fbpx
ICA - Học viện đào tạo pháp chế doanh nghiệp
Bài giảng môn học Luật hành chính chương I

Bạn đang tìm kiếm bài giảng môn học Luật Hành chính chương I? Chương I của Luật Hành chính đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp những kiến thức cơ bản và nền tảng về khái niệm, đối tượng điều chỉnh, và nguyên tắc cơ bản của ngành luật này. Bài giảng giúp sinh viên nắm vững các quy định pháp luật liên quan đến tổ chức và hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước, từ đó hiểu rõ hơn về cách thức quản lý hành chính nhà nước. Hãy cùng khám phá chi tiết nội dung chương I để chuẩn bị tốt cho môn học này.

Bài giảng môn học Luật hành chính

Vấn đề 1: Luật hành chính – Ngành luật trong hệ thống PL VN

Tiếp cận Luật hành chính dưới 3 góc độ:

  • Là 1 ngành luật: đối tượng điều chỉnh và phương pháp điều chỉnh
  • Là 1 ngành khóa học pháp lý: đối tượng nghiên cứu và phương pháp nghiên cứu
  • Là 1 môn học trong chương trình đào tạo luật: nhiệm vụ của môn học, làm cách nào để thực hiện nhiệm vụ đó.

VD:

  • Luật hiến pháp là ngành luật về tổ chức bộ máy NN và quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân.
  • Luật dân sự là ngành luật về quyền tài sản và quyền nhân thân.
  • Luật hình sự là ngành luật về tội phạm và hình phạt

Luật hành chính là ngành luật về quản lý hành chính NN.

I. Quản lý hành chính nhà nước

1. Quản lý xã hội

a. Khái niệm:

ĐN: quản lý là sự điều khiển chỉ đạo đối với 1 hệ thống hay 1 quá trình căn cứ vào những quy luật, định luật hay những nguyên tắc tương ứng, để cho hệ thống hay quá trình ấy vận động theo ý muốn của người quản lý, nhằm đạt được mục đích đã đề ra.

Nói ngắn gọn, quản lý là hoạt động tác động và điều chỉnh.

Nguồn gốc của quản lý: khi con người có hoạt động lao động chung thì khi đó có quản lý. Tức là khi con người xuất hiện và lao động chung (cùng sắn bắn, hái lượm) đã có hoạt động quản lý. Ngược lại, ngay trong thời hiện tại, khi đã có NN, nếu con người không lao động chung, tức là hoạt động 1 mình thì cũng không có hoạt động quản lý, VD như Robinson trên hoang đảo.

b. Đặc điểm của quản lý:

Quản lý là hoạt động của con người, nó phát sinh và phát triển cùng với XH loài người

Hoạt động quản lý trong thời kỳ, XH nào sẽ phản ánh bản chất của thời kỳ, XH đó. Tức là hoạt động quản lý gắn với bản chất XH. VD với NN bóc lột như NN chủ nô, phong kiến thì kiểu quản lý cũng là bóc lột, dùng phương pháp cưỡng chế, bạo lực là chủ yếu; với NN dân chủ như XHCN thì kiểu quản lý cũng dân chủ, phương pháp thuyết phục là ưu tiên hành đầu.

Quản lý muốn thực hiện được phải dựa trên cơ sở:

  • Tổ chức: là sự phân công, phân nhiệm vị trí chức trách của từng cá nhân trong tập thể, là sự liên kết phối hợp hoạt động của các cá nhân để nhằm đạt được mục đích mà người quản lý đề ra.
  • Quyền uy: là khả năng áp đặt ý chí của người này đối với người khác. Quyền uy trong XH có NN được thực hiện bởi chủ thể nhân danh NN gọi là quyền lực NN. Quyền lực NN là khả năng áp đặt ý chí của NN – ý chí của giai cấp thống trị lên toàn XH.

Để có quyền uy thì:

  • Chủ thể phải có khả năng ra mệnh lệnh
  • Có sự phục tùng của đối tượng quản lý

Chấp hành cưỡng chế: cưỡng chế là sự bắt buộc về mặt vật chất hoặc tinh thần, pháp lý hay đạo lý, kinh tế hoặc phi kinh tế, để nhằm buộc đối tượng quản lý phải phục tùng mệnh lệnh của chủ thể quản lý. VD NN ra quy định về giao thông, đồng thời ra quy định về xử phạt vi phạm giao thông. Lực lượng thực hiện chức năng cưỡng chế của NN là công an, quân đội, nhà tù.

3 cơ sở trên là các điều kiện cần và đủ để hoạt động quản lý có hiệu quả trên thực tế.

c. Cơ cấu của quản lý:

Chủ thể quản lý tác động lên đối tượng quản lý, nhằm mục tiêu là khách thể quản lý.

Chủ thể quản lý: là các cá nhân hay tổ chức có quyền uy.

  • V+ với cá nhân: quyền uy được hình thành có thể do có uy tín (như tù trưởng), có tài sản (như chủ tư bản) , có quan hệ huyết thống (như cha mẹ trong gia đình, hoặc trong một số NN quân chủ), và được NN trao quyền
  • Với tổ chức: quyền uy của tổ chức có thể do các thành viên của tổ chức trao (do bầu cử), hoặc do NN trao quyền

Khách thể quản lý: là trật tự quản lý XH (trật tự là khuôn mẫu chuẩn mực, có tính bắt buộc cho các đối tượng có liên quan). Được thể hiện trong các quy phạm XH như quy phạm đạo đức, quy phạm chính trị, quy phạm tôn giáo, quy phạm PL.

Khái niệm khách thể: là mục tiêu của các bên cùng hướng đến trong 1 quan hệ.

VD: cảnh sát giao thông phạt người vi phạm giao thông, khách thể ở đây là trật tự an toàn giao thông, đây là khách thể được NN quy định trước, đối tượng bị phạt sẽ được răn đe, được giáo dục để không tiếp tục vi phạm

Bài giảng môn học Luật hành chính chương I
Bài giảng môn học Luật hành chính chương I

2. Quản lý nhà nước

a. Khái niệm

Quản lý nhà nước là 1 bộ phận của quản lý XH.

ĐN: quản lý NN là hoạt động của NN trên các lĩnh vực lập pháp, hành pháp, tư pháp để nhằm thực hiện chức năng đối nội, đối ngoại của NN.

b. Đặc điểm

Quản lý NN cũng có đầy đủ 3 đặc điểm của quản lý XH như đã nêu trên, tuy nhiên quản lý NN khác với quản lý XH ở các khía cạnh:

  • Quản lý NN do NN thực hiện: NN tồn tại thông qua các cơ quan NN và các chủ thể được NN trao quyền,  NN sử dụng các biện pháp kinh tế để đảm bảo hiệu quả quản lý của mình hơn các quản lý XH khác, NN là chủ thể quản lý có khả năng tạo ra chế độ dân chủ rộng rãi, thu hút các đối tượng XH tham gia vào công tác quản lý
  • NN sử dụng công cụ, phương tiện chủ yếu là PL để quản lý: chỉ NN mới có quyền ban hành và sử dụng PL, các chủ thể khác trừ khi được NN trao quyền thì không được sử dụng PL của NN

c. Cơ cấu

Cơ cấu của quản lý NN tương tự như quản lý XH

Chủ thể của quản lý NN là các cá nhân và tổ chức được NN trao quyền (hay mang quyền lực NN). NN trao quyền theo 2 cách:

  • Bằng văn bản quy phạm PL: VD luật tổ chức chính phủ, luật tổ chức UBND, HĐND, …
  • Bằng văn bản PL cá biệt: VD bổ nhiệm ông A làm thẩm phán, bổ nhiệm bà B làm kiểm sát viên

Các chủ thể được NN trao quyền:

  • Các cơ quan NN
  • Các cá nhân được NN trao quyền: đội ngũ cán bộ, công chức
  • Các tổ chức XH được NN trao quyền: chỉ trong một số trường hợp nhất định

Khách thể của quản lý NN là trật tự quản lý NN, được xác lập trên 3 lĩnh vực cơ bản:

  • Trật tự quản lý NN trên lĩnh vực lập pháp
  • Trật tự quản lý NN trên lĩnh vực hành pháp
  • Trật tự quản lý NN trên lĩnh vực tư pháp

Các trật tự này được phản ánh trong các quy phạm PL

3. Quản lý hành chính NN

a. Khái niệm

ĐN: quản lý hành chính NN là 1 hình thức quản lý hoạt động của NN được thực hiện trước hết và chủ yếu bởi cơ quan hành chính NN, có nội dung là việc chấp hành hiến pháp và PL, nhằm tổ chức 1 cách trực tiếp và thường xuyên công cuộc xây dựng kinh tế, văn hóa, XH và hành chính của đất nước

Nói cách khác, quản lý hành chính NN là hoạt động chấp hành – điều hành của NN.

b. Đặc điểm

Là hoạt động có tính chấp hành – điều hành:

  • Chấp hành: là việc thực hiện đúng các văn bản PL của cơ quan quyền lực NN (VD chính phủ phải thực hiện đúng văn bản của Quốc hội, UBND phải thực hiện đúng văn bản của HĐND cùng cấp), bên cạnh đó chấp hành còn thể hiện ở việc thực hiện đúng các văn bản của cơ quan NN cấp trên (VD UBND cấp xã phải thực hiện đúng văn bản của UBND cấp huyện, UBND cấp huyện phải thực hiện đúng văn bản của UBND cấp tỉnh, UBND cấp tỉnh phải thực hiện đúng văn bản của chính phủ và thủ tướng chính phủ)
  • Điều hành: là việc chỉ đạo các đối tượng thuộc quyền trong quá trình quản lý. Tức là đã có văn bản rồi thì phải tổ chức thực hiện văn bản đó, đã có mệnh lệnh của cấp trên thì phải triển khai để nhân viên cấp dưới thực hiện trong thực tế

Chấp hành và điều hành có mối quan hệ mật thiết với nhau, không thể xem nhẹ yếu tố nào. Vì trong quá trình quản lý, nếu chỉ chấp hành mà không điều hành thì hoạt động quản lý sẽ không được triển khai sâu rộng vào trong thực tiễn, ngược lại nếu chỉ điều hành mà không chấp hành thì thì sự chỉ đạo điều hành có thể tùy tiện, thậm chí trái PL.

Câu hỏi: Vì sao chấp hành – điều hành là đặc trưng của quản lý hành chính NN ? So với hoạt động quản lý NN khác như hoạt động lập pháp, tư pháp có khác nhau không ?

Trả lời: 

  • Hoạt động lập pháp là hoạt động ban hành, sửa đổi các luật do quốc hội thực hiện, sau khi có luật thì giao cho cơ quan hành pháp tổ chức thực hiện, do đó hoạt động lập pháp có tính chấp hành là chủ yếu, vai trò điều hành của hoạt động lập pháp rất mờ nhạt.
  • Hoạt động tư pháp là hoạt động giải quyết các tranh chấp pháp lý và được tiến hành bởi cơ quan tòa án, tham gia vào hoạt động tư pháp còn có viện kiểm sát và các cơ quan bổ trợ tư pháp. Viện kiểm sát đóng 2 vai trò: đối với án hình sự thì viện kiểm sát đóng vai trò công tố, còn đối với án phi hình sự thì viện kiểm sát đóng vai trò kiểm tra giám sát hoạt động xét xử của tòa án. Ngoài ra VKS còn đóng vai trò giám sát việc thi hành án. Như vậy hoạt động tư pháp không có tính điều hành, (vì tòa xét xử xong là tuyên án và giao cho cơ quan thi hành án) mà có tính chấp hành bảo vệ (tức là bảo vệ các quan hệ XH được PL quy định).

Như vậy có thể thấy chỉ có hoạt động quản lý hành chính mới có đầy đủ tính chấp hành – điều hành, nên tính chấp hành – điều hành là đặc trưng của quản lý hành chính NN.

Chú ý: Hoạt động lập pháp >< hoạt động ban hành văn bản PL

  • Hoạt động lập pháp: là hoạt động ban hành, sửa đổi các luật, chỉ có quốc hội mới có quyền lập pháp, và phải thực hiện theo thủ tục trình tự được quy định chặt chẽ
  • Hoạt động ban hành văn bản PL: là việc ban hành, sửa đổi các luật và các văn bản dưới luật (như nghị định, thông tư, quyết định, …), ngoài quốc hội còn có các cơ quan NN như chính phủ, bộ, UBND, tham gia vào hoạt động ban hành PL

Hoạt động quản lý hành chính NN là hoạt động có tính chủ động sáng tạo cao

Hoạt động quản lý hành chính NN là hoạt động có tính khoa học

Hoạt động quản lý hành chính NN là hoạt động có tính chính trị rõ nét

Hoạt động quản lý hành chính NN là hoạt động được đảm bảo về phương tiện tổ chức bộ máy to lớn

c. Cơ cấu

Chủ thể của quản lý hành chính NN là các cá nhân và tổ chức được NN trao quyền để thực hiện quản lý hành chính NN. Gồm:

  • Các cơ quan NN: chủ yếu là các cơ quan hành chính NN
  • Các cá nhân, tổ chức được NN trao quyền quản lý hành chính

Chú ý: cần phân biệt người được giao quyền hành chính với người giao quyền lập pháp và tư pháp. VD đại biểu Quốc hội chỉ có quyền lập pháp, không thể có quyền ra quyết định xử phạt hành chính; ngược lại người cảnh sát giao thông có quyền ra quyết định xử phạt vi phạm giao thông nhưng không thể có quyền lập pháp như đại biểu quốc hội. Chú ý: với trường hợp của thẩm phán là người có quyền tư pháp, không có quyền hành chính, tuy nhiên trong trường hợp thẩm phán đang điều hành phiên tòa, nếu có người gây mất trật tự phiên tòa thì thẩm phán có quyền xử phạt hành chính người đó về tội gây rối tại phiên tòa, khi đó thẩm phán vừa có quyền về tư pháp, vừa có quyền về hành pháp.

Khách thể quản lý hành chính NN là trật tự quản lý hành chính NN. VD trật tự quản lý trên lĩnh vực giao thông, lĩnh vực văn hóa, … Khách thể của quản lý hành chính NN được phản ánh trong các quy pháp PL hành chính.

Chú ý: quản lý NN theo nghĩa hẹp là quản lý hành chính NN, còn quản lý NN theo nghĩa rộng là quản lý NN trên 3 lĩnh vực lập pháp, hành pháp, tư pháp. Vì quản lý hành chính NN bao trùm các lĩnh vực của đời sống XH, nên khi nói đến hoạt động quản lý NN thường nghĩ ngay đến hoạt động quản lý hành chính NN

Ngành luật hành chính

Văn bản => văn bản PL => văn bản quy phạm PL => ngành luật

Văn bản là thông tin được thể hiện bằng ngôn ngữ viết. Văn bản chia làm 2 loại:

Văn bản thể hiện quyền lực NN: VD luật hình sự, luật dân sự, giấy triệu tập của tòa án, …

Văn bản không thể hiện quyền lực NN

Văn bản PL là văn bản thể hiện quyền lực NN, gồm 2 loại:

  • Văn bản quy phạm PL: áp dụng chung, VD Hiến pháp, các luật, thông tư, nghị định, …
  • Văn bản áp dụng PL (văn bản cá biệt PL): áp dụng đối với từng trường hợp cụ thể

Ngành luật: là tập hợp các văn bản quy phạm PL cùng loại, được phân biệt bởi 2 yếu tố:

Đối tượng điều chỉnh

Phương pháp điều chỉnh

Khái niệm Luật hành chính: Luật hành chính là 1 ngành luật độc lập trong hệ thống PL VN, bao gồm tổng thể các quy phạm PL điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh trong hoạt động quản lý hành chính NN và bằng phương pháp mệnh lệnh phục tùng

1. Đối tượng điều chỉnh của ngành luật Hành chính

Đối tượng điều chỉnh của luật (nói chung) là các quan hệ XH.

Đối tượng điều chỉnh của luật hành chính là các quan hệ XH phát sinh trong hoạt động quản lý hành chính NN.

  • VD: người dân khởi kiện 1 quyết định hành chính thu hồi quyền sử dụng đất ảnh hưởng đến tài sản của họ ==> đây là hoạt động tư pháp, không phải hoạt động hành chính
  • VD: thanh tra y tế xử phạt hiệu thuốc bán thuốc quá hạn sử dụng ==> đây là hoạt động hành chính

Đối tượng điều chỉnh của luật hành chính được chia làm 3 nhóm (dựa vào chủ thể thực hiện hoạt động quản lý hành chính):

Nhóm 1: gồm những quan hệ XH phát sinh trong quá trình cơ quan hành chính NN thực hiện chức năng quản lý hành chính NN. Đây là nhóm có số lượng lớn nhất , phong phú nhất, bao gồm một số quan hệ XH cơ bản như sau: 9 quan hệ (ngoài 9 nhóm trên, còn có các quan hệ PL khác):

(1) Giữa cơ quan hành chính NN cấp trên với cơ quan hành chính NN cấp dưới theo hệ thống dọc (VD giữa chính phủ với UBND tỉnh) hoặc với cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh (VD giữa bộ tư pháp và sở tư pháp)

(2) Giữa cơ quan hành chính NN có thẩm quyền chung với cơ quan NN có thẩm quyền chuyên môn cùng cấp (VD giữa chính phủ với bộ) hoặc với cơ quan chuyên môn trực thuộc nó (VD giữa UBND tỉnh và sở)

(3) Giữa cơ quan hành chính NN có thẩm quyền chuyên môn ở trung ương với cơ quan hành chính NN có thẩm quyền chung ở cấp tỉnh nhằm thực hiện chức năng theo PL (VD giữa bộ với UBND tỉnh)

(4) Giữa những cơ quan hành chính NN có thẩm quyền chuyên môn ở TƯ (VD giữa bộ tài chính với bộ tư pháp trong việc quản lý ngân sách NN)

(5) Giữa cơ quan hành chính NN ở địa phương với các đơn vị trực thuộc TƯ tại địa phương (VD giữa UBND quận Đống Đa với Trường Đại học Luật)

(6) Giữa cơ quan hành chính NN với các đơn vị cơ sở trực thuộc (VD giữa bộ tư pháp với trường đại học luật)

(7) Giữa cơ quan hành chính NN với các tổ chức kinh tế tư nhân (VD giữa UBND với doanh nghiệp)

(8) Giữa cơ quan hành chính NN với các tổ chức XH (VD giữa chính phủ với Mặt trận tổ quốc)

(9) Giữa cơ quan hành chính NN với công dân, người nước ngoài, người không quốc tịch (VD UBND xã cấp giấy chứng nhận đăng ký kết hôn cho công dân)

Câu hỏi: Mọi quan hệ XH có cơ quan hành chính NN là chủ thể tham gia đều là quan hệ PL hành chính, Đúng hay Sai, vì sao.

Trả lời: Sai, ví dụ UBND thuê doanh nghiệp xây dựng trụ sở thì đó là quan hệ dân sự

  • Nhóm 2: gồm những quan hệ XH được hình thành trong quá trình các cơ quan NN thực hiện hoạt động quản lý hành chính nội bộ. Đặc trưng là quan hệ giữa thủ trưởng với nhân viên. VD: thủ trưởng cơ quan ký quyết định thành lập hội đồng khen thưởng kỷ luật trong đơn vị
  • Nhóm 3: nhóm các quan hệ XH giữa các cá nhân, tổ chức được NN trao quyền thực hiện hoạt động quản lý hành chính NN trong một số trường hợp cụ thể. VD: trên máy bay, cơ trưởng có quyền ra lệnh bắt giữ hành khách vi phạm an toàn bay, tuy nhiên cơ trưởng không có quyền phạt hành chính.

Câu hỏi: cảnh sát giao thông phạt vi phạm giao thông thuộc nhóm mấy ?

Trả lời: Đây là quan hệ thuộc nhóm 1, vì cảnh sát giao thông thuộc cơ quan hành chính NN là công an xã /quận và đang thực hiện chức năng của mình

2. Phương pháp điều chỉnh

Phương pháp điều chỉnh của luật Hành chính là phương pháp mệnh lệnh được hình thành từ quan hệ quyền lực phục tùng giữa 1 bên chủ thể được nhân danh NN để thực hiện quyền lực NN trong lĩnh vực hành pháp được ra những mệnh lệnh có tính chất bắt buộc thi hành đối với bên kia.

Hiểu ngắn gọn là phương pháp “mệnh lệnh – phục tùng” hay có thể gọi là phương pháp “bất bình đẳng về quyền lực NN” (tức là 1 bên buộc phải tuân theo)

Trường hợp nhân viên nhận thấy quyết định của thủ trưởng có thể gây hậu quả xấu thì phải báo cáo thủ trưởng (chú ý báo cáo bằng văn bản), nếu thủ trưởng vẫn kiên quyết cho thực hiện thì người nhân viên vẫn bắt buộc phải thực hiện. Khi đó nếu hậu quả xấu xảy ra thì trách nhiệm thuộc về thủ trưởng, nhân viên không bị quy trách nhiệm. Ngược lại nếu nhân viên không báo cáo thủ trưởng về nguy cơ hậu quả xấu thì sẽ bị quy trách nhiệm liên đới cùng với thủ trưởng (là người chịu trách nhiệm chính)

Trường hợp người bị áp đặt mệnh lệnh hành chính mà không thi hành thì sẽ bị NN dùng quyền lực cưỡng chế (công an, quân đội). Trường hợp mệnh lệnh hành chính sai, không hợp lý thì người bị áp dụng có quyền khiếu nại, tố cáo lên cơ quan có thẩm quyền.

Câu hỏi: Vì sao phương pháp điều chỉnh của luật hành chính là quyền lực – phục tùng?

Trả lời: Vì đối tượng điều chỉnh là quan hệ quản lý, mà điều kiện để thực hiện của quản lý là phải có quyền lực, quyền uy.

Ngành luật Hành chính là ngành luật độc lập, có đối tượng điều chỉnh và phương pháp điều chỉnh riêng biệt:

  • Đối tượng điều chỉnh: quan hệ XH phát sinh trong lĩnh vực quản lý hành chính NN
  • Phương pháp điều chỉnh: mệnh lệnh – phục tùng

3. Nguồn của luật Hành chính

Nguồn của Luật Hành chính là các văn bản quy phạm PL do các chủ thể có thẩm quyền ban hành, mà nội dung có chứa các quy phạm PL hành chính

Ai có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm PL luật Hành chính ?

Tất cả các cơ quan tổ chức NN có quyền ban hành văn bản quy phạm PL (xem Luật ban hành văn bản quy phạm PL): quốc hội, UBTV quốc hội, chính phủ, bộ, cơ quan ngang bộ, UBND, TAND tối cao, VKSND tối cao, …

Chú ý: Nghị quyết của Đảng không phải là nguồn của luật Hành chính, vì Đảng không phải là bộ phận của NN, không đại diện sử dụng quyền lực NN

Dấu hiệu của văn bản là nguồn của luật Hành chính:

  • Là văn bản quy phạm PL
  • Nội dung có quy phạm hành chính
  • Do NN ban hành

VD: hiến pháp, các luật, nghị định, thông tư, …

Đặc điểm của nguồn luật Hành chính:

  • Số lượng rất lớn
  • Do rất nhiều cơ quan, chủ thể ban hành
  • Nội dung phong phú

Tham khảo trọn bộ bài giảng môn học Luật hành chính: https://study.phapche.edu.vn/khoa-hoc-tim-hieu-mon-luat-hanh-chinh-viet-nam?ref=lnpc

Mời bạn xem thêm:

Đánh giá bài viết

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài viết liên quan

.
.
.