội cũ là 20-10=10 năm, tổng là 15+10=25 năm tù A sẽ phải chấp hành, như vậy tổng thời gian thực tế phạt tù của A cho 2 tội là 10+25 = 35 năm.
Chú ý nguyên tắc tổng hợp bản án trong 2 trường hợp này: phạm tội trước thì trừ (thời gian đã chấp hành) sau khi tổng hợp, và phạm tội sau thì trừ (thời gian đã chấp hành) trước khi tổng hợp.
Ý nghĩa: thể hiện pháp luật coi việc tái phạm tội là nguy hiểm hơn, cần trừng phạt nghiêm khắc hơn.
4. Quyết định hình phạt trong trường hợp chuẩn bị phạm tội hoặc phạm tội chưa đạt
– Mức độ nguy hiểm: chuẩn bị phạm tội < phạm tội chưa đạt < phạm tội hoàn thành
Điều 52:
“1. Đối với hành vi chuẩn bị phạm tội và hành vi phạm tội chưa đạt, hình phạt đựơc quyết định theo các điều của Bộ luật này về các tội phạm tương ứng tùy theo tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi, mức độ thực hiện ý định phạm tội và những tình tiết khác khiến cho tội phạm không thực hiện được đến cùng.
- Đối với trường hợp chuẩn bị phạm tội, nếu điều luật được áp dụng có quy định hình phạt cao nhất là tù chung thân hoặc tử hình, thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng là không quá 20 năm tù; nếu là tù có thời hạn thì mức hình phạt không quá 1/2 mức phạt tù mà điều luật quy định.
- Đối với trường hợp phạm tội chưa đạt, nếu điều luật được áp dụng có quy định hình phạt cao nhất là tù chung thân hoặc tử hình, thì chỉ có thể áp dụng các hình phạt này trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng; nếu là tù có thời hạn thì mức hình phạt không quá 3/4 mức phạt tù mà điều luật quy định.”
Câu hỏi: A muốn giết B, A mang dao đến rình ở nhà B để chờ B về để thực hiện hành vi giết người, khi B chưa về thì A bị bắt gặp và bị bắt. Hỏi A đang ở giai đoạn nào, chuẩn bị phạm tội hay phạm tội chưa đạt ? Mức hình phạt cao nhất mà A phải chịu là gì ?
Trả lời: Đây là giai đoạn chuẩn bị phạm tội (phạm tội chưa đạt ở đây phải là A gặp B định chém nhưng B chạy được, hoặc A chém B nhưng B không chết, còn A mới chỉ đứng chờ thì chưa biết đến bao giờ mới gặp B, có thể 10 phút, hoặc cả ngày nên chỉ được coi là chuẩn bị phạm tội). Theo điều 93, khoản 1 mức cao nhất là tử hình, khoản 2 mức cao nhất là 15 năm tù, như vậy tùy vào tình tiết cụ thể:
+ nếu áp dụng khoản 1 điều 93 thì theo điều 52, mức hình phạt cao nhất cho A là 20 năm tù
+ nếu áp dụng khoản 2 điều 93 thì theo điều 52, mức hình phạt cao nhất cho A là 15/2 = 7 năm 6 tháng tù
Trường hợp A đã thực hiện đến mức phạm tội chưa đạt, thì A có thể bị xử tử hình (khoản 3 điều 52) nếu có nhiều tình tiết tăng nặng, hoặc gây dư luận xấu trong XH. Nếu không bị tử hình thì A sẽ bị mức cao nhất bằng 3/4 của mức 15 năm, tức là 11 năm 3 tháng
Tham khảo trọn bộ bài giảng môn học Luật Hình sự 1: https://study.phapche.edu.vn/khoa-hoc-tim-hieu-mon-luat-hinh-su-1?ref=lnpc
Mời bạn xem thêm: