fbpx
ICA - Học viện đào tạo pháp chế doanh nghiệp
Bài giảng môn học Lý luận nhà nước và pháp luật chương VII

Bài giảng môn học Lý luận nhà nước và pháp luật chương VII tập trung vào việc phân tích cấu trúc và nội dung của các nguyên tắc pháp lý cơ bản trong hệ thống pháp luật. Qua chương này, sinh viên sẽ hiểu rõ hơn về mối quan hệ giữa nhà nước và pháp luật, từ đó áp dụng hiệu quả vào nghiên cứu và thực tiễn. Với sự hỗ trợ từ đội ngũ giảng viên uy tín, nội dung bài giảng được trình bày một cách chi tiết và dễ hiểu, giúp người học nắm bắt kiến thức chuyên môn một cách toàn diện.

Bài giảng môn học Lý luận nhà nước và pháp luật chương VII

CHƯƠNG VII. PHÁP LUẬT DÂN SỰ VÀ PHÁP LUẬT HÔN NHÂN GIA ĐÌNH

I. Pháp luật Dân sự

1. Khái niệm Luật dân sự, quan hệ pháp luật dân sự:

1.1 Khái niệm Luật dân sự:

    Luật dân sự là ngành luật độc lập trong hệ thống pháp luật Việt Nam gồm tổng thể các quy phạm pháp luật điều chỉnh các nhóm quan hệ tài sản hoặc quan hệ nhân thân phát sinh giữa các cá nhân hoặc giữa cá nhân với tổ chức trong quá trình sinh hoạt, phân phối lưu thông, tiêu dùng.

    Đối tượng điều chỉnh của luật dân sự:

    Là những quan hệ tài sản và quan hệ nhân thân phát sinh trong quá trình sản xuất, phân phối, lưu thông, tiêu dùng các sản phẩm hàng hóa nhằm thoả mãn các nhu cầu hàng ngày của các thành viên trong xã hội.

    Phương pháp điều chỉnh: là phương pháp thỏa thuận, bình đẳng giữa các bên trong khuôn khổ quy định của pháp luật.

    1.2 Khái niệm quan hệ pháp luật dân sự:

    Là quan hệ xã hội được các quy phạm pháp luật dân sự điều chỉnh, trong đó các bên tham gia độc lập về tổ chức và tài sản, bình đẳng về địa vị pháp lý, quyền và nghĩa vụ của các bên tham gia được pháp luật bảo đảm thực hiện thông qua các biện pháp cưỡng chế.

    Đặc điểm:

    – Chủ thể tham gia quan hệ pháp luật dân sự độc lập với nhau về tổ chức và tài sản, được phép tự định đoạt nhưng không được trái pháp luật.

    – Các chủ thể có địa vị pháp lý bình đẳng nhau

    – Các biện pháp cưỡng chế đa dạng, không chỉ do pháp luật quy định mà mỗi bên có thể tự yêu cầu Tòa án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền buộc bên kia phải thực hiện các nghĩa vụ của mình.

    Các biện pháp cưỡng chế trong quan hệ pháp luật dân sự chủ yếu mang tính chất tài sản.

    Tham khảo: Luật dân sự là một ngành luật độc lập trong hệ thống pháp luật Việt Nam

    2. Một số chế định cơ bản của Luật Dân sự:

    2.1 Chế định về quyền sở hữu:

      a) Khái niệm quyền sở hữu: Quyền sở hữu là tổng hợp các quy phạm pháp luật điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh trong lĩnh vực chiếm hữu, sử dụng, định đoạt các tư liệu sản xuất và tư liệu tiêu dùng.

      Quyền sở hữu bao gồm các quyền năng của chủ sở hữu đối với tài sản của mình. Đó là:

      • Quyền chiếm hữu
      • Quyền sử dụng
      • Quyền định đoạt.

      Chủ sở hữu có thể là cá nhân, pháp nhân và các chủ thể khác có đầy đủ 03 quyền năng trên.

      Tài sản sở hữu có thể là động sản, bất động sản, các giấy tờ có gía bằng tiền và các quyền tài sản.

      b) Căn cứ xác lập và chấm dứt quyền sở hữu:

      Các căn cứ xác lập quyền sở hữu:

      • Do lao động, hoạt động sản xuất kinh doanh hợp pháp,
      • Thu hoa lợi, lợi tức
      • Được chuyển giao quyền sở hữu theo thỏa thuận hoặc quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
      • Vật tạo thành do sáp nhập, trộn lẫn, chế biến.
      • Thừa kế tài sản. Chiếm hữu đối với vật vô chủ, vật bị đánh rơi, bỏ quên, chôn dấu…. theo quy định của pháp luật.
      • Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật.

      Các căn cứ chấm dứt quyền sở hữu:

      • Chủ sở hữu chuyển quyền sở hữu của mình cho người khác
      • Chủ sở hữu từ bỏ quyền sở hữu
      • Tài sản bị tiêu hủy
      • Tài sản bị trưng mua
      • Tài sản bị tịch thu
      • Tài sản bị xử lý để thực hiện nghĩa vụ của chủ sở hữu
      • Vật bị đánh rơi, bị thất lạc, bị bỏ quên mà người khác đã xác lập quyền sở hữu do pháp luật quy định.
      • Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật.

      2.2 Chế định về quyền thừa kế:

      a) Khái niệm quyền thừa kế: Thừa kế là việc chuyển dịch tài sản (gọi là di sản) của người chết (gọi là người để lại di sản) cho người, tổ chức khác (gọi là người thừa kế) theo di chúc hoặc theo quy định của pháp luật.

      Quyền thừa kế là tổng hợp các quy phạm pháp luật về thừa kế, quy định về việc bảo vệ và quy định trình tự dịch chuyển tài sản và quyền tài sản của người chết cho người sống.

      Di sản bao gồm tài sản riêng của người chết và phần tài sản của người chết trong tài sản chung với người khác, quyền về tài sản và nghĩa vụ tài sản của người chết.

      Thời điểm mở thừa kế là thời điểm người để lại tài sản chết.

      Cá nhân thừa kế là cá nhân còn sống vào thời điểm mở thừa kế hoặc sinh ra và còn sống sau thời điểm mở thừa kế nhưng đã thành thai trước khi người để lại di sản chết.

      Tổ chức thừa kế: là tổ chức phải còn tồn tại vào thời điểu mở thừa kế.

      Những người không được quyền hưởng di sản thừa kế thuộc một trong các trường hợp sau đây:

      • Người bị kết án có hành vi cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe hoặc có hành vi ngược đãi nghiêm trọng, hành hạ nười để lại di sản, xâm phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người đó.
      • Người vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ nuôi dưỡng người để lại di sản.
      • Người bị kết án có hành vi cố ý xâm phạm tính mạng người thừa kế khác nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ phần di sản mà người thừa kế đó có quyền được hưởng.
      • Người co hành vi lừa đối, cưỡng ép hoặc ngăn trở việc lập di chúc, giả mạo di chúc, sửa chữa di chúc, hủy di chúc nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ di sản trái với ý chí của người để lại di sản.
      • Các trường hợp trên vẫn được quyền thừa kế nếu người để lại di sản qua di chúc vẫn cho người bị tước quyền thừa kế hưởng di sản.
      Bài giảng môn học Lý luận nhà nước và pháp luật chương VII
      Bài giảng môn học Lý luận nhà nước và pháp luật chương VII

      b) Các hình thức thừa kế:

      Thừa kế theo di chúc: Là việc chuyển dịch di sản của người chết cho người còn sống hoặc tổ chức theo sự định đoạt của người này lúc còn sống.

      Hình thức di chúc: Di chúc có thể lập thành văn bản hoặc di chúc miệng.

      Di chúc bằng văn bản được thể hiện dưới các hình thức:

      – Di chúc bằng văn bản không có người làm chứng: trường hợp này người lập di chúc phải tự tay viết và ký vào bản di chúc trong đó có ghi rõ ngày, tháng, năm lập di chúc, họ tên, nơi cư trú của người lập di chúc, họ tên người, cơ quan, tổ chức được hưởng di sản, các di sản được hưởng, nghĩa vụ của người hưởng di chúc phải thực hiện (nếu có)

      – Di chúc bằng văn bản có người làm chứng:

      Trường hợp người để lại di sản có thể tự mình viết di chúc hoặc nhờ người khác viết nhưng phải có ít nhất 02 người làm chứng. Người làm chứng phải là người không có quyền và nghĩa vụ liên quan đến di sản thừa kế.

      – Di chúc bằng văn bản có chứng thực của cơ quan nhà nước: Người muốn lập di chúc cũng có thể đến UBND xã, phường, thị trấn hoặc cơ quan công chứng để nêu yêu cầu cần lập di chúc.

      – Di chúc miệng: trường hợp tính mạng một người bị cái chết đe dọa do bệnh tật hoặc các nguyên nhân khác mà không thể lập di chúc bằng văn bản thì có thể di chúc miệng trước ít nhất 02 người làm chứng và ngay sau đó những người làm chứng ghi chép lại, cùng ký tên hoặc điểm chỉ.

      Sau 03 tháng kể từ ngày lập di chúc miệng mà người lập di chúc còn sống thì nội dung di chúc miệng không còn giá trị.

      Thừa kế theo pháp luật:

      Thừa kế theo pháp luật là trường hợp chuyển dịch di sản cho các thừa kế là cá nhân theo quy định của pháp luật.

      Áp dụng khi tài sản hoặc phần tài sản không có di chúc, di chúc không hợp pháp, những người thừa kế theo di chúc đều chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người để lại di sản; tổ chức, cơ quan được hưởng di sản theo di chúc nhưng không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế; những người được chỉ định thừa kế theo di chúc mà từ chối hưởng di sản hoặc không có quyền hưởng di sản.

      Những người được thừa kế gọi là diện thừa kế. Diện thừa kế được xếp vào các hàng thừa kế theo thứ tự 1, 2, 3. Những người trong cùng một hàng được hưởng phần thừa kế bằng nhau. Những người thừa kế ở hàng sau chỉ được hưởng khi không còn ai ở hàng thừa kế trước.

      Hàng và diện thừa kế:

      – Hàng thứ 1: vợ, chồng, cha ruột, mẹ ruột, cha nuôi, mẹ nuôi, con ruột, con nuôi của người chết.

      – Hàng thứ 2: Ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh, chị, em ruột của người chết.

      – Hàng thứ 3: cụ nội, cụ ngoại, cụ ngoại của người hết, bác ruột, chú ruột, cô ruột, dì ruột, cậu ruột, và cháu ruột của người chết.

      Thừa kế thế vị: Trường hợp con của người để lại di sản chết trước người để lại di sản, thì cháu được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của cháu được hưởng nếu còn sống. Nếu cháu cũng chết trước người để lại di sản thì chắt được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của chắt được hưởng nếu còn sống.

      1. Trình tự, thủ tục xét xử và giải quyết các vụ kiện dân sự:
        Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004:

      Vụ án dân sự phát sinh tại tòa án khi có cá nhân, cơ quan, tổ chức yêu cầu Toà án bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của mình hoặc của người khác đang bị tranh chấp hay vi phạm.

      • Trình tự, thủ tục:

      3.1 Tòa án thụ lý vụ án: là việc Tòa án nhân dân chấp nhận đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ kèm theo của cá nhân, cơ quan, tổ chức. Nếu thấy vụ án thuộc thẩm quyền của mình thì ghi vào sổ thụ lý để giải quyết.

      Việc Tòa án thụ lý vụ án chỉ xảy ra khi cá nhân, cơ quan, tổ chức có đơn nộp tại Tòa án nhân dân để yêu cầu Tòa án giải quyết vụ kiện dân sự đó. Trong đơn khởi kiện phải có các nội dung sau:

      – Ngày, tháng, năm làm đơn khởi kiện;

      – Tên Tòa án nhận đơn khởi kiện

      – Tên, địa chỉ của người có quyền và lợi ích được bảo vệ nếu có.

      – Tên, địa chỉ của người bị kiện

      – Tên, địa chỉ của người có quyền và nghĩa vụ liên quan, nếu có.

      – Những vấn đề cụ thể yêu cầu tòa án giải quyết đối với bị đơn, người có quyền và nghĩa vụ liên quan.

      – Họ tên, địa chỉ của người làm chứng, nếu có

      – Tài liệu, chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu khởi kiện là có căn cứ hợp pháp.

      – Các thông tin khác mà người khởi kiện xét thấy cần thiết cho việc giải quyết vụ án.

      – Người khởi kiện là cá nhân phải ký tên hoặc điểm chỉ, nếu cơ quan, tổ chức khởi kiện thì đại diện hợp pháp của cơ quan, tổ chức đó phải ký tên, đóng dấu vào phần cuối đơn.

      Sau khi nghiên cứu đơn khởi kiện, nếu thấy vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án mình, Thẩm phán phải thông báo ngay cho nguyên đơn để họ đến Tòa án làm thủ tục nộp tiền tạm ứng án phí dân sự (trong trường hợp họ phải nộp tiền tạm ứng án phí). Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được giấy báo của Tóa án về việc nộp tiền tạm ứng án phí, nguyên đơn phải nộp tiền tạm ứng án phí, trừ trường hợp được miễn án phí, miễn nộp tiền tạm ứng án phí.

      3.2. Giai đoạn hòa giải và chuẩn bị xét xử:

      a) Giai đoạn hòa giải: Là một thủ tục bắt buộc trong hầu hết các vụ án dân sự do Tòa án tiến hành. Mục đích: là giúp cho đương sự tự nguyên thỏa thuận với nhau về cách giải quyết tranh chấp theo nguyên tắc tự định đoạt, với sự phân tích, hướng dẫn hợp lý, hợp tình và đúng pháp luật của Tòa án. Nếu ở giai đoạn này mà hòa giải thành công thì không phải đưa vụ án ra xét xử, nếu như vậy sẽ tiết kiệm được thời gian, công sức của cá nhân, cơ quan, tổ chức trong quá trình giải quyết vụ án dân sự.

      3.3 Giai đoạn xét xử sơ thẩm vụ án dân sự.

      Sau khi có quyết định đưa vụ án ra xét xử thì Tòa án nhân dân phải mở phiên tòa sơ thẩm. Yêu cầu của việc xét xử là xem xét, kiểm tra tài liệu, chứng cứ đã thu thập được, trên cơ sở đó vận dụng đúng pháp luật nội dung để giải quyết chính xác quyền và nghĩa vụ của đương sự trong vụ án.

      3.4 Thẩm quyền xét xử vụ án sơ thẩm.

      Tòa án nhân dân cấp huyện có thẩm quyền xét xử sơ thẩm hầu hết các vụ án dân sự, hôn nhân gia đình, tranh chất trong kinh doanh thương mại, tranh chấp về lao động

      3.5 Xét xử phúc thẩm:

      Là việc Tòa án nhân dân cấp trên (tòa án cấp tỉnh), trực tiếp xét xử lại vụ án mà bản án và quyết định sơ thẩm của Tòa án nhân dân cấp dưới xét xử chưa có hiệu lực pháp luật khi có kháng cáo hoặc kháng nghị theo quy định của pháp luật, mục đích là nhằm sửa chữa những sai lầm của Tòa án cấp dưới trong các bản án, quyết định của TA cấp dưới chưa có hiệu lực pháp luật.

      3.6 Giám đốc thẩm và tái thẩm:

      a) Thủ tục Giám đốc thẩm: được tiến hành đối với các bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật nếu phát hiện có vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong việc giải quyết vụ án.

      b) Thủ tục Tái thẩm: được tiến hành đối với những bản án, quyết định của tòa án đã có hiệu lực pháp luật nếu phát hiện thấy tình tiết mới có thể làm thay đổi cơ bản nội dung của bản án, quyết định của Tòa án, các đương sự không biết được khi Tòa án ra bản án, quyết định đó.

      3.7 Thi hành án dân sự:

      Là giai đoạn cuối cùng của tố tụng dân sự. Chỉ khi bản án, quyết định của Tòa án nhân dân được thi hành xong thì quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức bị xâm phạm hay bị tranh chấp mới được bảo vệ trên thực tế, thủ tục thi hành án dân sự được quy định tại Luật Thi hành án dân sự năm 2008.

      II. Pháp luật về Hôn nhân gia đình

      1. Khái niệm Luật hôn nhân gia đình.
        Luật Hôn nhân gia đình là một ngành luật trong hệ thống pháp luật Việt Nam, tổng hợp các quy phạm pháp luật do nhà nước ban hành hoặc thể chế hóa nhằm điều chỉnh các quan hệ hôn nhân – gia đình về nhân thân và tài sản.

      Văn bản pháp luật Hôn nhân gia đình gồm những quy phạm pháp luật điều chỉnh những quan hệ xã hội giữa cá thành viên trong gia đình về những lợi ích nhân thân và lợi ích tài sản.

      Đối tượng điều chỉnh:

      – Quan hệ nhân thân.

      – Quan hệ tài sản.

      Tham khảo: Luật hôn nhân và gia đình là một ngành luật độc lập trong hệ thống pháp luật Việt Nam

      1. Những nguyên tắc cơ bản của Luật Hôn nhân gia đình.
        Nguyên tắc cơ bản của Luật Hôn nhân gia đình là những nguyên lý, tư tưởng chỉ đạo quán triệt toàn bộ hệ thống các quy phạm pháp luật hôn nhân và gia đình.

      Các nguyên tắc cơ bản của Luật hôn nhân gia đình là:

      – Hôn nhân tự nguyện, tiến bộ;

      – Một vợ, một chồng;

      – Vợ chồng bình đẳng;

      – Hôn nhân giữa công dân Việt Nam thuộc các dân tộc, các tôn giáo, giữa người theo tôn giáo với người không theo tôn giáo, giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ.

      – Vợ chồng có nghĩa vụ thực hiện chính sách kế hoạch hóa gia đình,

      – Nhà nước và xã hội không thừa nhận sự phân biệt đối xử giữa các con, giữa con trai và con gái, con đẻ và con nuôi, con trong giá thú và con ngoài giá thú.

      – Bảo vệ phụ nữ và trẻ em, giúp đỡ các bà mẹ thực hiện chức năng cao quý của các bà mẹ

      – Cha mẹ có nghĩa vụ nuôi dạy con thành công dân có ích cho xã hội; con có nghĩa vụ kính trọng, chăm sóc nuôi dưỡng cha mẹ; cháu có nghĩa vụ kính trọng,chăm sóc, phụng dưỡng ông bà; các thành viên trong gia đình có nghĩa vụ quan tâm, chăm sóc, giúp đỡ nhau.

      3. Một số nội dung cơ bản của Luật hôn nhân gia đình.

      Các quan hệ pháp luật hôn nhân gia đình xuất phát từ các sự kiện kết hôn, sinh đẻ, nuôi con nuôi… những sự kiện có tính chất đặc biệt.

        3.1 Kết hôn:

        a) Điều kiện kết hôn:

        Kết hôn là sự kiện làm phát sinh quan hệ pháp luật hôn nhân gia đình, vì vậy, khi kết hôn, người kết hôn phải tuân theo các điều kiện kết hôn và các vấn đề khác có liên quan do luật Hôn nhân và gia đình quy định nhằm mục đích xây dựng hôn nhân tự nguyện, tiến bộ, bình đẳng.

        Các điều kiện về kết hôn trong Luật Hôn nhân gia đình gồm 02 loại: Điều kiện về nội dung và điều kiện về hình thức.

        Điều kiện về nội dung:

        • Phải đủ tuổi kết hôn: nam là 20, nữ là 18. Đây là điều kiện quan trọng để hôn nhân có giá trị pháp lý.
        • Phải có sự tự nguyện của cả nam và nữ: việc kết hôn phải do nam nữ tự nguyện, không bên nào được ép buộc bên nào, không ai được cưỡng ép, cản trở việc kết hôn.
        • Phải tuân theo nguyên tắc một vợ một chồng: việc hôn nhân chỉ được thực hiện giữa những người chưa có vợ, chưa có chồng hoặc những người đã ly hôn hay vợ (hoặc chồng) đã chết. Bên cạnh việc cấm người đang có vợ, có chồng kết hôn, Luật Hôn nhân gia đình còn cấm những người đang có vợ, có chồng chung sống với người khác như vợ chồng.
        • Luật Hôn nhân gia đình cấm kết hôn giữa những người cùng dòng máu về trực hệ: giữa anh, chị em cùng cha mẹ, cùng cha khác mẹ, cùng mẹ khác cha, giữa những người có họ trong phạm vi 03 đời; giữa cha mẹ nuôi với con nuôi, giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, bố chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, bố dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng; Luật hôn nhân gia đình còn cấm kết hôn giữa những người cùng giới tính; người mất năng lực hành vi dân sự.

        Điều kiện về hình thức: phải được nhà nước công nhận và trao giấy chứng nhận đăng ký kết hôn cho hai bên.

        – Việc kết hôn phải do UBND xã, phường, thị trấn nơi cư trú của một trong hai người kết hôn công nhận và trao giấy chứng nhận đăng ký kết hôn cho hai bên.

        – Việc kết hôn giữa công dân Việt Nam ở nước ngoài do cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam công nhận.

        Mọi nghi thức kết hôn khác đều không có giá trị pháp lý. Đây là biện pháp để Nhà nước kiểm tra việc tuân theo pháp luật trong việc thực hiện các điều kiện kết hôn và ngăn chặn những hiện tượng vi phạm điều kiện kết hôn. Đăng ký kết hôn là biện pháp bảo đảm quyền lợi cho 02 bên nam nữ. Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn là chứng cứ Nhà nước xác nhận 02 bên đã phát sinh và tồn tại quan hệ vợ chồng hợp pháp được Nhà nước bảo hộ.

        b) Hủy hôn nhân trái pháp luật:

        Việc kết hôn vi phạm một trong những điều kiện kết hôn thì bị coi là trái pháp luật. Đối với hôn nhân trái pháp luật biện pháp xử lý là hủy việc kết hôn trái pháp luật, đây là một chế tài của Luật hôn nhân gia đình. Ngoài các biện pháp trên, tòa án có thể áp dụng pháp luật hình sự để xử lý nếu mức độ vi phạm nghiêm trọng (Chương XV của bộ luật hình sự)

        3.2 Quan hệ pháp luật giữa vợ và chồng:

        Việc kết hôn hợp pháp là phát sinh quan hệ hôn nhân giữa vợ và chồng. Nội dung quan hệ pháp luật giữa vợ và chồng là các quyền và nghĩa vụ nhân thân và các quyền và nghĩa vụ tài sản.

        a) Quyền và nghĩa vụ nhân thân giữa vợ chồng:

        Là những quyền mang yếu tố tình cảm gắn liền với bản thân vợ chồng không thể chuyển giao cho người khác được.

        b) Quyền và nghĩa vụ về tài sản giữa vợ và chồng: bao gồm:

        – Quyền sở hữu tài sản

        – Quyền thừa kế tài sản

        – Quyền và nghĩa vụ cấp dưỡng

        Quyền sở hữu tài sản: vợ chồng có quyền sở hữu chung đối với tài sản chung; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung, được thừa kế, tặng cho riêng nhưng thỏa thuận nhập và khối tài sản chung; quyền sử dụng đất của vợ chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của VC, QSDĐ của vợ chồng có được trước khi kết hôn, hoặc được thừa kế riêng chỉ là tài sản chung khi vợ chồng có thỏa thuận.

        Trường hợp tài sản thuộc SH chung của vợ chồng mà pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu thì trong giấy chứng nhận quyền sở hữu phải ghi tên của cả vợ và chồng. Đối với tài sản chung có giá trị lớn thì việc giao dịch đối với những tài sản có giá trị lớn phải có sự thỏa thuận của VC.

        Luật Hôn nhân gia đình thừa nhận quyền có tài sản riêng của VC, vợ chồng có toàn quyền quyết định sử dụng theo ý muốn cá nhân.

        Quyền thừa kế tài sản của nhau của vợ và chồng. (Điều 31) “VC có quyền thừa kế tài sản của nhau theo quy định của pháp luật về thừa kế….” Quy định này nhằm bảo đảm quyền bình đẳng giữa vợ và chồng trong quan hệ thừa kế và quan hệ tài sản.

        Điều kiện để vợ chồng có quyền thừa kế tài sản của nhau theo luật là giữa họ phải có hôn nhân hợp pháp (thừa kế theo luật). Ngoài ra, vợ chồng còn được thừa kế tài sản của nhau theo di chúc.

        Quyền và nghiã vụ cấp dưỡng:

        Xuất phát từ nghĩa vụ chăm sóc nhau giữa vợ chồng. Quyền và nghĩa vụ này phát sinh từ khi kết hôn cho đến khi hôn nhân chấm dứt. Trong một số trường hợp quyền và nghĩa vụ cấp dưỡng giữa vợ và chồng vẫn tồn tại sau khi ly hôn với điều kiện “một bên khó khăn, túng thiếu, có yêu cầu cấp dưỡng mà có lý do chính đáng” thì “bên kia phải cấp dưỡng theo khả năng của mình”.

        3.3 Quan hệ pháp luật giữa cha mẹ và con:

        Căn cứ phát sinh quan hệ pháp luật giữa cha mẹ và con là sự kiện sinh đẻ và nhận con nuôi.

        Nội dung quan hệ pháp luật giữa cha mẹ và con là những quyền và nghĩa vụ pháp lý của cha mẹ đối với con và của con đối với cha mẹ. Cha mẹ có quyền và nghĩa vụ ngang nhau đối với con, không được phân biệt đối xử giữa các con, các con có nghĩa vụ ngang nhau trong đời sống gia đình.

        Con ngoài giá thú được cha mẹ nhận hoặc được tòa án cho nhận cha mẹ thì có quyền và nghĩa vụ như con trong giá thú; con nuôi được nhận nuôi hợp pháp cũng có mọi quyền và nghĩa vụ như con đẻ.

        • Nghĩa vụ và quyền nhân thân giữa cha mẹ và con.

        Cha mẹ có nghĩa vụ và quyền yêu thương, trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của con, tôn trọng ý kiến của con, giáo dục con, chăm lo việc học tập để con phát triển lành mạnh về thể chất, trí tuệ và đạo đức, trở thành người con hiếu thảo trong gia đình;

        – Cha mẹ không phân biệt đối xử giữa các con, ngược đãi, hành hạ, xúc phạm con, không được lạm dụng sức lao động của con chưa thành niên, không được xúi dục, ép con làm những chuyện trái pháp luật, đạo đức xã hội.

        – Con có nghĩa vụ kính yêu, chăm sóc nuôi dưỡng cha mẹ, lắng nghe lời khuyên bảo của cha mẹ, giữ gìn danh dự, truyền thống tốt đẹp của gia đình.

        – Con riêng đã thành niên có nghĩa vụ và quyền chăm sóc, nuôi dưỡng bố dượng, mẹ kế cùng chung sống với mình khi họ đã tuổi cao, sức yếu.

        – Nghiêm cấm con có hành vi ngược đãi, hành hạ, xúc phạm cha mẹ.

        – Cha mẹ có quyền đại diện cho con chưa thành niên, (con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự) trước pháp luật nhằm bảo vệ lợi ích hợp pháp cho con.

        – Con đã thành niên ở chung với cha mẹ có quyền lựa chọn nghề nghiệp, tham gia công tác chính trị, kinh tế văn hóa xã hội.

        Nghĩa vụ và quyền về tài sản giữa cha mẹ và con:

        – Cha mẹ có nghĩa vụ phải cấp dưỡng nuôi con kể từ khi mới sinh cho đến khi con thành niên.

        – Cha mẹ có nghĩa vụ nuôi dưỡng con thành niên tàn tật, mất năng lực hành vi dân sự không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.

        – Phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại do hành vi trái pháp luật của con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự gây ra cho người khác.

        – Con có quyền có tài sản riêng, cha mẹ có quyền quản lý tài sản riêng của con chưa thành niên.

        – Cha mẹ và con có quyền thừa kế tài sản của nhau.

        Nghĩa vụ cấp dưỡng giữa các thành viên khác trong gia đình.

        Nghĩa vụ cấp dưỡng trong một số trường hợp nhất định: ông bà nội, ông bà ngoại không sống chung với cháu có nghĩa vụ cấp dưỡng cho cháu trong trường hợp cháu chưa thành niên, hoặc cháu đã thành niên không có khả năng lao động, không có tài sản để tự nuôi mình và không có người cấp dưỡng.

        Cháu đã thành niên có nghĩa vụ cấp dưỡng cho ông bà nội, ông bà ngoại trong trường hợp ông bà không có khả năng lao động, không có tài sản để tự nuôi mình và không có người khác cấp dưỡng.

        Anh chị em có nghĩa vụ đùm bọc lẫn nhau trong trường hợp không còn cha mẹ, hoặc cha mẹ không có khả năng lao động và không có tài sản để cấp dưỡng cho con.

        3.4 Giám hộ giữa các thành viên trong gia đình.

        Giám hộ là việc cá nhân, tổ chức hoặc cơ quan nhà nước (gọi là người giám hộ) được pháp luật quy định, hoặc được cử để thực hiện việc chăm sóc và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người chưa thành niên, người bị bệnh tâm thần hoặc mắc một bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình (gọi là người được giám hộ).

        Người được giám hộ:

        – Người chưa thành niên không còn cha mẹ, không xác định được cha mẹ, hoặc cha mẹ đều mất năng lực, hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự; bị tòa án hạn chế quyền của cha mẹ, hoặc còn cha mẹ nhưng cha mẹ không có điều kiện chăm sóc, giáo dục người chưa thành niên đó và nếu cha mẹ có yêu cầu.

        – Người dã thành niên bị bệnh tâm thần hoặc mắc các bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình.

        Việc cử người giám hộ phải được UBND xã, phường nơi cư trú của người giám hộ công nhận và phải lập thành văn bản, trong đó ghi rõ lý do cử người giám hộ, quyền và nghĩa vụ cụ thể của người giám hộ, tình trạng tài sản của người được giám hộ.

        Người giám hộ phải có đủ các điều kiện sau:

        • Đủ 18 tuổi trở lên;
        • Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ
        • Có điều kiện cần thiết đảm bảo việc thực hiện việc giám hộ

        Nghĩa vụ của người giám hộ:

        • Chăm sóc, giáo dục người được giám hộ,
        • Quản lý tài sản của người được giám hộ,
        • Đại diện cho người được giám hộ trong các giao dịch dân sự theo quy định của pháp luật.
        • Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người được giám hộ.

        Việc giám hộ được thực hiện theo quy định của Bộ Luật Dân sự.

        3.5 Chấm dứt hôn nhân.

        Hôn nhân chấm dứt do vợ hoặc chồng chết hay có tuyên cáo tử vong đối với vợ hoặc chồng hoặc do ly hôn.

        a) Chấm dứt hôn nhân do vợ hoặc chồng chết (hoặc có tuyên cáo tử vong)

        Tuyên cáo tử vong (tuyên bố chết) là việc Tòa án có thẩm quyền tuyên bố một người là đã chết theo yêu cầu của những người có quyền và lợi ích liên quan trong một số trường hợp pháp luật quy định. Khi một người bị Tòa án tuyên bố chết, thì hậu quả pháp lý là chấm dứt năng lực pháp luật và mọi quan hệ tài sản và quan hệ nhân thân giải quyết như một người đã chết.

        Sau khi vợ hoặc chồng chết (tuyên bố tử vong) người còn sống vẫn được hưởng các quyền lợi phát sinh từ hôn nhân với người đã chết (người bị tuyên bố chết), tài sản chung của vợ chồng sẽ được chia theo pháp luật về thừa kế.

        b) Chấm dứt hôn nhân do ly hôn.

        Ly hôn là việc chấm dứt quan hệ vợ chồng trước pháp luật (bản án xử cho ly hôn hoặc quyết định thuận tình ly hôn)

        Nhà nước bảo hộ hôn nhân, bảo hộ quyền tự do ly hôn của vợ chồng, tuy nhiên việc giải quyết ly hôn không thể tùy tiện theo ý chí nguyện vọng của vợ chồng mà phải dựa trên cơ sở pháp luật quy định. Nhà nước kiểm soát việc ly hôn nhằm bảo vệ quyền lợi cho mỗi người, cho xã hội và bảo đảm các nguyên tắc hôn nhân XHCN. Theo pháp luật Việt Nam chỉ Tòa án nhân dân mới có quyền xử ly hôn.

        Pháp luật quy định có hai trường hợp ly hôn:

        – Thuận tình ly hôn (cả hai vợ chồng đề có đơn xin ly hôn)

        – Ly hôn theo yêu cầu của một bên:

        Khi vợ hoặc chồng hoặc cả hai vợ chồng có đơn ly hôn, thì Tòa án phải tiến hành điều tra, hòa giải nhằm đoàn tụ gia đình. Hòa giải là thủ tục tố tụng bắt buộc khi xét xử các vụ án ly hôn. Nếu hòa giải không thành thì mới xét xử và chỉ xử ly hôn nếu thấy tình trạng mâu thuẩn gia đình trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích hôn nhân không đạt.

        Để bảo vệ bà mẹ và trẻ em, luật hôn nhân gia đình quy định điều kiện hạn chế xin ly hôn của người chồng khi người vợ đang có thai, hay sinh con chưa được một năm. Luật không hạn chế quyền xin ly hôn của người vợ.

        Hậu quả pháp lý của ly hôn:

        – Chấm dứt quan hệ hôn nhân, quyền và nghĩa vụ nhân thân của vợ và chồng chấm dứt.

        – Thanh toán tài sản chung của vợ và chồng: trên cơ sở 02 bên tự thỏa thuận phân chia và Tòa án công nhận. Nếu hai bên không thỏa thuận được thì Tòa án sẽ quyết định theo quy định của Pháp luật.

        – Giải quyết vấn đề con cái: Tòa án giải quyết cho ai nuôi con và việc cấp dưỡng nuôi con căn cứ vào điều kiện vật chất và các điều kiện khác như tinh thần, đạo đức, tư cách và thời gian của người được giao, xuất phát từ việc bảo vệ lợi ích cho đứa trẻ. Thời hạn cấp dưỡng theo nguyên tắc chung là phải cấp dưỡng đến khi con trưởng thành. Trường hợp con đủ 18 tuổi nhưng bị tàn tật hay bị bệnh thì cha mẹ vẫn phải cấp dưỡng cho con đến khi con có thể lao động tự túc được.

        – Cấp dưỡng giữa vợ chồng sau ly hôn.

        Việc cấp dưỡng giữa vợ chồng sau ly hôn: khi thỏa 02 điều kiện;

        • Một bên khó khăn túng thiếu, yêu cầu bên kia cấp dưỡng sau khi ly hôn.
        • Bên cấp dưỡng có khả năng.

        Việc cấp dưỡng sẽ chấm dứt khi một trong hai bên chết hoặc bên được cấp dưỡng kết hôn với người khác.

        • Quan hệ hôn nhân gia đình giưã công dân Việt Nam với người nước ngoài. (chương XI)

        UBND cấp tỉnh là cơ quan có thẩm quyền giải quyết việc đăng ký kết hôn, nhận con ngoài giá thú, nuôi con nuôi và giám hộ giữa người Việt Nam với người nước ngoài.

        Việc kêt hôn giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài mỗi bên phải tuân theo pháp luật của nước mình về điều kiện kết hôn và cấm kết hôn.

        Tham khảo trọn bộ bài giảng ôn tập môn học Lý luận nhà nước và pháp luật: https://study.phapche.edu.vn/khoa-hoc-tim-hieu-mon-ly-luan-nha-nuoc-va-phap-luat?ref=lnpc

        Mời bạn xem thêm:

        Đánh giá bài viết

        Trả lời

        Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

        Bài viết liên quan

        .
        .
        .